28.06.2017

Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh

Linh mục Giáo xứ Thái Hà bị cấm xuất cảnh

Linh mục Giáo xứ Thái Hà, người bị dừng xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia" nói với BBC rằng "chính quyền nên hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân."
Bản quyền hình ảnh FB NGUYEN NGOC NAM PHONG Image caption Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong được nhiều người biết đến qua các bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà thường được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội vào Chủ nhật mỗi cuối tháng.

Trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý - hòa bình hôm 25/6 tại Nhà thờ Thái Hà, bài giảng của linh mục Nam Phong có nội dung: "Cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách trong việc xây dựng đất nước thành một xã hội thực sự công bằng, dân chủ và văn minh; Cầu nguyện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (người sẽ ra tòa hôm 29/6) được bình an, can đảm tuyên xưng đức tin và được xét xử đúng pháp luật."

Trả lời BBC hôm 28/6, ông cho hay: "Sự việc xảy ra vào chiều 27/6, tôi đang làm thủ tục xuất cảnh đi Úc tham dự một khóa học của nhà dòng thì công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngăn lại."

"Biên bản của họ ghi lý do "bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".

"Tôi có nói lại với họ rằng việc ngăn tôi xuất cảnh là trái pháp luật và tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cũng như không được tôn trọng."

"Bản thân tôi chưa từng bị chế tài hay bị lập biên bản về việc vi phạm pháp luật."

"Phía an ninh sân bay cũng chỉ nói loanh quanh rằng có chuyện gì đó khiến Công an Hà Nội không cho tôi xuất cảnh và họ chỉ làm theo yêu cầu từ đơn vị khác chứ không có trách nhiệm giải thích cho tôi biết lý do."

"Tôi đang cân nhắc chuyện khiếu kiện vì bị dừng xuất cảnh."

Đề cập về những bài giảng thánh lễ Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phong nói: "Tôi rao giảng đúng với trách nhiệm của linh mục trước những vấn đề xã hội."

Bản quyền hình ảnh FB NGUYEN NGOC NAM PHONG Image caption Biên bản dừng xuất cảnh đối với linh lục Nguyễn Ngọc Nam Phong

'Đấu tố'

"Lẽ ra với những trường hợp bị dừng xuất cảnh, cơ quan chức năng cần báo trước cho đương sự để họ khỏi lỡ dở công việc."

"Tôi đã phải sắp xếp công việc mục vụ cả năm cho chuyến đi này nhưng rồi không đi được."

Linh mục cũng cho hay ông là người thứ hai ở giáo xứ Thái Hà bị dừng xuất cảnh.

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong nói ông đề nghị cấp hộ chiếu từ năm 1998 nhưng bị phòng Xuất nhập cảnh Công an Hà Nội từ chối vì "lý lịch không tốt."

"Mãi đến cuối năm 2014 tôi mới được cấp hộ chiếu và hôm qua là lần xuất cảnh đầu tiên của tôi nhưng không thành."

Ông cũng cáo buộc với BBC rằng thời gian qua, ông bị chính quyền Hà Nội dùng lực lượng cựu chiến binh để "đấu tố".

"Một nhà nước pháp quyền thì phải hành xử theo pháp luật chứ không thể tùy tiện xâm phạm quyền công dân, cũng như sử dụng những người thiếu hiểu biết pháp luật để tấn công nhắm vào các linh mục lên tiếng trước các vấn đề xã hội, môi trường như Formosa," linh mục Phong nói.

Trên mạng xã hội, một số trang ghi "Nhân dân cả nước hết sức phẫn nộ với nội dung Nguyễn Ngọc Nam Phong rao giảng trong ngày 30/4/2017. Đề nghị chính quyền Hà Nội xử lý tên phản động này, giữa thủ đô mà để những phần tử này làm loạn thế này sao?".

Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.

Năm 2011, báo chí trong nước đồng loạt công kích Giáo xứ Thái Hà 'bạo động và gây rối trong quá trình đòi đất'.

Căng thẳng giữa chính quyền Hà Nội và Công giáo khởi phát từ vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà năm 2008.

Khoảng 30 linh mục và giáo dân bị chính quyền Hà Nội bắt và đưa đi sau buổi nộp đơn khiếu nại và tuần hành tháng 12/2011. Chính quyền đã thả họ sau khi kết tội 'Gây rối trật tự công cộng' và đe dọa sẽ trừng trị nếu tái diễn.

BBC Tiếng Việt


Bài đọc thêm:

Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình của Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong

LM Nguyễn Ngọc Nam Phong - Chúa Cứu Thế
Chúng ta đang sống trong Mùa phục sinh.

Hôm nay cũng là ngày 30 tháng Tư lịch sử. Ngày mà ông Võ Văn Kiệt – nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sinh thời đã nói: “ngày có cả triệu người vui, thì cũng có cả triệu người buồn.”

Những người vui đa phần là những người của bên thắng cuộc. Những người đã mặc cho cuộc chiến phi pháp và phi nghĩa này những hạn từ thật kiều diễm: “giải phóng”, “thống nhất đất nước” hay “hòa bình lập lại” ở Việt Nam.

Những ngày gần đây, những ai yêu mến mảnh đất hình chữ S này, những ai có lương tri đang ngày đêm thao thức cùng với Mẹ Việt Nam, đều đã phải đặt lại vấn đề về tính chính danh của cuộc nội chiến hai Miền Nam bắc kéo dài hơn 20 năm (1954-1975) với hàng triệu người chết, hàng chục triệu người bị thương tật và những hệ lụy của nó kéo dài cho tới hôm nay.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Nên gọi cuộc nội chiến này là gì để đừng xát thêm muối vào những vết thương đang làm cho dân tộc Việt trong nước bị chia rẽ hay bị phân tán?

Có thể nào gọi cuộc nội chiến Bắc Nam như là một cuộc giải phóng không, bởi vì tự nó, không ai lại đi “giải phóng” một quốc gia giầu có hơn mình, nhất là đó là một quốc gia được quốc tế công nhận như Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975? Nếu như vậy phải gọi rõ “cuộc chiến huynh đệ tương tàn” (1954-1975) là một hành vi xâm lược, chứ không được gọi đó là “giải phóng miền Nam”?

Cái gọi là “thống nhất” kể từ ngày 30 tháng Tư 1975 đến nay đã 42 năm. 42 năm đã qua đi kể từ ngày thống nhất, đất nước chúng ta có thực sự thống nhất không?

Suy gẫm về ngày 30/4 lịch sử, về cái gọi là “giải phóng” hay “thống nhất”, trang tin điện tử Dòng Chúa Cứu Thế có đăng một bài viết có tựa đề “Đất nước hình thập tự” của tác giả Tịnh Khê – bút danh của một tân tòng. Chị là một trong những người luôn thao thức với đất nước. Chị luôn đặt những thao thức của bản thân trong một cái nhìn đức tin chân thành. Tác giả viết:

“Kẻ dữ giết Chúa, họ đóng đinh Người trên thập giá. Chúa nghiêng đầu thương đau. Ngắm Chúa trên cao, chợt thấy hao hao hình chữ “S”! Bỗng giật mình: chẳng phải đất nước này cũng đang bị đóng đinh sao?

Cái “đầu” miền Bắc chẳng phải cũng đang đội một chiếc mão gai thật to, thật sắc nhọn là bọn giặc Tàu? Chúng làm cho đầu não ra như tê liệt. Chúng ngầm khuynh đảo, kiểm  soát mọi lĩnh vực của đất nước này, bởi có không ít kẻ quyền cao chức trọng đã quỳ gối quy phục chúng!

Cái đầu của mỗi con dân Việt Nam cũng bị tròng lên một thứ mão gai vô hình. Đó là nền giáo dục nhồi sọ, bị chính trị hoá, thiếu nhân bản, rỗng tuếch về chuyên môn và đi ngược với sự phát triển – một sự phát triển toàn diện về đời sống và nhân cách, chứ không phải một kiểu phát triển “theo định hướng”. Đó là thứ gọi là văn hoá nhưng đầy tính loại bỏ, đe nẹt, thanh trừng và bất lương. Sản phẩm của nền giáo dục và văn hoá ấy chính là những hành vi loạn luân, phi nhân tính, làm tan tác tổ ấm gia đình và rệu nát nền tảng xã hội. Sản phẩm ấy còn là kiểu hành xử côn đồ của nhân viên công quyền, nhân danh pháp luật; là “tiến sĩ giấy”; là tiếng kêu oan rền trời từ Bắc chí Nam; là sự khánh kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy tàn nhuệ khí dân tộc!

Hai tay Chúa giang rộng, tay phải đặt trên Tây Nguyên, tay trái đặt ra biển đảo. Máu tay phải tuôn trào như bùn đỏ Bô-xít, như dòng Mekong bị bức tử tức tưởi bởi hệ thống đập nước đầy hiểm ác. Máu tay trái nhuộm đỏ Biển Đông, bởi giờ đây cả biển, cả đảo đã tan tác vào tay giặc, ngư dân bị đánh, bị cướp, bị giết ngang nhiên giữa ban ngày!

Trái tim Chúa bị đâm thâu đau đớn, hay Miền Trung đang giãy chết đớn đau? Formosa như con quỷ dữ đang gầm thét, phun độc, giết chết biển, chết đất. Dân tình lầm than phẫn nộ. Nhưng than ôi! Cái được gọi là bộ máy chính quyền, là đầy tớ nhân dân, sao lại tiếp tay giặc đàn áp dân, không cho dân lên tiếng đòi công lý? Vậy thì kẻ thủ ác, kẻ hại dân, chống lại nhân dân là ai?

Đôi chân Chúa bị kéo căng ra, đóng đinh vào Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhát búa đớn đau, máu tuôn ra mặn đắng, đất nứt nẻ khô cằn. Lúa chết trắng ruộng, sông cạn cá tôm! Bởi bọn “giặc lạ” đã mưu đồ từ lâu, chặn đứng dòng Mekong để bóp chết miền Tây Nam Bộ, miền đất trù phú cá tôm và cũng là vựa lúa của Việt Nam. Chưa hết, Sông Tiền giờ đây còn bị cắn xé, tàn phá bởi chất độc phun ra từ con ác thú Lee & Man – nhà máy giấy khổng lồ của Trung Quốc.

Đất nước này còn nơi đâu không hằn vết roi đòn của quân dữ? Chúng quất vào bữa ăn bằng thực phẩm độc hại, quất vào giấc ngủ những ám ảnh của bệnh tật, tai nạn, giết chóc, cướp bóc…, quất vào đất, vào sông ngòi biển cả bằng chất thải độc hại, quất vào lương tri ngay lành bằng sự dối trá, lạnh lùng vô cảm. Chúng cướp đi những ước mơ tử tế, cướp cả ý thức muốn làm người lương thiện!

Đất nước này đã được “giải phóng” hay vẫn chìm trong nhiều ách nô lệ? Dân tộc này đã được tự do hay vẫn bị xiềng xích, gông cùm?

Giả như dân tộc này còn biết đau trước ngọn roi của kẻ ác thì còn hi vọng. Nghĩa là còn tỉnh tảo, còn cảm thức. Chỉ e rơi vào cảnh khốn nạn như con ếch ngồi trong nồi nước đang ấm dần lên mà chẳng hay, đến khi nhận ra thì đã bị luộc chín! Nhiều kẻ ngồi trên cao vẫn hung tợn, quay quắt tìm mưu ma chước quỷ để vơ vét, hút máu đồng bào. Nhiều kẻ ở giữa thì bợ trên, đạp dưới. Những kẻ tận cùng thì bị ghì đầu sát đất, tai bị bịt, mắt bị che, nghe thứ được cho nghe và nói thứ được phép nói. Cho dù ngồi đâu đứng đâu, khi nước mất nhà tan thì tất cả đều bị tận diệt!”

Tác giả kết luận:

“Chúa đã quỵ ngã trước sức nặng của thập giá, và Người đã đứng lên. Dân tộc, đất nước, quê hương này cũng đang bị đốn ngã sóng soài, liệu có đứng lên được nếu cứ mãi ngây thơ, ngờ nghệch?

Chúa đã chiến thắng và Người đã phục sinh, nhưng những dấu đinh, những thương tích vẫn in hằn – Toma đã thấy và ông đã tin. Còn những dấu đinh, những thương tích trên đất nước này liệu có cứu được con người trở lại? Liệu Hội Thánh Chúa – hiện diện nơi mỗi Ki-tô hữu – đã tận tuỵ hết sức mình “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” để lan truyền ánh sáng Phục Sinh? Ánh sáng ấy là sự thật, là công lý, yêu thương. Hội Thánh đã dám mở toang cánh cửa để bước ra ngoài hay vẫn sợ hãi đóng kín cửa lại?”

Mẹ Việt Nam bị đốn ngã sõng soài, không phải chỉ bởi ông hàng xóm xấu tính Bắc Kinh, nhưng trước hết và trên hết, bởi những vết thương của cuộc chiến huynh đệ tương tàn chưa bao giờ được chữa lành. Con dân đất Việt “Bắc – Trung – Nam” vẫn chưa một nhà, vẫn kỳ thị vùng Miền, vẫn sống chết mặc bay, vẫn tiền thầy bỏ túi và phó mặc vận mệnh đất nước cho ngoại bang, cho những nhóm lợi ích xẻ thịt từng tấc đất quê hương.

Mẹ Việt Nam bị đốn ngã sõng soài, còn bởi vì, “nhóm này”, “đảng kia” cho mình là chân lý, nhưng lại quên mất rằng chỉ có một chân lý: “Chúng ta là Việt Nam”. Chúng ta là anh em một nhà, là dòng giống con Lạc cháu hồng, cùng chung một dòng máu, một vận mệnh – một quê hương.

Chúng ta đã quá đau đớn về những cuộc chiến phi nghĩa, huynh đệ tương tàn trong quá khứ. Chúng ta đã quá đau đớn khi chứng kiến đất nước, hơn 40 năm qua, thay vì được giải phóng, thì ngược lại, càng ngày càng bế tắc, luẩn quẩn trong những thứ nô lệ mới, như: chính trị khủng hoảng, kinh tế bất ổn, đạo đức xuống cấp, giáo dục lạc hậu – lạc hướng, văn hóa suy đồi, nhân tâm suy kiệt, nhân cách lệch chuẩn, lãnh đạo tham nhũng, trí thức ươn hèn, người dân vô cảm… và nguy cơ làm nô lệ cho giặc Tầu ngày càng đến gần. Chúng ta đã qua đau đớn, khi “đại gia đình Việt Nam” chưa bao giờ đoàn kết, khi cả dân tộc bị buộc phải tôn thờ một “vị lãnh tụ” mà thế giới xếp vào trong số những tội ác chống lại loài người, tôn thờ như vậy đồng nghĩa với tôn thờ cái ác, lý tưởng hóa cái ác.

Chúng ta phải thành thật với nhau rằng: “Chủ nghĩa xã hội” hay “ý thức hệ cộng sản” chính là nguyên nhân gây nên những thảm trạng của xã hội Việt Nam suốt hơn 60 năm qua và chắc chắn nếu chúng ta tiếp tục “kiên định đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội” thì dân tộc này sẽ rất nhanh đi tới chỗ diệt vong và cũng rất sớm, hai tiếng gọi thân thương “Việt Nam” sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh. Chúa phục sinh để làm cho thế giới được hồi sinh trong niềm tin chắc rằng “sự thiện sẽ thắng sự ác, công lý sẽ thắng bất công, tình yêu xua tan hận thù”. Nếu không có bất cứ sự hồi sinh nào nơi bản thân chúng ta, nơi gia đình hay nơi môi trường chúng ta đang sống, chúng ta chưa sống ơn phục sinh Chúa ban cho Hội thánh và cho mỗi người chúng ta?

Cũng vậy, Chúa phục sinh cũng là để Ngài hiện diện với chúng ta và cùng chúng ta canh tân bộ mặt trái đất. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Chúng ta cần phải nhìn vào các thành phố của chúng ta với một cái nhìn chiêm niệm, một cái nhìn đức tin thấy Thiên Chúa cư ngụ trong các ngôi nhà, các đường phố, các công viên. Sự hiện diện của Thiên Chúa nâng đỡ các cố gắng của các cá nhân và tập thể để tìm được sự khích lệ và ý nghĩa trong đời họ. Ngài cư ngụ giữa họ, nuôi dưỡng tình liên đới, tình huynh đệ, và ước muốn sự thiện, sự thật và công lý.” (71)

Vì thế, “Một đức tin chân chính – không bao giờ dễ chịu hay cá nhân, luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này phần nào tốt hơn khi ta gặp nó. Chúng ta yêu quí hành tinh tuyệt vời này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, chúng ta yêu quí gia đình nhân loại đang cư ngụ ở đây, với tất cả những thảm cảnh và những đấu tranh, những hi vọng và ước mơ, những yếu đuối và sức mạnh của nó. Trái đất là nhà chung của chúng ta và tất cả chúng ta là anh chị em của nhau. Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thì Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý” (BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25-12-2005), 28: AAS 98 (2006), 239-240.) (183).

Nhắc lại đây những lợi của vị cha chung là để nhắc nhau một nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ của một công dân Công giáo, luôn tin rằng Thiên Chúa quan phòng ban cho chúng ta mảnh đất hình chữ S này như đất hứa làm gia nghiệp và muốn chúng ta cộng tác với Chúa, cộng tác với nhau làm cho ngôi nhà chung Việt Nam ngày càng xinh đẹp. Vì thế, như Đức Giáo hoàng nói: “Giáo hội không đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”.

Hôm nay ngày 30/4 – ngày lịch sử của dân tộc, đây chắc chắn không phải là ngày vui, cũng không nên giữ mãi một nỗi buồn. Nếu có buồn thì buồn cho sự tụt hậu của đất nước, buồn vì sự chia rẽ khiến đất nước, dù thống nhất về địa lý, nhưng không thống nhất được nhân tâm…Vì thế, thiết nghĩ, người dân Việt khắp nơi, nhất là những nhà cầm quyền đương thời, hôm nay, hãy cùng nhau làm một cuộc sám hối tập thể hướng tới sự thay đổi, để con cháu chúng ta sau này không thể nói: “gia tài cha mẹ để cho con là một Việt Nam buồn.” Amen.