„Còn có nỗi mất mát nào lớn hơn nữa không.
Chúng ta sẽ có khoảng hơn 10 triệu cuốn sách bị tịch thu và phá hủy.
Chỉ nghĩ đến điều đo thôi đã thấy rùng mình.“
Vai trò của người Việt hải ngoại với nền văn học miền Nam
Nguyễn
Văn Lục
Chúng ta mất miền Nam. Chúng ta mất tất cả.
Mất đất, mất người, mất sự nghiệp, mất thể chế, mất tương lai, mất cuộc sống tự
do an bình, mất cả di sản tinh thần, cái hồn tính miền Nam.
Vai trò trách nhiệm của
người Việt hải ngoại là sưu tầm và xây dựng lại nền Văn học miền Nam trước 1975
Sách
cũ. Nguồn: OntheNet
Mất thì phải đòi, đòi cái gì còn có thể đòi lại được
trong tầm tay. Trong đó có nền văn học miền Nam mà chúng ta phải tìm cách khôi
phục lại. Phải đi tìm, phải đào xới, phải in lại, phải số hoá những đứa con
tinh thần tưởng đã bị chôn vùi trên những đống đổ nát quá khứ.
Công việc làm ấy là công khó, nhưng là công việc hợp
với lẽ tự nhiên, ta không làm thì ai làm. Một trong những cái có thể đòi, có thể
tái xây dựng là nền văn học miền Nam.
Cái kinh nghiệm đi tim lại chân diện miền Nam có nhiều
kỳ tích lắm đáng nói lắm. Một nhà văn trẻ trong quân đội miền Nam đã kể lại
trong Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư hiện đang điều hành. Trong đó,
anh kể lại tình cờ nhặt được một mảnh giấy báo gói xôi, hóa ra lại chính là bài
thơ của anh đăng trên Khởi Hành thì phải. Còn gì đẹp và cảm động hơn thế nữa.
Bản thân tôi muốn tìm lại cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế
Nguyên – một cuốn truyện được in ra vào thập niên 1970 mà ở thời điểm đó nội
dung câu truyện đã gây một cú sốc trong tôi; đã vô vọng nhưng tôi vẫn viết rao
trên báo. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh, bản sao cuốn
truyện đó.
Tôi cũng muốn tìm lại tập sách nhan đề “Tuổi trẻ Sài gòn, Mậu
Thân 1968”. Đã tìm ra, nhưng người bán sách đòi một giá quá cao đến
nỗi không thể mua nổi.
Những chuyện đi tìm về quá khứ di sản miền Nam mang
nhiều ý nghĩa cao đẹp như thế. Tôi đã sống cái tâm tình đó khi đi về miền Nam
thân yêu tìm lại sách cũ.(1)
Và dĩ nhiên sẽ còn nhiều câu chuyện cảm động về những
đứa con tinh thần đã lưu lạc sau tìm lại được.
Cho nên, tất cả những ai cách này cách khác khôi phục
lại diện mạo văn hóa, văn học miền Nam thì chúng ta đều trân trọng. Ngay cả những
nhà văn miền Bắc trước đây do tuyền truyền, do những lý do của lý do đã có lúc
nhục mạ, phê phán sai lầm về gia tài văn học của miền Nam nay đổi chiều xin
cũng rộng tay đón tiếp.
Không quên quá khứ, nhưng có những điều cần phải
quên.
Sự thay đổi cách đánh giá về văn học miền Nam của một
số những nhà văn miền Bắc trước đây phải coi là dấu hiệu tốt đẹp.
Ít lắm nó dẹp bỏ được cái não trạng winner-take-all,
kẻ thắng thì vơ vét hết về cho mình.
Ở một tầm cao hơn nữa, nó thể hiện điều mà Alexis de
Tocqueville trong cuốn Democracy in America viết năm 1835 như sau: Sự cao cả vĩ
đại của người Mỹ không phải chỉ đơn thuần là do họ sáng suốt hơn các dân tộc
khác, mà là do họ có khả năng sửa chữa những lỗi lầm của mình.(2)
Ý nghĩa cao đẹp ấy nằm trong cách thức mà một số nhà
văn miền Bắc đã bắt đầu nhìn lại.
Tôi xin lấy lại một lời tuyên bố của tướng De
Gaulle, “Mỗi một
cuốn sách là một con người. Cho nên đi tìm lại sách cũ miền Nam là đi tìm lại một
phần đời của chính bản thân mình.”
Những điều cần nhớ, cần nhắc lại
Khi chiếm xong miền Nam, người cộng sản có một chính
sách khủng bố mang tính chất nhà nước là xóa bỏ toàn diện vết tích miền Nam về
mặt thể chế, mặt kinh tế, mặt xã hội và cả về mặt văn học.
Thực tế là xóa bỏ con người miền Nam được coi là quá
nhiễm độc một thứ văn hóa của thực dân mới, một thứ văn hóa đồi trụy, một thứ
văn hóa phản động.
Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng
trong kỳ họp Quốc Hội đã chủ trương:
“Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư
tưởng văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó
là thứ văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục,
mê tín, dị đoan lan tràn.”(3)
Phần tôi, cho đến hiện nay, sau
38 năm tôi kể từ ngày mất miền Nam vẫn chưa tìm ra được bằng cớ xác thực Mỹ đã
đầu độc dân miền Nam bằng thứ văn hóa thực dân mới, đồi trụy, phản động là thứ
văn hóa gì. Và cũng hơn 30 năm ở xứ người, tôi chỉ nhận ra những điều tốt đẹp
mà xứ sở này dành cho những người dân Việt tỵ nạn.
Chúng tôi có một cuộc sống mà con người được nhìn nhận
và tôn trọng. Dựa theo tinh thần tôn giáo, tôi có được đọc một cuốn sách nhan đề
rất là kỳ diệu: Dieu
est né en exil (God was born in Exile).
Chúa còn phải sinh ra trong hoàn cảnh lưu đầy thì phần
chúng ta có sá gì. Phần Chúa đã vậy thì phần chúng ta là gì trong ý nghĩa của
chữ lưu vong. Và một lúc nào rảnh rỗi phải mổ xẻ chi ly hai chữ emigrant và
exil mới được.
Vì thế trong việc xóa bỏ văn hóa miền Nam, nhà cầm
quyền cộng sản đã tiến hành hai bước:
Ngay trước khi chiếm được miền Nam thì chính quyền cộng
sản miền Bắc đã tiến hành một cuộc tuyên truyền nhằm đánh phá miền Nam liên tục
trong nhiều năm trời. Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức thì đã có 286 bài phê bình
đủ loại, đăng tải trên các tạp chí như Học Tập, Văn Học và Văn Nghệ. Vì đối với
người cộng sản theo Marx, phê bình là một thứ võ khí. Đối tượng của phê bình
chính là kẻ thù mà nó muốn tiêu diệt
Cho nên, Lê Duẩn, sau 1975 ngay trong Đại hội 5 đã
chỉ thị, “Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm
quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp
tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”(4)
Những lời tuyên bố có tính sắt máu của Lê Duẩn phải
được coi là mang mầm mống một ý thức hệ cực đoan ‘tập thể’ như một thứ cực đoan
tôn giáo mà thực chất cả hai thứ cực đoan tôn giáo và cực đoan chính trị chỉ là
một.
Nghĩ đến cảnh tiêu hủy hàng triệu cuốn sách của miền
Nam, tôi liên tưởng đến câu chuyện trong thế chiến thứ hai, tại Normandie, hình
như ở vùng Basse-Normandie, có nhiều cây sồi lâu từ 100 năm đến 2, 3 trăm năm,
nơi quân đội đồng minh đổ bộ. Một người dân làng muốn bảo vệ cây sồi đã gắn một
tấm bảng yêu cầu đôi bên đừng phá hủy cây sồi.
Sau chiến tranh, cây sồi còn nguyên vẹn.
Một cây sồi thôi còn có một giá trị như một di sản
văn hóa, được đôi bên tôn trọng. Câu chuyện đó giúp người hiểu biết đánh giá về
tư cách những người đi giải phóng. Một câu truyện khác, tôi đọc trong cuốn Hồi
ký của con trai De Gaulle.(5) Ngay sáng hôm sau, ngày giải phóng Paris, tướng
De Gaulle đã đi bộ về khu Saint-Francois Xavier, nơi ông ở trước khi lưu vong
sang Anh. De Gaulle vui mừng thốt lên: “Rien
n’a changé, J’ai tout revu”. Đã không có gì thay đổi, tôi đã xem lại tất cả.
Và tôi có cảm tưởng như mới rời nơi đây ngày hôm qua. (Ông đã rời Paris ngày
10-6-1940). Hai bàn máy đánh chữ vẫn còn như cũ, cây kiếm kỷ niệm, ngày ra trường
võ bị Saint-Cyr còn đó.
Điều gì đã làm cho quân đội Phát Xít Đức không đụng
chạm đến căn nhà của De Gaulle?
Cũng trong tinh thần bảo vệ cung điện, bảo tàng của
Pháp, tướng Leclerc trước khi tiến vào Paris đã gửi công điện cảnh cáo binh
lính Đức rằng, “Nếu các ông phá hủy một
trong những di tích lịch sử của Paris, không một người lính Đức nào sẽ có thể sống
còn.”(6)
Vậy mà người dân vùng Ninh Bình, Thanh Hóa còn nhớ Hồ
Chí Minh đã áp dụng chiến thuật nhà không vườn trống, đốt sạch, phá sạch để cho
quân đội Pháp không thể dựa vào dân.
Để thực hiện công tác xóa bỏ văn học miền Nam này
thì có một đội ngũ cán bộ đặc trách là Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập,
Thái Kế Toại, Lê Dình Ky, Vũ Hạnh ngay cả Trần Văn Giàu (Trần Văn Giàu viết hẳn
một cuốn sách phê bình cuốn Nhận Định IV của Nguyễn Văn Trung) cũng tham gia
vào công tác bài trừ này.
Nhưng có hai tác giả được coi là viết với nhiều tài
liệu dẫn chứng được coi là có căn cơ nhất và cũng thâm độc nhất: Đó là Lữ Phương với cuốn: Cuộc xâm lăng về
Văn hóa và tư tưởng của Đế Quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1980).(7)
Người thứ hai là Trần Trọng Đăng Đàn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa Học Xã hội với nhiều
tác phẩm trong nhiều thời kỳ liên tục như: Nọc độc văn học thực dân mới, tập I, 1983, tập II, 1987. Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm
1954-1975, tập I, 1988, tập II, 1991. Và cuốn sách chủ yếu của ông
là cuốn Văn Hóa,
Văn Nghệ, phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam-1990.. Sách này còn được in lại năm 2000.
Cho đến hiện nay, cho đến năm 2000, chính sách khủng
bố mang tính nhà nước vẫn còn được chính thức lưu truyền. Cho nên, chúng ta cần
phân biệt giữa chính sách của nhà nước cộng sản và thái độ của các nhà văn miền
Bắc về chính sách ấy.
Có những chuyển biến rõ ràng về phía các nhà văn,
nhưng lại tỏ ra trì trệ và quá cứng nhắc về phía chính quyền cộng sản.
Vì thế cho đến nay, năm 2015, tôi đã nhìn thấy một số
chuyển biến tích cực ở bình diện cá nhân hơn là ở chính sách nhà nước.
Thứ nhất là sự phủ nhận chính những tác phẩm của
chính mình
Sự phủ nhận chính mình là điều không dễ. Người ta
thường cố bảo vệ những điều đã viết ra, dù sau này biết rằng những nhận thức của
mình có thể đã lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Có những cái chỉ đúng cho một thời
kỳ mà trở thành tai hại ở thời kỳ khác.
Vì thế, sự thay đổi, sự chuyển biến tư tưởng mang
tính biện chứng trong tri thức luận, trong nhận thứcc của đời thường. Và đôi
khi không ai trung thành với chính mình ở chính lúc mà chúng ta thay đổi.
Thay đổi là biểu hiện của sự trung thành hơn là một
phản bội.
Và nay nhiều nhà văn đã có thái độ chuyển biến tư tưởng
mà không do bất cứ một thúc ép bắt nguồn từ chính trị nào. Nhưng là do một thúc
bách của sự thật và lẽ phải.
Lữ Phương đã kín đáo loại bỏ cuốn Cuộc xâm lăng về
văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam ra khỏi danh sách các
sách của ông.
Đỗ
Đức Hiếu cũng mộc cách nào đó không muốn nhắc đến cuốn: Phê Phán Văn học hiện
sinh chủ nghĩa.
Lê
Đình Ky cũng đã dứt khoát không đưa cuốn: Nhìn lại tư tưởng
Văn nghệ thời Mỹ Ngụy vào danh sách các tác phẩm đã in của ông.
Bảo
Ninh,
tác giả Nỗi Buồn
Chiến Tranh và trong cuốn Hà Nội lúc không giờ,
trong đó có chuyện ngắn Rửa tay gác kiếm đã
miệt thị các nhà văn miền Nam khi cho rằng, các tác phẩm của họ chỉ dùng làm giấy
đi cầu như trường hợp Chu Tử, Xuân Vũ, v.v..(8)
Nhưng sau này theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại
trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê, ông có đưa cuốn Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam cho
Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đọc. Cả hai đều nhìn nhận rất trân trọng, kính
nể Phan Nhật Nam. Riêng Bảo Ninh sau khi đọc Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam
xong thì tiếc rằng: “Nếu tôi có cơ hội được
đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Và những cuốn sách viết về
Chiến tranh như Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam mà bọn tôi đọc thì không thể
quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết về sự đóng góp của văn học miền
Nam của một thời.”(9)
Tôi xin nhắc lại, ít lắm nó dẹp bỏ được cái não trạng
winner-take-all, kẻ thắng thì vơ vét hết về cho mình.
Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng những việc họ bắt
buộc phải lên gân chửi văn học miền Nam có thể chỉ là hùa theo chính sách,
không nói không được. Nó giống như cái cảnh tượng một người cán bộ đi dự một buổi
mít tinh mà nhà nước đưa mấy phi công Mỹ đi trên đường phố để cho dân chúng tha
hồ chửi, đánh cũng có. Anh cán bộ bắt buộc làm theo đám đông cũng dơ tay đánh dứ
người phi công Mỹ đi qua để che mắt người khác.
Hiểu hoàn cảnh như thế nên khi tôi đọc Trần Văn Giàu trong cuốn Nhận Định về cuốn
Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, tôi có cảm tưởng ông chỉ giả vờ chửi
Nguyễn Văn Trung mà điều chính yếu chính là ông Trần Văn Giàu muốn gián tiếp
trình bày toàn bộ triết học hiện sinh theo cách nhìn của Nguyễn Văn Trung.
Người ta cũng sẽ có một cảm tưởng tương tự khi đọc
Lê Đình Ky. Ông cũng đã dành phần lớn bài viết của mình viết về triết lý hiện
sinh ở miền Nam do Nguyễn Văn Trung chủ trương.
Nói tắt một lời chửi mà thực sự không phải là chửi.
Nhưng dùng cơ hội chửi đó để triển khai một đề tài triết học mà các ông tâm đắc.
Ngoài những người trực tiếp phê phán văn học Mỹ Ngụy
ở trên, còn có một số nhà văn ở miền Bắc, bằng cách kín đáo, họ bày tỏ một sự
trân trọng và quý mến các nhà văn miền Nam. Theo ý kiến của Vương Trí Nhàn thì
sau 1954, các nhà văn miền Bắc ít có cơ hội đọc sách vở của miền Nam. Tuy nhiên
những nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thanh Long, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải,
Nguyễn Minh Châu hay lớp trẻ hơn như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt hay Trúc Thông đã
lặng lẽ tìm kiếm các sách, tài liệu miền Nam để đọc.(10)
Bên cạnh đó, các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà
văn Nguyên Ngọc cũng có cái nhìn chia xẻ về văn miền Nam.
Phần chúng tôi, những người miền Nam được may mắn sống
trong một chế độ cởi mở hơn, chúng tôi có nhiều cơ hội được tự do tìm đọc thơ
Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, đọc các chuyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,
Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố v.v..
Riêng trường hợp Nam Cao, giáo sư Nguyễn Văn Trung
đã dùng truyện Chí Phèo làm đề tài nghiên cứu văn học ở Đại Học văn khoa Sài
gòn. Gs Trần văn Toàn (vừa quá vãng) đã khệ nệ bê nguyên con triết học Karl
Marx-Hegel công khai vào giảng đường Văn Khoa Sài Gòn cho thấy sự tự trị đại học
ở miền Nam như thế nào.
Sự phân biệt giữa chính trị và văn hóa
đem lại cái lợi thế và cái may mắn cho những người sống ở miền Nam hơn ở miền Bắc.
Thứ hai, việc cho xuất bản lại các tác giả trước
1975 là một dấu hiệu tốt bắt đầu.
Trong cái tinh thần muốn tìm về quá khứ, muốn vượt
qua những hàng rào cản vướng mắc ngăn chặn của một quá khứ cay nghiệt, tôi đã
tìm và mua được một số sách triết học trước 1975 được in lại như các cuốn: Martin Heidegger,
Tư tưởng và hiện đại của Bùi Giáng, các bộ Lịch sử Triết Học Tây Phương của Lê Tôn
Nghiêm, nhất là cuốn Triết Học Hiện sinh của
Trần Thái Đỉnh.
Về sách Văn Học, cuốn 13 năm tranh luận văn học, gồm
3 tập của Thanh Lãng đã được in lại (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1997 gồm bốn
tập. Tạp chí Tri Tân, 1941-1945, Phê Bình Văn Học cũng đã được Nhà xuất bản Nội
Nhà Văn cho in lại.)
Mặc dầu không thuộc di sản tinh thần của 20 năm Văn
học miền Nam, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế đã cho in lại 4 tập Những người bạn cố
đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue, 1914-1944 một công trình
biên khảo kéo dài trong suốt 30 năm trời do học giả L. Cadière làm chủ bút.
Cũng nhà xuất bản này đã cho in lại bộ Đại Nam liệt truyện thuộc Quốc Sử Giám triều Nguyễn.
Chúng tôi cũng thấy sự cố gắng của nhà xuất bản Khoa
Học Xã Hội đã cho in bốn tập, dày hàng mấy ngàn trang, Tinh Tuyển Văn học Việt
Nam, cũng dày khỏang hơn 4000 trang, in giyấ mỏng, bìa cứng..
Và mới đây, cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung đã được xuất bản vào
cuối năm 2014. Cuốn sách Lục Châu Học nhằm trả lại vị trí xứng tầm của một mảnh
văn học miền Nam thường bị bỏ quên và bỏ qua trong suốt cả một thế kỷ dưới thời
Pháp thuộc.
Tôi cũng ngạc nhiên thấy việc tái xuất bản các sách
của Phạm Quỳnh như 10 ngày ở Huế-Luận
giải văn học và triết học, Thượng chi văn tập, v.v.. Và cũng một
cách thức như vậy, các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như các nhà văn Nhất
Linh, Khái Hưng cũng tùy theo cuốn đã được tái xuất bản, v.v..
Mặc dầu chỉ là nhà thơ, Mê Hồn Ca của
thi sĩ Đinh Hùng cũng như Mặc Khách Saigòn của Tô Kiều
Ngân đã có dịp xuất hiện trên các kệ sách ở Sài Gòn.
Một cái đặc biệt trong những cái đặc biệt là một vài
cuốn sách sử của Tạ Trí Đại Trường
như, Lịch sử nội
chiến ở Việt Nam từ 1871-1802, hay Người lính thuộc địa Nam Kỳ cũng được tái xuất bản.
Nhà văn thì có thể mới có Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng
Giác mà khi sách của Dương Nghiễm Mậu được in ra đã gây một vài tiếng ồn ào, bất
bình. Đặc biệt từ phía nhà văn nằm vùng ở miền Nam, ông Vũ Hạnh.
Tuy nhiên, trong các cuốn sách được tái xuất bản mà
tôi tâm đắc và thích thú hơn cả là cuốn: Việt Nam Văn học sử, giản ước tân biên, gồm ba tập
của giáo sư Phạm Thế Ngũ.
Nếu về Sử học, xin chọn cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng
Kim thì về văn học, xin chọn sách của Phạm Thế Ngũ.
Việc tìm hiểu số sách miền Nam được in lại, tái xuất
bản người viết bài này không có điều kiện để cập nhật, xin ghi lại trong chừng
mực có thể mà không dám nói là đầy đủ.
Ngoài những nhà xuất bản in lại sách cũ như vừa nêu
ra ở trên. Ở Sài gòn ngay sau 1975 được ít lâu đã nảy sinh ra các tiệm sách dạo,
bày bán trên vỉa hè.. Trong một bài viết cũ,(11) tôi nhận thấy một hiện tượng đảo
ngược: Sách càng bị cấm, càng có nhiều người tìm đọc, ngay cả cán bộ miền Bắc
vào Nam cũng tìm mua. Vỉa hè bày bán các sách của nhà nước cho phép, giấy xấu,
in nhem nhuốc.
Đó là loại sách ‘đồng phục’, in ấn xấu xí mà nội
dung cũng chẳng ra làm sao. Chẳng hạn các cuốn 10 ngày của Bôcaxiô. Thằng cười
dịch của Victor Hugo. Cửa hàng vì hạnh
phúc của
các bà, dịch của E. Zola.
(Thật ra nhan đề cuốn sách của E. Zola
là: Au bonheur des dames. Khong hiểu vì sao lại dịch là cửa hàng vì hạnh phúc
các bà). Tuổi
thơ mãi mãi cùng ta của M. Karim. Tôi có mua một ít mang sang
đây, nhưng cũng không có dịp mở ra đọc. Nhưng nếu ai muốn mua sách cũ là người
nhà của tiệm sách chạy đi một lát là mang về sách ‘phản động’. Chỉ phải tội giá
cả sách tùy thuộc vào người mua và tùy thuộc vào tác giả và giá có đắt hơn nhiều
lần so với sách bày công khai.
Sau này, tôi vẫn tìm mua được sách cũ miền Nam với
giá vài đô la, một cuốn. Cuốn sách tôi phải trả giá cao nhất cách đây khỏang gần
10 năm là 30 đô la cho cuốn: Quốc triều Hương khoa lục
của cụ Cao Xuân Dục.
Nay thì giá đắt đến nỗi không tài nào mua nổi. Một
tiệm bán sách ở Cần Thơ rao bán trên mạng một tập nội san của sinh viên Sài gòn
với giá 200 đô la. Cuốn Việt-Hán Văn khảo giá
300 đô la. Cuốn Bảng
lược đồ lịch sử văn học Việt Nam giá 300 đô. Tập san Đứng Dậy của Nguyễn Ngọc
Lan và Chân Tín giá trung bình
70 đô la một cuốn.
Thứ ba, công việc khôi phục lại Văn Học miền Nam còn
là một đoạn đường dài, phải mất nhiều năm tháng và khổ công.
Cứ theo Trần Trọng Đăng Đàn thì có vào khoảng 2721
tác giả nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà biên khảo, giáo sư, trí thức có các tác
phẩm để lại. Mặc dầu đã có chỉ thị phân loại các sách, nhưng trên thực tế chẳng
ai có trách nhiệm thi hành. Họ đã dùng trẻ con đi đến các nhà, dùng xe ba gác,
đánh trống để tịch thu. Hễ cứ là sách là tiêu hủy tất cả.
Cứ giả dụ trung bình mỗi tác giả có năm tác phẩm đã
xuất bản. Như vậy có trên 10 ngàn tác phẩm dã xuất bản. Và trung bình mỗi tựa
sách ở miền Nam thời đó in là 3000 cuốn. Nếu kể thêm các sách giáo khoa kỹ thuật
khoảng chừng 2000 tác giả. Mỗi tác giả có năm tác phẩm sẽ có thêm 10 ngàn tựa
sách, cũng in 3000 nghìn cuốn. Nếu kể thêm các tác phẩm dịch mà có cuốn được in
đi in lại đến 10 lần.
Và nếu cộng thêm các tập san đủ loại thì đã có khoảng
hơn 300 tập san như thế.
Con số sách do các nhà xuất bản như Nam Sơn, Nguyễn
Đình Vượng, Văn Hóa Á Châu, Diên Hồng, Trình Bày, Khai Trí, Xưa Nay, Lá Bối, An
Tiêm là 200 triệu cuốn sách trong 20 năm
Tôi chỉ kể một vài tập san tiêu biểu như tập san Đại
Học Huế mà tôi vừa thực hiện việc điện toán toàn bộ gồm khoảng 6000 trang tài
liệu.
6000 trang tài liệu của trên dưới hơn 100 nhà biên
khảo, trí thức, giáo sư đại học- những thành phần ưu tú nhất của miền Nam- về
các lãnh vực, triết học, sử học, ngôn ngữ học, văn học bỗng chốc tan biến hết.
Còn có nỗi mất mát nào lớn hơn nữa không.
Chúng ta sẽ có khoảng hơn 10 triệu cuốn
sách bị tịch thu và phá hủy.
Chỉ nghĩ đến điều đo thôi đã thấy rùng mình.
Có người liên tưởng việc đốt sách này đến việc Phần
Thư Khanh Nho(đốt sách chôn nho) của bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Lấy việc xưa mà
nói việc ngày nay thì cũng có nhiều điều khiên cưỡng. Việc đốt sách đời Tần là
dốt sách của ngoại lai. Người đề xướng ra việc đốt sách là Lý Tư chứ không phải
Tần Thủy Hoàng
Còn việc tịch thu, đốt sách thời Lê Duẩn là do ai chủ
xướng, ai đề ra?
Chắc chắn là không có câu trả lời.
Nguyễn
văn Lục
-----------------------------
(1) Xem thêm bài viết cùng tác giả: Sách cũ miền Nam.
(2) Lấy lại ý của tác giả Đoàn Thanh Liêm trong bài điểm sách cuốn Europe’s promise
(3) Trích báo Nhân Dân ngày 26-6-1976
(4) Xem Trần Trong Đăng Đàn trong Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam
(5) Cuốn De Gaulle, mon père, do Philiipe De Gaulle viết, trang 359
(6) Philippe De Gaulle, Ibid, trang 351. Si vous touchez à un seul de nos monuments publics, pas un Allemand ne survivra.
(7) Xem thêm bài viết: Phê phán cuốn Cuộc xâm lăng về Văn hóa và Tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam
(8) Trích Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002.
(9) Thụy Khuê: Văn Học miền Nam 1954-75 theo cách nhìn của Vương Trí Nhàn hôm nay. RFI, ngày 14 và 21-6-2008
(10) Trích phỏng vấn của Thụy Khuê, ibid.
(11) Nguyễn văn Lục, Sách cũ miền Nam
© 2017 DCVOnline