Truyền thông trong nước loan tin ngày 26-1, thân phụ của hai ông Đinh La Thăng và Đinh Mạnh Thắng qua đời, gây tranh cãi trong dư luận về khả năng hai cựu quan chức đang bị giam cầm này có được về chịu tang cha hay không.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN, hôm 22/1 bị tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến đại án tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Đinh Mạnh Thắng, từng nắm giữ chức vụ cao nhất tại công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham ô tài sản không lâu sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt.
Truyền thông nhà nước dẫn lời một số chuyên gia cho hay luật hiện hành không có quy định cho bị can, bị cáo đang bị giam cầm được về nhà để giải quyết chuyện gia đình và cũng chưa từng có bị can, bị cáo nào đang bị giam cầm được cho về chịu tang người thân.
Chuyện này chỉ xảy ra khi bị can, bị cáo được đổi từ bị giam sang tại ngoại có quản chế.
Sự thay đổi này, đối với trường hợp anh em ông Thăng, phải đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt của pháp luật, theo luật sư Phạm Công Hùng được báo Pháp Luật onlie trích thuật.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Khả Thành chia sẻ rằng một đồng nghiệp viện dẫn điều 27 Bộ luật hình sự đề nghị cho ông Đinh La Thăng và Đinh Mạnh Thắng về lo đám cho cha. Tuy nhiên, luật sư Thành cho biết trong mấy chục năm hành nghề, ông từng viết nhiều đơn gửi khắp các cấp, xin cho các bị cáo về nhà chịu tang, nhưng chưa lần nào có kết quả. Luật sư Thành tự hỏi thời còn làm quan không biết ông Đinh La Thăng có nhận được thỉnh cầu nào như thế chưa và đã xử lý ra sao.
Ông Thăng từng làm đại biểu quốc hội trong nhiều năm, từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.