26.07.2018

Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản - BBC

Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản



Việt Nam, Cuba, Cộng sản

Có ý kiến cho rằng việc Cuba bỏ Chủ nghĩa Cộng sản 'không tưởng' trong dự thảo Hiến pháp, như Việt Nam đã làm, là điều đáng mừng và phù hợp xu thế.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bỏ qua mục đích xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, công nhận sở hữu tư nhân, mặc dù vẫn giữ Đảng Cộng sản như một lực lượng lãnh đạo của nhà nước độc đảng, theo Reuters.

Dự thảo Hiến pháp của Cuba

Quốc Hội Cuba cuối tuần này đang thảo luận dự thảo Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp thời Xô Viết.
Dự thảo này bỏ một điều khoản trong Hiến pháp năm 1976 về mục tiêu xây dựng một "xã hội cộng sản", thay vào đó chỉ đơn giản là tập trung vào chủ nghĩa xã hội.
"Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang từ bỏ lý tưởng của mình", Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo được trích lời trên truyền hình nhà nước. Cuba đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô, ông nói.
"Chúng tôi tin vào một nước xã hội chủ nghĩa, độc lập, thịnh vượng và bền vững."
Dự thảo Hiến pháp được thư ký Hội đồng Nhà nước, ông Homero Acosta, trình Quốc Hội hôm thứ Bảy 21/7.
Ông Homero Acosta cho hay bản Hiến pháp này bao gồm công nhận sở hữu tư nhân - điều vốn bị Đảng Cộng sản kỳ thị suốt một thời gian dài, coi như một tàn tích của chủ nghĩa tư bản.
Thay đổi này có thể mang lại công nhận pháp lý mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn phát triển rầm rộ sau cải cách thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận tài sản nhà nước, hợp tác xã, nông dân, tài sản cá nhân và liên doanh ở quốc gia 11 triệu dân.

Việt Nam, Cuba, Cộng sản

Dự thảo cũng dường như củng cố các tổ chức chính trị và tạo ra một cơ cấu lãnh đạo mang tính tập thể hơn, sau gần 60 năm cai trị bởi nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro và em trai Raul Castro.
Castro, khi 86 tuổi, vào tháng Tư, đã trao chức Chủ tịch nước cho cố vấn Miguel Diaz-Canel, 58 tuổi, mặc dù ông vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản cho đến năm 2021. Ông cũng đứng đầu Ủy ban Cải cách Hiến pháp.
Theo Hiến pháp mới, Chủ tịch nước sẽ không còn là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nữa.
Thay vào đó sẽ có chức Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc Hội cũng là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cao nhất của Cuba.
Dự thảo cũng quy định giới hạn tuổi và thời hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước cần phải dưới 60 tuổi thời điểm nhậm chức và không được ở cương vị này hai nhiệm kỳ năm năm liên tiếp.
Để phản ánh những thay đổi của Cuba, Chủ tịch nước Diaz-Canel hôm thứ Bảy đã thăng chức cho hai cấp dưới ở độ tuổi 50 trở thành phó Chủ tịch nước.
Ông Diaz-Canel giữ đa số các bộ trưởng từ thời Castro, trong đó có các chức vụ quan trọng về quốc phòng, nội địa, thương mại và ngoại giao.
Marino Murillo, đứng đầu Ủy ban Cải cách của Đảng Cộng sản và từng là một trong những phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là người duy nhất trong năm lãnh đạo cao cấp không có tên trong đội hình mới.

Hợp xu thế


'Cuba làm vậy là theo đúng xu thế'

"Tôi hoan nghênh Cuba đã xây dựng Hiến pháp dựa trên nền kinh tế tư nhân và bỏ chuyện xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Đó là điều đáng mừng", luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 23/7.
"Cuba làm vậy là theo đúng xu thế, là hệ quả của một quá trình nhận thức lại vấn đề, khắc phục một giai đoạn mang tính không tưởng."
Theo luật sư Thuận, Việt Nam cũng đã bỏ mục tiêu 'xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản' trong các cương lĩnh và báo cáo chính trị của Đảng.
"Trước kia Việt Nam có nêu vấn đề xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tiến lên xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản nhưng bây giờ cũng bỏ cái 'Chủ nghĩa Cộng sản' rồi. Vì suy cho cùng mục đích xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản đưa ra những tiêu chí 'không tưởng', không có khả năng thực hiện. Chẳng hạn "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Tình hình thế giới bây giờ không khí còn không đủ thở, nước không đủ uống. làm gì có xã hội nào làm thế được."
"Tất cả các văn kiện của Đảng bây giờ đều ghi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thôi, chính xác là 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa'. Nghĩa là ở Việt Nam, Chủ nghĩa Xã hội mới chỉ là định hướng, chứ không phải xây dựng được một Chủ nghĩa Xã hội theo đúng ý nghĩa, bản chất của từ này."
Nhìn lại Hiến pháp Việt Nam, vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội cho hay mặc dù Việt Nam thừa nhận kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực phát triển, nhưng trong Hiến pháp vẫn giữ lại cụm từ 'kinh tế quốc doanh là nền tảng'.
"Đây vẫn là câu chuyện tranh luận trong sửa đổi Hiến pháp 2013, hiện đang có hiệu lực thi hành. Nếu có cơ hội thì người ta sẽ bùng ra để tranh luận nữa về vấn đề này."
Từ trường hợp sửa Hiến pháp của Cuba, luật sư Thuận cũng đặt lại vấn đề Việt Nam trong cải cách thể chế chính trị để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Ông nói:
"Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Hiện nay hạ tầng cơ sở của Việt Nam hiện là kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài - đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Vậy thì phải tính toán thể chế nào thì xã hội mới phát triển được. Cái này phải cải cách từng bước."