Mỹ đả kích Trung Quốc 'bắt nạt' Việt Nam giữa tranh cãi về tàu khảo sát
Mỹ hôm thứ Bảy lên án Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép, cáo buộc nước này có “hành vi bắt nạt” và “làm suy yếu hòa bình và an ninh” khu vực giữa lúc tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Thông cáo dài của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy một sự ủng hộ gần như rõ ràng đối với Việt Nam trong một tranh cãi gay gắt với nước láng giềng và thể hiện lập trường mạnh mẽ của Mỹ về vụ việc được nói là tàu Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Sự xuất hiện của tàu Hải Dương Địa Chất 8 gần Bãi Tư Chính khơi ra phản ứng quyết liệt từ Việt Nam kể từ khi tin tức loan đi hồi tuần trước cho biết các tàu của lực lượng hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu ở khu vực này trong suốt một tuần gần một lô dầuthuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gợi nhớ đến một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan của Trung Quốc gây nên biểu tình bạo động ở Việt Nam.
Mỹ, nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở đây, đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về những hành động ngày càng quyết đoán nhằm xác lập chủ quyền rộng lớn trong vùng biển mà Việt Nam và một số nước khác có tranh chấp với Trung Quốc.
“Hoa Kỳ lo ngại về những bản tin về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], bao gồm các hoạt động thăm dò và sản xuất từ lâu nay của Việt Nam,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một phát biểu sáng thứ Bảy.
“Những hành động khiêu khích liên tục của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước có tuyên bố chủ quyền khác đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Thông cáo nói thêm:
“Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, cùng với những nỗ lực khác để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Nam Trung Hoa, bao gồm việc sử dụng dân quân hàng hải để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, làm suy yếu hòa bình và an ninh của khu vực.
“Áp lực gia tăng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN chấp nhận các điều khoản của Bộ Quy tắc Ứng xử tìm cách hạn chế quyền của họ hợp tác với các công ty bên thứ ba hoặc các nước, càng để lộ ra thêm ý định khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.
“Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kì nước tuyên bố chủ quyền nào nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải của mình.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế thực hiện loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng ngày thứ Sáu cũng đưa ra phát biểu tương tự nhắm vào Trung Quốc dù không nhắc cụ thể tới vụ tranh chấp với Việt Nam. “Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình & ổn định trong khu vực,” ông viết trên Twitter.
Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo chính thức thứ hai liên quan tới vụ việc này trong tuần qua, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của các nước khác.
“Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế,” người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói hôm thứ Sáu. “Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này."
Việt Nam đưa ra chỉ trích sắc bén hơn bằng cách nêu đích danh Trung Quốc, cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Hà Nội cũng nói đã trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh và khẳng định lực lượng chấp pháp sẽ tiếp tục “triển khai nhiều biện pháp phù hợp” nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp ngày thứ Tư yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ quyền” của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kì hành động nào “làm phức tạp tình hình.”
Trong khi đó, dữ liệu hải hành sáng ngày thứ Bảy cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo ảnh chụp màn hình cho thấy đường đi của con tàu đăng trên trang Twitter của Ryan Martinson, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc và là phó giáo sư Học viện Chiến tranh Hải quân ở Rhode Island, Mỹ.
Ông Martinson thường đăng ảnh chụp màn hình vị trí và chuyển động của các tàu chiến trên trang Twitter của mình. Ông bắt đầu đăng thông tin về con tàu này từ ngày 9 tháng 7 và liên tục cập nhật vị trí và chuyển động của nó kể từ khi đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA hôm thứ Tư, ông nhận định vụ việc cho thấy Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn” Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển và cũng phô trương khả năng mới được tăng cường kể từ vụ đối đầu năm 2014.
“Nhiều loại tàu hải cảnh mới hơn và được vũ trang hùng hậu được sử dụng để đe dọa Việt Nam,” ông nói.