Sự thật đáng kinh ngạc: Khăn tắm chưa giặt chứa nhiều vi khuẩn không kém bồn cầu
Ít người nghĩ rằng chiếc khăn tắm vô thưởng vô phạt có thể đe dọa đến sức khỏe của chúng ta? Là một công cụ không thể thiếu khi tắm rửa, những chiếc khăn tắm có vẻ sạch sẽ hoặc ít được sử dụng, nhưng khi kết hợp môi trường phòng tắm ẩm ướt lại có thể chứa vô số vi khuẩn gây bệnh.
Vi trùng chứa trong khăn tắm có thể gây bệnh ngoài da, rụng tóc, nhiễm trùng đường tiết niệu và thậm chí lây lan vi khuẩn kháng thuốc làm tăng nguy cơ tử vong.
Phần lớn vi khuẩn trong khăn tắm đến từ cơ thể, mặt và tay của người dùng. Với việc độ ẩm trong phòng tắm thường xuyên ở mức độ cao, chiếc khăn sẽ trở thành môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Những chiếc khăn có vẻ sạch sẽ khi nhìn bằng mắt thường nhưng có thể chứa hàng chục nghìn vi khuẩn, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe.
Vi khuẩn trên khăn gây ra ba mối nguy sức khỏe lớn:
Sản sinh và lây lan vi khuẩn
Một chương trình truyền hình bách khoa toàn thư về cuộc sống của Nhật Bản có tên là Non Stop, đã thử nghiệm lượng vi khuẩn trong khăn tắm và phát hiện ra những chiếc khăn mới giặt có chứa 190.000 vi khuẩn. Sau một ngày sử dụng, con số đã tăng lên 17 triệu—gấp gần 90 lần so với ngày đầu tiên. Sau ba ngày, số lượng vi khuẩn được tìm thấy trên khăn được sử dụng tăng vọt lên 87 triệu và cao tới 94 triệu trên khăn sử dụng một tuần mà không được giặt.
Noritoshi Ri, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vệ sinh & Vi sinh, Tokyo, giải thích trong chương trình truyền hình rằng số lượng vi khuẩn trong một chiếc khăn sau một tuần sử dụng có thể lên tới hơn 10 tỷ – tương đương với lượng vi khuẩn trong một ống thoát nước.
Gây bệnh ngoài da
William Chao, nhà độc chất học được Hội đồng Độc chất học Hoa Kỳ chứng nhận và là giáo sư tại Đại học Chung Yuan Christian ở Đài Loan cho biết, nếu khăn tắm không được giặt trong ba ngày, chúng sẽ chứa nhiều loại vi trùng và việc sử dụng chúng để làm sạch là “giống như lau cơ thể của bạn lên chiếc bồn cầu.” Ngoài vi khuẩn E. coli—có nhiều nhất trên và trong chiếc bồn cầu—có thể tìm thấy nhiều loại vi khuẩn khác tùy theo các điều kiện thể chất khác nhau của người sử dụng khăn tắm, bao gồm tụ cầu vàng, Salmonella và Legionella.
Lau cơ thể bằng khăn không sạch có thể dẫn đến các vấn đề về da. GS William Chao cho biết vi trùng chứa trong khăn dễ gây dị ứng da, viêm nang lông, rụng tóc và các bệnh ngoài da khác. Nhiều người có thói quen dùng chung khăn tắm, kể cả gia đình có trẻ nhỏ và các cặp vợ chồng.
Nếu một trong những người dùng bị nhiễm trùng, chiếc khăn có thể trở thành nơi sản sinh của vi khuẩn, lây nhiễm tái đi tái lại hoặc lây nhiễm cho nhau. Khi một người dùng khăn tắm đang điều trị bệnh, có khả năng vi trùng sẽ cư trú ở người thân của họ và sớm quay trở lại người mắc bệnh, tạo ra một vòng lặp. Tình huống này thường hay gặp trong các bệnh nhiễm nấm bàn chân Hồng Kông, hoặc Bàn chân của vận động viên (Tinea pedis) và mụn cóc do virus.
GS Chao lưu ý rằng nếu cơ thể bị ngứa sau khi tắm hoặc thường xuyên bị dị ứng hay nhiễm trùng, bạn nên kiểm tra độ sạch sẽ của môi trường phòng tắm. Ngay cả trong một gia đình, mỗi người nên sử dụng khăn tắm của riêng mình.
Rin Doi, Giám đốc Phòng khám Da liễu Nhật Bản, cũng trong chương trình “Non Stop” đã cho biết, đối với những người bị dị ứng da, hoặc làn da non nớt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dùng khăn tắm có hàm lượng vi khuẩn cao sẽ gây nhiễm trùng. Đặc biệt nếu có vết thương thì càng dễ bị viêm nhiễm và mưng mủ.
Nguy cơ tử vong cao hơn
Năm 2003, Tạp chí Y học New England đã công bố một nghiên cứu về sự xuất hiện của vi khuẩn Tụ cầu vàng kháng Methicillin trong các cầu thủ và nhân viên của một đội bóng chuyên nghiệp.
Tụ cầu vàng kháng thuốc có thể chống lại các loại kháng sinh thông thường như oxacillin, penicillin, amoxicillin và cephalosporin. Ngoài việc các cầu thủ dùng chung phòng tắm hơi, bồn tạo sóng và thiết bị tập luyện-trị liệu cũng như mặt cỏ của sân bóng, họ còn thường xuyên dùng chung khăn để lau mồ hôi, tay và mặt.
Nghiên cứu phát hiện tình trạng trầy xước da thường xuyên xảy ra trong các cầu thủ; người chăm sóc vết thương ít vệ sinh tay thường xuyên; cầu thủ bỏ qua tắm vòi sen trước khi sử dụng bồn tạo sóng chung; và dùng chung khăn tắm — tất cả các yếu tố trên đều có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm.
Theo “Kháng thuốc kháng sinh: Báo cáo giám sát toàn cầu,” do Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào cuối năm 2022, vi khuẩn kháng thuốc đang trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng và có thể gây nhiễm trùng huyết đe dọa đến tính mạng.
Báo cáo cho biết vi khuẩn Klebsiella pneumoniae và Acinetobacter gây nhiễm trùng huyết trong bệnh viện có 50% khả năng kháng thuốc kháng sinh. 8% trường hợp nhiễm trùng máu do Klebsiella pneumoniae cũng kháng lại Carbapenem, loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng như phương sách cuối cùng, do đó làm tăng nguy cơ tử vong do không kiểm soát được bệnh.
Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng máu và bệnh lậu do vi khuẩn E. coli và Salmonella kháng thuốc tăng 15% so với năm 2017.
Những siêu vi khuẩn này cũng có thể trú ngụ trên khăn tắm của bạn. Theo một nghiên cứu năm 2014 về khăn lau bếp, vi khuẩn coliform được phát hiện trong 89% khăn lau bếp của 82 hộ gia đình và vi khuẩn E. coli được phát hiện trong 25,6% khăn tắm. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện Klebsiella pneumoniae và Salmonella trong khăn tắm.
Ba báu vật giặt khăn khử mùi hôi
Khăn không sạch tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi và sản sinh ra mùi hôi. Chuyên gia về khăn tắm người Nhật Bản Tetsuya Abe đã trình diễn cách giặt khăn tắm trên một chương trình truyền hình. Đầu tiên, ông đun một chiếc khăn trong nước nóng trong 3 đến 4 phút, sau đó xả sạch bằng nước và mùi (vi khuẩn) trên khăn sẽ biến mất.
Kensuke Kanzaki, giám đốc tiệm giặt là lâu đời của Nhật Bản “Hakuyosha,” khuyến nghị sử dụng natri percarbonate để giúp làm sạch. Natri percacbonat, muối nở (baking soda) và axit xitric được gọi là “Ba bảo bối tẩy rửa dành cho các bà mẹ”. Chúng không chỉ không độc hại, không mùi và không gây ô nhiễm mà còn có khả năng tẩy trắng, khử nhiễm và khử mùi.
Đại Hải biên dịch