26.06.2015

Đừng nghe những gì Cộng sản nói... - Lê Bá Dũng

Đừng nghe những gì Cộng sản nói...

Lê Bá Dũng


Khi đọc đến những chữ trên, các bạn sẽ nghĩ là chưa chi đã đến một kết luận “cổ điển”, lấy từ “một câu nói xa xưa”. Không phải như vậy! Đó là vài chữ mở đầu còn kết luận sẽ dành riêng cho các bạn, sau khi đọc vài ba câu chuyện sau đây.

Trước 1975, nếu có nhiều dịp di chuyển trên Quốc lộ từ Sài gòn ra miền Trung, khoảng từ Thủ Đức đến Long Khánh, bên tay trái, bạn sẽ thấy một đồn điền trồng cam mênh mông với cái biển đề: Đồn điền Bàu Cá. Chủ nhân là ông N.H. Đ. Bác Đ là bạn của cha tôi. Cả hai ông bà Đ có đầu óc kinh doanh nên sau 30 - 4 năm là sở hữu chủ đồn điền trên. Tuy Bác không phải là Kỹ sư Canh nông nhưng với tinh thần học hỏi từ sách báo ngoại quốc, bên cạnh khả năng tổ chức quản lý, bác đã làm nên một đồn điền có quy mô quốc tế. Có những dãy nhà sửa xe, máy ủi, máy khoan đất, trạm bơm xăng dầu, vân vân. Vào mùa nắng khô, máy bơm nước hoạt động để bơm nước tưới từ một con suối. Vào thời ấy tôi nghe nói có một đoàn Chuyên viên Nông nghiệp Do Thái đến thăm Việt Nam. Bộ canh nông Việt Nam đã dẫn đoàn Chuyên viên này đi thăm đồn điền cam của Bác, như một đồn điền cam kiểu mẫu của miền Nam.


Sau 1975, nhà cầm quyền Cộng sản mời bác lên “làm việc”. Họ nói “Đảng và nhà Nước không động đến cây kim sợi chỉ của Nhân dân. Ông hãy thành thật khai báo thì sẽ hưởng được chính sách khoan hồng. Chúng tôi chỉ cần kiểm chứng, cấp cho ông một tháng lương thực (có lẽ gạo 15 kí lô, cá khô) và dụng cụ, cuốc xẻng, cưa, vân vân. Xem ông trong một tháng khai phá rừng được bao nhiêu diện tích để so sánh với các đồn điền bao la này. Đây chắc chắn là xương máu của Nhân dân, ông bà có 3 ngày để suy nghĩ.”


Ít hôm sau, bác Đ đến gặp “đầy tớ nhân dân” và xin ký tên hiến toàn bộ đồn điền cho đám cướp này.

Về sau, tôi nghe nói bọn chúng chặt phá hết số cam vì cho là loại “ăn chơi” và trồng lại bo bo, khoai mì. Sau 3 - 4 năm, dưới sự điều hành của họ, tổng kết thu hoạch lúc nào cũng bị lỗ lã, cuối cùng họ tự phê bình: “Cả một tập thể Kỹ sư có, chuyên viên có, công nhân viên có, công nhân thì nhiều, mà không làm được như ông Đ”. Hơn một năm sau ông Đ được qua đoàn tụ với gia đình tại Pháp. Khi tôi sắp đi Mỹ theo chương trình H.O có gặp lại ông ấy ở Sài gòn. Ông đã quá già, sống tạm trú trong một căn nhà nhỏ cất cạnh một Villa 3 tầng, mà lúc trước Villa này chính là tài sản của ông (đã bị tịch thu).

Bây giờ tôi xin kể một câu chuyện khác về nơi trú quán cũ ở Phan Thiết - đôi lúc gọi là Phan Thành cho có vẻ thân thương - Trước 1975, ai ở đó đều biết khách sạn Anh Đào, là nơi hội tụ của 6 con đường. Trước khách sạn đó có một tiệm tạp hóa lớn, bán sỉ và lẻ. Chủ nhân làm ăn phát đạt nên đã xây dựng nên một cơ ngơi 3 tầng lầu.

Sau 1975, có lệnh đổi tiền cũ VNCH ra tiền “XHCNCS”, bất mãn vì không thể nào đổi hết tất cả được, ông chủ đó bèn đem nguyên một bao tiền lên lầu và vung vải cho số tiền cũ theo gió bay tứ phương. Ông bị Cộng sản bắt nhốt vài ngày, sau đó thả ra. Tiếp theo là đợt đánh tư sản, cả nhà ông bị dồn vào phía sau trong vài phòng chật hẹp, để phần trước “được nhà nước quản lý” mở một cửa hàng bách hóa tổng hợp bán lẻ. Cả gia đình ẩn nhẫn sống như vậy. Ngày kia có một tên cán bộ CS đến thuyết phục ông nên mở một nhà máy sản xuất thức ăn gia súc vì “để vàng quý kim làm gì, mà nên giúp đỡ địa phương gia tăng sản xuất, nhất là nuôi gia súc, đây là công rất lớn với Cách mạng.” Sau một thời gian suy nghĩ ông cũng đã chấp hành.

Rồi nhà máy được xây dựng nên ở vùng Vĩnh Thủy trên đường ra Mũi Né. Ông được phong làm Giám đốc nhà máy, dưới ông có một ban bệ do Cộng sản đặt ra để “phụ tá” mà kỳ thực là nắm hết quyền hành. Nghe nói ông đã tặng cho tên Cán bộ ưu ái, người khuyên ông lập nhà máy một chiếc xe Honda mới tinh mà ông còn dấu được sau 1975.

Hoạt động đâu được khoảng 4 năm thì một buổi nọ, đám Cán bộ Cộng sản tuyên bố “ông đã quá già, do đó nên nghỉ hưu, mỗi tháng sẽ có người mang tiền phụ cấp hưu bổng đến cho ông, từ nay về sau ông khỏi cần ra nhà máy nữa”

Cũng hay thật, đám Cộng sản đã điều nghiên ai là kẻ có tiền rồi khuyến khích họ bỏ vốn kinh doanh làm thứ này thứ nọ. Nghe theo lời đường mật, làm cho Cộng sản được việc rồi thì bị bọn chúng phủi tay sau khi lột hết sạch. Sau này những anh Việt kiều cũng vì lòng tham, đem tiền vàng về mở cơ sở này kinh doanh kia. Cả đám hoặc ôm đầu máu cao bay xa chạy, hoặc nằm rục trong khám tù để mà tự suy gẫm vì chưa sáng mắt sau một thời gian dài sống dưới chế độ Cộng sản.

Bây giờ qua đến giai đoạn tôi ở tù về, cũng có nhiều chuyện hay. Trước khi được thả ra, làm qua quýt để sống, một hôm tôi được điều đi làm “Nghĩa vụ lao động” cho nhà nước tại Đức Linh, phải mang gạo và thức ăn đi theo. Sau khi được xe đưa lên vùng này, mỗi ngày phải làm 8 giờ và cũng phải làm đủ chỉ tiêu của cán bộ vạch ra.

Một hôm nhân đi qua một đám nền nhà cháy đen, tôi được biết thêm “chuyện dài XHCN” như sau. Một anh người Việt gốc Hoa đã đưa gia đình lên đây do chính sách lùa dân đi Kinh tế mới. Anh ấy cũng là người khéo xoay xở nên đã về Sài gòn mua ngay một cái máy xay xát nhỏ để làm kế sinh nhai. Với cái máy ấy, mỗi ngày anh ta có thể xay nát các loại khoai mì, bắp khô, hay bo bo cho dân chúng quanh vùng. Ít lâu sau, chính quyền sở tại gọi anh lên và phán: “Anh mua cái máy này bao nhiêu? Anh đã thu được mỗi ngày bao nhiêu tiền? Bây giờ anh đã lấy lại quá số vốn cũ bỏ ra rồi phải không. Nhà nước nay cho anh vào làm hợp tác, tất cả số khoai mì khô, bo bo, bắp khô sẽ được nhà nước phân bố để anh lao động mỗi ngày. Khi nào dân quanh vùng cần xay xát và có giấy tờ, anh xay xát cho họ theo chỉ tiêu, nhà nước sẽ thu tiền từ người dân, anh sẽ xay xát theo giấy ghi số lượng kèm theo. Hàng tháng anh sẽ được lãnh lương như Công nhân viên.”

Sau một thời gian nhẫn nhục làm việc với số lương chết đói, anh người Việt gốc Hoa này quá chán nản đã tự châm lửa đốt cái lều có máy xay xát đó. Hôm sau anh lên Xã báo cáo, lúc khuya có lẽ mèo nhảy, nên dầu đổ đã làm cháy lều xay xát. Xã phán: Anh hãy về lo thu dọn “cơ sở” làm ăn của anh. Anh trở ra, gom lại đống tro tàn rồi về Sài gòn bán rẻ cho người khác.

Trong thời gian tôi bị ở tù, đang ở trong nhà 7 của khu tạm giam trước khi lên trại cải tạo. Một hôm, có một ông được đưa vào phòng tôi từ khu biệt giam. Sau vài lần trò chuyện ông thổ lộ: Là chủ nhân một nhà máy làm gạch bông lát nền nhà, sau 75 ông được tiếp tục công việc với hợp đồng. Nhà nước giao xi măng, cát, bột màu. Mổi đợt, cứ bao nhiêu vật liệu được cung cấp, ông sẽ giao sản phẩm và nhận tiền thanh toán.

Khoảng 3 năm sau, một đám Công an CS ập vào nhà, bắt trói và dẫn ông đi tù với tội danh “Chiếm đoạt tài sản XHCN”, là xi măng của nhà nước, Ông cố gắng giải thích về số lượng đã nhận, số lượng sản phẩm đã giao. Sở dĩ có sự sai biệt vì số cát nhà nước giao có lẩn đá, sạn phải sàng sảy ra và bỏ riêng một đống sau nhà máy. Dân quanh vùng đến xin để rãi trong sân họ, ông cho đi ví sạn đá chẳng làm gì. Mặc dù ông cố mà nói bao nhiêu, chả ai tin ông, ông bị đưa vào khu biệt giam, phần ăn hằng ngày là cơm độn sắn, khoai cùng nước muối.

Sau khi bị giam 3 tháng, ông được đưa ra khu nhà 7 nơi tôi đang ở, rồi đồng ý giao toàn bộ tài sản, nhà máy cho “nhà nước quản lý”.

Ông nói:

- “Tôi nản quá rồi, mong được thả về với gia đình sống qua ngày, mắc võng nằm giữa hai hàng cây cũng được. Phải chi mấy ổng nói với tôi sớm, đoạt hết tài sản trước khi tống tôi vào trại giam, thì tôi đồng ý phứt cho rồi.”

Tôi nói:

- “Tôi nghĩ trước khi tống vô trại giam mà họ đòi tịch thu nhà máy của ông, ông sẽ không bao giờ đồng ý đâu.”

- “Chú nói phải.” Ông trả lời.

Vài ngày sau, họ gọi vợ con ông đến cùng ngồi một bên, trước mắt để một số giấy tờ “làm bằng”, rồi chụp hình, họ biểu vợ chồng ông ký giấy đồng ý hiến cho nhà nước nhà máy xi măng. Hai ngày sau, ông được thả. Trưóc khi ra trại ông gặp tôi chào và chúc nhau may mắn.

Trong thời gian tù này, có hôm tôi đi lao động xuyên qua một con sông nhỏ. Phương tiện qua sông là một chiếc caneau nhỏ do một anh người Việt gốc Hoa làm ra khi mới lên vùng Kinh tế mới này. Chiếc caneau chạy bằng một hệ thống dây cáp kéo từ hai bên bờ. Anh chỉ thâu tiền dân qua lại trên sông. Cán bộ hay tù nhân thì được miễn. Sau một thời gian anh bị chính quyền gọi lên xét hỏi. Cũng vẫn các bài bản cũ. Mua bao nhiêu tiền. Chi phí làm ra bao nhiêu. Thâu mỗi ngày bao nhiêu. Và phần kết như mọi người đều biết là anh đã thu hơn số tiền đã bỏ ra làm hệ thống caneau ấy. Anh được phán: kể từ nay, anh là Công nhân viên nhà nước, ai có giấy trả tiền thì anh đưa qua. Hằng tháng anh sẽ lãnh lương theo biên chế nhà nước.

Kể từ ngày đó, có một bàn giấy kế mé sông bán vé cho người qua lại do “chánh quyền” thâu tiền. Một đêm kia, trời mưa lớn, anh bảo thằng con đi một đoạn xa phía dưới khúc sông để chực đón chiếc caneau, còn anh ra chặt đứt dây cáp cho trôi thuyền. Hôm sau lên báo cáo xã, trời mưa, nước lớn cuốn caneau trôi mất.

Lúc tôi về Long Xuyên, sau khi gở hơn 5 cuốn lịch, gặp thời phải “tòng thê”, để tránh mưa khi trời giông bảo, tôi đi làm trong một tiệm đông y, nhiệm vụ là đi mua thuốc trước trả sau, hốt thuốc. Có hôm trong khi chờ đợi lấy thuốc, có người khách già ngồi kể chuyện:

Trước 1975 ông là Giáo viên ở một vùng gần Long Xuyên, sau 30 năm làm việc, có được mái nhà tươm tất, sắm cho vợ con ít nữ trang. Theo tuyên truyền, Nhân dân không nên giữ quý kim như vàng bạc trong nhà, chính quyền sẽ tịch thu. Cần nên ký gửi cho nhà nước, khi có việc cần thì đến lấy ra. Nghe lời, ông đem toàn bộ nữ trang gởi cho nhà nước và được cấp cho một tờ giấy làm bằng. Lúc đứa con Út lập gia đình, ông cần số nữ trang và tiền làm hôn lễ, đến gặp chính quyền, họ chỉ cho ông từ người này qua người nọ, cơ quan này đến cơ quan nọ, ngồi chầu chực từ sáng đến chiều, cả hơn 30 lần mà không được giải quyết, ông chán quá rồi bỏ luôn.

Đến đây thì quý bạn đã tự nghĩ ra câu kết luận cho bài này. Tôi chỉ xin tiếp theo một câu cho bài viết có vẻ đậm đà: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”


Lê Bá Dũng