06.01.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (6.1.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng
(6.1.2016)
Phi Luật Tân “đã mất” đảo Thị Tứ vào tay Trung cộng!
Nhóm thanh niên “Kalayaan Atin Ito” tổ chức cắm trại trong một tuần trên đảo Thị Tứ từ ngày 27/12/2015

Một nhóm thanh niên tình nguyện Phi Luật Tân vừa tổ chức cắm trại trên đảo Thị Tứ trong một động thái mang tính biểu tượng chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung cộng ở Biển Đông, sau khi trở về đất liền, vào ngày 4/1 đã tuyên bố rằng: Phi Luật Tân “đã mất” đảo Pag-asa (tên Phi gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, hiện đang do Phi kiểm soát) vào tay Trung cộng.


Trong một tuyên bố hôm nay, nhóm tình nguyện “Kalayaan Atin Ito” (Kalayaan là của chúng ta) cho biết, hành động của Trung cộng trên đảo Thị Tứ, một phần của chuỗi đảo Kalayaan mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền, đã “ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Phi, coi thường luật pháp quốc tế về biển”.

Nhóm này cho biết, Trung cộng đã xây dựng một “khu vực tam giác quân sự hóa” từ bãi Đá Chữ Thập, bãi Đá Su Bi và bãi Đá Vành Khăn, nơi mà ngay cả các lực lượng vũ trang Philippines cũng thấy khó khăn khi đi qua.

Chúng tôi đã mất vào tay Trung cộng trung tâm của nhóm đảo Kalayaan thông qua vùng tam giác quân sự hóa của họ. Bên trong tam giác này là các căn cứ quân sự khác mà Trung cộng đã xây dựng”, nhóm Kalayaan Atin Ito cho biết.

Nhóm tình nguyện cũng cay đắng tố cáo rằng: Trung cộng đã “nói đi đôi với làm” khi họ tuyên bố rằng sẽ không chú ý tới bất cứ điều gì, cho dù kết quả của vụ kiện trọng tài mà Phi Luật Tân đang theo đuổi có ra sao, và Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, làm bất cứ điều gì họ muốn bởi vì họ cho rằng vùng biển này thuộc về họ.

Cũng theo nhóm Kalayaan Atin Ito, Trung cộng đang xây dựng một kho vũ khí quân sự ở Trường Sa và để phá hủy được những cơ sở này, thì Palawan và các đảo khác ở Luzon và Mindanao của Phi Luật Tân cũng bị phá hủy theo.
Chưa hết, Trung cộng còn cử một máy bay trực thăng và một tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 46708 thường xuyên tuần tra quanh đảo Thị Tứ.

Ngư dân của chúng tôi quá không thể câu cá tại các ngư trường này. Trên thực tế, Phi Luật Tân đã mất toàn bộ ngư trường
 Biển Tây Phi vào tay Trung cộng” – nhóm Kalayaan Atin Ito nói.

Hôm 3/1/2016, 47 thanh niên, chủ yếu thuộc nhóm tình nguyện Kalayaan Atin Ito đã trở lại Palawan sau hơn 1 tuần cắm trại trên đảo Thị Tứ nhằm phản bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng trên vùng biển này, đặc biệt là lên án việc Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, cũng như bày tỏ sự bất bình trước thái độ mà họ cho là thiếu kiên quyết của chính phủ Manila đối với Trung cộng.

Nhóm này cho biết họ sẽ trình bày một báo cáo chi tiết hơn với hình ảnh và video trong những ngày tới để vạch trần trước công luận những hành động ngang ngược của Trung cộng, cũng như thực tế tình hình tại khu vực tranh chấp ở Trường Sa.


Các đảng phái Đài Loan tranh cãi việc từ bỏ chủ quyền ở đảo Ba Bình
Đài Loan tranh cãi từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông – Ảnh minh họa: CSIS

Tranh cãi về Biển Đông xảy ra giữa các đảng phái ở Đài Loan liên quan đến việc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền ở đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), khiến cuộc đua giành quyền lãnh đạo vùng lãnh thổ này trở nên căng thẳng.

Quốc Dân đảng (KMT) và Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) đang trong giai đoạn nước rút của cuộc đua giành quyền lãnh đạo Đài Loan, và cuộc tranh cãi liên quan đến chính sách Biển Đông trở thành điểm nóng trong cuộc chạy đua giữa 2 đảng mạnh nhất của vùng lãnh thổ này.

Truyền thông Đài Loan đưa tin, đảng cầm quyền KMT chỉ trích chính sách của DPP về Biển Đông, nói rằng đảng đối lập hèn nhát khi đề cập đến chính sách từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của Đài Bắc đối với đảo Ba Bình mà Đài Loan đeo đuổi. Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm giữ.

Người đứng đầu chiến dịch tranh cử của KMT, Jason Hu cho biết, cố vấn của DPP, ông Parris Chang trong một chuyến thăm nước Mỹ hồi tháng 5.2015 tiết lộ rằng lãnh đạo đảng DPP Tsai Ing-wen, cũng là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Đài Loan, nói sẽ từ bỏ chính sách đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nếu DPP thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 16.1 tới, theo Taipei Times.
“Nếu chọn chính sách từ bỏ đòi hỏi ở Biển Đông, DPP sẽ đánh mất chủ quyền của hòn đảo và cả cơ hội chia sẻ nguồn tài nguyên ở khu vực này”, ông Hu phát biểu trong một buổi họp báo hôm qua 5.1.

Theo ông Hu, khác với DPP, KMT theo đuổi chính sách “ưu tiên hòa bình và cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông”. Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu nhiều lần đưa ra phát biểu này và xem đó là ý tưởng cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong những giai đoạn căng thẳng ở khu vực này. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào, kể cả những nước có tranh chấp, lên tiếng ủng hộ ý tưởng cùng chia sẻ của Đài Bắc, ngoại trừ Bắc Kinh.

Cùng ngày hôm qua trong cuộc họp báo của mình, DPP phản bác cáo buộc của KMT, nói rằng DPP và Chủ tịch Tsai “chưa bao giờ có ý định từ bỏ chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông”. Người phát ngôn của DPP Chiu Li-li khẳng định, đảng đối lập có lập trường rõ ràng và chắc chắn đối với tranh chấp ở Biển Đông, DPP ủng hộ và theo đuổi thực thi luật quốc tế như UNCLOS.

Chủ tịch Tsai chưa bao giờ từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông. Bà ấy luôn luôn theo đuổi chiến lược đàm phán và cùng nhau đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực theo UNCLOS”, người phát ngôn nói.

Người phát ngôn Chiu gọi cáo buộc của lãnh đạo đảng cầm quyền là “chiến dịch bôi nhọ” đảng đối lập và yêu cầu phải xin lỗi công khai, theo China Post. Chiến dịch bôi nhọ này từng xuất hiện trên internet và trở thành tin đồn. Người phát ngôn của DPP nói rằng giờ đã biết được ai tung ra tin đồn đó.

Đài Loan đưa quân chiếm giữ đảo Ba Bình từ năm 1956 và xây dựng trái phép nhiều công trình trên đó, trong đó đáng chú ý là đường băng và ngọn hải đăng được Đài Bắc chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối các công trình xây dựng phi pháp này của Đài Loan, xem đó là sự vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam.