„Bây giờ Việt Khang đã
được thả về, nhưng câu hỏi “Việt-Nam
tôi đâu?” vẫn chưa được trả lời,…“
Hỏi đại hội 12:
VIỆT NAM TÔI ĐÂU? CÒN
HAY ĐÃ MẤT?
Võ
Phương
“Việt-Nam
tôi đâu?” là tựa đề của một bản nhạc, do nhạc sĩ Việt Khang
sáng tác ở thời điểm mà những người yêu nước chống giặc Tàu xâm lăng bị
công an VC bắt bớ, giam cầm, đánh đập rất dã man. Rồi chính Việt Khang cũng bị
công an bắt, bị đưa ra tòa và bị kết án 4 năm tù giam. Mới đây, anh đã mãn hạn
tù, được thả về. Khi biết tin anh được thả về, thân mẫu và đông người ngưỡng mộ
tinh thần yêu nước của anh đã chờ sẵn để đón tiếp anh. Hình ảnh trùng phùng thấy
được trên các diễn đàn internet gây nhiều cảm xúc cho các bạn đọc.
Có thể tóm tắt:
Câu hỏi Việt Khang dành cho VC: Việt-Nam tôi đâu?
Câu trả lời VC dành cho Việt Khang: 4 năm tù giam, 2 năm quản chế.
Nguyên nhân đặt câu hỏi trong bản nhạc này, chỉ vì nhạc
sĩ Việt Khang nhìn thấy “giặc Tàu
ngang tàng trên quê hương” là một thực tế đầy nhiễu nhương đáng
ngại cho nền an ninh đất nước, cho nên anh đã lên tiếng cảnh báo bằng bản nhạc
là sở trường riêng của mình. Nhưng VC đã không công nhận thực tế đó và vì thế
mà anh đã bị bắt, bị đi tù về tội “tuyên
truyền chống nhà nước”.
Từ tình yêu đất nước bị vu cáo thành tội chống nhà
nước; những người hiểu biết, chẳng ai lạ gì bản chất vu cáo của VC là chuyện
rất thường tình đã có từ thời Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc năm 1953 hoặc trước
đó; đến nay vẫn vậy. Nhưng có một điều đáng nói nữa là Việt Khang đã ‘phạm húy’
khi đặt lời cho bản nhạc của anh. Nghĩa là trong đó, anh đã lăng nhục “thiên triều phương Bắc” là“giặc Tàu” mà đáng lẽ ra phải
gọi là “giặc lạ”. Các thí
sinh thời Phong Kiến, nếu ‘phạm húy’ thì không thể vượt qua các kỳ thi, cho dù
bài văn có xuất sắc cách mấy đi nữa. Tương tự, thời CS những ai đã từng
là “cải tạo viên” trong ngục tù cải tạo sau 30-4-1975 đều biết, trong các bài tự kiểm, chữ ‘bác’ phải viết hoa
(Bác) nếu chữ ‘bác’ đó dùng để chỉ tên Hồ
Chí Minh. Nếu không viết hoa, tức ‘phạm huý’, có thể bị ghép vào
thành phần ‘phản động’. Có lẽ Việt Khang không chỉ “tuyên truyền chống nhà
nước” mà còn “phạm húy”, cho nên anh đã bị ghép thêm tội.
Bây giờ Việt Khang đã được thả về, nhưng câu hỏi “Việt-Nam tôi đâu?” vẫn chưa
được trả lời, vì người dân vẫn chưa nghe được tiếng nói chính thức của ‘đảng’
về ‘Hội Nghị Thành Đô’ đã diễn ra năm 1990. Trong đó Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười
và Phạm Văn Đồng đã lộng quyền, lén lút, dâng đất và biển cho giặc Tàu.
Mọi người còn nhớ, Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình là 2
nhạc sĩ đồng thời bị VC bắt vào cuối năm 2011 về cùng một tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Cho
đến 30-10-2012 trong cùng một phiên tòa ở Saigon thì Việt Khang bị kết án 4 năm
tù giam, 2 năm quản chế; còn Trần Vũ Anh Bình thì bị kết án 6 năm tù giam, 2
năm quản chế. Cùng một tội danh, cùng một phiên tòa, cùng một thời điểm, nhưng
2 bản án khác nhau. Không thấy giải thích tại sao! Kết án tùy tiện theo
cảm tính vẫn là bản chất của tòa án VC vì quan tòa phải “xử lý” theo định hướng Mác-Lê-Mao, tức tòa án phi
biện hộ. Hiện tại trên quê hương, nỗi oan khiên vẫn tiếp nối oan khiên, người
dân không thể tìm được công lý ở bất cứ nơi đâu trên chính quê hương của mình,
cho dù là tòa án, nơi mà mọi người hy vọng công lý được thực hiện.
***
Chủ đề “VIỆT NAM TÔI ĐÂU?” được nhắc lại ở đây trong
bối cảnh thủ đô Hà-Nội diễn ra “Đại
hội đảng cộng sản Việt-Nam lần thứ 12”, từ ngày 21 đến ngày 28-01-2016.
Khi nghe Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, phát biểu trong ngày khai mạc: "Trước hết phải kiên định chủ nghĩa
Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với
thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội;
kiên định đường lối đổi mới." Người nghe không khỏi buông tiếng
thở dài thất vọng! Thất vọng thứ nhất, vì đầu đảng Nguyễn P. Trọng vẫn đi
lại con đường mòn cũ từ 80 năm trước mà Hồ C. Minh đã đi qua, con đường Mác-Lê
đáng ghê tởm này, CS Nga và Đông Âu đã xóa bỏ từ đầu thập niên 1990. Mác-Lê
thời xa xưa dùng để đấu tranh giai cấp, nhưng kể từ khi Mác-Lê có thêm Mao thì
lại có thêm một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ làm chiêu bài để ‘vận dụng sáng tạo’ vào việc tập
trung các đảng viên lại, cùng nhau bán nước cho giặc Tàu; cùng nhau ăn bẩn theo
định hướng, vừa kinh tế thị trường tự do, vừa kinh tế nhà nước; nửa nạc, nửa
mỡ, lập lờ, gian lận.
Thất vọng thứ hai đáng nói hơn, vì Nguyễ P. Trọng vẫn
rập khuôn theo các đ/c đàn anh, vẫn cứ đánh lừa toàn dân về ‘tư tưởng Hồ chí Minh’ trong khi
chính Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi
không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê cả.” Jean
Lacouture, một tác giả người Pháp cũng đã cho người đọc biết trong tác phẩm
viết về Hồ Chí Minh cuả ông: “…khi
một người ngoại quốc hỏi ông Hồ tại sao ông không viết sách và báo như ông Mao
Trạch Đông thì ông Hồ trả lời rằng ông không có gì để viết vì ông Mao đã viết
tất cả rồi.”
Cũng nói về tư tưởng của Hồ, ông Nguyễn Minh Cần, cán
bộ CS nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh Thừa Thiên năm 1950, tác giả cuốn ‘Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động
Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế’, cho biết: “Lúc đó có nhu cầu cần phải đổi tên Đảng
Cộng Sản Đông Dương thành Đảng Lao Động Việt Nam để che giấu bộ mặt cộng sản
hầu có thể lôi kéo nhiều tầng lớp dân chúng. Sau khi giải thích cho các đảng
viên hiểu rõ ích lợi cần phải đổi tên đảng, CT Hồ Chí Minh giơ cao nắp hộp
thuốc lá thơm “Craven A” về phía có nhãn hiệu và nói: “Đây là Đảng Cộng Sản”,
xong ông xoay nắp hộp về phía không có nhãn hiệu và nói: “Còn đây là Đảng
Lao Động.” CT Hồ Chí Minh lại lớn tiếng hỏi: “Thế thì các cô các chú
thấy có khác gì nhau không?” Cả hội trường đồng thanh đáp vang: “Dạ
không ạ!” Ông mới nghiêm nghị: “Các cô các chú nên biết rằng việc
đổi tên đảng ta, Bác đã xin ý kiến các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông rồi,
các đồng chí ấy đã đồng ý. Các cô các
chú nên biết rằng ai đó thì có thể sai chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao
Trạch Đông thì không thể nào sai được. Nghe Bác nói như vậy cả hội trường
vỗ tay rầm rầm nhất trí với Bác. Lần đó là hội nghị chuẩn bị cho Đại Hội 2 năm
1950 CT Hồ Chí Minh đã tuyên bố như vậy. Sang năm 1951, vào đúng Đại Hội 2 của
Đảng. CT Hồ Chí Minh cũng lập lại nguyên văn “Ai đó thì có thể sai chứ đồng chí
Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được.”
Thấy rõ rằng, ngay cả đến việc đổi tên một đảng chính
trị cũng phải xin ý kiến Mao và Stalin thì nói gì đến chuyện khác quan trọng
hơn!
Tóm lại là không có ‘tư tưởng Hồ chí Minh’, không có ‘độc lập’, cũng chẳng có ‘tự do’. Chỉ có bịp! Bịp là truyền thống lâu đời của đảng
CS được duy trì từ khi đảng này xuất hiện ở Việt Nam từ 1930 đến nay. Bịp
cũng là đường lối để duy trì quyền lực cho đảng cầm quyền, độc tôn, độc diễn.
Trong kỳ đại hội đảng lần này NPTrọng lại nêu ra vấn đề “kỷ cương” để hù dọa các đảng
viên, cũng không ngoài mục đích là để bảo vệ quyền lợi của đảng. Ngày xưa ‘dân
vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’, ngày nay ‘đảng vi quý, xã tắc thứ chi, dân vi khinh’.
Nhớ lại hồi tháng 6-2014, khi Dương Khiết Trì, tên
giặc Đại Hán được Bắc Kinh phái sang thăm đảng và nhà nước VC, đã được bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình
Minh đón tiếp. Hắn ta đã gọi đảng là “đứa con hoang đàng”, có ý cảnh cáo đảng không nên đi quá xa kỷ cương của “thiên
triều”. Cho nên nhân dịp đại hội lần này, NPTrọng không quên nhắc nhở
đảng viên phải duy trì kỷ cương để
trở về với ‘gia đình Đại Hán!!!’
Thực ra không có kỷ cương nào cả ngoài kỷ cương bán
nước. Vì Hồ quá tin vào Mao nên mới mất nước. Các đảng viên CS ngày nay cần
phải tỉnh táo để nhận thức rằng, khi Hồ tuyên bố “ai đó thì có thể sai chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông
thì không thể nào sai được.” là vào thời điểm mà Hồ đang bợ đỡ
Nga-Tàu để làm tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế CS. Mà Đệ Tam QTCS cũng chỉ là một tổ
chức “bịp”. Vì sau khi thành công thì cả Nga và Tàu đều quan tâm đến quyền lợi
riêng, sự toàn vẹn lãnh thổ của riêng họ. Chứ không ai đần độn đi lo chuyện bao
đồng theo kiểu: “Ta đánh Mỹ là đánh cho
Liên-Sô và Trung Quốc”.
Thực tế cho thấy, rõ ràng là không có gì đổi mới. Toàn
dân hiện đang đứng trước hiểm họa mất nước toàn phần và đã mất một phần về tay
giặc Tàu; thế mà tất cả các bài diễn văn nghe được từ đại hội 12 bao gồm từ
tổng bí thư đến các nhân vật đứng đầu các cơ quan nhà nước VC, từ ngày khai mạc
đến ngày bế mạc, tuy có đề cập sơ sài đến “diễn biến phức tạp ở Biển Đông”
nhưng không hề thấy một ngôn từ nào dám trực diện với giặc xâm lăng, mà ai cũng
biết đó chính là giặc Tàu.
Trong khi Tập Cận Bình, đứng đầu đảng CS Tàu, đi đâu
hắn ta cũng rêu rao Hoàng Sa, Trường Sa là của nó “không thể chối cãi”. Thế thì
tại sao khi gặp họ Tập, Nguyễn Phú Trọng lại không dám mạnh dạn phản đối; cho
hắn biết đó là máu thịt của Việt-Nam do tiền nhân để lại. Ông Trọng im lặng vì
sợ Tập hay thông đồng với hắn? Đám chóp bu của đảng hèn hạ với giặc như thế thì
liệu có bảo vệ được phần đất còn lại, hay sẽ mất hết về tay giặc trong nay mai!
Câu hỏi ‘Việt-Nam tôi đâu? Còn hay đã mất?’, vì thế,
có lý do được lập lại ở đây, trong hoàn cảnh hiện nay, ngày đại hội 12 của đảng
cộng sản. Có người gọi, đây là ngày đại
họa 12!
Suy ngẫm về quá khứ mới thấy câu hỏi ‘Việt Nam tôi
đâu?’ có liên quan đến sự tiên đoán và cũng là câu trả lời -- của ông Ngô Đình
Nhu, cố vấn chính trị thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (1954-1963) -- có
ghi trong tác phẩm ‘Chính Đề Việt Nam’ của ông, cách đây đã 65 năm. Xin đọc lại
trích đoạn:
“Sở
dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình,
là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam
dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự
thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn
tính Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự
tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị
của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản
Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày
nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn bị chi phối
của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng.
Sự thống tri cuả giặc Tàu chưa cho phép khi miền Nam Việt-Nam chưa sụp đổ. Sự thống tri của giặc Tàu chỉ bắt đầu từ ngày chính quyền miền Nam sụp đổ. Cũng trong sách ‘Chính Đề Việt Nam’, tác giả họ Ngô còn khẳng định: “Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách trống trị một lần nữa.”
Sự tiên đoán thần sầu của ông Ngô Đình Nhu đã thể hiện
rõ nét, tuần tự qua các sự kiện lịch sử: Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay giặc Tàu
năm 1974 sau khi Kissinger, ngoại trưởng Mỹ mật đàm với Bắc Kinh năm 1972; Nam
Việt rơi vào tay Bắc Việt với sự yểm trợ của khối cộng sản quốc tế năm 1975; Ải
Nam Quan rơi vào tay giặc Tàu năm 1979; Quần đảo Trường Sa rơi vào tay giặc Tàu
năm 1986. Và còn rất nhiều vùng trong lãnh thổ Việt-Nam hiện nay đang bị “giặc Tàu ngang tàng trên quê hương” khống
chế, không chỉ trên lãnh vực quốc phòng, mà cả về kinh tế, chính trị, ngoại
giao, văn hóa, giáo dục và xã hội. Tiến trình xâm lăng đó nằm trong âm mưu của Mao Trạch Đông được phổ biến vào tháng
8-1965 trong cuộc họp Bộ chính trị ban chấp hành trung ương đảng CS Tàu: “Chúng
ta phải giành cho được Đông Nam Á, gồm cả miền Nam Việt Nam, Thailand, Miến
Điện, Malaysia, Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều
khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy”.
Sự tiên đoán của ông cố vấn Ngô Đình Nhu cũng đã góp
phần vào định hướng cho chính sách của Nam Việt-Nam. Cách đây 65 năm, Saigon là Hòn Ngọc
Viễn Đông được thế giới ngưỡng mộ. Theo nhà báo Lưu Tường
Quang thì “trong thập niên 1950, ông Lý Quang Diệu xem miền Nam Việt Nam là tấm
gương để đi tới.” Vào dịp nhà lãnh đạo xuất sắc của Singapore từ
trần, đài phát thanh quốc tế Pháp RFI trong một cuộc phỏng vấn đã phổ biến lời
nhận định của ông Quang, nguyên văn như sau:
“Cựu
Thủ Tướng Lý Quang Diệu là người sáng lập Đảo Quốc Singapore từ năm 1959 và giữ
vai trò quan trọng này cho đến năm 1990. Trong thời gian trên 3 thập niên
cuộc đời chính trị của ông Lý Quang Diệu không phải lúc nào cũng an nhiên thành
đạt.
Trong
những năm đầu sau khi Singapore được tự trị vào năm 1959, chính phủ đầu tiên do
Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng và riêng cá nhân Ông Lý Quang Diệu đã bị
áp lực nặng nề về sự đe dọa của Cộng Sản đến mức độ mà giới quan sát không tin
là ông có thể tồn tại cho đến năm 1963.
Ông
đã có một nhận xét bất hủ mà chúng ta chưa quên là theo lời ông vào thời điểm
1954 khi đất nước Việt Nam bị chia đôi, so sánh giữa Sài Gòn và Singapore thì
Singapore có nguy cơ tan rã sụp đổ chứ không phải Sài Gòn [Lee Kuan Yew: “If
one looked at Saigon and Singapore in 1954, one would have said Singapore was
the goner, not Saigon."]
Khi
phải đối phó với nguy cơ chồng chất ấy, Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã mưu tìm sự
ủng hộ của Sài Gòn, của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Lúc
bấy giờ Malaya đã chiến thắng cộng sản vào năm 1960. Trước đó Thủ Tướng Malaya
Tunku Abdul Rahman [1957-1963] đã đến Sài Gòn vào năm 1958 cũng để mưu tìm sự
ủng hộ của Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực chung chống lại sự đe dọa của Cộng
Sản tại Đông Nam Á…”
Đó là sự thật lịch sử, mối liên hệ giữa Saigon và
Singapore dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã một thời chứng minh cho đường
lối ‘dân tộc tự quyết’ rất hữu hiệu của Nam Việt-Nam, mặc dầu lúc ấy phải đương
đầu với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn lúc ban đầu xây dựng nền Cộng hòa Dân chủ;
đầy phức tạp với giặc trong như
sự quấy phá của đảng phái, tôn giáo, phong kiến; và với thù ngoài như cộng sản, thực dân
và ngay cả với đồng minh.
Trong kỳ đại hội đảng CS vừa rồi, Nguyễn P. Trọng cũng
nhắc đến ‘dân tộc’ nhưng mọi người đều biết rõ, đó là thứ dân tộc giả hiệu vì
nó phải ‘gắn liền với chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ C.Minh’. Đáng lẽ ra, đã là ‘dân tộc’ thì phải
gắn liền với chủ nghĩa Hai Bà Trưng, chủ nghĩa Lý Thường Kiệt, chủ nghĩa Trần
Hưng Đạo, chủ nghĩa Quang Trung,… chứ sao lại gắn liền với chủ nghĩa Mác-Lê? Vả
lại Mác-Lê thì đã phá sản từ đầu năm 1991, còn tư tưởng Hồ C. Minh thì như trên
đã nói là chính ông ta nhiều lần khẳng định: ‘tôi không có tư tưởng gì ngoài chủ
nghĩa Mác-Lênin’.
Nguyễn P. Trọng, chẳng qua chỉ là con vẹt, học nói
theo các con vẹt đàn anh, lập lại giáo điều cũ rích của đảng, đã quá lỗi thời.
Thế nhưng Trọng lại tự cho mình là người có ‘lý luận’, xứng đáng với vai trò
tổng bí thư. Đã phấn đấu để trở thành chóp bu của đảng CSVN hay chóp bu của các
cơ quan VC, thì ngoài tư tưởng Mác-Lê-Mao ra, chẳng ai dám có lý luận nào khác
nếu không muốn bị mất chức, mất quyền, thậm chí mất đầu. Ngay cả không tin vào
Mác-Lê-Mao đi nữa, thì cũng phải coi nó là lá bùa hộ mạng hữu hiệu cho các cán bộ, đảng viên CS.
Một số người mơ ngủ vẫn còn trông vào sự thay đổi sau
ngày đại hội 12. Xin khẳng định, nếu vẫn còn VC, cho dù là VC miền Nam, miền
Trung hay miền Bắc thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Nói một cách dễ hiểu là nếu không thay thế VC thì sẽ không có sự thay
đổi. Và vì thế, trong lúc này cần phải lập lại câu hỏi: VIỆT NAM
TÔI ĐÂU, CÒN HAY ĐÃ MẤT? - Câu hỏi mà mỗi người dân Việt-Nam nếu không muốn làm
nô lệ giặc Tàu, thì dù ở bất kỳ nơi đâu, trong hay ngoài nước, cũng phải tự tìm
cho mình câu trả lời.
07-02-2016
(ngày cuối cùng của năm Ất Mùi)
Võ Phương