Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát
thương đối với Việt Nam -
Phản ứng từ các phía
Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack
Obama, Chủ tịch nước VN, Trần Đại Quang xác nhận: Washington đã dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Lệnh cấm này đã có hiệu lực kể từ
năm 1975, sau khi chiến tranh khép lại.
Trần Đại Quang cũng cho biết phía Việt
Nam hoan nghênh động thái này của Mỹ. Cũng trong khuôn khổ cuộc họp báo, ông cho biết: "Hai bên cam kết thực hiện các nguyên
tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế của nhau".
Trong chuyến thăm của ngài Obama hai bên đã ra tuyên
bố chung hợp tác theo hướng thực chất hơn. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng về
kinh tế, giáo dục, tư pháp...
Hai bên cũng khẳng định nỗ lực sớm thông qua hiệp định
TPP.
Về các vấn đề khu vực, thế giới, hai bên nhất trí tăng
cường hợp tác, quan hệ. Phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tổ chức hội nghị thượng
đỉnh APEC 2017...
Trong cuộc hội đàm Hai bên cũng bàn thảo về vấn đề
Biển Đông, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kong...
"Tôi trân trọng cảm ơn thiện chí của ngài Tổng
thống, các lãnh đạo Hoa Kỳ, bạn bè nhân dân Hoa Kỳ trong việc đẩy mạnh bình
thường hóa quan hệ. Chúc ngài Tổng thống có chuyến thăm thành công," Trần Đại Quang nói.
Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng
định, việc gỡ bỏ lệnh cấm
vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam"không liên quan đến Trung
Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác, mà quyết định này dựa trên việc hoàn tất tiến
trình, nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.
Quyết
định này thể hiện sự can đảm của hai bên, chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc đối
thoại căng thẳng. Nhiều nghị sỹ của Mỹ đã rất can đảm đối thoại với Việt Nam.
Chúng tôi cũng khuyến khích những đối thoại về lĩnh vực quân sự giữa hai nước.
Theo
thời gian, những gì chúng ta đã được chứng kiến là một mối quan hệ ngày một
vững mạnh giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi cũng như chính phủ Mỹ nhận ra rằng, với
những gì hai nước đã làm được, thì nay việc dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận vũ khí là điều nên làm.
Một
lần nữa, tôi xin nhấn mạnh, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đơn giản chỉ nói lên sự
thay đổi về mặt bản chất trong quan hệ hai nước"
- ông Obama phát biểu.
Phản ứng và nhận định từ các nơi về quyết định này
Sau khi tổng
thống Obama chính thức loan báo quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí
sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Hà Nội mua các thiết bị quân sự của Mỹ,
phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố trong cuộc
họp báo hôm nay, 23/05/2016, tại Bắc Kinh : « Là
một nước láng giềng với Việt Nam, chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam phát
triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Chúng tôi
hy vọng là những quan hệ như thế sẽ đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực ».
Nhưng trong
khi đó, báo chí chính thức của Trung cộng thì lại ngầm cảnh cáo Mỹ về quan hệ
với Việt Nam. Trong một bài bình luận tối qua, 22/05/2016, tức là vào lúc tổng
thống Barack Obama đặt chân đến Việt Nam, Tân Hoa Xã cũng viết rằng Trung Quốc « vẫn hoan nghênh việc Hà Nội
cải thiện quan hệ với các nước khác, kể cả với Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, hãng tin này cảnh
cáo ngay rằng Hoa Kỳ không được sử dụng việc cải thiện quan hệ này như là một
công cụ để « đe dọa hoặc gây
tổn hại các lợi ích chiến lược của một nước thứ ba ».
Tờ
Hoàn Cầu Thời báo bằng tiếng Hoa có
trụ sở tại Bắc Kinh chạy bài với
tiêu đề "Obama không quên 'quây lưới'
quanh Trung Hoa trước khi rời nhiệm sở". Tờ báo viết:
"Thậm chí ngay cả việc Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán
vũ khí thì cũng ít có khả năng Việt Nam sẽ nhập khẩu hàng loạt vũ khí của Mỹ
vào giai đoạn này. Đó là vì kho vũ khí của Việt Nam vẫn chủ yếu là của Nga.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng viết thêm rằng không loại trừ việc Việt Nam sẽ
mua vũ khí từ Mỹ, đặc biệt để sử dụng vào các hoạt động hải quân.
"Việt Nam sẽ đóng vai trò
trong hệ thống an ninh vùng bao gồm các nước như Phi Luật Tân, Nam Hàn, Nhật
Bản và Úc. Hệ thống này rồi sẽ do Mỹ dẫn đầu...
Còn tại Hong Kong, tờ Apple Daily chạy bài xã luận với hàng tít: "Gây áp lực với Trung Hoa lục địa qua việc
tăng cường quốc phòng với Việt Nam".
"Có quan ngại rằng chính phủ Mỹ
bỏ cấm vận bán vũ khí dễ dàng như vậy sẽ khiến Mỹ mất đi lá bài mặc cả buộc
Việt Nam phải cải tổ chính trị và cải thiện nhân quyền.
"Bất chấp bảo đảm của các viên
chức Mỹ rằng họ sẽ xem xét tình hình nhân quyền tại Việt Nam trước khi phê chuẩn
từng thỏa thuận mua bán thì hiện nay người ta vẫn lo ngại rằng Hoa Kỳ đang đặt
thương mại và hợp tác quân sự với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu...", bài xã
luận viết.
Ông cho biết
tiếp: “Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí không có nghĩa là sẽ không có hạn
chế trong tương lai. Việt Nam phải tuân thủ luật lệ Mỹ như đã nêu lên trong bản
Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung. Hoa Kỳ cũng có thể từ chối các yêu cầu đối với hệ
thống và phương tiện vũ khí quá nhạy cảm hoặc có khả năng gây mất ổn định trong
khu vực. Việt Nam có lẽ không có khả năng để mua các mặt hàng quốc phòng như
vậy.
Việt Nam có
rất nhiều khả năng là sẽ tiến hành (việc mua vũ khí Mỹ) một cách từ từ và thận
trọng. Việt Nam sẽ tập trung vào các hệ thống kỹ thuật liên quan đến thông tin
và tình báo, giám sát và trinh sát trong lĩnh vực hàng hải. Hợp tác giữa các
ngành công nghiệp quốc phòng kể từ nay có thể được tiến hành với việc phát
triển các công nghệ mới và hợp tác sản xuất.”
"Việt Nam đã
tích hợp vào các đàm phán của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và
các mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Việt được mong đợi sẽ khởi động mạnh
trong những năm tới đây, do đó có rất ít lý do để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh
cấm.
"Đương nhiên có
một số ngoại lệ là có một số giới ở Washington DC và Hoa Kỳ muốn chính quyền Mỹ
tiếp tục lệnh cấm này để tạo áp lực buộc Việt Nam phải cải thiện về mặt nhân
quyền. Tóm lại là chính quyền Mỹ thấy có ít lý do để duy trì lệnh cấm và chính
là một tính toán chiến lược đã đứng đằng sau quyết định của Tổng thống Obama
tháo rỡ lệnh cấm vận vũ khí này."
Hãng thông tấn Interfax cho
rằng Việt Nam có truyền thống mua vũ khí từ Nga và điều này sẽ không thay đổi
trong thời gian gần. Thế nhưng Interfax dẫn lời một nguồn tin hoạt động trong
lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật nói rằng Nga "không nên coi nhẹ"
việc này.
"Không giống như các nước
khác trong khu vực, Hà Nội không đa dạng hóa nhiều các hoạt động mua bán vũ
khí. Thế nhưng các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga không nên lơi là. Thực tế
mới... có nghĩa là tình trạng ngày càng cạnh tranh gay gắt."
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời ông Anatoly
Punchuk, Phó giám đốc Cục hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Quốc gia, nói rằng Moscow và Hà Nội có quan hệ đối tác lâu
dài và việc Mỹ bỏ cấm vận "không ảnh hưởng xuất khẩu vũ khí của Nga".
Tờ Rossiiskaya Gazeta lại tỏ
ra hoài nghi về cử chỉ của Hoa Kỳ. Báo này viết: "Xin được khuyên nhủ miễn phí cho các lãnh đạo thế giới. Nếu quý vị muốn
Barack Obama hiền hòa hơn, nếu quý vị muốn Nhà Trắng bỏ cấm vận thì cần mau
chóng đối thoại với Moscow".
"Quý vị chỉ cần
nói muốn có quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Nga là lập tức Washington sẽ
thay đổi giọng điệu. Tốt hơn nữa là hãy nói quý vị mong Nga lập căn cứ quân
sự trên lãnh thổ của quý vị."
Đáp trả quyết định gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam -
Ngay
sau khi TT Barack Obama tuyên bố Hành Pháp sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát
thương cho Việt Nam, vị Thượng Nghị Sĩ quyền thế thứ hai trong Thượng Viện đáp
lại bằng tuyên bố sẽ đưa điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam vào luật chuẩn
chi ngân sách quốc phòng cho năm 2017.
“Tôi dự định sẽ đưa luật chế tài các kẻ vi
phạm nhân quyền ở Việt Nam như là một tu chính vào luật chuẩn chi ngân sách
quốc phòng mà sẽ được Thượng Viện cứu xét nội trong tuần này,” TNS John
Cornyn (Cộng Hoà, Texas) chính thức tuyên bố tại Thượng Viện ngày hôm nay.
“Chúng ta cần nhớ rằng mặc dù TT
Obama đang thăm viếng Việt Nam, Việt Nam là một chế độ cộng sản thô bạo đang
tiếp tục xem thường những nhân quyền căn bản,” TNS Cornyn nhấn
mạnh trong lời phát biểu.
Về
lý do đưa điều kiện chế tài nhắm vào các giới chức Việt Nam vào luật chuẩn chi
ngân sách quốc phòng, TNS Cornyn giải thích là hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam
chỉ có thể đến gần nhau hơn, như người dân của hai quốc gia vẫn mong đợi, khi
mà chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả tù chính trị, chứng tỏ sự tôn
trọng nhân quyền, và chấp nhận cho người dân có quyền tự quyết.
“Tôi tin rằng cho đến khi ấy, Hoa Kỳ không có
chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục giữ khoảng cách với Việt Nam,” TNS Cornyn
tuyên bố. “Và như vậy có nghĩa là chúng
ta phải làm tất cả để tạo áp lực lên chế độ nhằm củng cố các quyền tự do cho
người dân Việt Nam.”
Các
điều khoản chế tài mà TNS Cornyn sẽ đưa vào luật chuẩn chi ngân sách quốc phòng
trong tuần này chính là các điều khoản trong dự luật Chế Tài Các Kẻ Vi Phạm
Nhân Quyền ở Việt Nam mà cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh đưa ra khi Ông còn là thành
viên của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nhờ
sự vận động liên tục và hiệu quả của các phái đoàn người Mỹ gốc Việt ở Texas đã
tham gia các Ngày Vận Động Cho Việt Nam kể từ năm 2012, TNS Cornyn đã ủng hộ
cho dự luật này tại Thượng Viện.
Dự
luật này, do DB Christopher Smith chủ xướng, cùng với dự luật mà TNS Cornyn sẽ
đưa vào Thượng Viện trong tuần này, là 2 trong số 3 dự luật mà BPSOS và Liên
Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ đang vận động. Dự luật thứ 3 là Luật
Nhân Quyền Cho Việt Nam mà DB Smith cũng là tác giả.
TNS
Cornyn kết luận lời phát biểu hôm nay của Ông trước Thượng Viện: “Luật này là
một bước tiến trong cuộc tranh đấu cho các quyền tự do dân sự, tôn giáo và chính
trị của họ.”
Dân
Biểu Alan Lowenthal Gọi Quyết Định Bãi Bỏ Cấm Vận Vũ Khí Đối Với Việt Nam Là
Thất Sách và Quá Sớm
Ngày 23 tháng 5, 2016, Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Alan
Lowenthal (CA-47) hôm nay đã có những phát biểu dưới đây trước sự việc Hoa Kỳ
bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam:
“Quyết định của Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là quá sớm và thất sách. Tôi vô cùng thất vọng khi chúng ta mất đi thêm một cơ hội nhằm thúc đẩy chính quyền Việt Nam đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc cải thiện nhân quyền của người dân Việt Nam.
“Bằng bất kỳ phương thức đo lường nào, Việt Nam gần đây vẫn chưa có tiến triển hướng tới việc tôn trọng những quyền tự do của chính người dân của họ. Chỉ trước thời gian Tổng Thống Obama đến Việt Nam, chính quyền CSVN đã đàn áp các cuộc biểu tình vì thảm họa môi trường đang xảy ra tại bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam và sau đó là cuộc bầu cử Quốc Hội CSVN được dựng lên và các ứng viên độc lập không được Đảng Cộng Sản phê chuẩn đã bị loại bỏ. Ba ngày trước đây, một người Mỹ gốc Việt hoạt động vì nhân quyền là cô Nancy Nguyễn từ Nam California đã bị mất tích tại Việt Nam. Trong ngày Tổng Thống Obama đặt chân đến Việt Nam, các nhà hoạt động và một số ký giả dự trù sẽ gặp Tổng Thống đã bị ngăn chặn bởi các thế lực của chính quyền CSVN.
“Việt Nam tiếp tục bắt giam các tù nhân lương tâm thuộc mọi giới, từ các luật sư nhân quyền, bloggers, cho đến các nhà hoạt động vì quyền lao động và các vị lãnh đạo tôn giáo. Nếu Việt Nam muốn xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ, và trước khi Hoa Kỳ bán bất kỳ vũ khí sát thương nào cho Việt Nam, thì chính quyền CSVN phải bắt đầu tôn trọng các quyền tự do và căn bản của người dân Việt Nam.”
Người Việt nghĩ gì?
Ông Đỗ Hồng Anh, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Washington
D.C, Maryland và Virginia: „Người
Việt ở hải ngoại kỳ vọng quá nhiều vào vấn đề nhân quyền, nhưng cho tới nay
vẫn chưa thấy ông Obama đề cập tới. Khi đề cập tới vấn đề bãi bỏ lệnh cấm
vận vũ khí sát thương, Tổng thống Obama đã nói rằng sẽ đặt vấn đề nhân quyền
kèm theo. Như chúng ta thấy, từ trước tới nay chúng ta luôn nêu vấn đề nhân
quyền nhưng dường như lại không có biện pháp chế tài nào trong trường hợp đối
phương không thi hành, không áp dụng các quy tắc nhân quyền. Đó là điều gây
thất vọng ít nhiều cho cộng đồng hải ngoại.“
Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào
Nhân bản, California, Hoa Kỳ: „Trước chuyến đi của ông Obama, chúng tôi
đã được mời vào họp với Hội đồng An ninh Quốc gia. Khi đó họ có nói rõ là vấn
đề gia tăng giao thương và thắt chặt quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ xảy
ra. Nhưng họ quả quyết vấn đề nhân quyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến
trình giao thương, và tất cả tùy thuộc vào thái độ của nhà cầm quyền Cộng
sản Việt Nam.
Nay chuyến đi của ông
Obama đã gần như hoàn tất, với hai sự kiện quan trọng đã diễn ra trong ngày
đầu tiên. Điều này khiến cộng đồng người Việt, nhất là ở vùng Hoa Thịnh Đốn,
đặt câu hỏi không biết chính quyền Mỹ, đặc biệt là ông Obama, có quên lời
hứa nhân quyền và đặt vấn đề tiền lên trên vấn đề nhân quyền hay không.“
Tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương
với Việt Nam là "tin vui" cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, Tiến sỹ Trần
Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam nói.
Trả lời phỏng vấn BBC
Tiếng Việt, tiến sỹ Trần Công Trục; nguyên trưởng Ban
Biên giới của phía Việt Nam, nhận định: "Đây là một dấu ấn thắng lợi to lớn của ông
chủ chính sách tái cân bằng châu Á, là ông Obama. Trong chuyến đi này ông đã
thể hiện hoàn toàn ý tưởng và nguyện vọng đó."
“Tôi cho rằng rào cản cuối cùng cản trở mối quan hệ của
hai nước đã được gỡ bỏ. Có thể nói lệnh gỡ bỏ chấm dứt tình trạng hai nước nghi
kị lẫn nhau, bây giờ là mối quan hệ toàn diện như ý nguyện giữa hai bên.”
Tiến
sĩ Trục bình luận việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí “có ý nghĩa rất lớn trong tình hình phức tạp hiện nay trên Biển Đông”.
Tin tổng hợp từ BBC, RFI, RFA