18.07.2016

Biển Đông: rắc rối chồng thêm - Geoff Dyer & Tom Mitchell (Financial Times)

Biển Đông: rắc rối chồng thêm

Geoff Dyer & Tom Mitchell (Financial Times)
Song Phan dịch
Trung cộng đang xây đảo nhân tạo trên đảo chữ thập. Ảnh: Getty.

Thi hành phán quyết của tòa án quốc tế có thể đặt Bắc Kinh và Hoa Kỳ trên lối rẽ nguy hiểm trong một khu vực căng thẳng

Dù ai thay Barack Obama đều sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn nhưng có vẻ ít có lựa chọn nào khắc nghiệt như những lựa chọn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong phán quyết 497 trang, dày đặc lý luận, tuần này, một tòa án quốc tế ở The Hague dẹp tan sự mơ hồ pháp lý từ lâu đã bao quanh yêu sách của Trung cộng đòi kiểm soát phần lớn biển Đông – một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Cách Tòa Bạch Ốc phản ứng với bản án trong những tháng tới sẽ giúp xác định quan hệ của Washington với Bắc Kinh trong nhiều năm, và ảnh hưởng đáng kể đến địa chính trị của khu vực.


Washington thấy phán quyết do Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra, sau một khiếu nại của Phi Luật Tân, là một chiến thắng cho điều mà một số viên chức Mỹ mô tả như là một trật tự của thế kỷ 21, dựa trên luật lệ đối với các mưu đồ thuộc thế kỷ 19 về vùng ảnh hưởng của Trung cộng. Bằng cách bác bỏ rất nhiều giả định củng cố yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông, Tòa án đã đặt họ trong tình trạng khó giải quyết.

Nếu Trung cộng tiếp tục chiếm các rạn đá và phát triển chúng thành các căn cứ quân sự tiềm năng – một tiến trình đã tăng tốc từ năm 2014 – thì sẽ hành động ra bên ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế. Sau đó, Mỹ sẽ phải quyết định các bước tiếp theo của mình và quân đội sẵn sàng khai triển tới mức nào.

Ben Cardin, nhân vật cao cấp đảng Dân chủ, thuộc uỷ ban đối ngoại Thượng viện, nói: “Trung cộng phải có quyết định – họ sẽ tuân thủ các quy tắc của pháp luật và hành động như một nước lãnh đạo thế giới với trách nhiệm hay họ sẽ đi theo lộ trình riêng của mình”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có thể họ sẽ khẳng định chủ quyền qua việc xây thêm đảo hoặc qua hoạt động quân sự”.

Trong một cuộc phỏng vấn trước khi phán quyết được công bố, Max Baucus, đại sứ Mỹ ở Trung cộng, cho biết, một trong những thông điệp của ông gởi cho các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh là “chúng ta đang ở trong một chương hoàn toàn mới ở đây. . . Chương cũ là đàm phán là vì quyền lợi của đàm phán, đồng ý về việc không đồng ý. Ông nói thêm: “Điều đó đã qua rồi. Chương mới là [về] hành động”.

Các đối thủ cạnh tranh nhau

Có rất nhiều đối thủ ở biển Đông và họ hành động trên hai cấp độ. Một loạt các đảo, đá và san hô đang do Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan yêu sách, và các tranh chấp này kết hợp với quyền đánh bắt cá, tài nguyên tiềm năng, cùng lòng tự hào dân tộc.

Đối với Hoa Kỳ và Trung cộng, biển Đông là một vấn đề mang địa chính trị về kiểm soát trên biển hơn. Hải quân Mỹ đã gìn giữ trật tự tuyến đường thủy quan trọng trên biển này gần như 70 năm qua, và tin rằng Trung cộng muốn từ từ lấn họ ra khỏi các bộ phận quan trọng của Tây Thái Bình Dương. Một vị trí thống trị trong vùng biển Đông sẽ cung cấp cho Bắc Kinh một nền tảng để gây ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của các nước láng giềng và các điều kiện hợp tác kinh tế ở Đông Á.

Phán quyết The Hague đã giáng một đòn đáng kể vào dự án đó. Toàn thể ban trọng tài gồm năm thẩm phán, nhất trí phán quyết rằng Trung cộng không có “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên bên trong “đường chín đoạn” được dùng mô tả những yêu sách của họ đối với khoảng 85% của thủy lộ này.

Tòa án cũng nói rằng không có thể địa lý nào ở quần đảo Trường Sa – nằm ở trung tâm của Biển Đông – có thể được coi là đảo, mà theo luật pháp quốc tế sẽ cho chúng một “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý. Kết quả đó – mà Bắc Kinh thách thức – cắt bớt yêu sách pháp lý đòi kiểm soát của họ một cách mạnh bạo.

Đối với Hoa Kỳ, phán quyết cho họ cơ hội để chứng minh rằng kênh này là một thủy lộ quốc tế mà hải quân nước nào cũng có thể đi qua đó một cách hợp pháp – và có khả năng gia tăng chi phí cho Trung cộng nếu họ mở rộng dấu chân quân sự của mình thông qua việc bồi đắp biển. Nhưng các viên chức hy vọng bản án cũng có thể cung cấp cơ sở cho một vòng ngoại giao mới của khu vực về các tranh chấp này.

Trong bốn năm qua, chính quyền Obama đã cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực để ngăn chặn Trung cộng – một chính sách gọi là “xoay trục”. Michael McDevitt, đề đốc hải quân đã nghỉ hưu, nói rằng, kể từ năm 2013 đã có hai tàu khu trục Mỹ ở biển Đông tại một thời điểm.
Sự hiện diện của Mỹ đã tăng lên một cách đột biến”, ông nói.

Mỹ cũng đã hàn gắn lại các quan hệ quân sự của mình trong khu vực. Sau khi đuổi quân đội Mỹ ra khỏi nước vào cuối thời chiến tranh lạnh, năm nay Phi Luật Tân lại mở 5 căn cứ cho phi cơ Mỹ đến. Washington cũng đang thảo luận về việc đặt thiết bị quân sự lần đầu tiên sau 40 năm ở Việt Nam, tại một căn cứ ở Đà Nẵng.

Môi trường không rõ ràng

Đôi khi, việc xây dựng đảo của Bắc Kinh làm Mỹ rối rắm. Họ thấy khó để đối phó với chiến thuật “cắt lát salami” của Trung cộng, trong đó các hành động của họ thay đổi sự kiện tại hiện trường là quá nhỏ để thu hút một phản ứng mạnh bạo, trái ngược với sáp nhập Crimea của Nga năm 2014.

Chính quyền Obama cũng thấy chính họ bị chia rẽ về việc họ cần đẩy lùi Trung cộng mạnh tới mức nào, với Ngũ Giác Đài – và đặc biệt là bộ chỉ huy Thái Bình Dương – ủng hộ hành động quân sự cứng rắn hơn để ngăn chặn việc bồi lắp biển thêm nữa. Tuy nhiên, nhiều lúc điều này lại mâu thuẫn với các mục tiêu khác, chẳng hạn như bảo đảm có được sự ủng hộ của Trung cộng đối với thỏa thuận biến đổi khí hậu năm ngoái.

Trước khi có phán quyết, Trung cộng hoạt động trong một môi trường pháp lý không rõ ràng lớn hơn nhiều. Khi Hải quân Mỹ bắt đầu loạt hoạt động về “quyền tự do đi lại”, được vạch ra để thách thức các yêu sách quá mức, một viên chức cấp cao cho biết Ashton Carter, bộ trưởng quốc phòng, đã họp “hàng chục giờ với các luật sư, nghiền ngẫm bản đồ”. Tuy nhiên, thậm chí sau đó, một số viên chức Mỹ tin rằng, các cuộc tuần tra tiếp sau đó của các tàu Mỹ đã gửi tín hiệu lộn xộn về pháp lý.

Được hậu thuẫn của phán quyết, Ngũ Giác Đài có một cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng pháp lý của hầu hết các thể địa lý ở biển Đông để hướng dẫn các cuộc tuần tra của mình. “Phán quyết thổi gió vào buồm của những gì Mỹ đã và đang làm”, Timothy Heath, một chuyên gia về Trung cộng tại Tổng công ty Rand nói.

Nhưng ông ta không dự đoán có bất kỳ sự thay đổi căn cơ nào. “Trung cộng sẽ chẳng tự nguyện rời đi sớm vào một lúc nào đó và Mỹ cũng không muốn có đánh nhau về vấn đề này,” ông nói.

Có khả năng Mỹ sẽ khuyến khích các đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Úc và Nhật Bản, tiến hành các hoạt động tương tự để khẳng định rằng đây là vùng biển quốc tế. Các đồng minh châu Âu cũng có thể sẽ can dự vào. Anh và Pháp đã bày tỏ sự quan tâm trong việc thực hiện các sứ mạng ở biển Đông, mà họ có thể biện minh là để bảo vệ luật pháp quốc tế.

Quyết định của Hague trùng hợp với hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh giữa EU và Trung cộng. Trong nhận xét chính thức lúc khai mạc vài giờ trước khi phán quyết được công bố, Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói tới “phán quyết quan trọng” đang sắp đưa ra và nói với Thủ tướng Trung cộng, Lý Khắc Cường, rằng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nằm trong lợi ích chung của chúng ta . . . Trung cộng lẫn EU phải bảo vệ nó”.
Họ rất bực tức vì Tusk nêu vấn đề công khai,” một người phổ biến tóm lượt về các cuộc đàm phán, nói. “Người châu Âu chưa bao giờ thấy phía Trung cộng tức giận đến như vậy”. Một cuộc họp báo được lên lịch của ông Lý và ông Tusk đã bị hủy bỏ, chỉ báo trước một thời gian ngắn, khi phía EU nhấn mạnh rằng các nhà báo được phép đặt những câu hỏi mà các quan chức Bắc Kinh biết sẽ bị chi phối bởi việc tranh chấp lãnh thổ .

Cam kết của Mỹ

Phán quyết này đưa ra trong thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đang tạo ra căng thẳng trong các đồng minh châu Á về độ tin cậy trong các cam kết của Mỹ, đặc biệt là về hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Đối với nhiều nước trong khu vực, TPP là một cam kết một lần trong cả thế hệ của Mỹ – một bảo đảm rằng Washington thực sự thấy tương lai của mình gắn bó với châu Á. Chính vì lý do đó mà ông Carter đã nói rằng thỏa thuận này sẽ có “giá trị một hàng không mẫu hạm”.  

Tuy nhiên, TPP bị cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa phản đối. Ông Trump cũng đã nêu lên viển cảnh Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc và khuyến khích hai nước này tự mình phát triển hàng rào hạt nhân chống lại Bắc Triều Tiên – điều này sẽ cắt xén đáng kể vị thế của quân đội Mỹ nếu được thực hiện.

Ngoài ra còn có sự trớ trêu bất tiện là Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, cơ sở cho The Hague phán quyết. Trong tranh luận hai năm trước đây, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cảnh báo rằng nó có thể được sử dụng để bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Mỹ – đúng hệt điều phàn nàn mà Trung cộng đang làm. Kết quả là Bắc Kinh từ chối không chấp nhận phán quyết dựa trên một thỏa thuận mà họ đã ký kết trọn vẹn, trong khi Mỹ lại kêu gọi cho việc thi hành một hiệp ước mà đã không chịu ủng hộ.

Trong ngắn hạn, đứng đầu danh sách những điểm nóng tiềm năng Trung – Mỹ là bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Phi Luật Tân khoảng 230 km, nơi Trung cộng giành được quyền kiểm soát ba năm trước. Đầu năm nay, chính quyền Obama chuyển lời cảnh báo riêng tới Bắc Kinh, không được bắt đầu thực hiện một vụ bồi đắp mới. Mặc dù các viên chức Mỹ từ chối nói liệu bãi cạn Scarborough có được bảo đảm trong hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước này hay không, một số người ở Washington muốn có một tuyên bố chính thức để ngăn chặn Bắc Kinh.

Tôi nghĩ chúng ta nên sẵn sàng cho hành động quân sự ở bãi cạn Scarborough” nếu Trung cộng cố xây một đảo nhân tạo mới, Đô đốc Dennis Blair, cựu chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói. “Hãy vẽ một lằn ranh ở đó”.