19.07.2016

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 19.07.23016)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 19.07.23016)

Đường Lưỡi Bò từ đâu mà ra?


Một khoa học gia người Hoa, ông Tiết Lực giải thích về Đường Chín Đoạn hình thành ra sao từ thời Tưởng Giới Thạch và cho biết cả chính sách liên quan từng bị Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan xóa bỏ.
Thế nhưng, trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông lên cao, Đường Chín Đoạn mà người Việt Nam hay gọi là Đường Lưỡi Bò, lại được Trung cộng 'tiếp quản', và đề cao.

Trả lời trang The Diplomat hôm 06/07/2016, trước ngày phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung cộng giải thích ngọn nguồn sự việc:
"Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Đài Loan đề ra, và sau được đưa vào trong 'Nam Hải Chính sách Cương lĩnh - Nanhai Zhengce Gangling' năm 1993.
"Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn."
"Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử."
Image copyright  AFP  Image caption  Ông Trần Thủy Biển từng bỏ Chính sách Nam Hải năm 2003
Mơ hồ vì vẽ bản đồ kém?
Ông Tiết Lực nêu quan điểm rằng Đường Chín Đoạn chỉ nên được coi là đường phân định chủ quyền của các hòn đảo vì cách hình thành với các lý do kỹ thuật khiến chúng thiếu chính xác:
"Khi đường này được chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, Trung cộng không có khả năng đo lường các hòn đảo để xác định mọi địa hình tạo đường phân định cho khu vực hành chính xung quanh."
"Vì thế, họ vẽ ra đường chạy qua điểm giữa các hòn đảo và vùng đất lân bang để chỉ ra rằng các đảo nằm bên trong đường vẽ ra là lãnh thổ Trung Hoa."
Image caption   Có bản đồ in Đường 11 đoạn nhưng Chu Ân Lai ra lệnh xóa đi hai vạch, còn lại 9
"Đường này nói chung chạy qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh. Không hề có các vị trí địa lý cụ thể được nêu ra, và những bản đồ mỗi thời in một kiểu lại có chút ít khác biệt về điểm chính xác của đường chín đoạn này."
Theo ông Tiết Lực, Trung Hoa lục địa sau này đưa Đường Chín Đoạn và Luật lãnh hải năm 1992 và ra công bố ngoại giao khẳng định "chủ quyền không tranh cãi" về các đảo ở biển Nam Trung Hoa và mọi vùng nước xung quanh.
Nhưng theo ông, "đường chín đoạn nên được coi như là ranh giới chủ quyền của các hòn đảo" mà thôi.
Ông Tiết Lực, hiện giữ chức chủ nhiệm Ban nghiên cứu chiến lược quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung cộng, không phải là người đầu tiên và duy nhất trong giới chuyên gia tiếng Trung lên tiếng về tính thiếu chính xác của Đường Chín Đoạn.
Một học giả khác, giáo sư Uông Tranh từ Đại học Seton Hall, Hoa Kỳ, cũng có bài gần đây nói về tính mơ hồ của Đường Chín Đoạn.

Cũng viết trên trang The Diplomat, ông nói ông chưa tìm thấy bất cứ sách nào xuất bản ở Trung cộng "phân tích cụ thể, đầy đủ và khách quan về cả sự kiện và lịch sử Biển Nam Trung Hoa cũng như quá trình hình thành bản đồ Đường Chín Đoạn và ý nghĩa của nó".

Image copyright  GETTY  Image caption  Đường Chín Đoạn nay chính thức được Trung cộng tuyên truyền khắp nơi

BBC


Biển Đông : Nước Pháp trong thế dấn thân trở lại
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, lần thứ 15, ở Tân Gia Ba, ngày 05/06/2016ROSLAN RAHMAN / AFP
Cho đến nay, khi nói đến Biển Đông, người ta thường chú ý đến các nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Hoa lục địa…, hay các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… Thế nhưng, thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung cộng ngày càng khiến cho nhiều nước khác quan ngại, trong đó có Pháp. Bất chấp nguy cơ có thể khiến Bắc Kinh phật ý, trong thời gian gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định dấn thân trở lại vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích Liên Hiệp Châu Âu tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, mặc nhiên hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.
Trong một bài phân tích được trang mạng The Diplomat tại Nhật Bản công bố hôm 14/07/2016, ông Yo-Jung Chen, nguyên là một nhà ngoại giao Pháp gốc Đài Loan, đã không ngần ngại cho rằng quyết định dấn thân của Paris đã làm tăng thêm tình trạng cô lập của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Tác giả đã nhắc lại sáng kiến vừa được bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu lên hôm 05/06 vừa qua tại Đối Thoại Shangri-la ở Tân Gia Ba, theo đó Liên Hiệp Châu Âu cần tổ chức những chiến dịch tuần tra chung tại « các vùng biển châu Á », và duy trì « một sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt » tại đấy.
Để làm điều đó, nước Pháp sẵn sàng đứng ra phối hợp các lực lượng Hải Quân của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu để tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (từ tắt tiếng Anh là FONOP) ở Biển Đông.
Dĩ nhiên, Trung cộng không được nêu đích danh trong phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp (vì Trung cộng không phải là nước duy nhất tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông), nhưng sáng kiến của Pháp đã được xem là một tin xấu đối với Bắc Kinh, vốn đã rất bực tức trước những điều mà Trung cộng coi là « hành vi can thiệp từ bên ngoài » của Mỹ và đồng minh vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung cộng với các nước láng giềng ven Biển Đông.
Giá trị chiến lược nhỏ, giá trị ngoại giao rất lớn
Trên bình diện thuần túy chiến lược, kế hoạch của Pháp sẽ không có tác động quyết định nào đến tình hình Biển Đông. Dù vậy, theo tác giả bài viết, sáng kiến của Pháp rất có khả năng có giá trị lớn hơn trên mặt bình diện ngoại giao, nêu bật một cách đáng kể thế cô lập gần như hoàn toàn của Trung cộng trong vấn đề Biển Đông. Điều này đã được thể hiện qua thất bại của Bắc Kinh trong việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung cộng, chống lại phán quyết ngày 12/07 vừa qua của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Sáng kiến của Pháp, nếu được hưởng ứng, sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế của Trung cộng vì lôi kéo được một khối nước nặng ký như Liên Hiệp Châu Âu vào việc gây thêm áp lực quốc tế buộc Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật, được thể hiện trong phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye.
Nguyên do khiến Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, dù có lợi ích thương mại quan trọng với Trung cộng, lại dám dấn thân vào Biển Đông, là từ thái độ của Bắc Kinh. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đang càng lúc càng quan ngại rằng các hành động hung hăng bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông và việc Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ tác hại nghiêm trọng trên vấn đề quản trị toàn cầu và tôn trọng pháp luật quốc tế, với những hệ quả vượt quá khu vực Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian không nói gì hơn khi cho rằng nếu các quy tắc của pháp luật và quyền tự do hàng hải không được tôn trọng ngay bây giờ và ngay ở Biển Đông, ngày mai các quy tắc đó sẽ bị tác hại ở những nơi khác trên thế giới, kể cả bên trong và xung quanh châu Âu.
RFI


Hà Nội tố cáo Bắc Kinh bóp méo phát biểu của thủ tướng Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo các nước dự thượng đỉnh ASEM tại Oulan Bator, Mông Cổ ngày 16/07/2016.REUTERS/Damir Sagolj
Hà Nội hôm 18/07/2016 bác bỏ các thông tin trên báo chí Trung cộng nói rằng thủ tướng Việt Nam tôn trọng lập trường của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA). Đây là dấu hiệu mới nhất của sự bất đồng trong khu vực về bản án lịch sử này.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường bên lề hội nghị thượng đỉnh Âu-Á (ASEM) ở Oulan Bator, Mông Cổ vào tuần trước.
Trang web của chính phủ Việt Nam bác bỏ thông tin đăng trên truyền thông Trung cộng kể cả Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo…theo đó ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói với ông Lý Khắc Cường rằng Việt Nam tôn trọng lập trường của Bắc Kinh, và mong muốn tiến hành đàm phán song phương. Phía Việt Nam khằng định những thông tin này là « sai lệch ».
Reuters ghi nhận bản tin mở đầu bằng câu « Thông Tấn Xã Việt Nam được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật » liên quan đến thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung cộng hôm thứ Năm 14/7, cũng nói rằng ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam « tôn trọng quan điểm của Trung cộng » về vấn đề Tòa Trọng Tài.
Bài báo của Việt Nam đưa ra một loạt các điểm mà ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong cuộc gặp. Trong đó có Thỏa thuận về giải quyết những vấn đề trên biển tháng 10/2011 giữa hai tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào, việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên quan điểm của Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng Tài thì không rõ lắm.
Theo Reuters, Việt Nam tỏ ra thận trọng trước bản án, chỉ nói rằng hoan nghênh Tòa Trọng Tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/07/2016. Các nhà phân tích nhận định chiến thắng của Phi Luật Tân mang lại kết quả thuận lợi cho Việt Nam.
RFI


Trung cộng phong tỏa một phần Biển Đông để tập trận
Hạm đội Nam Hải Trung cộng luyện tập tiếp liệu gần bãi cạn James ở Biển Đông, 10/05/2016.STR / AFP
Ngày 18/07/2016 Trung cộng đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền tiến vào một khu vực ở Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam nơi diễn ra một cuộc tập trận trong tuần này. Thông báo này được đưa ra vào lúc tư lệnh Hải Quân Mỹ đang thăm Trung cộng, với hồ sơ Biển Đông nổi bật trong chương trình nghị sự.
Theo chính quyền đảo Hải Nam, một vùng biển ở phía đông nam của tỉnh đảo này sẽ bị phong tỏa từ hôm nay cho đến ngày 21/07/2016 vì lý do tập trận. Bắc Kinh không cho biết chi tiết về các cuộc tập trận, trong lúc cơ quan quản lý hàng hải Trung cộng nhấn mạnh rằng mọi tàu thuyền không phận sự đều bị cấm đi vào khu vực.
Theo hãng tin Pháp AFP, vùng bị phong tỏa khá xa Hoàng Sa, và dĩ nhiên là rất xa Trường Sa, hai quần đảo mà Bắc Kinh đang tranh chấp với một số láng giềng.
Hãng tin Mỹ AP đã gắn liền thông báo cấm biển mà Bắc Kinh đưa ra vào trong bối cảnh một chuyến thăm Trung cộng ba ngày của đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ, bắt đầu từ ngày 17/07. Người đứng đầu Hải Quân Mỹ đã tiếp xúc với đồng cấp Trung cộng đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli).
RFI

Đô đốc Trung cộng cảnh báo ‘thảm họa’ ở biển Đông
Ông Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung cộng tại diễn đàn đối thoại Shangri-La ở Tân Gia Ba, ngày 5/6/2016.

Một vị đô đốc trong Quân ủy Trung ương đầy quyền lực ở Trung cộng cảnh báo rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải do hải quân nước ngoài thực hiện ở biển Đông có thể kết thúc 'trong thảm họa'.
Phát biểu tại một diễn đàn kín ở Bắc Kinh tối 16/7, đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung cộng, cho rằng tự do hàng hải là vấn đề giả tạo mà một số quốc gia liên tiếp thổi phồng lên.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Tôn nói: “Từ khi nào tự do hàng hải ở biển Đông bị ảnh hưởng? Chưa khi nào, kể cả bây giờ lẫn trong quá khứ. Trong tương lai, sẽ không có vấn đề gì, chừng nào không ai dùng thủ đoạn”.
Vị đô đốc nói thêm rằng Trung cộng là quốc gia “hưởng lợi nhiều nhất từ tự do hàng hải ở biển Đông, và sẽ không để cho ai làm tổn hại điều đó”.
Ông Tôn nói: “Nhưng Trung cộng luôn phản đối cái gọi là tự do hàng hải quân sự mà kèm theo đó là mối đe dọa quân sự, sự thách thức và không tôn trọng luật biển quốc tế”.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung cộng nói thêm rằng “kiểu hoạt động tự do hàng hải quân sự này đang làm tổn hại tới tự do hàng hải ở biển Đông, và có thể kết cục trong thảm họa”.
Ông Tôn nói thêm rằng trước phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye, các lực lượng vũ trang của Trung cộng cần phải cải thiện khả năng để khi nào bị dồn ép, quân đội có thể đóng một vai trò quyết định trong giây phút cuối nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi quốc gia”.
Hoa Kỳ thời gian qua đã tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp ở biển Đông, khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản ứng.
Năm ngoái, khi được hỏi về các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng “là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển”.
Theo Reuters, MOFA (VOA) 

Trung cộng xử tệ với các nước láng giềng nhỏ

Người dân Phi xem truyền hình về thông báo phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng.   Ngày 12/07/2016REUTERS/Erik De Castro
Liên quan tới vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung cộng với các nước láng giềng, Nhật báo Le Monde nhận định Trung cộng cần rút ra những bài học quan trọng sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung cộng.
Hiện tại, Trung cộng đang cảnh giác đề phòng Mỹ đe dọa gây chiến tranh trong khu vực nhưng theo Le Monde, điều mà Trung cộng cần lo ngại không phải là nguy cơ chiến tranh trực tiếp mà chính là việc hình ảnh của Trung cộng ở châu Á - khu vực mà Trung cộng muốn lãnh đạo - lại đang bị chính nước này hủy hoại.
Mặc dù Trung cộng luôn khẳng định là không muốn cư xử như các cường quốc khác mà Bắc Kinh cáo buộc là đã lạm dụng quyền lực để gây sức ép, nhưng theo Le Monde, phán quyết của Tòa La Haye rõ ràng đã cho thấy Trung cộng lạm dụng sức mạnh trên Biển Đông, không tôn trọng luật biển và đã xâm phạm chủ quyền của Phi Luật Tân.
Trung cộng không muốn đàm phán với các nước láng giềng ở Biển Đông thông qua Liên Hiệp Quốc mà chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng nước. Theo nhận định của Le Monde, đương nhiên, khi đối mặt trực tiếp với gã khổng lồ Trung cộng, các nước nhỏ đều ở vị trí thua kém hơn.
Cậy mình là cường quốc trong khu vực, Trung cộng tự mình áp đặt luật lệ. Trung cộng tỏ ra rất tự tin nên luôn áp đặt sức mạnh lên các nước khác. Trung cộng đã bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp, biến chúng thành các căn cứ quân sự, hải quân và không quân. Trung cộng biết rằng lực lượng hải quân của các nước khác yếu thế hơn và tương lai kinh tế của các nước này lệ thuộc vào Trung cộng. Tuy nhiên Le Monde đáng giá là Trung cộng đã phạm hai lỗi lớn : thứ nhất, Trung cộng đã tự hủy hoại tham vọng trở thành một cường quốc trỗi dậy hòa bình và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Thứ hai, Trung cộng đã gây ra mâu thuẫn và góp phần làm cho căng thẳng quân sự leo thang trong khu vực có nhiều nước đồng minh của Mỹ. Theo Le Monde, chính Trung cộng là nước gây bất ổn và chạy đua vũ trang trong khu vực. Những gì mà Trung cộng gây ra hoàn toàn đối lập với cái mà Trung cộng nói là đang tìm kiếm.

RFI
Tổng hợp tin từ RFA, RFI, VOA, BBC