Số phận long đong của người Việt từ Nga sang Litva
(Litauen, Lithuanie)
Thụy My (RFI)
Vị trí địa lý của Litva.wikipedia
Tạp
chí Courrier International tuần này có bản dịch một bài báo của tờ Veidas xuất
bản tại Vilnius mang tựa đề « Theo dấu vết những người nhập cư Việt Nam
». Bài báo cho biết, từ giữa năm 2014, luồng người Việt di cư từ Nga sang
không ngừng tăng lên. Chạy trốn khủng hoảng, trong tay không có giấy tờ gì, họ
lang thang giữa Litva, Latvia, Ba Lan và Belarus.
Ông
R.Pozela, người đứng đầu cơ quan biên phòng Litva giải thích : « Tình
hình kinh tế Việt Nam rất xấu : 40% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Đất nước
này duy trì quan hệ lịch sử với Nga, nhiều người Việt vẫn đang sống và làm việc
ở đó. Nhưng tại Nga, tình hình cũng thay đổi. Chính sách nhập cư trở nên khắt
khe hơn, kinh tế sa sút. Thế nên người Việt buộc lòng phải di cư sang phương
Tây, đi ngang qua lãnh thổ chúng tôi ».
Năm
2014, có 195 người Việt đã vượt qua biên giới Litva trái phép. Năm ngoái, con
số này là 116 người. Còn năm nay, do tăng cường giám sát biên giới với Belarus,
không có vụ nhập cư bất hợp pháp nào của người Việt được ghi nhận. Nhưng lúc
sau này, lộ trình của họ đã chuyển sang Latvia, sau đó những di dân Việt dễ
dàng đi vào Litva để rồi sang Ba Lan. Họ bị lính biên phòng của ba nước chận
lại : có 301 vụ bắt giữ năm 2014, đến 2015 là 382 vụ, và từ đầu năm đến nay đã
có 45 vụ.
Số
công dân Latvia làm dịch vụ đưa người vượt biên cũng tăng lên : có 23 người đã
bị bắt trong năm ngoái. Cho đến nay, những trung gian giúp vượt qua biên giới
giữa Litva và Belarus là người Tchechenya. E.Gudzinskaite, thuộc bộ phận tư
pháp và hợp tác quốc tế của cơ quan nhập cư Litva giải thích : « Thường
thì những người Việt bị bắt có visa nhập cảnh Nga một lần. Tuy vậy họ không đi
thẳng từ Nga đến Litva, như vậy thủ tục xuất nhập cảnh vào Nga có lỗ hổng, và
chúng tôi phải gởi trả họ về Việt Nam ».
Lượng
người không có giấy tờ nhập vào là vấn đề lớn nhất. Tiến trình xác minh danh
tính thường rất lâu, và đã có những trường hợp không thể xác định được nhân
thân. Và như vậy, những người đã ở trung tâm tạm cư Pabradé của Litva tối đa 18
tháng sẽ được trả tự do, mà không có một tờ giấy lận lưng.
Hà
Nội không hăng hái trong việc nhận lại người Việt nhập cư
Ông
E.Gudzinskaite nhận định : « Một giáo xứ ở Vilnius được giao phụ trách
vấn đề người nhập cư. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với chính quyền Việt Nam,
liên quan đến các công dân Việt. Những người này sống bất hợp pháp tại Litva,
và không thể trục xuất được. Họ không được phép làm việc, không có được thu
nhập hợp pháp. Đó là một ngõ cụt ».
Aleksandras
Kislovas, người quản lý trung tâm tạm cư cho biết thêm : « Năm ngoái,
chúng tôi có một trường hợp như vậy và năm nay thì hơn một chục ca. Chúng tôi
phải tôn trọng các thủ tục ngoại giao, không thể đòi hỏi tới tấp được. Sau khi
gởi đi một hồ sơ, chúng tôi phải chờ ba tháng mới đưa tiếp một hồ sơ mới ».
Nhà
chính trị học Konstantinas Andrijauskas giải thích : « Ngày nay Việt
Nam vấp phải tình trạng đặc thù của những nước đang phát triển một cách nhanh
chóng. Các ngành kỹ nghệ ở đô thị vốn ưa chuộng công nghệ mới phát triển nhanh,
những cải cách kinh tế diễn ra theo hướng khuyến khích xuất khẩu, đứng chân
được trên thị trường thế giới. Nhưng những cải cách này chỉ liên quan đến một
bộ phận của xã hội Việt Nam. Bất bình đẳng xã hội bị đào sâu. Bên cạnh đó còn
có vấn đề dân số gia tăng nhanh chóng, có thể vượt qua ngưỡng 100 triệu dân ».
Sự
thiếu hợp tác của chính quyền Việt Nam trong vấn đề này, và trước số phận các
công dân Việt vượt biên đi tìm thiên đàng mộng tưởng, không làm ngạc nhiên
Konstantinas Andrijauskas. Nhà nghiên cứu nói : « Một số người khẳng
định một cách hầu như chính thức, là chính quyền Việt Nam nhắm mắt làm ngơ trước
hiện tượng di cư, vì nó giúp giảm áp lực dân số, thậm chí về chính trị, trước
thử thách của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.
Việc Hà Nội không hợp tác với Litva hoàn toàn có thể hiểu được ».
Tờ
báo đặt câu hỏi, tình hình kinh tế Nga và lượng người nhập cư từ Trung Á hiện
diện đông đảo ở nước này, liệu sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho Litva hay không
? Hiện thời, các khó khăn kinh tế của Nga và của quê hương mình là yếu tố quyết
định, trong sự chọn lựa của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Nhưng theo
tờ Veidas, đôi khi họ « tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa », và rơi vào tình
cảnh còn tệ hại hơn ở Litva.