„…mang danh CNXH, đội mũ CNXH, huênh hoang CNXH một cách cao ngạo,
đao to búa lớn mà thật ra là rỗng tuyếch, gượng gạo, ngược đời.“
'Chủ nghĩa xã hội' mà vắng bóng xã hội
Bùi
Tín
Ban
Tuyên Huấn đảng csVN họp bàn xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Nguồn ảnh:
Internet
Ở Việt Nam, các chữ "xã hội chủ nghĩa" xuất
hiện hàng ngày, bất cứ ở đâu, với mật độ dày đặc nhất, trên văn kiện, báo chí,
truyền thanh, truyền hình, diễn văn, thông báo, khẩu hiệu tuyên truyền… Tên nước
là "Cộng Hòa XHCN Việt Nam", hiến
pháp là "Hiến pháp XHCN", quốc huy là
"Quốc huy XHCN", kinh tế là "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", xây dựng "con người XHCN", theo "đạo đức XHCN", theo "cương lĩnh XHCN" của đảng CS, với mục tiêu cuối
cùng là chủ nghĩa Xã hội (CNXH) rồi chủ nghĩa Cộng sản (CNCS).
Điều mỉa mai dai dẳng là cái khái niệm được nhắc đi
nhắc lại nhiều nhất ấy lại là một khái
niệm ảo, không có thật, không một ai nhìn thấy và cảm thấy. Ông Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng phải công nhận là đến cuối thế kỷ XXI này cũng chưa chắc sẽ
nhìn thấy mặt mũi của nó ra sao! Còn ông nguyên bộ trưởng Bùi Quang Vinh sau
khi tụng niệm nó hàng triệu lần trong lời nói và văn kiện đã thật thà hơn khi
cho rằng "cái
khái niệm XHCN ấy làm gì có thật mà tốn công đi tìm!" Cái khái
niệm đó chỉ là một ảo tưởng, một điều bịa đặt … vậy mà hàng trăm triệu con người
vẫn cứ tin là thật. Sự ngây thơ, nói thẳng ra là sự ngốc ngếch của con người đến
thế là cùng!
Xin giở lại lý luận cơ bản của Karl Marx về CNXH, tiền
thân của CNCS. Theo Marx định nghĩa, CNXH khoa học, hay "CNXH mang bộ mặt
con người" là toàn xã hội ra sức lao động sáng tạo có năng xuất cao, sản
phẩm được phân phối công bằng theo công sức bỏ ra, không có nạn người bóc lột
người. Ngay khi khởi đầu xây dựng CNXH toàn xã hội đã chăm lo cuộc sống cho
nhau, trong một cộng đồng đề cao giá trị lao động và thương yêu đùm bọc nhau
trong tình người thân ái. Thật là lý tưởng.
Theo đúng tinh thần này, ở các nước tư bản phát triển
từng có các đảng Xã hội và đảng Xã hội-Dân chủ tham gia chính quyền, các phương
châm trên được thực hiện khá rõ, được cả xã hội hoan nghênh, các chính đảng cầm
quyền tranh đua nhau thực hiện. Chỉ kể ở Pháp, từ thời Mặt trận Bình Dân những
năm 1930, các thành tích xã hội đã ngày một rõ và nhiều. Các chính sách xã hội
trở thành nội dung chính của các chính quyền kế tiếp nhau, của các đạo luật
ngày càng phong phú cụ thể. Cộng đồng xã hội cùng Nhà nước ngày càng chăm lo
sâu sắc đến cuộc sống của mỗi công dân đồng bào của mình. Toàn xã hội chăm lo
cho cuộc sống yên lành của mỗi công dân - đồng bào, mỗi gia đình, cho công dân
từ khi trong bụng mẹ, khi khôn lớn, lúc học hành, thành nghề, lao động, đến tuổi
về hưu, dưỡng già, cho đến tận khi chết làm lễ an táng tại các nghĩa trang.
Trong cuộc sống của mỗi công dân thường gặp những bất
ngờ, tai nạn, tàn tật, ốm đau, thất nghiệp, thiên tai, bất hạnh, nợ nần, phá sản,
dù ở đâu lúc nào, ra sao, nhà nước và xã hội cũng có mặt để hỗ trợ cứu giúp.
Từ khi người mẹ có thai, đã được khám thai miễn phí,
khi cần còn được nghỉ và nhận phụ cấp dưỡng thai, khi sinh được chăm lo mẹ tròn
con vuông, trợ cấp sữa nếu thiếu sữa mẹ, trợ cấp nuôi con, trợ cấp đông con
theo lũy tiến là con sau được nhận cao hơn con trước, có cố tật, các bệnh hiểm
nghèo hay lây được trị miễn phí 100%, nghỉ, chữa bệnh giữ nguyên lương, được phụ
cấp khi thất nghiệp, bị tai nạn, được nhờ luật sư cãi miễn phí khi không có điều
kiện thuê khi có kiện tụng. Khi cao tuổi được vào nhà già nếu muốn, được hưởng
nhiều chiếu cố, đi lại tàu xe công cộng miễn phí, đi nghỉ mát, du lịch gần,
tour du lịch tàu biển, tắm suối nước nóng miễn phí, các công dân nam nữ sống độc
thân được trợ cấp đi giải trí, nghỉ ngơi, du ngoạn … Dịp khai giảng năm học, mỗi
gia đình bình thường được trợ cấp cho mỗi con tùy theo tuổi và lớp, để mua cặp
sách, các loại bút, vở tập, sách giáo khoa đủ loại cho từng lớp, cho đến phụ cấp
di chuyển để đi học bằng phương tiện công cộng, rồi nhà nước cho thuê phòng giá
rẻ cho học sinh và sinh viên ở xa đến trọ. Các em được chữa răng, chữa mắt miễn
phí, được cấp kính viễn hay cận, cho làm hàm răng giả, chân tay giả, xe lăn khi
cần…
Trong khi đó, ở nước Cộng hòa XHCN VN theo báo Pháp Luật
tháng 8 vừa qua, mỗi gia đình phải đóng gần 60 khoản thuế và lệ phí đủ loại cho xã hội và Nhà nước, mà nhận về
chẳng được mấy. Ngoài những thuế phổ cập như thuế nhà đất, thuế sử dụng
tài nguyên, thuế môi sinh, giao thông, an ninh quốc phòng, có những thứ thuế
tuy là tự nguyện nhưng lại mang tính bắt buộc, không theo luật mà chỉ theo ước
lệ, như quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi xã hội, phí xây dựng nông thôn mới, thuế
làng văn hóa, quỹ bóng đá thiếu niên, thuế dân số (đẻ con thứ ba phải nộp 2 triệu
đồng), quỹ đền ơn đáp nghĩa (cho gia đình liệt sỹ, thương binh), rồi các phí
xin chữ ký, xin dấu triện, chứng nhận khai sinh, học bạ, văn bằng, di chuyển,
quỹ người cao tuổi, quỹ công ích, quỹ dân sinh, quỹ cán bộ xóm, có người nằm liệt giường hàng chục năm hay em bé mới sinh ra
cũng phải nộp gần 20 loại phí mang tên mình.
Vậy là trong chế độ dân chủ tuy không mang tên XHCN,
xã hội và Nhà nước chủ động chăm sóc, phục vụ tận tình mỗi công dân, mỗi gia
đình, không cần gì công dân phải cầm đơn đến cơ quan công quyền để van xin. Các
Quỹ hỗ trợ gia đình (Caisse d’ allocations familiales - CAF) và Quỹ An sinh Xã
hội (Sécurité Sociale) rất phong phú chủ động xem xét từng trường hợp thật
chính xác, công bằng theo luật và gửi tiền đúng thời hạn đến tận nhà. Đúng là
chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là xã hội chăm lo, săn sóc, quan tâm, phục vụ đến
nơi đến chốn mỗi công dân, không chút phiền hà, quà cáp, phong bì, chờ đợi theo
kiểu xin - cho, vòi ăn hối lộ, đút lót tệ hại cổ hủ, như các chế độ quan liêu
CS, bao cấp, mang danh CNXH.
Nó không cần mang danh
CNXH, đội mũ CNXH, huênh hoang CNXH một cách cao ngạo, đao to búa lớn mà thật
ra là rỗng tuyếch, gượng gạo, ngược đời. Nó thực chất là một chế độ dân
chủ, một mô hình thật sự của dân, do dân, vì dân, mang bộ mặt nhân ái, mang bản
chất Người, người thật với người là anh em.
Đến bao giờ nước Việt Nam mới có CNXH thật sự mang bộ
mặt Người, một chế độ của dân, do dân và vì dân, có chế độ pháp quyền đúng đắn,
từ đó mỗi công dân được xã hội và nhà nước chăm sóc chu đáo một cách bình đẳng,
từ khi sinh ra cho đến khi tắt thở sau một cuộc đời đáng sống trong nhân cách,
hạnh phúc?
Vậy cái chế độ CS kỳ khôi giả danh XHCN,
mà nội dung xã hội rỗng nên gọi là gì? Nó đang hiện hữu ở
Trung cộng, Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam. Theo báo le Monde mới đây (tháng
8/2016) các học giả phương Tây như Bertrand
Jacquillet (Pháp), James Galbraith
(Hoa Kỳ) gọi nó là "chế độ tư bản đặc thù", vì cũng đề cao giá
trị đồng tiền và lợi nhuận tối đa, nhưng lại không theo luật pháp, luật lệ
nghiêm minh, mà theo luật rừng của kẻ có chức quyền, người với người bóc lột
nhau theo thú tính tàn ác, nên có thể đặt tên chính xác là "chủ nghĩa tư bản
thú tính" (le "capitalisme prédateur", nghĩa đen là
"chủ nghĩa
tư bản ăn thịt nhau"). Ở đó không có luật, không có tòa án,
không có xã hội, thì làm gì có CNXH, chỉ có các nhóm lợi ích Cộng sản tham lam
gầm ghè ăn thịt nhau. Đã có người mỉa mai đọc XHCN là "xuống hố cả nút",
hay là "xấu
hơn cả ngụy", cũng là nói lên sự thật.
Bùi
Tín Blog VOA