Kính
Hòa (RFA)
Công an giữ trật tự trong chuyến thăm của
Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Hà Nội hôm 6/9/2016. AFP photo
Blogger
Cánh Cò viết rằng chưa bao giờ chuyện thời sự Việt Nam lại dồn dập như lúc này,
từ chuyện cung đình cho đến chợ búa, từ chuyện con cá ở Formosa đến việc ông Bí
thư tỉnh ủy Thanh Hóa ngoại tình, và dĩ nhiên câu chuyện tham nhũng và mất tích
của Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa có hồi kết.
Cung đình dòng tộc, và những
chuyện khác
Một câu chuyện cung đình ở mức trung bình là chuyện
ông Triệu Tài Vinh, người đứng đầu đảng cộng sản tại tỉnh Hà Giang. Ông Vinh có
tới gần 10 người thân được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong tỉnh. Sự
việc được các blogger và cư dân mạng xã hội bàn tán xôn xao trước khi báo chí
chính thống của nhà nước hỏi chuyện ông Vinh. Ông tuyên bố rằng những người
thân của ông đều được bổ nhiệm đúng qui trình, mà hơn nữa ông nói rằng ông
không có ý muốn làm lãnh đạo.
Blogger
Kinh Thư bình luận về tuyên bố đúng qui trình của ông Tài
Vinh:
Chuyện cả họ làm quan đã trở
thành chuyện tất yếu đúng quy trình. Như thế này thì chuyện cát cứ, lập thành
nhiều trung tâm quyền lực, dẫn đến mâu thuẫn chống phá lẫn nhau là điều hiển
nhiên chắc chắn. Điều này cũng có nghĩa đảng Cộng Sản ở Việt Nam đang dần mất hết
quyền lực tập trung, các nghị quyết của đảng đã, đang, sẽ không còn sức mạnh vì
đụng phải quyền lợi phe nhóm của dòng họ. Phép vua thua lệ làng, mọi chính sách
sẽ chỉ là chuyện nói cho vui, trên bề mặt. Chuyện tất yếu sẽ đến đúng như quy
trình.
Nếu Kinh Thư cho rằng qui trình bổ nhiệm người nhà của
các quan chức hiện nay sẽ dẫn đến quyền lực tập trung của đảng bị mất đi, thì
tác giả Lã Yên viết trên trang Dân
Luận rằng chuyện dòng tộc cùng nhau làm quan sẽ có tác hại ghê gớm hơn nếu chuyện
đó xảy ra trong một xã hội hà khắc, được cai trị một cách độc tài.
Về khách quan mà nói, việc cả
nhà, cả họ đều làm quan chẳng có gì là xấu, mà đó còn là vinh dự cho một gia
đình, dòng họ. Nhưng ở một chế độ độc
tài, không dân chủ, không minh bạch, luật pháp không được thượng tôn, trong khi
chủ nghĩa lý lịch lên ngôi thì lấy gì bảo đảm chọn và bổ nhiệm đúng người, đúng
việc.
Đạo làm quan, người xưa răn rằng:
"Tài hèn, đức mọn, quyền cao là đại họa". Nên xét nghĩ, việc bổ nhiệm
quan chức không dựa trên thực tài mà dựa vào quan hệ thân quyến, gia tộc thì dễ
phát sinh nguy cơ thao túng quyền lực và vụ lợi, điều chỉ gây hại cho đất nước.
Blogger
Song Chi viết rằng Người dân khi nói về nội bộ đảng cũng hay dùng những từ vừa
mỉa mai vừa bỡn cợt như “cung đình
Hà Nội”, gọi bốn vị trí cao nhất là “tứ trụ cung đình”, con trai con gái dâu rể
các ông Tổng bí thư, Thủ tướng là hoàng tử, công chúa, phò mã.
Không xa Hà Giang, cũng một vùng núi nghèo là tỉnh
Sơn La. Tại đây một hình ảnh được lan truyền rộng rải trên mạng xã hội và cả
báo chí chính thống trong tuần qua, là hình ảnh một người đàn ông chở người
thân vừa qua đời của mình trên xe gắn máy, trong một manh chiếu rách. Hình ảnh ấy
gây nhiều xúc động, thậm chí những phản ứng giận dữ khi người ta biết rằng cũng
chính tại tỉnh Sơn La, những công trình tượng đài tốn kém hàng ngàn tỉ đồng đã
được phê duyệt. Những công trình này được giới chức có thẩm quyền cho là để đáp
ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.
Blogger
Tưởng Năng Tiến đăng hình một tờ đơn với nét chữ nghuệch
ngoặt của một người dân, một em bé không quần áo, tại tỉnh Sơn La, và rút ra kết
luận:
Dù chưa bao giờ có cơ hội
đặt chân đến “Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung” nhưng qua tờ đơn nguyệch ngoạc chưa tới một
trăm chữ (gần nửa viết sai lỗi chính tả) của ông Lò Văn Muôn, và qua
hình ảnh những đứa bé trần truồng ở vùng đất này thì tôi hiểu tại
sao tỉnh Sơn La có thể ban hành nghị quyết thông thông qua đề án xây dựng tượng
đài Bác Hồ – với tốn phí 1.400 tỷ đồng – mà không gặp phải bất cứ sự
chống đối nào của dân chúng địa phương.
Câu chuyện thứ ba được giới blogger chú ý, bàn tán với
nhiều lời kính trọng, là một tòa án xử giam bà Cấn Thị Thuê, một nông dân mất đất,
kiên trì đòi quyền lợi của mình và dân làng trong mấy năm qua. Bên ngoài tòa
án, nơi xử bà Thêu, có nhiều nông dân cũng mất đất như bà nóng trông người mà blogger Cánh Cò gọi là người anh hùng của
họ. Thậm chí Cánh Cò so sánh bà Thêu với hình ảnh một người phụ nữ nổi tiếng thế
giới của Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi,
Người nông dân Việt Nam không cần biết ai là Aung San Suu Kyi, họ một
lòng với bà Thêu vì biết bà cũng là nạn nhân như họ. Cũng xót xa khi nhìn thấy từng vuông đất trên mảnh ruộng thân yêu
của gia đình bị chế độ ngấm ngầm chia sớt cho các con hạm đất. Người dân oan ở các
nơi khác, kể cả miền Nam, không nệ đường xá xa xôi vạ vật tại Hà Nội để đồng
hành cùng với bà. Đó là sự thật và nhà nước
do sợ sự thật nên đã tống bà vào tù.
Cơ chế và thay đổi
Trong câu chuyện mất tích và tham nhũng của ông Trịnh
Xuân Thanh, mà nhiều blogger đã tốn nhiều sức lực trong mấy tuần qua, lại có
thêm một tình tiết mới là ông Thanh không phải thuộc dạng cán bộ luân chuyển,
có nghĩa là ông không thể được di chuyển từ một Tổng công ty sang một đơn vị cấp
tỉnh.
Nhà
văn Phạm Thị Hoài giải thích chữ luân chuyển này trong cơ
chế cơ cấu nhân sự hiện nay của đảng cộng sản, và hệ lụy của nó:
Chữ luân trong luân chuyển là
cái bánh xe, cái vòng tròn. Chính sách vòng tròn của Đảng sau 14 năm thực hiện
đã cống hiến cho tiếng Việt một từ thú vị: chạy luân chuyển (chạy là một trong
những động từ đặc trưng nhất cho sự tồn tại của người Việt) và tạo ra một ma trận chằng chịt những bày binh
bố trận mù mịt, những mưu toan tiến thoái, những nhập nhằng đổi chác, những bước
đệm và những cam kết trước khi trời sáng và những vụ thanh trừng nửa đêm, những
chiếc ghế cần sang tên, những sự nghiệp cần tráng men và trước hết: những vết
nhơ cần xóa, những bê bối cần hóa giải.
Trong ngân hàng nhân sự của Đảng,
các đồng chí nợ xấu sau vài vòng luân chuyển lại sạch sẽ như người cộng sản vừa
bước ra từ giáo trình Mác-Lê. Hệ thống tự xây cho mình cung mê, để rốt cuộc
không tìm ra cửa thoát. Luân chuyển thành luân vong, lại một chữ luân định mệnh.
Nói về những người cộng sản Việt Nam, có hai blogger
không đồng ý với nhau về vị trí của những người này trong tiến trình dân chủ
hóa Việt Nam hiện nay.
Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, nhà báo Huy Đức phê bình những người đấu tranh
cho dân chủ nhưng có sự thù hận đố kỵ với những người cộng sản:
Những người cộng sản đã thất bại khi áp dụng chuyên chính vô sản với
những ai không "yêu nước" theo mô hình của họ. Tôi không nghĩ là những người mong muốn đất nước dân chủ hóa sẽ dễ
dàng thành công nếu như khi chưa có gì trong tay đã đòi tùng xẻo những người cộng
sản. Tôi biết nhiều người cộng sản cũng
muốn kiến tạo một tương lai ngay tại chính quê hương chứ không phải ai cũng
vơ vét rồi đưa gia đình chuồn ra ngoại quốc.
Blogger
Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi
không đồng tình với ý nghĩ rằng nhiều người cộng sản cũng muốn kiến tạo một
tương lai tại chính quê hương,
Làm sao một người đảng viên cộng sản có thể kiến tạo một tương lai
cho đất nước, nơi ai ai cũng có thể thực
thi các quyền dân sự chính trị ôn hòa của mình, khi mà chính sự tồn tại của họ
trong tư cách thành viên Đảng Cộng sản
Việt Nam - một đảng tự định nghĩa sẽ nắm quyền tuyệt đối, toàn diện, duy nhất
- đang chứng tỏ cho điều ngược lại: tước đoạt các quyền dân sự chính trị của
người dân ngoài đảng?
Không nói về những người cộng sản, blogger Viết Từ Sài Gòn lại có hy vọng
rằng xã hội Việt
Nam đang thay đổi, đang chạm tay đến dân chủ. Tác giả đưa ra ba lý
do cho nhận định lạc quan đó. Thứ nhất là người dân hiện nay nếu bất tín nhiệm
với nhà nước thì có dựa trên những phân tích lý trí. Thứ hai là người dân đã bắt
đầu bình tĩnh, không hô hào theo đám đông nữa. Và cuối cùng là người dân đang
có ý thức về xã hội mà mình đang sống.
Về phía nhà cầm quyền, đặc biệt là từ bộ máy trấn áp
của nhà nước cộng sản, blogger Đoan
Trang cũng nhận thấy rằng sự hà khắc đã bớt đi rất nhiều so với trước đây:
Có sự thay đổi theo hướng bớt
rừng rú hơn. Sự thay đổi này chẳng phải do chính quyền công an trị ở Việt Nam tự
nhiên trở nên nhân hậu hơn, mà (có thể) là do chính quyền buộc phải học cách hành
xử văn minh hơn để còn hội nhập với khu vực và thế giới; và do số người bất mãn, “phản động” bây giờ đông
hơn xưa nhiều quá, công An không đủ nguồn lực để tiêu diệt hết, chỉ đủ sức để tạm
thời kiểm soát được thôi.
Một điều có thể gây thất vọng cho Đoan Trang, cùng
nhiều blogger lạc quan khác là nhà cầm quyền vẫn y án năm năm tù giam cho người
chủ trang blog Ba Sàm, ông Nguyễn Hữu Vinh vào ngày thứ năm 22
tháng chín. Phiên tòa này nhắc cho tác giả Nguyễn Hoa Lư nhắc lại lời của ông
Vinh cách đây mấy năm khi bắt đầu thực hiện trang tin tức lề trái nổi tiếng
này:
“Khi thực trạng báo chí nước
nhà quá tệ khiến Ba Sàm mơ có một nơi mà
ở đó mọi người có thể dễ dàng, nhanh chóng tìm được rất nhiều thông tin đa chiều.
Không những vậy, họ còn có thể được tự đánh giá, thử thách mình và học hỏi
về kiến thức, lối sống, cách ứng xử, v.v.. Nơi đó sẽ giúp thêm việc khích lệ, tạo
điều kiện chưa từng có cho mỗi cá nhân chỉ bằng phương tiện trên máy tính mà
cũng có thể hy sinh chút ít thời gian, công sức để chia sẻ một cách nhanh chóng
những hiểu biết, quan điểm của mình cùng mọi người trên khắp thế giới bằng những
bài viết, ý kiến. Thêm nữa, nó cũng là
nơi dung hòa “hai thế giới” thông tin của người Việt – gần đây được mệnh danh
là “lề trái” và “lề phải”.
Ý muốn dung hòa hai thế giới truyền thông của ông
Nguyễn Hữu Vinh đã phần nào thành hiện thực, khi trong thời gian gần đây, báo
chí chính thống, thậm chí cả các quan chức nhà nước đã phải tính đến các nguồn
tin từ các trang blog và mạng xã hội đưa ra. Và ngay trong bài báo viết về
phiên tòa xử ông Nguyễn Hữu Vinh, báo Tuổi trẻ tại Sài Gòn đã thay một bức hình
bị cho là làm xấu hình ảnh ông Vinh, sau khi có nhiều ý kiến chỉ trích từ giới
blogger và từ mạng xã hội.