„…chính quyền Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú
Trọng, cũng như cố TBT Lê Duẩn trước đây, trong thâm tâm của họ, luôn luôn ngồi
xổm trên hiến pháp, luật pháp và khinh thường tất cả mọi công ước quốc tế về
nhân quyền và dân quyền họ ký kết.
Đối với đảng CSVN, quyền lực phe nhóm và quyền lợi đảng phái là những
động cơ tối quan trọng có tính quyết định.“
Formosa: Pháp chế xã hội chủ nghĩa không đủ khả năng giải quyết những
vấn nạn lớn của đất nước
Luật Sư Đào Tăng Dực
Trên thế giới đương đại, tất cả những quốc gia kinh
tế phát triển, xã hội công bằng và văn minh đều nhờ sự hiện hữu của một nền dân
chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Nếu hỏi rằng, trong 3 yếu tố nền tảng là hiến định,
pháp trị và đa nguyên, thì yếu tố nào là quan trọng nhất. Câu trả lời chắc chắn
là yếu tố pháp trị. Dĩ nhiên hai yếu tố còn lại là hiến định và đa nguyên sẽ củng
cố và bảo vệ cho tinh thần pháp trị bền vững, chân thực và thăng hoa.
Chính vì thế, cũng trong thế giới đương đại, chưa có
câu tuyên bố của lĩnh đạo chính trị nào, kém trí tuệ và nguy hiểm cho dân tộc họ,
bằng câu tuyên bố của cố Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Duẩn:
“Nhà nước ta là nhà nước xã hội
chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai
cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là
nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê
bình là đủ”.
Ngày hôm nay, thế kỷ
20 đã qua và thế kỷ 21 bắt đầu. Tuy nhiên thảm họa môi
trường Formosa và những hệ lụy của nó chứng tỏ rằng, mặc dù đảng CSVN đã tung nhiều hỏa mù mị dân, đánh lừa dư
luận về đổi mới, về nhà nước pháp quyền, nhưng trong bản chất, vẫn theo tinh thần của Lê Duẩn. Tức là không cần luật pháp gì cả. Giải quyết trong nội bộ đảng.
Nếu có sai lầm thì phê bình và tự phê qua loa là đủ.
Thật vậy đại họa môi sinh tại Vũng Áng do Formosa
gây ra là một đại họa khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử đất nước. Mức độ thiệt
hại còn cao hơn nhiều nếu so sánh với những thảm họa môi sinh khác trên thế giới,
như vụ loan dầu Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico do hãng BP gây ra, năm 2010,
phải bồi thường thiệt hại cho chính phủ và tư nhân Hoa Kỳ lên đến hằng trăm tỷ
Mỹ Kim.
Tuy nhiên, thay vì hành xử theo tinh thần pháp trị
như tại Hoa Kỳ, chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị đảng CSVN, trong
tinh thần của TBT Lê Duẩn đề xướng, đã coi thường luật pháp và phạm những sai lầm
như sau:
1. Không truy tố Formosa chính thức trước
tòa án;
2. Không cung cấp cho tòa tất cả những dữ
kiện về thiệt hại cho đất nước một cách khách quan;
3. Không cho phép dân chúng, nhất là các
ngư dân trình tòa những thiệt hại của cá nhân hoặc tập thể;
4. Không truy tố những cá nhân lãnh đạo
trong tập đoàn Formosa về những vi phạm hình sự nghiêm trọng trong tác động hủy
hoại môi trường;
5. Đi đêm với tập đoàn Formosa, nhân một
gói bồi thường trị giá rẻ bèo đến mức độ buồn cười là $500 triệu Mỹ Kim;
6. Ngăn chận các ngư dân và đồng bào nộp
đơn kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại cho cá nhân và có nguồn tin là chính
phủ tự động quyết định bồi thường cho mỗi gia đình là $500 Mỹ Kim.
Một câu hỏi quan trọng phải làm sáng tỏ
là: Sau
hành động bất chấp luật pháp nên trên của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người dân
bị thiệt hại vì đại họa Vũng Áng có quyền pháp lý kiện Formosa với tư các cá
nhân hay không?
Sau khi nghiên cứu tình trạng pháp lý tại
Việt Nam thì câu trả lời khẳng định là có.
Thật vậy chính Hiến
pháp 2013 ghi rõ:
Điều 30 (1) quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố
cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật
của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 102 (3) ghi rõ là Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo
vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ
nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân.
Thêm vào đó, Công Ước Quốc Tế về các quyền Dân Sự và
Chính Trị cũng đã được CSVN phê chuẩn cũng ghi rõ tại điều 14 (1):
- Mọi người đều bình đẳng trước tòa án hoặc pháp
đình. Trong những phán xét về những cáo buộc hình luật hoặc liên hệ đến quyền lợi
và trách nhiệm trong một phiên tòa, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng
và công khai bởi một pháp đình có thẩm quyền, độc lập và công tâm do luật định.
Cuối cùng, trong tinh thần hiến pháp và các công ước
quốc tế nêu trên, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam năm 2015 cũng có những điều
khoản minh thị:
Điều 4 (1) về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp ghi rõ:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định
có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có
thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công
dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của
người khác.
Điều 4 (2) còn nhấn mạnh là Tòa án không được từ chối
giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Và sau cùng, Điều 26 (6) quy định rõ rệt những tranh
chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm cả những “Tranh
chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.” tức những tranh chấp giữa ngư dân
hoặc bất cứ người dân nào và Formosa, nếu hành động tắc trách của công ty này
gây thiệt hại cho họ.
Những điều khoản trên cho thấy quyền truy tố Formosa
của mỗi cá nhân người Việt, trong 4 tỉnh miền trung, nhất là các ngư dân, hầu
được bồi thường đích đáng về những thiệt hại của mình do đại họa môi sinh gây
ra, là một quyền lợi pháp lý bất khả tranh cãi trên căn bản hiến pháp, công ước
quốc tế và Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự của Việt Nam.
Như thế, nếu muốn tôn trọng pháp luật và qua đó bảo
vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải làm
gì?
Vì đại họa Vũng Áng vô cùng lớn lao và phức tạp, trước
hết chính phủ cần bổ nhiệm một Ủy Ban Đặc Nhiệm điều tra và đánh giá sự thiệt hại
cho quốc gia, những công dân cá thể và bất cứ thực thể pháp lý nào liên hệ. Những
thiệt hại cần đánh giá không những ngay bây giờ mà cho cả tương lai xa và bao gồm
chi phí hoàn nguyên cho môi trường sống cho muôn loài hải sản lẫn con người của
tương lai. Những chuyên gia Việt Nam liên hệ cũng cần phải có sự giúp đỡ của
các chuyên gia quốc tế.
Ủy Ban Đặc Nhiệm này phải làm việc song hành với Viện
Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao chiếu theo điều 107 của Hiến Pháp 2013 vì viện này có
trách nhiệm hiến định thi hành quyền công tố.
Chính quyền, trong khi chờ đợi kết quả của Ủy Ban Đặc
Nhiệm, vẫn có thể khởi tố Formosa trên bình diện dân sự và phiên xử chung quyết
có thể hoãn lại để chờ đợi một hồ sơ chứng cớ đầy đủ.
Vì khả năng vi phạm luật hình sự của một số cá nhân
cao cấp của Formosa (và chính một số viên chức CSVN) rất cao, nên trong khi chờ
đợi kết quả điều tra của Ủy Ban Đặc Nhiệm và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tốc Cao,
các đương sự phải nộp cho Viện Kiểm Sát tất cả các thông hành và trong thời
gian điều tra, không thể rời khỏi Việt Nam.
Sau khi Ủy Ban Đặc Nhiệm đã đánh giá xong sự thiệt hại,
mức độ bồi thường cần phải được ấn định với những điều kiện sau đây:
1. Vì quyền cá nhân kiện Formosa là một quyền lợi
phát xuất từ những căn bản pháp lý nền tảng, nên trong trường hợp chính phủ muốn
thụ lãnh trách nhiệm bồi thường cho các cá nhân nạn nhân của đại họa này, chính
phủ phải thông qua một sắc luật mới, quy định rằng chính phủ, chứ không phải
Formosa sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
2. Trách nhiệm vô cùng quan trọng của chính phủ là
phải đòi hỏi một mức độ bồi thường tương xứng với sự thiệt hại cho quốc gia nói
chung, và của các nạn nhân cá nhân nói riêng. Lý do là vì nếu mức độ bồi thường
quá thấp thì không những quyền lợi quốc gia bị bán rẻ cho ngoại bang, mà ngân
sách từ tiền thuế của nhân dân sẽ bị thâm thụt. Như thế chẳng khác nào lấy của
công mà làm giàu cho tư bản đỏ lẫn các quan chức tham nhũng. Dĩ nhiên nếu mức độ
bồi thường cao thì sau khi mỗi cá nhân người dân ra tòa, được bồi thường, và
môi trường được hồi sinh trở lại như cũ, số tiền thặng dư sẽ sung vào công quỹ
và làm giàu cho ngân sách.
3. Sự kiện chính phủ phải thông qua một sắc luật
gánh lấy trách nhiệm bồi thường cho Formosa, không phải chỉ vì công bằng cho
Formosa, mà chính là vì một chính phủ nghiêm chỉnh luôn củng cố niềm tin của tất
cả mọi nguồn tư bản đầu tư từ nước ngoài. Họ sẽ biết chắc rằng, sau khi họ đã bồi
thường trước một tòa án nghiêm chỉnh. Họ sẽ không còn trách nhiệm dân sự nữa và
có thể yên tâm kinh doanh trong một môi trường pháp trị.
4. Dĩ nhiên. Hình sự là một phạm vi hoàn toàn cá biệt.
Bất cứ cá nhân hữu trách nào của Formosa, hay bất cứ một viên chức nào của
CSVN, kể cả Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Xuân Phúc, nếu vi phạm hình luật và có
chứng cớ từ Ủy Ban Đặc Nhiêm hoặc Viện Kiểm Sát, sẽ bị truy tố hình sự không
khoan nhượng.
5. Trong khi đó, mọi cá nhân tại 4 tỉnh miền trung
Việt Nam bất hạnh, nếu là nạn nhân, đều có quyền và với sự giúp đỡ của chính
quyền, truy tố Formosa với tư cách cá nhân, và được tòa án phán quyết về mức độ
bồi thường thực tế, cụ thể mới mỗi tình huống cá nhân, không thiên vị. Điều
khác biệt quan trọng là bây giờ, chính phủ chứ không phải Formosa sẽ bồi thường,
từ một quỹ ký thác (Trust Fund) những tiền Formosa bồi thường.
Sự vận hành của ý niệm pháp trị vô cùng công minh và
vô tư như thế, sẽ đem lại niềm tin cho nhân dân, cho cộng đồng tư bản nước
ngoài đầu tư vào Việt Nam và giới doanh nhân Việt Nam trong nước.
Trên các căn bản đó, quyết định của chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc chấp nhận Formosa bồi thường chung kết $500 triệu Mỹ Kim là một chuyến
giao dịch mang tính đường mật (sweet heart deals) giữa những thành phần tham
nhũng và lũng đoạn, vô cùng thiệt hại cho quyền lợi quốc gia dân tộc, cùng bản
chất với việc nhường Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và các vùng đất và biển của quốc
gia cho Trung cộng.
Việc giới hạn mức độ bồi thường cho mỗi cá nhân nạn
nhân, dù ở mức độ $US500 hay một mức độ nào khác mà không có sự thẩm định công
khai và công bằng của một tòa án liêm chính, là một sự vi phạm dân quyền trắng
trợn và đồng thời còn là một tác động phi pháp.
Những chỉ dẫn trên chứng minh rằng, trong thế kỷ 21,
khi ngăn chận người dân miền Trung khiếu kiện Formosa, chính quyền Nguyễn Xuân
Phúc, dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng như cố TBT Lê Duẩn trước
đây, trong thâm tâm của họ, luôn luôn ngồi xổm trên hiến pháp, luật pháp và
khinh thường tất cả mọi công ước quốc tế về nhân quyền và dân quyền họ ký kết.
Đối với đảng CSVN, quyền lực phe nhóm và
quyền lợi đảng phái là những động cơ tối quan trọng có tính quyết định.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa, dù qua lăng
kính của Lê Duẩn hay Nguyễn Phú Trọng, cũng đều không có khả năng giải quyết những
vấn nạn lớn lao của đất nước trong thế kỷ 21 như Đại Họa Môi Sinh Vũng Áng này.
Chính vì thế, chỉ có sự cáo chung của đảng CSVN, vứt
vào sọt rác của lịch sử khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa què quặt và quyết
tâm xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, mới
có hy vọng khai thông sinh lộ cho dân tộc, đem lại phú cường và công bằng xã hội
cho toàn dân Việt Nam.
Đào Tăng Dực