Phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền bị đối xử bất công
Blogger Lê Thu Hà, người cùng bị bắt với
luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài. File photo
Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 năm nay, Ủy ban bảo
vệ quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Paris, Pháp, vào ngày 7 tháng 3 ra
thông cáo lên án chính phủ Việt Nam bỏ tù, đối xử bất công đối với phụ nữ.
Thông cáo viết phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục phải trả
giá đắt khi thực hiện các quyền làm người của mình. Họ là những người bảo vệ
nhân quyền, blogger, nhà báo mạng, các nhà hoạt động xã hội về quyền đất đai và
quyền của người lao động, những người bất đồng chính kiến về chính trị và tôn
giáo. Những phụ nữ này luôn là đối tượng bị tấn công, sách nhiễu, đe dọa, bắt bớ
vô căn cứ và đối xử tàn tệ trong tù.
Thông cáo đã nêu ra tên của 5 phụ nữ hoạt động xã hội
và nhân quyền nổi bật bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và cầm tù từ nhiều năm
qua bao gồm blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động xã hội Trần
Thị Nga, bà Trần Thị Thúy tín đồ Hòa Hảo và là nhà hoạt động về quyền đất
đai, blogger Lê Thu Hà người cùng bị bắt với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài
năm 2015 và cô Nguyễn Thị Minh Thúy, người kết án đồng thời với blogger
Nguyễn Hữu Vinh hồi năm ngoái về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Thông cáo cũng nêu tên của nhà báo mạng, blogger Phạm
Đoan Trang, người đã bị đe dọa và sách nhiễu khi đến gặp phái đoàn của Quốc hội
liên minh châu Âu hồi tháng 2 vừa qua để đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Ủy ban kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức
cho những phụ nữ hoạt động ôn hòa vì quyền con người, thay đổi các điều luật mơ
hồ trong bộ luật hình sự dùng để buộc tội người dân, thực hiện đổi mới chính trị
cho phép đa đảng và tất cả phụ nữ được tham gia vào các quá trình phát triển
kinh tế, xã hội và chính trị.
8/3 - Những người Mẹ tranh đấu vì con
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ anh Đinh
Nguyên Kha. Photo: ietnamhumanrightsdefenders.net
Nỗi lòng những người mẹ có con bị vướng vào vòng lao
lý do dám cất lên tiếng nói vì chủ quyền đất nước, dân quyền và nhân quyền cũng
như xã hội công bằng, tự do và dân chủ. Sau đây là tâm tình của hai thân mẫu mà
con của họ đang chịu cảnh tù đày.
Mẹ của Đinh Nguyên Kha
Bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên, quê Long An, bỗng dưng được
dư luận trong và ngoài nước biết đến khi cả hai người con trai của gia đình, là
Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha bị tuyên án tù hồi năm 2013 theo Điều 258 và Điều
88-Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Là một người mẹ tảo tần nuôi dạy con với ý nguyện
con cái phải trở thành công dân tốt và có trách nhiệm với quốc gia, bà Kim Liên
rất đau lòng khi hai người con trai bị bắt vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Một bà mẹ quê quanh quẩn nơi xó bếp, chuồng gà, ở tuổi đời xấp xỉ lục tuần mò mẫm
làm quen với internet để tìm hiểu những việc các con mình làm là đúng hay sai
theo pháp luật Việt Nam. Và bà Kim Liên khẳng định: “Theo tôi thấy bản án là
sai. Tại vì tôi thấy con tôi và các bạn nó chống Trung cộng, chống tham nhũng,
chứ tôi đâu thấy chống nhà nước này, chống nhân dân này đâu.”
Nỗi sầu muộn trong lòng mẹ chưa nguôi vì đứa con
trai út bị tù đày khi tuổi đời còn quá trẻ thì đến cuối tháng 10 năm 2013, một
lần nữa bà Kim Liên đau đớn với bản án 15 tháng tù treo mà người con trai Đinh
Nhật Uy phải gánh chịu.
Không cam tâm trước các bản án nặng nề mà nhà cầm
quyền Việt Nam cáo buộc đối với hai người con trai, bà Kim Liên khăn gói, bôn
ba ra nước ngoài kêu gọi các chính phủ và những tổ chức phi chính phủ giúp đỡ
cho tù nhân lương tâm Việt Nam, trong đó có các con của mình. Bà nói: “Tôi
chấp nhận sự hiểm nguy. Có thể khi trở về tôi sẽ bị tù đày, bị câu lưu hoặc gia
đình tôi bị sách nhiễu vì tôi đi tìm tự do cho các đứa con tôi.”
Đáp câu hỏi của Hòa Ái đài RFA rằng nỗi buồn tủi,
xót xa của một bà mẹ có vơi được phần nào qua tinh thần nhiệt huyết cho tổ quốc
của hai người con trai được nhiều người ủng hộ mà lại bị tù tội, bà Kim Liên
tâm sự:
“Hai đứa con lúc mới bị tù thì rất đau
xót tại vì có 2 thằng con trai là rường cột đang phụ giúp gia đình. Nhưng mấy
năm nay không buồn nữa, tại vì con trong tù vẫn mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn ở
ngoài nữa, nó dám đứng lên và có tiếng nói phụ giúp các anh em khác. Bây giờ
thì lại rất thương xót cho mấy cháu phụ nữ mới bị bắt. Từ hôm đó đến nay cứ đau
đáu trong lòng hoài, phải làm sao mà giúp đỡ cho mấy cháu gái đó. Mấy cháu gái
đang bị bắt, cháu nào cũng có con nhỏ hết.”
Mẹ của Blogger Mẹ Nấm
Mẹ và hai con của blogger Mẹ Nấm, Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh. Courtesy of basam
Một trong những phụ nữ bị bắt là Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh. Cô bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ vào ngày 10 tháng 10 năm
2016 và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Khoản 1 Điều
88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Kể từ ngày bị còng tay bắt đi cho đến nay, cô Như Quỳnh
không được gặp gia đình và trại giam cũng không cho gia đình chuyển thuốc men,
vật dụng cá nhân đến cho cô. Mẹ của cô,
bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết sẽ viết đơn khiếu nại về vụ việc vừa nêu. Và
việc khiếu nại như thế không phải là lần đầu. Bà Tuyết Lan đã quen với cảnh đi
tìm con gái khi chính quyền địa phương sách nhiễu, bắt giữ Blogger Mẹ Nấm nhiều
năm qua. Trong 5 tháng rồi, một nách hai cháu nhỏ, bà Tuyết Lan ngược xuôi đến
trại giam xin thăm gặp con và khẩn cầu quốc tế cứu giúp con gái mình.
Nhân ngày 8 tháng 3- Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Việt
Nam vinh danh nữ giới, với tâm tình của một người mẹ có con bị tù tội vì lên tiếng
cho nhân quyền-dân chủ, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nhắn gửi đến giới chức lãnh đạo
Đảng Cộng sản Việt Nam rằng:
“Hãy thôi sống bằng khẩu hiệu đi. Dân tộc
Việt Nam thôi sống bằng băng-rôn, khẩu hiệu mà hãy làm những điều thiết thực
cho người dân. Ngày 8 tháng 3 các anh tôn vinh cái gì mà các anh bắt một người
mẹ trẻ như chị Trần Thị Nga, chị Cấn Thị Thêu và con gái tôi? Vậy xã hội đó tốt
đẹp ở đâu? Chúng ta đừng dùng những danh từ sáo rỗng đó nữa. Hãy làm những điều
gì thiết thực và trả tự do cho con tôi vì con tôi không làm điều gì sai hết.
Các anh bắt con tôi để dập đi tiếng nói nhưng những người đồng hành bước tiếp
con đường hằng ngày của con tôi làm sẽ trở thành cấp số nhân và họ nhận thức đó
là quyền lợi của họ.”
Những bà mẹ như bà Nguyễn Thị Kim Liên và bà Nguyễn
Thị Tuyết Lan có lẽ không bao giờ được vinh danh tại các buổi lễ kỷ niệm nhân
ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức long trọng tại Việt Nam. Nhưng Đài RFA ghi nhận
các bà mẹ quê đôn hậu này luôn được nhiều người Việt trân quý vì họ là mẹ của
những người con yêu nước, thương nòi.
Những phụ nữ chờ chồng
Ngoài việc tôn
vinh những người mẹ Việt Nam có con là tù nhân lương tâm bị chịu án tù, cũng xin
dành thời gian nhắc đến những người vợ, chờ chồng đang bị giam cầm trong những
trại giam vì lên tiếng cho quyền tự do của người dân. Họ mong đợi gì trong ngày
hôm nay?
Đó là Linh Châu,
vợ của Nguyễn Văn Oai, cũng là mẹ của một đứa trẻ sắp chào đời. Từ ngày mặc áo
cô dâu đến nay được một năm, cũng có nghĩa chỉ mới một lần cô được đón nhận niềm
vui trong ngày mà cả thế giới giành cho người phụ nữ. Linh Châu kể lại kỷ niệm ấy
trong nụ cười hạnh phúc.
“Tôi nhớ là
ngày mùng 8/3, chồng tôi dậy sớm, đi chợ và tự nấu ăn và nói những lời tốt đẹp
với tôi, cũng như với mẹ anh.”
Ngày 8 tháng 3
năm nay, cô một mình với đứa con trong bụng, không biết ngày nào gặp lại chồng
mình. Từ ngày Nguyễn Văn Oai bị bắt, một mình cô quán xuyến việc trong việc
ngoài. Sức khoẻ của người phụ nữ đang mang thai đã đôi lần làm cho cô không đứng
vững.
“Trước khi ảnh
bị bắt, mọi chuyện trong gia đình ảnh lo hết. Bây giờ ảnh đi rồi thì cuộc sống
cũng khó khăn. Thứ nhất là có mẹ già. Thứ hai nữa tôi cũng đang mang bầu hơn 2
tháng rồi. Tôi cũng ốm lên ốm xuống. Tính đến khi ảnh bị bắt thì tôi nhập viện
cũng ba đến bốn lần rồi.”
Chị Linh Châu và anh Nguyễn Văn Oai
trong ngày cưới. Photo: facebook
Con đường đi đòi công lý cho chồng, cho con của những
người phụ nữ này chưa bao giờ dễ dàng. Câu nói “thân gái dặm trường” của người
xưa bao giờ đúng hơn khi đặt lên hình ảnh của vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Vũ
Minh Khánh đi gõ cửa nhiều nơi trên thế giới để vận động trả tự cho chồng mình.
Nhưng chính con đường xa vạn dặm ấy đã chứng minh những
khó khăn vất vả, những bất công của nền pháp trị không thể quật ngã những người
phụ nữ nhỏ bé ấy. Vợ của Nguyễn Văn Oai chưa bao giờ nhụt chí:
“Nói về chữ nản lòng thì tôi chưa bao giờ
nản lòng, nhưng có đôi lúc vào thăm nuôi chồng, đường xá xa xôi mà tôi thì đang
mang bầu, người mệt, đi vào chính quyền không cho gặp anh, nên đôi lúc tôi cảm
thấy buồn. Nhưng được mọi người xung quanh yêu thương, giúp đỡ và tin tưởng chồng
tôi làm việc tốt, đã động viên tôi rất nhiều nên tôi có thêm ý chí để mà động
viên anh, ủng hộ anh trong công việc đi đòi tự do công lý cho đất nước của
mình.”
Hay như chị Kim Thoa, vợ của tù nhân lương tâm Trần
Huỳnh Duy Thức. Chị biết thời gian chồng mình phải chịu án còn rất dài. Và ai
trong hoàn cảnh này cũng đều phải cố gắng, cố gắng thật nhiều. Nói về những
người phụ nữ đồng cảnh ngộ khác, chị cho biết hoàn cảnh của ba mẹ con chị còn
may mắn hơn nhiều gia đình có người thân bị giam cầm.
8/3: Kêu gọi tự do cho phụ nữ đấu tranh bị giam cầm
Bà
Trần Thị Nga đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ
Luật Hình Sự - 'tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam'.
20 tổ chức xã hội dân sự, tổ chức đấu tranh cùng với
50 khuôn mặt quen thuộc của các phụ nữ hoạt động đã ký vào bản lên tiếng hướng
về các phụ nữ đấu tranh trong tù nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3.
Ngoài ra, theo thông báo của bản lên tiếng, các tổ
chức cũng sẽ có một số hoạt động để vinh danh các phụ nữ kiên cường, như hội thảo
trong và ngoài nước về vai trò phụ nữ trong công cuộc đấu tranh, và nhiều nhà
hoạt động sẽ mang hoa đến trại tù và gia đình.
Đại diện cho nhóm Vì Tương lai, nhóm xã hội dân sự của
thanh niên vận động cho môi trường, anh Trần Minh Nhật cho biết: “Bản thân tôi cũng là một tù nhân, tôi hiểu
nỗi khổ của một người tù. Họ là những người phụ nữ có con nhỏ, có chồng mà lại ở
trong tù thì đó là một nỗi khổ khó diễn tả. Với thiên chức làm mẹ, làm vợ thì
chia cắt là nỗi đau rất đau đớn. Trong ngày quốc tế hướng tới phụ nữ, ngày 8/3,
tôi thấy cần phải chung tay với những người khác cùng đấu tranh cho quyền lợi của
họ, bởi vì trong chốn lao tù họ bị chà đạp phẩm giá nhiều nhất.”
Là một trong những người ký tên vào bản lên tiếng
này, anh Nhật cho biết thêm về các phụ nữ điển hình có nêu tên trong bản lên tiếng:
“Tôi
biết là có rất nhiều phụ nữ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho sự thật và họ
đã bị trả thù. Tôi đăng cử một vài ví dụ như cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người đã viết những khẩu hiệu về Hoàng Sa,
Trường Sa và hỗ trợ phát tán các thông tin về các cuộc biểu tình, hay chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger, một
nhà hoạt động khá lâu năm, chị viết về các vấn đề trong xã hội; hay chị Trần Thị Nga, một blogger, một
Facebooker, nhà đấu tranh ở Hà Nam; chị Trần
Thị Thúy là những người phụ nữ chúng ta không thể nào quên; những dân oan
như Cấn Thị Thêu. Đây là những phụ nữ
điển hình đáng ngưỡng mộ. Họ còn can đảm hơn rất nhiều đàn ông.”
Blogger
Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Viết trên Facebook khi mãn hạn tù, bà Bùi Thị Minh Hằng nói vì tham gia biểu tình yêu nước mà bà bị vô cớ đàn áp và bắt bớ. Bà dần hiểu ra nhiều chuyện sai trái, lừa dối, và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Bà nói bà trở thành "đối tượng" nguy hiểm dưới cái nhìn của chế độ và vì thế mà bà bị dàn cảnh và bị bắt vì tội “gây rối trật tự giao thông”.
Bà
Bùi Thị Minh Hằng trước và sau 5 tháng tù đầu tiên.
Với chí khí của một người phụ nữ mạnh mẽ, bà Hằng
nghĩ rằng khi quyền lợi người dân chưa được đáp ứng thì bà sẵn sàng tranh đấu:
“Kể cả lúc trong trại cũng như lúc ra ngoài, tôi vẫn
nói anh chị em là mục đích là đi đòi quyền lợi. Trong khi bây giờ quyền lợi
chưa hề đòi được mà bị vào tù rồi. Mất cái này chưa đòi được thì mất cái khác.
Quyền lợi của chúng tôi chưa được đáp ứng thì chúng tôi tiếp tục đi đòi.”
Khi ra tù, bà Minh Hằng đã lên tiếng kêu oan cho các
nữ tù nhân khác là bà Cấn Thị Thêu và Nguyễn Minh Trí khi họ bị sách nhiễu
trong trại giam. Từ Sài Gòn, bà Hằng nói với VOA Việt Ngữ rằng bà muốn quốc tế
lưu ý đến cuộc sống trong chốn lao tù của họ
Blogger
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa phúc thẩm ở Hà
Nội, 22/9/2016.
Đó là những người phụ nữ bình thường nhưng rất kiên cường đấu tranh cho sự thật. Họ đấu tranh vì con, vì chồng, vì anh em, và vì cộng đồng. Trong một bình luận trên Facebook, blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết:
“Đã có Dương Thị Tân đứng lên vì Điếu Cày, đã
có Nguyễn Thị Kim Liên, Đinh Như Quỳnh
đứng lên vì Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, đã có Nguyễn Thị Nhung đứng lên vì Nguyễn
Phương Uyên, đã có Lê Thị Minh Hà
đứng lên vì Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh...Nay thì Cô Mười Họ Lê đã làm nhiều người phải giật mình kinh ngạc vì sự sắc
sảo và am hiểu chính trị của chị khi chồng chị là anh Lưu Văn Vịnh bị bắt vô cớ
và thô bạo. Chị chỉ là một nông dân chất phác, một phụ nữ đảm đang chỉ biết ở
nhà tảo tần buôn bán lo cho chồng con. Thế mà chế độ nầy đã đẩy chị phải bước
ra khỏi nhà để đứng lên đấu tranh.”
VOA xin trích dẫn tiểu sử của các nữ hoạt động nhân
quyền đang bị giam cầm do nhóm các tổ chức xã hội dân sự cung cấp:
Bà TRẦN THỊ NGA năm
nay 40 tuổi và mẹ của bốn người con, trong đó có hai người con trai nhỏ. Vì những
hoạt động hỗ trợ dân oan, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống
Formosa,... mẹ con bà Nga liên tục bị công an bắt cóc, chặn đánh giữa đường.
Sau nhiều ngày bị khủng bố, đe dọa và giam lỏng tại nhà riêng, bà Trần Thị Nga
đã bị công an bắt vào ngày 21/1/2017 và bị khởi tố theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự
- “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Bà CẤN THỊ THÊU có
thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương
Nội. Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà từng bị bắt
và bị kết án 15 tháng tù. Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất
đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ hoạt động cho quyền lợi
của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu
tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa. Bà bị
bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”,
và sau đó bị kết án 20 tháng tù.
Bà NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH -
Mẹ Nấm, là một blogger viết về các vấn đề xã hội và là mẹ của hai đứa con nhỏ.
Từ năm 2009 đến năm 2016, Mẹ Nấm đã bị bắt giữ nhiều lần do tham gia các hoạt động
dân sự, đòi nhân quyền và biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo. Mẹ Nấm
bị bắt ngày 10 tháng Mười năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88 -
“tuyên truyền chống nhà nước”.
Cô NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN bị
bắt giữ vào cuối tháng Bảy năm 2011 vì chụp hình một cuộc biểu tình chống Trung
Quốc và bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ nhà nước” theo điều 79. Tuy học
làm nghề thẩm mỹ, cô gái 26 tuổi này là người nhiệt huyết cổ võ cho công bằng
xã hội và nhân quyền, thể hiện qua việc làm của một ký giả nhiếp ảnh. Cô đến những
nơi nào có bất ổn xã hội, có biểu tình công cộng để chụp hình và tạo chú ý cho
các sự kiện này.
Bà TRẦN THỊ THÚY là
một Phật tử Hòa Hảo hoạt động cho quyền lợi của dân oan, đang thụ án tù 8 năm
sau khi bị kết án “có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ
Luật Hình Sự. Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại
An Phước, tỉnh Bình Dương. Mang bệnh nan y trong người và sống trong hoàn cảnh
khắc nghiệt trong tù, bà Thúy nhiều lần bị giới chức trách khước từ cho đi chữa
trị sức khoẻ. Tình trạng của bà hiện đang được quốc tế báo động.
Bà NGUYỄN THỊ MINH THÚY là
một nhân viên kế toán với hai đứa con nhỏ. Bà được biết đến là cộng sự của
Blogger Nguyễn Hữu Vinh - Anh Ba Sàm trong việc điều hành trang web Ba Sàm phê
phán chính quyền Việt Nam và thông tin về các vấn đề xã hội. Công an bắt giữ bà
Minh Thúy vào tháng 5 năm 2014 với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự và sau đó kết án bà 3
năm tù.
Cô LÊ THU HÀ là
thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, đảm trách chức vụ thư ký và ngoại giao cho hội.
Cô cũng là một trong những người thực hiện chương trình Lương Tâm TV, một kênh
truyền thông được phát trên YouTube nói về các vấn nạn xã hội. Ngày 16 tháng 12
năm 2015, cô Lê Thu Hà bị bắt cùng Luật sư Nguyễn Văn Đài với tội danh “tuyên
truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Theo
tin RFA, VOA Tiếng Việt