15.04.2019

Diễn biến bất thường trước ngày trả tự do cho Anh Ba Sàm-Trần Hà Linh

Diễn biến bất thường trước ngày trả tự do cho Anh Ba Sàm

Ông Nguyễn Hữu Vinh đưa tin tức ngay sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 24/07/2011, gần Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.Tweet
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) đang đối mặt với một số diễn biến bất thường tại Trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Theo bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh, ngày 9/12/2018, một người đàn ông mặc sắc phục công an vào trại thăm ông và nói chuyện một tiếng rưỡi. Cuối cuộc nói chuyện, người này để lại một phong bì tiền và dặn khi ra tù nên ủng hộ Tô Lâm, tức đương kim Bộ trưởng Bộ Công an.
“Chồng tôi kể lại cho tôi chuyện đó khi tôi vào trại thăm. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cũng không hiểu người này làm theo lệnh ai, liệu anh ta là người của Tô Lâm hay là người muốn hại Tô Lâm. Tuy nhiên, đây có thể là một lời đe doạ. Chúng tôi nghĩ rằng nên đưa việc này ra công luận để bảo vệ Anh Ba Sàm”, bà Hà nói.
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh và bà Hà là bạn đồng môn với Bộ trưởng Tô Lâm tại Đại học An ninh Nhân dân thời kỳ những năm 1970. Ông Vinh bị bắt ngày 5/5/2014, khi Tô Lâm đang là Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Vinh bị kết án 5 năm tù giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Trước đó, ông là chủ blog Anh Ba Sàm – một trong những báo điện tử độc lập nổi tiếng nhất Việt Nam trong nhiều năm.
Một sự việc khác cũng khiến bà Hà lo lắng, xảy ra ngày 27/1 vừa qua, khi bà vào trại thăm ông Vinh.
Theo lời bà Hà, một cán bộ quản giáo đã gặp riêng và nói với bà như sau: Vào ngày trả tự do cho ông Vinh (5/5/2019), nếu chỉ có gia đình đi đón thì trại sẽ làm thủ tục và trả tự do tại cổng trại, nếu có thêm người ngoài đi cùng và căng băng-rôn, biểu ngữ thì trại sẽ đưa ông Vinh tới một khu vực vắng vẻ và thả ông Vinh giữa đường.
“Ngày 4/3, chồng tôi gọi điện về nhà theo tiêu chuẩn năm phút một tháng, xác nhận rằng cán bộ quản giáo này cũng gặp riêng chồng tôi và trao đổi nội dung tương tự”, bà Hà cho biết.
Bà Hà đã viết thư đề ngày 1/2 chất vấn Trại giam số 5 về việc này. Trại giam gửi thư đề ngày 25/2, trả lời bà Hà rằng cán bộ trại giam không trao đổi nội dung như trên với bà hay ông Vinh.
Bà Lê Thị Minh Hà gặp gỡ Dân biểu CHLB Đức, ông Koenigs vào tháng 10/2014. Ảnh: Dân Luận.
Luật Khoa đã liên lạc với cán bộ trại giam nêu trên theo số điện thoại bà Hà cung cấp. Người bắt máy không nhận tên mà bà Hà cung cấp cho Luật Khoa, cũng không nhận là cán bộ trại giam, tuy nhiên nói rằng “là người ở gần trại giam” và hỏi lại phóng viên Luật Khoa hai lần “có việc gì thế?”. Khi phóng viên Luật Khoa nói muốn hỏi về tình hình của phạm nhân Nguyễn Hữu Vinh thì người này nói không biết.
Bà Lê Thị Minh Hà đã gửi thư tới Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam Hồ Thanh Đình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về việc đe doạ trả tự do ông Vinh ở nơi vắng vẻ. Tuy nhiên, các cơ quan trên chỉ chuyển vụ việc về lại Bộ Công an và sau cùng là về Trại giam số 5.
“Cán bộ Trại giam số 5 là người trực tiếp đe doạ anh Vinh và tôi mà chuyển đơn về trại thì không có ý nghĩa gì. Cả anh Vinh và tôi đều rất bất an, luôn lo sợ họ sẽ tìm cách hãm hại anh ấy bằng cách này hay cách khác”, bà Hà nói.
Ngày 4/3, bà Lê Thị Minh Hà cũng thay mặt ông Nguyễn Hữu Vinh gửi thư cho “Ban liên lạc cùng các bạn cựu học viên D6, Đại học An ninh Nhân dân” và đề nghị họ nếu có đi đón ngày ông được trả tự do thì không mang băng-rôn, biểu ngữ, “theo đúng yêu cầu ở đây” (nguyên văn bức thư).
Luật Khoa được bà Hà cung cấp lá thư nêu trên, các đơn thư bà gửi cho các cơ quan chức năng cũng như công văn hồi đáp của họ và công văn trả lời có đóng dấu của Trại giam số 5. Do không có nguồn tin nào khác ngoài thông tin bà Hà cung cấp, Luật Khoa không nêu tên cán bộ trại giam cũng như người đàn ông mặc sắc phục công an vào trại thăm ông Vinh.
T.H.L.