26.08.2019

Mỹ tố cáo Bắc Kinh leo thang ở bãi Tư Chính, ngăn Việt Nam khai thác dầu- Thụy My BBC

Mỹ tố cáo Bắc Kinh leo thang ở bãi Tư Chính, ngăn Việt Nam khai thác dầu

Thụy My BBC
mediaẢnh minh họa: Một nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa.Reuters
Hoa Kỳ hôm nay 22/08/2019 tuyên bố quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, tố cáo « một sự leo thang » trong nỗ lực cưỡng bức trên Biển Đông. Cũng trong hôm nay, thêm một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Reuters trích một thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bình luận việc Trung Quốc đã lại đưa một tàu khảo sát của Nhà nước cùng với các tàu hộ vệ vũ trang quay lại vùng biển của Việt Nam hôm 13/8, là « hoạt động leo thang của Bắc Kinh, nhằm hăm dọa các nước yêu sách chủ quyền, không cho các nước này khai thác dầu khí tại Biển Đông ».
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus : « Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về sự xâm nhập liên tục của Trung Quốc vào EEZ của Việt Nam ». Bà tuyên bố : « Những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã có một loạt những hành động hung hăng để ngăn trở các hoạt động kinh tế đã ổn định từ lâu » của các quốc gia ASEAN. Mục đích « nhằm hăm dọa để họ phải từ chối hợp tác với các tập đoàn dầu khí nước ngoài, và chỉ làm việc với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc ».
Bà Ortagus nhấn mạnh : « Các hành động của Trung Quốc gây ra làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực », « khiến người ta phải nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng phương pháp hòa bình ».
Trước đó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã tổ cáo Bắc Kinh dùng « chiến thuật cưỡng ép » để « đe dọa, làm cho các nước khác không dám khai thác các tài nguyên trên Biển Đông ».
Báo Ấn Độ : Trung Quốc đưa hàng loạt tàu và chiến đấu cơ đến bãi Tư Chính
Báo chí Ấn Độ hôm nay cũng vào cuộc. India Times báo động « Khi đối đầu với Việt Nam, Trung Quốc đưa tàu đến gần mỏ dầu mà ONGC Videsh có phần hùn ». Trang wionews đưa tin chi tiết hơn, cho biết trong vụ xâm nhập đến lần thứ ba này (kể cả vụ giàn khoan năm 2014), Trung Quốc đã cho khoảng 20 tàu đi vào EEZ của Việt Nam, trong đó có hai tàu hải cảnh gần mỏ dầu của ONGC.
Trong đợt xâm nhập đầu tiên vào bãi Tư Chính hôm 3/7, có 35 tàu Trung Quốc tham gia. Hải Dương Địa Chất 8 rời đi hôm 7/8 – sau cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN hôm 1/8 – nhưng đến ngày 13/8 lại quay trở lại bãi Tư Chính. Đợt xâm nhập thứ hai có 6 tàu hải cảnh, 10 tàu dân quân biển và hai tàu hậu cần, với sự yểm trợ của các oanh tạc cơ H6, các chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không.
Tờ báo Ấn Độ cho biết thêm, sau khi Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vào bãi Tư Chính lần đầu tiên, phía Việt Nam đã liên lạc với Trung Quốc tất cả 30 lần, và từ đợt hai hôm 13/8 bảy lần. Hà Nội cũng đang cân nhắc những phương án khác kể cả khởi kiện và đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Carl Thayer : Việt Nam cần cung cấp kịp thời các thông tin về hành vi Trung Quốc tại bãi Tư Chính
Trong bài viết đề ngày 21/08/2019, giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales nhận định, việc Bắc Kinh cho nhóm tàu quay trở lại bãi Tư Chính là nhằm chứng tỏ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế là các tài nguyên nằm trong đường lưỡi bò đều thuộc về Trung Quốc, cho dù chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Trong dự thảo bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Trung Quốc loại ra ngoài việc ASEAN hợp tác với các nước ngoài khu vực, để buộc các quốc gia ven biển phải làm việc với Bắc Kinh.
Trung Quốc còn muốn cho thấy phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye – bác bỏ đường 9 đoạn – là không có tác dụng. Cuối cùng, Bắc Kinh chứng tỏ các hành động cưỡng bức của mình không hề bị trừng phạt, rằng « sức mạnh làm ra luật lệ ».
Trả lời câu hỏi Việt Nam làm thế nào để bảo đảm các quyền hợp pháp và chủ quyền của mình, giáo sư Carl Thayer cho rằng Hà Nội vẫn phải tiếp tục phản đối bằng con đường ngoại giao. Bên cạnh đó cần kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế trong việc tôn trọng luật pháp và UNCLOS, nêu ra vấn đề trong các hội nghị quốc tế, các định chế đa phương. Cảnh sát biển Việt Nam phải duy trì sự hiện diện thường xuyên tại bãi Tư Chính, phản đối việc khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Việt Nam còn phải vận động các nước ASEAN, đặc biệt là Philippines và Malaysia, để tổ chức đối phó mạnh mẽ hơn về chính trị và ngoại giao trước Trung Quốc. Đồng thời tham vấn các nước bạn bè để có các hoạt động chung nhằm gây áp lực, buộc Trung Quốc rút khỏi EEZ của Việt Nam.
Cũng theo giáo sư Thayer, Việt Nam còn phải hành động nhiều hơn nữa để thế giới biết đến. Hà Nội phải cung cấp kịp thời và chính xác những thông tin về các hành vi của Bắc Kinh, và sự đáp trả của Việt Nam tại bãi Tư Chính. Ngoài các tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, các viên chức của Cảnh sát biển Việt Nam còn phải thông tin nhanh cho báo chí và cung cấp các video về những hành động hung hăng của tàu Trung Quốc. Các nhà báo nước ngoài cần được mời chứng kiến sự kiện tại bãi Tư Chính.
Cuối cùng, Việt Nam nên cân nhắc nêu vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc, khởi kiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển như Philippines trước đây.