USS
Midway Museum Kỷ Niệm 40 Năm Cứu Người Tị Nạn VN: Tri Ơn Anh Hùng Việt Mỹ Hy
Sinh Trong Cuộc Chiến VN
SAN DIEGO (VB) – Để tưởng niệm 40 năm biến cố lịch sử ngày 30 tháng
4 năm 1975 hơn 3,000 người Việt chạy thoát khỏi chế độ Cộng Sản xâm lăng Miền
Nam đã được Mẫu Hạm Hoa Kỳ USS Midway cứu vớt, một ngày lễ trọng đại với nhiều
nghi thức và chương trình đặc sắc đã được tổ chức ngay trên sàn tàu của chiếc
Mẫu Hạm USS Midway vào Chủ Nhật, ngày 26 tháng 4 năm 2015 tại Thành Phố Cảng
San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ, với sự tham dự của hàng trăm người gồm
các viên chức điều hành Bảo Tàng Viện USS Midway Museum, các vị dân cử người
Hoa Kỳ và người Mỹ gốc Việt, các cộng đồng, đoàn thể, tổ chức người Việt tị
nạn, các cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam người Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa,
các cơ quan truyền thông báo chí và cư dân Việt Mỹ.
Từ
phải, cô Roxanne Chow, bà Vanessa Ruiz, MC Hồng Vân, Nghị Viên Westminster
Diana Carey, LS Nguyễn Hoàng Dũng.
Điều hợp chương trình tổng quát của ngày lễ là 2 MC Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng và xướng ngôn viên truyền hình Hồng Vân.
Bà Vanessa Ruiz, đồng chủ tịch của Bảo Tàng Viện USS Midway và cô Roxanne Chow, đồng Trưởng Ban Tổ Chức, đã gừi lời chào mừng đến tất cả mọi người tham dự trong ngày lễ tưởng nhớ và ghi ơn những vị anh hùng Việt Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cờ
vàng ba sọc đỏ treo đầy trên Mẫu Hạm USS Midway.
Nữ tài tử Kiều Chinh, trong phần phát biểu khai mạc, nói rằng ngày lễ này là để tưởng nhớ đến cuộc hành trình của hàng triệu người tị nạn Việt Nam. Bà cho rằng ngày lễ không những để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà còn để nghĩ tới tương lai thành đạt của các thế hệ mai sau. Bà đã bày tỏ lòng cảm ơn nước Mỹ và người dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón nhận người Việt tị nạn. Bà kết thúc lời phát biểu với niềm kỳ vọng vào thế hệ tương lai và sự tự do cho đất nước Việt Nam.
Nữ luật sư Kim Thoa Hoàng đại diện Cộng Đồng Người Việt tại San Diego, trong lời phát biểu, bày tỏ long biết ơn đặc biệt đối với “Chiến Dịch Gió Lốc” của Mẫu Hạm USS Midway để cứu trên 3000 người Việt tị nạn Cộng Sàn của 40 năm trước. Bà nói rằng dù đã xa lìa quê cha đất tổ 40 năm, cộng đồng người Việt vẫn không quên đất nước mà bằng chứng cụ thể là sự có mặt đông đảo của người Việt tị nạn trong ngày lễ này.
Quang
cảnh người tham dự cầm cờ vàng ba sọc đỏ.
Trong số những người được mời phát biểu trong ngày lễ tưởng niệm 40 năm chiến dịch gió lốc cứu người Việt tị nạn có một thanh niên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên tại Hoa Kỳ. Đó là anh Andy Nguyễn, Chủ Tịch Liên Hội Thanh Niên Mỹ Gốc Việt. Anh Andy đã trình bày cảm nghĩ của giới trẻ đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ, về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông, về vai trò và trách nhiệm của thế hệ con cháu đối với công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Khách mời phát biểu trong ngày lễ còn có tác giả của cuốn Ride the Thunder là ông Richard Botkin. Ông Botking trong lời phát biểu nói rằng cuộc chiến tranh Việt Nam tạo ra sự hiểu lầm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông cho rằng cho đến nay, sau 50 năm cuộc chiến Việt Nam, người Mỹ vẫn còn cảm thấy chưa thoải mái và cần phải vượt qua. Ông nói rằng cuốn Ride the Thunder, vì vậy, là để nói sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Hai
lá cờ Hoa Kỳ và VNCH tung bay trên Mẫu Hạm USS Midway.
Đến 12 giờ trưa một buổi lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã được cử hành trọng thể với đầy đủ nghi thức rước quốc kỳ và hát quốc ca qua sự điều hợp của ông tổng giám đốc Viện Bảo Tàng USS Midway Museum là Mac McLaughlin và cô đồng Trưởng Ban Tổ Chức Roxanne Chow. Đoàn rước quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa là Lực Lượng Chiến Sĩ VNCH San Diego và đoàn rước quốc kỳ Hoa Kỳ là các học sinh Trường Trung Học Westview High School.
Ngoài các nghi thức và phát biểu của quan khách, chương trình ngày lễ còn có sự đóng góp văn nghệ của Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Nhóm Thên Ân Performing Group-Drums, Quan Họ Bắc Ninh, v.v…
Nữ
tài tử Kiều Chinh phát biểu trong lễ khai mạc.
Trong dịp này, phóng viên Việt Báo đã có dịp trò chuyện với nhiều người đến tham dự. Ông John Wotzka là cư dân tại San Diego trên 32 năm là một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việ t Nam, đã từng phục vụ 4 tháng tại thành phố Đà Nẵng, còn nhớ lại những tấm lòng rất tốt của người Việt Nam lúc ông tham chiến ở Việt Nam vào năm 1968. Ông đến đây mỗi năm để dự lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Sài Gòn thất thủ.
Bà Susan Moresi và chồng, Homer Buchanan, là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đã từng có mặt trên Mẫu Hạm USS Midway lúc cứu người tị nạn Việt Nam. Hai vợ chồng này hiện đang sống tại thành phố Memphis của tiểu bang Tennessee khi nghe có ngày lễ hôm nay thì đã tự động mua vé máy bay về tham dự. Bà Susan cho biết rằng ông chồng bà có rất nhiều kỷ niệm với chiếc Mẫu Hạm USS Midway này. Được hỏi về cảm tưởng còn lại trong tâm tư về ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả hai vợ chồng ông Homer đều nói là họ cảm thấy đau buồn vì cuộc chiến đã làm cho nhiều người bỏ mạng.
Lễ
chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hỏa.
Anh Chris là cư dân San Diego lần đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4 tại Mẫu Hạm USS Midway thuật lại những mảng ký ức tuổi trẻ của anh về những ngày sau cùng trước khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Anh Chris cho biết ba anh và người anh cả trong nhà đều là quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đã bị vào tù sau năm 1975. Anh Chris đã vượt biên đến Mỹ năm 1988. Anh nhớ lại những ngày trước ngày 30 tháng 4 trường học của anh đã cho học sinh nghỉ học sau khi Nguyễn Thành Trung thả bom xuống Dinh Độc Lập. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh nhìn thấy rất nhiều máy bay bay tới bay lui trên bầu trời Sài Gòn nhưng lúc đó không hiều rõ vì sao, cho đến sau này mới biết đó là những chuyến bay chở người rời bỏ Việt Nam ra Mẫu Hạm USS Midway này.
Được biết Mẫu Hạm USS Midway là Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ có thời gian phục vụ lâu nhất từ năm 1945 đến năm 1992. Mẫu Hạm này đã trở thành Bảo Tàng Viện USS Midway vào ngày 7 tháng 6 năm 2004. Tính đến năm 2012 đã có trên 1 triệu du khách đến viếng thăm Bảo Tàng Viện USS Midway.
--
dieuam-Phương Đoan