Một nền chính trị
cần được thay đổi
RFA
Vụ án Nguyễn Mai Trung Tuấn, thiếu niên 15 tuổi với bản
án hơn 4 năm tù là câu chuyện tràn ngập các trang blog tiếng Việt trong tuần
qua.
Trên
trang blog của nhà báo Đoan Trang,
người ta tìm thấy đến hai bài mới nhất trình bày những
khía cạnh pháp lý và nhân đạo mà tòa án của Việt Nam đã phạm sai lầm khi đưa ra
một bản án quá nặng nề cho một trẻ em còn ở tuổi vị thành niên. Đoan
Trang cũng là một trong một số người gửi thư đến ông Bộ trưởng Bộ giáo dục nói
rằng Nguyễn Mai Trung Tuấn phải được hưởng quyền được giáo dục.
Suy
nghĩ về câu hỏi tại sao lại có một bản án nặng nề như thế cho một trẻ em,
blogger Viết từ Sài gòn cho rằng bản án đó thể hiện sự sợ hãi của những người
đang cầm quyền tại Việt nam hiện nay.
Cùng
suy nghĩ đó, Người Buôn Gió mỉa mai
rằng vụ án là sự trừng phạt của công an giành cho trẻ
em, và Người Buôn Gió viết tiếp rằng có lẽ đảng cộng sản Việt nam muốn gửi
một thông điệp cảnh cáo đối với người dân Việt nam, và thông điệp đó, theo Người
Buôn Gió, lại là thể hiện một sự bất an, sự bế tắc của
xã hội, sự sợ hãi của đảng cầm quyền.
Blogger Lang Anh lại so sánh vụ án Nguyễn
Mai Trung Tuấn với một vụ án khác đã gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp là
Vụ án đồng nọc nạn, trong đó những người phạm tội được trắng án. Người đọc
hiểu rằng sự so sánh là để đưa ra sự khác biệt về tính nhân đạo ở hai nền tư
pháp của hai chế độ chính trị khác nhau.
Lang Anh cho rằng người dân Việt
Nam phải đương đầu với mối nguy hiểm khi dính dáng tới hoạt động của cơ quan
pháp luật hiện nay, vì bất kể các cơ quan này đúng hay sai, người dân rất dễ có
khả năng bước vào nhà tù.
Một nền chính trị không nhân đạo
Câu
chuyện tư pháp qua vụ án Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ là một phần nhỏ trong một bức
tranh thể hiện nhiều bế tắc của xã hội hiện hành mà nhà khoa học Tô Văn Trường mô tả trong bài viết mang tên Tản mạn
mùa đông 2015. Ông kết luận như sau:
Mù mờ trong chủ thuyết, lúng túng trong lãnh đạo, lùng nhùng trong tổ chức,
giả dối trong tuyên truyền là những đặc điểm cơ bản hiện nay ở nước ta.
Xã hội
ấy đang vận hành trong một chế độ chính trị mà nhà văn Phạm Đình Trọng gọi là không nhân đạo. Ông viết như thế khi
thấy tin tức nói rằng lúc có mặt ở Paris tham dự hội nghị biến đổi khí hậu toàn
cầu, ngay sau cuộc thảm sát Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam thay
vì đến chia sẻ đau thương của đồng loại như nhiều nguyên thủ quốc gia khác, ông
lại đến đặt vòng hoa trước tượng ông Hồ Chí Minh:
Hối
hả mang hoa đến lãnh tụ của đảng mình là thứ chính trị nhỏ nhen, hẹp hòi, chỉ
biết có đảng chính trị của mình, không biết đến con Người, không biết đến loài
Người, không biết đến thời đại. Đảng chính trị thực chất chỉ là công cụ, là
phương tiện để giành quyền lực, để có quyền lực. Thứ
chính trị chỉ vì quyền lực, chỉ đế có quyền lực, không vì con Người làm sao có
thể là thứ chính trị nhân đạo, làm sao có thể bền vững!
Còn blogger Ngàn Lau, cũng nhân chuyện khủng
bố ở Paris viết rằng những người dân Pháp không hề tỏ
sự căm thù, điều mà dường như đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn vương vấn mặc dù
chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm.
Nền
chính trị ấy chi phối tai hại đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, làm cho
người Việt trở nên hờ hững với quốc gia, với đồng bào.
Nhạc sĩ blogger Tuấn Khanh quan sát thấy những cảm xúc
của dân chúng trước những đau thương của ngư dân bị nạn ngoài biển khơi dần dần
mờ nhạt đi:
Người Việt Nam như đang được các chính sách đối ngoại
của chế độ tập quen dần thói quen ích kỷ, sợ mình bị mất mát, nhưng lại im lặng
và chọn lựa thay thế bằng mất mát của những ngư dân nghèo khó. Nó giống như những
câu chuyện cổ tích về các ngôi làng xưa phải hiến tế ai đó cho con quái vật để
được yên. Vẫn có những người tin rằng việc hiến tế không bao giờ đến lượt mình,
và mỗi ngày vẫn ăn ngon ngủ yên với những con cá đẫm máu đồng loại. Họ không muốn
một cuộc chiến đối diện thẳng với con quái vật vì chỉ sợ mất mát cho riêng họ.
Cũng như những ngôi làng khiếp nhược và u mê ấy, có
bao giờ chúng ta tự hỏi rằng chúng ta sẽ mất – mất rất nhiều – thậm chí mất tất
cả, mà các loại quái vật không cần mất sức cho bất kỳ một cuộc chiến tranh nào.
Và những người lãnh đạo ngôi làng, nếu không có dũng khí để đối diện với cái ác
để bảo vệ mọi người, thì họ tồn tại để làm gì?
Phải thay đổi và những trở ngại của sự thay đổi
Blogger Kami viết rằng những người lãnh đạo ngôi làng
đó phải thay đổi:
Trong nhiều chục năm trở lại đây, Đảng CSVN đã đưa đất
nước đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác. Và đến nay Việt nam đã chính thức
tụt hâu với thế giới và khu vực, kể cả Lào, Campuchia… cũng đã vượt chúng ta.
Do vậy, Đảng CSVN không còn bất kể lý do gì để bám chặt vào quyền lực một cách
độc tôn như hiện nay.
Một số người cho rằng đã có những tín hiệu cho sự thay
đổi, ngay cả từ phía nhà cầm quyền. Tác giả Trần Quí Cao nêu ra ba nguyên nhân
của sự hy vọng đó:
1) Lòng dân mong muốn tự do, dân chủ cho đất nước và tự
chủ với Trung Quốc đã được nêu lên công khai. Điều này chứng tỏ mong muốn này,
qua bao năm đấu tranh, đã có sức mạnh thực sự.
2) Đã có một khuynh hướng chính trị có quyền lực đủ mạnh
trong trung ương có thể chống lưng cho các bài báo công khai đòi tự do dân chủ
và tự chủ với Trung Cộng.
3) Hẳn nhiên thế lực đi ngược với ước mong của đa số
dân chúng vẫn còn sức mạnh. Nhưng họ cũng không còn dám công khai ra mặt chống
đối lòng dân như trước đây.
Và ông viết tiếp rằng ngay trong báo chí chính thống của
nhà nước cũng có những tính hiệu về sự thay đổi:
Tôi đã nghe những nghi ngờ rằng các bài báo như trên
là mị dân, lừa gạt như đã thấy nhiều lần trong quá khứ. Trong khi đồng ý với
các quan sát đó trong quá khứ, tôi lại không có cùng nhận định về hiện tại. Hoàn
cảnh chính trị thế giới, khu vực và đất nước đã khác trước nhiều. Mối đe dọa
tương lai phát triển dân tộc và nền độc lập quốc gia đã đủ lâu và đủ lớn để thức
tỉnh lòng yêu nước truyền thống của nhân dân. Trong nhân dân có dân chúng và có chính quyền.
Đó là những điều phỏng đoán của các blogger về ý chí
muốn thay của nhà cầm quyền, bên cạnh những đòi hỏi về dân chủ của nhiều nhóm
dân sự của người dân phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nhưng cũng có những
ý kiến lo ngại là những nhóm xã hội dân sự, những nhóm đấu tranh dân chủ đó còn
có nhiều khiếm khuyết, gây trở ngại cho tiến trình dân chủ hóa.
Blogger Viết từ Sài gòn thì nhấn mạnh đến một sự trở ngại khác từ chính sự thờ ơ của đám đông khi những
người dấn thân cho hoạt động dân chủ bị đàn áp.
Hễ cứ nghe những người này bị hành hung, bị bắt nhốt,
gán tội để bỏ tù thì ngoại trừ một nhóm nhỏ trí thức trong xã hội thấy bất bình
nhà cầm quyền, đồng cảm với người bị hại… Đa phần còn lại đều cho rằng điều này
là nhục nhã, tù tội là nhục nhã. Họ không cần biết trắng đen, tốt xấu… Và họ
cũng chưa bao giờ định nghĩa được chữ vinh và chữ nhục cho chính xác.
Một blogger khác phân tích trên trang Triết học đường phố:
Người Việt đấu tranh cho dân chủ, tự do
nhưng lại hành xử giống độc tài. Nghi ngờ, đấu tố
nhau, mạt sát, khinh miệt nếu ai đó có một vài khuyết điểm, hay quan điểm đối lập
mình. Tôi nhìn ra được khuyết điểm này khi theo dõi những nhà hoạt động có tiếng
ở Việt Nam.
Chúng ta, tôi nói là chúng ta trong đó có cả tôi chưa
trở thành những con người dân chủ và tự do khi trong cách hành xử của mình còn
nặng mùi giáo dục nhà sản.
Khi nói một sai lầm của ai đó trong giới đấu tranh,
chúng ta dùng những lời lẽ như phán xét hơn là nâng đỡ. Một hình thức đấu tố mà
cộng sản đã gieo rắc vào xã hội và môi trường giáo dục ở Việt Nam.
Ngoài ra blogger này còn cho rằng sẽ là thiếu thực tế
khi những nhà hoạt động dân chủ chỉ nói đến những vấn đề tự do dân chủ khó hiểu
mà quên đi những chuyện xã hội trước mắt, như là đấu tranh cho việc thi hành
pháp luật của chính nhà cầm quyền đưa ra.
Đó có thể cũng là những lý do mà trang Bauxite Việt Nam bình luận rằng những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt nam, những trí thức dấn
thân phải chủ động hơn nữa để Việt Nam có thể học được bài học từ Miến Điện, quốc
gia láng giềng đang đi đúng hướng trên con đường dân chủ hóa.
Nguồn: Theo RFA Tiếng Việt