30.01.2016

Điểm báo quốc tế - Đại hội Đảng CS Việt Nam

Điểm báo quốc tế - Đại hội Đảng CS Việt Nam
Ông Nguyễn Phú Trọng họp báo ngày 28/01/2016 sau khi bế mạc Đại hội Đảng.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool

Tân Gia Ba : Phe bảo thủ vẫn thắng thế ở Việt Nam và Lào
Tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 29/01/2016, có bài nhận định về Đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 12 ở Việt Nam, vừa bế mạc hôm qua, cũng như về Đại hội đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào, bế mạc tuần trước. Bài viết có tựa đề : « Phe bảo thủ vẫn thắng thế ở Việt Nam và Lào ».
Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng vừa tái đắc cử tổng bí thư ngày 27/01, còn ngày 22/01, ở Lào, ông Bounnhang Vorachit đã được bầu làm tân tổng bí thư. Qua hai kết quả bầu cử này, các nhà phân tích nhận định rằng đảng cầm quyền ở cả hai nước đều muốn có sự kế tục hơn là thay đổi sâu rộng, và họ sẽ không nhanh chóng tự do hóa hệ thống chính trị.
The Straits Times ghi nhận là ở Việt Nam, các đấu đá nội bộ đã không phá hỏng cơ chế lấy quyết định tập thể. Nhìn vào thành phần Bộ Chính Trị vừa được bầu, trong đó có 12 uỷ viên mới, The Straits Times ghi nhận là trong cơ chế lãnh đạo này vẫn bao gồm ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, người đã từng được khen ngợi đã đề ra chính sách ổn định được tiền tệ và ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng Ngoại Giao, từng được đào tạo ở Mỹ. Nhưng trong Bộ Chính Trị lại có bốn uỷ viên đến từ Bộ Công An. Đó là những nhân vật có thế lực rất mạnh và ở Việt Nam một số người sợ rằng các cơ quan an ninh sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đại hội Đảng 12 qua cái nhìn của The Economist (Anh Quốc)

Trong số ra ngày 30/01/2016, tuần báo The Economist của Anh có bài nhận định về Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 12, với hàng tựa : « Những thủ đoạn của loài bò sát ».
Sau tám ngày đấu đá kịch liệt hơn bao giờ hết, Đảng đã buộc vị thủ tướng rất được mến mộ và thân doanh nghiệp phải rời khỏi chính quyền khi mãn nhiệm kỳ trong vài tháng tới. Ông Nguyễn Phú Trọng, hơn 70 tuổi, được bầu lại làm tổng bí thư.
Các nhà phân tích trước đây đã nghĩ rằng ông Dũng có thể giành được chức tổng bí thư, vì ông có vây cánh rất rộng, và được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp. Giới trẻ thì rất tán đồng lập trường thân Mỹ của ông Dũng, cũng như thái độ kiên quyết của ông trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng. Tuy dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng có những tai tiếng về tham nhũng và vụ hai tập đoàn lớn bị phá sản, nhưng dẫu sao chính ông Dũng đã cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
Nhưng theo The Economist, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thua phe ông Trọng, vì những người chống ông Dũng cho rằng cái cách tự đề cao mình và thái độ chống Trung cộng để lấy lòng dân của ông là trái với đường lối lãnh đạo thận trọng, dựa trên đồng thuận của Đảng.
Theo tuần báo Anh, ban lãnh đạo mới của Việt Nam có thể sẽ làm chậm lại tiến trình tự do hóa kinh tế, nhưng sẽ không đảo ngược tiến trình này, cũng như cũng không đẩy lùi quan hệ với Mỹ. Hội nghị cuối cùng Ban Chấp Hành Trung Ương khóa cũ cũng đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
The Economist cũng dự báo là phải chờ đến Đại hội lần tới vào năm 2021, mới có thể có những thay đổi sâu rộng hơn. Lúc đó, hàng loạt các đảng viên chỉ biết tiếng Nga, được nuôi dưỡng với lòng căm thù Mỹ, sẽ về hưu. Những người kế nhiệm có thể sẽ là các nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây. Họ hiểu rằng sự tồn vong của Đảng là dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như dựa trên việc thuyết phục giới trẻ Việt Nam rằng Đảng bảo vệ quyền lợi của họ.

Báo Pháp: Phe bảo thủ áp đặt luật chơi ở Việt Nam
Cuộc « đấu đá » trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hạ màn là một trong những tin chính trên báo chí Pháp hôm nay.
 Trận song đấu trên chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc với chiến thắng của một nhân vật nắm đặc quyền đặc lợi 71 tuổi. Ông Nguyễn Phú Trọng « kế vị » chính ông trên ghế tổng bí thư qua Đại hội 12 . Hệ quả là ông Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là thành phần tân tiến trong Bộ Chính trị, sau 10 năm làm thủ tướng, muốn lên nắm ghế tổng bí thư đảng, bị hất ra ngoài. Với dẫn nhập trên đây, nhật báo Le Monde đặt câu hỏi then chốt theo quan điểm độc giả tây phương là liệu chiến thắng của phe « bảo thủ »có ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao của Việt Nam hay không ? 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Tây phương ủng hộ vì ông đại diện cho chính sách kinh tế năng động, nhưng ông bị nội bộ chỉ trích trong các vụ công ty nhà nước bị phá sản gây thiệt hại nặng nề cho « Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ». Bị tố cáo là kẻ tham ô, ông Nguyễn Tấn Dũng bị cô lập trong bộ chính trị cho dù ông tạo được hậu thuẫn trong Trung ương đảng.

« Ông Trọng đã hứa với Mỹ »

Phần đông các nhà quan sát cho rằng sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi không ảnh hưởng gì nhiều. Theo nhà báo Võ Trung Dũng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với Tây phương, nhất là với Mỹ, phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP. Ông Trọng cũng thuận theo chiều hướng đưa Việt Nam vào quy chế kinh tế thị trường.

Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đây rất nặng nề trong việc thành hay bại trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Việt Nam có được một tầng lớp cán bộ cao cấp và bộ trưởng có tư tưởng cởi mở và thiên về Tây phương trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với láng giềng phương Bắc. Là lãnh đạo theo đường lối Mác-Lê chính thống, là người xem Trung cộng là đồng minh ý thức hệ tự nhiên của Việt Nam bất chấp hàng ngàn năm xung khắc, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải tỏ ra thực tế hơn.

Nhưng phe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không sốt sắng như cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài vào lãnh vực nông nghiệp và dịch vụ chẳng hạn.

Nói cách khác, cho dù các phe đều đồng ý tăng gia thương mại, nhưng với ông Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội sẽ khó mà chấp nhận những nhượng bộ quan trọng nhất : tôn trọng quyền lợi của người lao động và sở hữu trí tuệ. Thế mà đây lại là những cam kết thực hiện khi gia nhập TPP.

Trong lãnh vực chính trị thì luật chơi của phe bảo thủ sẽ gây hệ quả nặng nề hơn, ngăn chận mọi hy vọng cải cách dân chủ. Bổ nhiệm một bộ trưởng Công an làm chủ tịch nước là một trong những tín hiệu này. 
Tín hiệu thứ hai là tuyên bố của kẻ chiến thắng : „Tôi không tiện nói một số nước nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất. Ông Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, Việt Nam có dân chủ hơn mọi nước.“

     

Bắc Kinh: „Số phận hai bên càng ngày càng thắt chặt hơn!“
Với việc thắng cử của ông Nguyễn Phú Trọng sau màn đấu đá nội bộ, nhà cầm quyền Bắc Kinh và truyền thông Trung cộng có vẻ cảm thấy yên tâm hơn.
Nhận định về đại hội lần này của Việt Nam, báo chí Trung Quốc trước đó có nhiều bài bình luận được cho là nhằm “tác động” lên đại hội ở Việt Nam.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh dẫn lời ông Tập Cận Bình nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị, sông liền sông, núi liền núi, cùng hệ thống chính trị và có đường hướng phát triển tương tự nhau” nên “số phận hai bên càng ngày càng thắt chặt”.
Nữ phát ngôn viên nói rằng ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam có “số phận chung với ý nghĩa chiến lược lớn”, và “Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam”.
Tân Hoa Xã tuyên bố rằng việc làm sâu sắc thêm quan hệ với Bắc Kinh “chỉ có lợi” cho Hà Nội, và nhờ hợp tác với nước này, mà Việt Nam mới có được “ổn định xã hội”.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc  còn cho rằng kế hoạch “đầy tham vọng” của Việt Nam trong 5 năm tới “cần mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn" với Bắc Kinh.
Theo CCTV, Reuters, Xinhua