08.01.2016

Nhìn lại tình hình Biển Đông trong năm 2015 - Nguyễn Ngọc Bảo

Nhìn lại tình hình Biển Đông trong năm 2015
Nguyễn Ngọc Bảo

Trong năm 2015, biến cố nổi cộm nhất trong tương quan quốc tế vùng Đông Á và Đông Nam Á chính là tranh chấp tại Biển Đông sau khi Trung cộng ngang nhiên xây dựng các cấu trúc nhân tạo hải cảng, phi trường trên các bãi đá chìm để biến thành vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Trung cộng. 


Với 3,5 triệu cây số vuông, 11 tỷ thùng dầu dự trữ, 420 tỷ mét khối khí thiên nhiên phối kiểm được, và địa dư chiến lược kiểm soát hải lưu xuất, nhập cảng hàng hóa của nhiều quốc gia, Biển Đông trở thành một vùng tranh chấp nóng trên nhiều bình diện. 

Thứ nhất, về mặt pháp lý là vụ đơn kiện Trung cộng của Phi Luật Tân trước Tòa Trọng Tài Thường Trực đang tạo nhiều sự chú ý của các quốc gia trong vùng.

Thứ hai, trên bình diện ngoại giao, sự căng thẳng trên các diễn đàn quốc tế trong khu vực giữa Phi Luật Tân, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, với Trung cộng đã làm hao tổn không biết bao nhiêu công sức của các nước qua những cuộc Hội nghị.

Thứ ba, trên bình diện quân sự là sự đối dầu giữa hải quân Trung cộng với hải quân Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Hoa Kỳ đã tạo ra nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các nước.

Thứ tư, đối với Việt Nam, Biển Đông là vấn đề gây phân hóa rõ rệt trong nội bộ lãnh đạo CSVN về việc thoát Trung hay bám Trung hiện nay. 

I- Chiến lược xâm lược một cách yên lặng của Trung cộng thất bại

Từ nhiều thập niên trước, Trung cộng đã chuẩn bị chiến lược Trỗi Dậy Trong Hòa Bình (Peaceful Rising) trên lãnh vực kinh tế, ngoại giao, quốc phòng nhằm trở thành một siêu cường có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mọi mặt, sau khi đã trở thành nền kinh tế thứ nhì của thế giới với tổng sản lượng quốc gia (TSLQG) 11.400 Tỷ mỹ kim (MK) so với Hoa Kỳ 18.000 Tỷ MK, Nhật 4.100 Tỷ MK). 

Nhờ chiếm lĩnh thế giới về hàng hóa may mặc, gia dụng, điện tử với giá nhân công được giữ ở mức thấp, một hạ tầng cơ sở được tân trang nhanh chóng nhờ vào nỗ lực sao chép, lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến Tây phương môt cách khôn ngoan, chọn lọc qua mạng Internet (qua các tổ hackers quân đội), với khối lượng đầu tư trực tiếp lớn lao (Foreign Direct Investment) là128 tỷ MK trong năm 2014 so với Hoa Kỳ 86 tỷ MK, dựa trên tiềm năng thương mại của một thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỷ người. Trung cộng dần dần thực hiện bước đầu của chiến lược kiểm soát hoàn toàn các vùng thuộc chu vi sinh tử của họ (Biển Đông, Quần Đảo Điếu Ngư). 

Nhưng chiến lược này hiện nay đang thất bại. Tại Điếu Ngư, Trung cộng đã không áp lực, doạ nạt được Nhật để rời bỏ đảo này. Trong các Tháng Tư, Tháng Năm, Tháng Sáu, 2015, phi cơ chiến đấu Nhật đã cất cánh để ngăn chặn hơn 170 lần các phi cơ ngoại quốc vi phạm không phận Nhật. Trong số này có 66% là phi cơ Trung cộng. Trước đó con số này là 340 trong năm 2014, và 300 trong năm 2013. 

Những hành động khiêu khích của Trung cộng đã gây ra phản ứng ngược khiến Nhật Bản tăng cường ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục gần 40 Tỷ MK, đồng thời gia tăng quân số thêm 10.000 quân, đưa các chiến hạm tối tân để phòng thủ 200 đảo thuộc dẫy quần đảo trải dài 1400 cây số phía Nam Nhật tới phía Bắc Đài Loan. Ngoài ra Nhật Bản đã chấp thuận gởi chiến hạm tuần tra trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ cũng như dân chúng Nhật kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung cộng. 

Mặc dù Trung cộng có nhiều chiến hạm, tiềm thủy đĩnh hơn Nhật, nhưng về mặt kỹ thuật, khả năng tác chiến, mức tối tân các hệ thống võ khí, hải quân Nhật vẫn chiếm ưu thế hơn Trung cộng. Lý do dễ hiểu là Nhật được Hoa Kỳ cho phép chế tạo lại các võ khí hiện đại nhất như hệ thống radar điện tử Aegis, hỏa tiễn chống hỏa tiễn SM3-6, khu trục hạm loại Arleigh Burke, chiến đấu cơ F-15.

Tại Biển Đông, nhờ sự đồng lõa tay sai của lãnh đạo CSVN, Trung cộng đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ năm 1974, và từ đó đến nay tìm cách gặm nhấm các đảo tại Trường Sa (Fiery Cross – Đá Chữ Thập, Mischief Reef – Đá Vành Khăn), và các đảo thuộc lãnh hải phía Tây Phi Luật Tân (Scarborough Shoal - Bãi Cạn Hoàng Nham) qua việc dùng sức mạnh hải quân lấn chiếm và dựng lên các phi trường quân sự trên các đảo nhân tạo mà Công Ước LHQ về Biển 1982 UNCLOS không công nhận là một đảo. 

Chủ trương Trung cộng là sau khi chiếm xong bằng võ lực rồi mới tìm cách thương thuyết song phương với Phi Luật Tân. Phi Luật Tân cương quyết từ chối thương thuyết song phương và đưa vấn đề đường Lưỡi Bò 9 điểm của Trung cộng ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague vào đầu năm 2013. Sau gần 3 năm xét xử và 4 phiên tòa, vào ngày 29/10/2015, Tòa xác nhận có thẩm quyền thụ lý đơn kiện của Phi Luật Tân về đường Lưỡi Bò, bất chấp các phản đối của Trung cộng. 

Các quốc gia ven Biển Đông khác như Mã Lai, Nam Dương và các quốc gia tiên tiến đồng minh với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, nhìn ra tham vọng của Bắc Kinh là dùng Biển Đông làm bàn đạp để tiến tới chuỗi đảo thứ hai, mở ra các hải lộ đại dương, nên đã cùng Ấn Độ hình thành một loại liên minh quân sự không chính thức chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh. Chỉ riêng có Việt Nam đứng ngoài vì áp lực của Trung cộng.

Liên minh này đã tiến hành các tập trận chung, tân trang hải quân với các võ khí tối tân của Hoa Kỳ, Pháp; riêng Hoa Kỳ đã phái khu trục hạm Arleigh Burke Lassen, phi cơ tuần thám đại dương P-8 Poseidon, oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay trên không phận hay đi vào trong phạm vi 12 hải lý của những hòn đảo Trung cộng đang chiếm đóng (FON - Freedom Of Navigation), tầu Ấn Độ đi vào vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam thăm dò dầu hỏa để thách thức sức mạnh của hải quân Trung cộng. Cho đến nay, Trung cộng chỉ phản đối bằng miệng. 

Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hoá rộng rãi trong 2015 (Dialogue Sangri-La, Hội Nghị song phương Hoa Kỳ – Úc, Hoa Kỳ-Nhật, Diễn Đàn APEC) và trở thành mối quan tâm chung của thế giới, vì một cuộc đụng độ giữa hải quân Trung cộng và phe Liên Minh, có nguy cơ dẫn đến một cuộc tranh chấp lớn giữa các cường quốc. 

Mã Lai (với bãi cạn Luconia Shoals) và Nam Dương (với quần đảo Nantuna) đang xem xét để đưa Trung cộng ra trước Tòa Trọng Tài, trong trường hợp Trung cộng tiếp tục xâm phạm chủ quyền 2 nước này. Nhóm G7 (08/06/2015), Liên Âu đã lên tiếng cảnh giác về âm mưu quân sự hóa Biển Đông, gián tiếp ám chỉ Trung cộng. 

Nói tóm lại, Trung cộng đã thất bại trong âm mưu phân hóa và đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN, đặc biệt là Phi Luật Tân. Trung cộng chỉ thành công đối với Việt Nam, đây là quốc gia ven Biển Đông duy nhất mà Trung cộng khống chế được lãnh đạo bản xứ vì sự nhu nhược và bản chất tay sai của họ. 

II) Quan hệ CSVN – Hoa Kỳ – Trung cộng

Quan hệ CSVN – Hoa Kỳ

Hiện nay CSVN vẫn đang giữ thái độ đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, dù ảnh hưởng Trung cộng vẫn chi phối nặng nề trong guồng máy đảng, cụ thể qua việc sai khiến qua quyền lợi, mua chuộc, nắm tẩy được các thành phần lãnh đạo cao nhất như Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN; Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng; Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch Quốc Hội.

Hiện nay tương quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trở nên thường xuyên với Hiệp Ước TPP và vấn đề Biển Đông. Mức giao du giữa quân đội CSVN và Hoa Kỳ đã gia tăng nhiều trong năm 2015, chiến hạm Hoa Kỳ đã nhiều lần ghé thăm Việt Nam tại Đà Nẵng, Sài Gòn, Cam Ranh. Ngoài ra có rất nhiều sĩ quan trung cấp và cao cấp CSVN đã được mời tu nghiệp tại các trường đào tạo sĩ quan nỗi tiếng tại Hoa Kỳ như West Point, Annapolis, Cao Đẳng Quân Sự về Không Quân... từ nhiều năm nay. 

Hoa Kỳ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương trên biển vào ngày 18/11/15 và để cho Nhật chuyển nhượng 10 tầu tuần duyên hạng nhẹ cho CSVN. Với truyền thống lịch sử bất khuất và độc lập của dân tộc Việt Nam, đã từng giữ vững đất nước trước các âm mưu thôn tính của Trung cộng qua lịch sử và tinh thần cầu tiến, siêng năng, hội nhập rất nhanh và thành công trong xã hội Hoa Kỳ của gần 3 triệu người Hoa Kỳ gốc Việt, sự hiện diện của nhiều người Hoa Kỳ gốc Việt trong guồng máy tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ với những trách vụ cao cấp hoạch định về chính sách, điều hành, Hoa Kỳ đánh giá cao khả năng của Việt Nam nhằm đối đầu với Trung cộng; nếu được hỗ trợ. 

Hiện nay, các liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có gia tăng cường độ trong năm 2015 ở nhiều cấp bộ khác nhau, với các vòng thương thuyết về TPP (Trans Pacific Partnership) và mức giao thương gia tăng (xuất cảng 19 tỷ MK qua Hoa Kỳ – nhập cảng 4,3 tỷ MK). Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 5/7 qua lời mời của Tổng Thống Obama đánh dấu một mốc điểm quan trọng cho cả hai bên. 

Về phần Việt Nam, muốn nâng quan hệ chiến lược có thêm phần cụ thế với Hoa Kỳ, nhằm quân bình lại áp lực quá nặng từ phía Trung cộng, xoa dịu phản ứng phẫn nộ của dân chúng và của nhiều thành phần trong quân đội. Phần vụ của các cộng đồng, tổ chức tại Hoa Kỳ là mở rộng các hướng vận động cho nhân quyền, đặc biệt các điểm về Công Đoàn, Quyền Sở Hữu Trí Tuệ, Thông Tin, Hiệp Ước TPP, khai dụng sức mạnh cử tri và vị trí trong xã hội Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho các lực lượng dân chủ tại Việt Nam, và cần thuyết phục lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ là chỉ khi Việt Nam có một chính quyền dân cử trong một thể chế tự do dân chủ thì lúc đó Việt Nam mới quyết tâm và có khả năng đương đầu với Trung cộng. 

Quan hệ CSVN – Trung cộng

Việt Nam là một địa bàn chiến lược đối với Trung cộng. Điều này phản ảnh qua toan tính thôn tính và đồng hóa Việt Nam của tất cả các triều đại Trung Hoa từ hơn 2.200 năm nay. Từ 24 năm nay sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), nhu cầu giữ chặt Việt Nam trong vòng kiềm toả của mình lại càng trở nên quan trọng hơn đối với Trung cộng, khi mà các quốc gia có cùng ý thức hệ XHCN chỉ còn sót lại vài ba nước. Trong khi đó, để duy trì được quyền lực của đảng CSVN, hệ thống tuyên huấn của CSVN đều hoàn toàn dựa trên đường lối và chính sách của Trung cộng, để làm kim chỉ nam cho đường lối của Đảng CSVN. 

Sự lệ thuộc Trung cộng về chỗ dựa về chính trị, theo thời gian với sự vươn lên của Trung cộng thành sự lệ thuộc ngày càng chặt chẽ về mặt kinh tế, văn hóa, ngoại giao và mất dần chủ quyền, Hoàng Sa đã bị thôn tính hoàn toàn, năm 1988 nhiều đảo tại Trường Sa bị xâm chiếm, và tình trạng này tiếp tục cho đến nay.

Với sự phát triển vượt bực của mạng Internet, thái độ qụy lụy, bán nước của lãnh đạo CSVN ngày càng lộ rõ. Ngoài ra sự quyết tâm đề kháng để sống còn, tránh bị đồng hóa thành người Trung Hoa đã là một đặc điểm chung của người Việt Nam từ lịch sử. Do đó, trong vài năm gần đây, trước thái độ xâm lược của Trung cộng ngày càng rõ nét, ngạo mạn, xem thường Công pháp Quốc tế, sẵn sàng dùng mọi áp lực bẩn thỉu nhất để đè bẹp, khống chế các quốc gia nhỏ hơn, một số thái độ đề kháng đã xuất hiện trong guồng máy trung tầng của đảng, nhất là trong quân đội CSVN cho nhu cầu truyền thống bảo vệ chủ quyền dân tộc chống ngoại xâm. 

Đó là một phần lý do, tại sao cho đến giờ (sau một vài lần cho hải quân đi tuần tiễu chung với hải quân Trung cộng trong mấy năm trước), người ta chưa thấy quân đội CSVN tập trận chung với quân đội Trung cộng, hay chiến hạm Trung cộng đến viếng thăm các hải cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh hay Sài Gòn tại Việt Nam.

Hiểu rõ khả năng đề kháng của dân tộc Việt Nam, lãnh đạo đảng CSTQ đã tìm cách gài bẫy để nắm tẩy, mua chuộc các thành phần lãnh đạo đảng CSVN hầu thôn tính trong êm thắm đất nước và đồng hóa dân tộc Việt Nam mà không phải hao tốn sinh mạng và vật chất qua một cuộc chiến tranh. Qua tất cả các triều đại Tổng Bí Thư, từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, cho đến Nguyễn Phú Trọng; ảnh hưởng của Trung cộng rầt nặng nề và chi phối rất nhiều lên sự lựa chọn thành phần lãnh đạo và dàn cán bộ cao cấp trong hàng chục năm qua. 

Trên mặt Biển Đông, Trung cộng chiếm Hoàng Sa và xây dựng sân bay quân sự tại Trường Sa. Trên đất liền, Trung cộng đã gởi hàng chục ngàn công nhân và gia đình xâm nhập vào vùng Cao Nguyên Trung Phần tại Vũng Áng, khống chế các guồng máy chính trị, kinh tế tại Lào và Cam Bốt để bao vây Việt Nam. 

Với tất cả khả năng khống chế đó, Trung cộng đã chi phối chính trường Việt Nam trước các Đại Hội Đảng CSVN cũng như lần thứ 12 năm nay, để chọn lựa các nhân vật lãnh đạo có lợi cho họ. Nhưng âm mưu này đã và đang gặp phải sức đề kháng mạnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Quan hệ Hoa Kỳ – Trung cộng

Hiện Hoa Kỳ đang có nhiều điểm tranh chấp trầm trọng với Trung cộng: về lãnh vực giao thương, với các nỗ lực tranh đoạt ưu thế bất chính của Trung cộng trên thương trường, bất chấp các điều khoản của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế, về lãnh vực bản quyền và kỹ thuật tiền tiến, với chủ trương tấn công qua mạng để chiếm đoạt (hacking) các dữ kiện mật về kỹ thuật quân sự, công nghệ cao, về Biển Đông, với nỗ lực chiếm đoạt các đảo, xây dựng căn cứ quân sự để khống chế vùng biển chiến lược này.

Theo Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, các cạnh tranh bất chính, tấn công lấy cắp qua mạng Internet đã làm cho Hoa Kỳ mất 300 tỷ MK và hơn 1,2 triệu việc làm tại Hoa Kỳ. Hiện nay, người dân đang tiến hành việc tẩy chay hàng hóa Trung cộng, nhiều hãng Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Trung cộng và chủ trương “Buy Made In America” đang thịnh hành.

Hoa Kỳ đã vận động sự hình thành một TPP rộng lớn trên toàn vùng Á Châu Thái Bình Dương nhằm cô lập Trung cộng về mặt kinh tế. Trước các hành động xâm lược bất chấp Công Pháp Quốc Tế của Trung cộng trên Biển Đông, Hoa Kỳ lúc đầu giữ thai độ trung lập, nay đã nghiêng dần về khuynh hướng đối đầu và hỗ trợ trực tiếp các đồng minh.

Sau khi chấm dứt tham gia bộ chiến tại Irak và A Phú Hãn, Hoa Kỳ đang dồn hải lực về vùng Tây Thái Bình Dương. Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ (CinCPAC) gồm 300.000 người, trong đó Lục quân 80.000, Hải quân 140.000, Không quân 50.000, với 200 chiến hạm, tầu ngâm, và hơn 1.500 phi cơ chiến đấu, nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung cộng, trấn an các đồng minh như Nhật, Đài Loan, Phi, Úc. 

Hiện nay, về số lượng hải quân Trung cộng đã trở thành lực lượng thứ nhì thế giới với 300 tầu chiến hạm (53 tầu ngầm loại diesel, 3 tầu ngầm nguyên tử, 1 hàng không mẫu hạm, 21 khu trục hạm, 52 khu trục hạm hạng nhẹ, 57 tầu đổ bộ, khoảng 100 tầu nhỏ loại tuần duyên), trong lúc đó hải quân Nhật tuy ít hơn về số lượng nhưng rất hiện đại với 4 hàng không mẫu hạm chở trực thăng, 26 khu trục hạm, 11 khu trục hạm loại nhẹ, 16 tầu ngầm, 3 tầu đổ bộ và 41 tầu tuần duyên, huấn luyện. 

Tuy nhiên nếu so sánh với Hoa Kỳ (gần 4 triệu tấn và 300 chiến hạm lớn), hải quân Trung cộng (1,5 triệu tấn) hiện vẫn còn thua kém xa về số lượng trọng tải và hiệu năng chiến đấu, về phẩm chất, kỹ thuật chế tạo tầu chiến, tầu ngầm; mức độ đa năng và tầm sát hại rộng lớn của các hệ thống võ khí, tầm bao phủ xa cả ngàn cây số và chính xác của các hệ thống kiểm báo hỗn hợp (Aegis, vệ tinh, phi cơ Awacs, trực thăng, drone), hỏa lực của phi cơ trên các mẫu hạm, khả năng tác chiến tinh nhuệ rút từ kinh nghiệm trận địa hàng ngày trên khắp thế giới. 

Nếu cộng thêm với hải quân Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, hải quân Trung cộng hoàn toàn ở thế yếu, không có khả năng để đương đầu với một tập hợp hải quân của siêu cường Hoa Kỳ và 3 quốc gia lớn trong vùng Á Châu Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Kết luận

Cái giá mà Trung cộng phải trả cho việc chiếm được một số đảo trên Biển Đông và biến những đảo này thành cứ điểm quân sự trở thành quá cao: Trung cộng bị cô lập trên trường quốc tế, hình ảnh Trỗi dậy trong Hòa Bình bị gẫy đổ, đầu tư vào Trung cộng từ Hoa Kỳ, Nhật, Liên Âu bị suy giảm, hàng hóa bị tẩy chay, khiến mức phát triển kinh tế giảm gần 10% xuống dưới 7% và sẽ còn tiếp tục suy giảm (mức độ suy giảm kinh tế trong thực tế có lẽ còn trầm trọng hơn nhiều so với các con số chính thức được công bố).

Chiến lược xâm lược một cách yên lặng của Trung cộng thất bạiBộ mặt bán nước, độc tài, tham ô, bạo tàn, của lãnh đạo đảng CSVN đã lộ rõ. Trong năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực sẽ phán quyết bác bỏ Đường Lưỡi Bò 9 điểm của Trung cộng, các quốc gia ASEAN sẽ hợp lực để đầy lùi các tham vọng đế quốc của Trung cộng, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Nhật Bản. 
Người dân và các lực lượng dân tộc dân chủ sẽ khai thác vấn đề Biển Đông và bảo vệ chủ quyền nhằm tạo thế đoàn kết rộng lớn để đầy lùi chế độ CSVN.


Nguyễn Ngọc Bảo