08.01.2016

Chơi dao đến ngày đứt tay - Cánh Cò

“Người dân nhìn nhau và nhận ra điều này: Chính quyền không còn thuộc về nhân dân nữa và như vậy là Việt Nam đang sống trong tình trạng vô chính phủ.”
Chơi dao đến ngày đứt tay
Luật sư Trần Thu Nam (phải) và Luật sư Luân Lê bị hành hung khi rời khỏi nhà Em Đỗ Đăng Dư hôm 3/11.

Nguyên tắc của một thể chế chính trị bất cứ nơi đâu muốn được lòng dân thì trước nhất phải bảo vệ sự an toàn của họ. Mọi căn cớ đe dọa sự sống của dân phải được xem xét và có giải pháp chống lại một cách toàn diện. Công cụ để làm việc này là lực lượng bảo vệ an ninh, quân đội cùng các đơn vị đặc biệt khác. Và phương tiện duy nhất không thể thiếu nhằm kiểm soát các hoạt động ấy là pháp luật, mà đại diện hợp pháp là tòa án.


Hầu hết các quốc gia dân chủ đều vận hành theo phương thức này, kể cả những quốc gia mà nền dân chủ còn phôi thai hay non yếu nhất.

Đi ngược lại với cách thức vận hành này là các nhà nước độc tài, xem nhẹ sự an nguy của người dân vì lo củng cố chiếc ghế của lãnh đạo. Mọi hình thức được họ gọi là bảo vệ dân thường có dạng ngược lại và không hiếm khi di hại tới đời sống của một nhóm người, một cộng đồng đặc biệt, hay ngay cả một cá nhân bị gán cho cái tội phá hoại an ninh công cộng nếu họ làm một việc gì gây bất an cho chế độ.

Mỗi quốc gia đều có một dạng côn đồ trong xã hội. Nhẹ thì trộm cắp, cướp bóc với hình thức cò con. Nặng hơn là băng đảng, xã hội đen tụ tập lại để làm ăn ngoài vòng pháp luật. Cho vay, buôn lậu các loại hàng cấm, bảo kê hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, đòi nợ mướn, cùng hàng chục loại khác. Dạng côn đồ này xuất hiện nhiều hay ít tùy vào mức hối lộ nặng hay nhẹ. Các quốc gia tiên tiến khó có sân chơi cho dạng này, chúng sinh sôi nảy nở tại các quốc gia dân chủ sơ khai, nửa vời và đặc biệt bùng phát không kiểm soát tại các nơi mà chính quyền muốn nuôi dưỡng chúng làm một đối trọng để đe dọa những ai có ý định chống lại nhà cầm quyền.

Câu hỏi được đưa ra tại sao lại phải nhờ bọn vô lại trong các vụ đàn áp người dân?

Không khó lắm để thấy rằng mọi đòi hỏi của người dân đều phát sinh từ những nguyên nhân rõ ràng và cùng khắp trong xã hội. Có thể đất đai của họ bị trưng thu không được đền bù, nhà cửa của họ bị dỡ bỏ, tôn giáo mà họ theo bị cấm cản, người thân của họ bị giết hại mà không được xét xử, oan khiên của những bản án bất công….

Nếu đứng ra giải thích, tranh luận hay lắng nghe tất cả những vấn nạn này thì chính quyền gặp phải hai chuyện: trước nhất là gây cho dân cơ hội tranh đấu nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực và chắc chắn sẽ kéo theo bất ổn chính trị. Thứ hai, chính những cán bộ chức quyền cao trong bộ máy mới có đủ quyền lực để gây tổn hại cho người dân. Nếu mang hết ra xét xử thì một lỗ hổng nhân lực sẽ xuất hiện và dĩ nhiên cả hệ thống phải rúng động.

Tại sao không dùng bọn đầu trộm đuôi cướp để trấn áp những con người đang tranh đấu này? Vừa tránh được các buổi nói chuyện với dân vừa không mang tiếng đàn áp họ. Số tiền chi cho một cuộc dàn xếp như thế chắc chắn rẻ hơn một cuộc tập trung các đơn vị chống biểu tình hay chống khủng bố. Im lặng ngồi phía sau chỉ đạo đánh người này, bao vây nhà kẻ kia, tạt chất dơ bẩn vào nhà bọn này, chặn xe xét giấy tờ của bọn kia…. tất cả mọi biện pháp ấy đang diễn ra ngày càng rộng khắp trên cả nước.

Côn đồ dùng vũ lực kẹp cổ, khống chế đưa một số người dân bị thương của chung cư The Era Town thuộc phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM về trụ sở Công an phường Phú Mỹ.

Ban đầu nó khoanh vùng trong các đối tượng dân oan đòi đất đai, sau đó tiến thêm vào những ai tranh đấu cho dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo… ngày càng thành công vượt mức, côn đồ được “điều động” vào các công tác khác trong hầu hết các tranh chấp giữa người dân và đối tác kinh doanh.

Kinh doanh lớn thì ăn chia lớn. Quy luật này hình thành từ thời sơ khai của cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp lớn chừng nào thì chân rết của nó với chính quyền càng sâu và bám rễ nhiều chừng ấy. Từ lá đơn xin phép hoạt động đầu tiên mối quan hệ gian thương và cán bộ tha hóa đã được hình thành để từ đó song song móc túi người tiêu dùng bằng các cách tinh vi nhất mà bọn chúng nghĩ ra được. Tân Hiệp Phát là điển hình cho mối liên hệ chính quyền – con buôn rõ đến từng chi tiết.

Côn đồ trong câu chuyện này là báo chí bất lương cũng như các ông bà mặc áo cổ cồn nhưng phát biểu như những tay đòi nợ mướn.

Tân Hiệp Phát không phải là trường hợp duy nhất hay hiếm hoi, hằng trăm vụ tranh chấp giữa người tiêu dùng và chủ đầu tư đã và đang xảy ra khắp nước và “lực lượng” côn đồ đang thay thế chính quyền đứng ra xử lý.

Vụ mới nhất đang diễn ra tại chung cư The Era Town thuộc phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Côn đồ bao vây người dân ngay nơi họ cư trú. Hành hung tấn công họ như tấn công kẻ phạm pháp.

Theo báo lề phải thuật lại vào khoảng 9 giờ sáng ngày 3 tháng 1, hơn 100 người dân tại lô A và lô B của chung cư The Era Town, mặc những chiếc áo với nội dung “yêu cầu Công ty Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư”.

Đây là kết quả sau hơn một năm người dân chung cư The Era Town có tranh chấp với chủ đầu tư là Công ty Đức Khải. Họ đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tại thành phố và trung ương, khiếu nại, tố cáo sai phạm của chủ đầu tư nhưng tất cả rơi vào im lặng cho đến lần này thì chính quyền phối hợp với Đức Khải mượn tay côn đồ bằng cách điều động hàng chục người lạ mặt hành hung, áp đảo và gây thương tích nặng nề cho người dân tại đây.

Thậm chí côn đồ còn dùng vũ lực kẹp cổ, khống chế đưa một số người dân bị thương về trụ sở Công an phường Phú Mỹ. Trong đó có hai cư dân ngụ lô B chung cư, bị thương nặng nhất được đưa đến Bệnh Viện 115 điều trị. Nhiều người dân đã quay video lại được hình ảnh các đối tượng tấn công cư dân dẫn đến đổ máu, thương tích như trên.

Bản tin không có bất cứ chi tiết nào về sự can thiệp của chính quyền, cũng không ai đứng ra giải thích tại sao vụ việc lại nghiêm trọng như vậy. Người dân nhìn nhau và nhận ra điều này: Chính quyền không còn thuộc về nhân dân nữa và như vậy là Việt Nam đang sống trong tình trạng vô chính phủ.

Một chính phủ chỉ tập trung vào việc tranh dành quyền lực bỏ mặc người dân bị thuộc hạ của mình đàn áp, hành hung vì đồng tiền bẩn thỉu, giống như con dao mà họ mượn tay kẻ khác thanh toán khó khăn cho guồng máy nay đang lộ ra chiếc mũi nhọn liễu đang chĩa vào chiếc sườn của chế độ.

Họ chơi dao và họ đang đứt tay.


Cánh Cò, viết từ Việt Nam