08.03.2016

Huế và bánh mì miễn phí

Huế và bánh mì miễn phí
Bánh mì miễn phí và xúc xích  RFA photo
Mỗi ổ bánh mì là một lời yêu thương gửi gắm và mỗi ổ bánh mì đến tay người nhận là một sự chia sẻ tình người trên tinh thần đồng đẳng, cùng san sẻ một buổi sáng, nhiều buổi sáng để ấm bụng ấm lòng, để thấy rằng cuộc đời này ấm áp và đáng yêu, đáng sống. Đó là triết lý của những bạn trẻ thành phố Huế khi họ chia sẻ, tặng bánh mì, xúc xích và bơ đường. Mỗi buổi sáng, cũng như nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn và Đà Nẵng, Hà Nội, các bạn trẻ Huế bắt đầu công việc của mình từ 6h30 và kết thúc khi những ổ bánh mì cuối cùng được trao tay cho người cần dùng.

Cũng xin nói thêm là nhóm các bạn trẻ ở Huế gồm ba người, gồm Long, Nhận và Thể. Cả ba bạn trai đều là những người làm kinh doanh và thời gian đối với họ rất quí. Và những bạn trẻ này xem việc mỗi sáng mang bánh mì ra ngã tư Phan Châu Trinh – Nguyễn Trường Tộ để biếu cho những người cần đến là một công việc thường ngày, dù nắng mưa hay trở ngại thời tiết họ đều có mặt đúng giờ, đúng điểm.
Bụng người ấm lòng mình cũng ấm
Long, là trưởng nhóm tặng bánh mì ở Huế, chia sẻ: “Dạ, mình thì có bánh mì xúc xích để chia sẻ. Mỗi ngày từ bảy mươi đến tám mươi suất, mỗi suất chừng năm ngàn đồng. Em làm việc này từ sự ảnh hưởng của các bạn trẻ khác ở Sài Gòn và đây là công việc em thấy hạnh phúc, thấy vui. Em, vẫn làm mỗi ngày để chia sẻ cùng những người lao động nghèo, sinh viên…”.
Theo Long, để có được mỗi buổi sáng bảy mươi ổ bánh mì loại lớn, thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cộng với một cây xúc xích, các bạn trẻ phải tự huy động từng đồng trong túi của chính mình để tặng và duy trì việc này chứ không hề xin bất kì nguồn viện trợ nào. Bởi kêu gọi mạnh thường quân chưa phải là lựa chọn của các bạn trẻ này trong hiện tại.
Và với giá mỗi ổ bánh mì hai ngàn đồng, loại lớn cộng với một cây xúc xích loại lớn, có nguồn gốc rõ ràng, giá ba ngàn đồng, trung bình mỗi suất ăn là năm ngàn đồng. Như vậy, bảy mươi suất bánh mì có giá ba trăm năm chục ngàn đồng. Đây là con số mà theo bạn Long là có thể duy trì được lâu dài bằng chính khả năng tài chính của các bạn.
Cũng theo thỏa thuận và qui ước giữa các bạn trẻ, Long là người chịu trách nhiệm về tài chính cho bánh mì miễn phí mỗi sáng. Và một tháng ba mươi ngày các bạn luôn có mặt ở ngã tư gần chân cầu Nguyễn Trường Tộ, bên bờ sông Như Ý để tặng bánh mì cho người cần một bữa sáng ấm lòng. Trong trường hợp ngày nào Long bị trục trặc về tài chính thì Nhân và Thể sẽ đứng ra lo liệu.
Thể, một thành viên trong nhóm bánh mì miễn phí, cho biết rằng việc tự vận động tài chính của bản thân để chia sẻ bữa ăn sáng cùng những người khác là việc tự nguyện của nhóm ba bạn trẻ, không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn tài chính nào khác và các bạn cũng mong mỏi đến một lúc nào đó nguồn tài chính sẽ mở rộng hơn, số lượng bánh mì chia sẻ với người cần bữa ăn sáng được nhiều hơn bởi người lao động, công nhân, các cô bác phu quét đường hay những người bán vé số trên đất Huế rất nhiều và hầu hết họ đều cần sự chia sẻ. Nhưng nghiệt nỗi khả năng tài chính của các bạn chỉ dừng ở con số bảy mươi suất bánh mì xúc xích và bơ đường.
Nguyện vọng của các bạn trẻ là sẽ mở rộng điểm đứng, thay vì một điểm sẽ là ba điểm, năm điểm, thậm chí mười điểm, hai mươi điểm ở các ngã ba  làng quê mỗi huyện và ở nhiều góc phố có nhiều người lao động nghèo, không có đủ phương tiện để đến chỗ các bạn đang đứng mà nhận bánh mì. Và Thể nói rằng nhóm của các bạn rất cần những bàn tay thiện nguyện cùng chìa ra san sẻ với các bạn trên mọi nghĩa. Bởi vẫn rất còn nhiều người phải nhịn ăn sáng để đến xí nghiệp, để dong ruổi đi bán vé số hay đạp cyclo… Chính vì vậy, sự cộng hưởng của lòng yêu thương bao giờ cũng là rất quí báu với các bạn.
Nhân, một thành viên của nhóm chia sẻ thêm:“Bánh mì đó là tụi em làm được hai tuần rồi. Tụi em thấy rất vui khi nhiều người nhận bánh mì một cách vui vẻ, nói chung là có người hưởng ứng là tụi em vui rồi! Những người nhận chủ yếu là ve chai, xích lô, người bán vé số, xe thồ, thi thoảng có một vài người hiếu kỳ đến nhận ổ bánh mì nhưng chủ yếu vẫn là những người lao động.”
Nhân cho rằng lòng yêu thương sẽ không bao giờ là thừa nếu bạn thật sự yêu thương và không để tính vụ lợi chen lẫn trong đó. Với các bạn, đơn giản, mỗi sáng cùng dậy sớm đến lò bánh mì để nhận bánh đang còn nóng hổi, hít căng lồng ngực bầu hơi thở đậm mùi thơm bánh mì để thấy buổi sáng thơm tho đến nhường nào khi nghĩ đến những nụ cười, những gương mặt đôi khi là buồn, đôi khi không cảm xúc và đôi khi có chút ngại ngần đi đến với các bạn…
Các bạn chỉ biết cám ơn những người bạn trong cuộc đời đã hoan hỉ nhận phần quà buổi sáng của các bạn để lót bụng. Bởi điều đó mang đến cho các bạn một niềm hạnh phúc và ấm áp khó tả!
Cám ơn buổi sáng đẹp trời
Một người lao động, là người thường xuyên đến nhận bánh mì miễn phí ở ngã tư Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh, tên Huy, chia sẻ: “Cám ơn các bạn, tôi cần những người như các bạn. Bởi chính các bạn đã giúp cho người nghèo như chúng tôi cảm thấy ấm áp và đỡi đói mỗi sáng trước khi làm việc…”.
Theo anh Huy, đã suốt mười năm nay anh không có khái niệm ăn sáng bởi do điều kiện kinh tế gia đình qua khó khăn, anh còn phải nuôi mẹ già, vợ và các con. Mẹ già không làm được gì bởi chứng thấp khớp kinh niên, vợ anh bị thoát vị đĩa đệm do lao động cực nhọc và ăn uống thiếu thốn. Cuối cùng, chỉ mỗi mình anh xoay sở để nuôi gia đình gồm mẹ già, vợ đau ốm và hai con nhỏ.
Và anh luôn thấy lo lắng bởi công việc của một thợ hồ quá nặng nhọc, bữa sáng là bữa chính bổ sung sau một đêm ngủ, nhịn bữa sáng quá nhiều sẽ suy nhược cơ thể và nếu anh có chuyện gì thì cả gia đình anh sẽ rất khốn đốn. Bánh mì miễn phí, với anh Huy là một cái phao cứu sinh niềm tin để anh thấy rằng cuộc đời còn rất đẹp và sức khỏe của mình còn không đến nỗi nào, không có gì để quá lo ngại.
Theo thói quen hai tuần nay, sáng ra, anh đến xin các bạn trẻ hai suất bánh mì và nói thật với các bạn là anh lao động nặng nhọc, anh cần ăn nhiều, mong các bạn thông cảm. Lần đầu anh còn thấy ngại ngần nhưng những lần sau, thấy anh đến thì các bạn trẻ đã chuẩn bị sẵn một suất gồm hai bánh mì, hai xúc xích và một ít bơ đậu phụng để trao anh.
Anh Huy nói rằng không riêng gì anh mà hầu như với bất kì người lao động nghèo khó nào, mỗi suất bánh mì của các bạn trẻ, ngoài ý nghĩa là một suất ăn để bổ sung cho cơ thể, chuẩn bị cho một buổi làm việc, đó còn mang ý nghĩa là một nguồn động viên lớn, cho người ta cảm giác nghèo không phải là một cái tội bởi mọi nỗ lực cũng đã dùng hết nhưng cái nghèo vẫn còn đeo bám… Mỗi ổ bánh mì như một lời động viên rằng hãy cố lên, hãy vững bước và vui vẻ để làm việc trong một ngày mới. Một ngày mới với nhiều tin yêu và hy vọng!
Nhóm phóng viên tường trình từ VN