06.04.2016

Công ty Mossack Fonseca : Xưởng rửa tiền của thế giới

Công ty Mossack Fonseca : Xưởng rửa tiền của thế giới

Trụ sở của công ty luật Mossack Fonseca nhìn từ bên ngoài, thành phố Panama, ngày 4/4/2016.Ảnh : AFP/Rodrigo Arangua
Từ ngày 03/04/2016, tên tuổi của công ty  Mossack Fonseca tại Panama được cả thế giới biết đến qua vụ "Panama Papapers" (Hồ sơ Panama). Một giáo sư luật tại Panama cho  rằng công ty này là đầu sỏ của một quy trình rửa tiền được thực hiện từ đầu đến cuối, « từ giặt, xả cho đến hong khô », phục vụ đắc lực cho giới có quyền lực và giàu có trên thế giới.

Trên giấy tờ thì Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama, với hơn 40 văn phòng đại diện trên khắp thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn nước ngoài, từ tư vấn cho đến quản lý tài sản. Công ty được hai luật sư chuyên về thuế Jurgen Mossack, một người gốc Đức sinh năm 1948, và Ramon Fonseca, một người Panama sinh năm 1952, thành lập vào năm 1977. Do vậy mà có tên Mossack Fonseca.
Ramon Fonseca là một gương mặt quen thuộc của chính trường Panama, vì từ năm 2014 cho đến tháng 3/2016, ông là cố vấn cho tổng thống Panama Juan Carlos Varela, và chỉ mới rời chức vụ gần đây thôi vì có dính đến vụ xì-căng-đan tập đoàn dầu khí Petrobras, đang làm rung chuyển Brazil.
Lập công ty bình phong, giúp rửa tiền và cất giấu tài sản bất minh
Hai ông Mossack và Fonseca đã biết dựa vào quan hệ rất tốt với chính quyền Manuel Noriega, nhà độc tài Panama, nhờ đấy họ đã phát triển được hoạt động tài chính của mình. Vào khi ấy, ông Noriega muốn phát triển kinh tế Panama, và lợi dụng vị trí địa lý của quốc gia nằm giữa hai vùng châu Mỹ để xây dựng một trung tâm tài chính hùng mạnh với hai con chủ bài chính : bí mật ngân hàng – được luật pháp Panama bảo đảm - và miễn thuế cho những khoản lợi nhuận xuất phát từ nước ngoài.
Công ty của hai luật sư này đã nhanh chóng trở thành nơi chuyên tạo ra những công ty bình phong trên thế giới và rất thành thạo trong việc rửa tiền các món tiền bất chính được trao cho họ, và tìm nơi mang nhiều lợi nhuận nhất để đầu tư khối tiền bẩn đó, như ở các đảo Virgin thuộc Anh, hay Seychelles, tùy theo luật và quy định hiện hành ở các nơi này.
Trong số khách hàng của Mossack - Fonseca, có những lãnh đạo quốc gia tham ô, độc tài hay là những đường dây tội phạm. Cuộc điều tra được tiết lộ trong vụ « Hồ Sơ Panama » cho thấy danh sách khách hàng của công ty Mossack Fonseca có 12 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, trong đó có 6 người đang tại chức, 128 lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp hàng đầu trên thế giới, và 29 nhân vật trong số 500 người giàu nhất hành tinh. Đó là chưa kể đến hàng ngàn người vô danh khác.
Ngay từ trước khi Hồ Sơ Panama được tiết lộ, tạp chí Mỹ Vice đã tố cáo vai trò của công ty Mossack Fonseca trong hoạt động rửa tiền quốc tế. Ngày 03/12/2014 tạp chí này khẳng định có đầy đủ bằng chứng là “Mossack Fonseca là công ty đã giúp giới tội phạm và trộm cắp khét tiếng đăng ký các công ty bình phong” để rửa tiền. Trong số này có nhũng cộng sự viên thân tín của Muammar Gaddafi, Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe, hay nhà tài phiệt Arhentina Lazaro Baez, bị tư pháp Mỹ nghi ngờ là đã rửa sạch hàng chục triệu đô la.
Riêng vụ Hồ Sơ Panama cho thấy là công ty Panama đó đã làm việc với 33 cá nhân hoặc tổ chức bị Mỹ cấm vận.
Mossack Fonseca biện minh
Sau khi vụ tai tiếng nổ ra, ông Ramon Fonseca đã đáp trả những cáo buộc trên báo chí. Theo nhân vật này thì suốt trong hơn 40 năm hoạt động, công ty của ông không bao giờ bị vấn đề gì, không bao giờ phạm tội, vì hoạt động giúp mở công ty hải ngoại của Mossack Fonseca là hợp pháp, không có liên can gì đến hoạt động của các khách hàng.
Ông còn tố cáo là đã bị tin tặc tấn công một cách có hệ thống, trong lúc tên tuổi những khách hàng được tiết lộ, từ những cầu thủ đá bóng,cho đến các tỷ phú, đều không phải là khách hàng của Mossack Fonseca mà là của các ngân hàng trung gian đã mua lại một chi nhánh của công ty luật.
Tuy nhiên, các phóng viên điều tra đã nắm được các bằng chứng, như thư điện tử, thông tin trao đổi giữa của nhân viên Mossack Fonseca và các đối tác, cho thấy rõ là chuyên gia về công ty offshore này đã biết luồn lách, khai thác các kẽ hở trong luật lệ và luôn đi trước một bước những cố gắng điều chỉnh của quốc tế trên phương diện tài chính.
 Mai Vân (RFI)
Hồ sơ "Panama papers" đã được xử lý như thế nào ?
Khoảng 11.5 triệu tài liệu của Mossack Fonseca được trao cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung và tờ này sau đó chia sẻ tài liệu cho Nghiệp Đoàn Quốc Tế các nhà báo điều tra (ICIJ). BBC Panorama cùng với tờ Guardian của Anh nằm trong số 107 tổ chức báo chí ở 78 quốc gia đang tham gia phân tích tài liệu này.

Ông Gerard Ryle, Giám đốc ICIJ, cho biết tài liệu bị tung ra cho thấy hoạt động của công ty Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua.Ông nói: "Theo tôi, đây là đòn mạnh nhất đánh vào vào các thiên đường thuế vì phạm vi của các tài liệu này."



Với số lượng lớn trên 11,5 triệu tài liệu, với tổng cộng 2,6 Tetrabytes dữ liệu. Cụ thể họ đã tiếp cận và xử lý các dữ liệu này như thế nào ?
Phần đầu gồm có hồ sơ đăng ký của 214.488 công ty offshore (công ty bình phong đặt ở hải ngoại). Mỗi công ty có một loạt tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau (PDF, Word, bảng tính, file âm thanh…). Nhưng chủ yếu là các email và các thư từ được scan lại, biểu thị hoạt động thường nhật của Mossack Fonseca. Đại đa số bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một số tài liệu tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Hoa ngữ.
ICIJ đã trang bị những công cụ rất mạnh để giúp khai thác số dữ liệu khổng lồ này, kể cả những tài liệu được scan. Có hai cách tiếp cận.
Cách thứ nhất là tìm kiếm bằng những cụm từ, ví dụ như « hộ chiếu Pháp », hy vọng dẫn đến những cái tên cụ thể. Hoặc dùng những từ chuyên môn của Mossack Fonseca như « PEP »(người nhiều rủi ro chính trị), « UBO » (người thụ hưởng cuối cùng), « Due Diligence » (kiểm tra nhân thân khách hàng).
Cách thứ hai là lập trước các danh sách. Chẳng hạn danh sách các dân biểu Pháp, các bộ trưởng từ thập niên 80, hay 500 người giàu nhất nước Pháp, các nguyên thủ thế giới, đội tuyển bóng đá Pháp…rồi từ đó mới đi tìm. Nếu một người sở hữu đến năm công ty khác nhau thì thời gian nghiên cứu cũng tăng theo cấp số nhân.
107 ban biên tập các báo của nhiều nước phải mất đến một năm để đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng không ai có thể lục lọi toàn bộ rừng dữ liệu khổng lồ của « Panama papers ». Vì chỉ nghiên cứu những tài liệu mới nhất, nhiều người vẫn có thể lọt lưới nếu bị nêu trong những tài liệu cũ, hay chỉ có tên trong danh sách viết tay. Hoặc là họ sử dụng dịch vụ của những công ty cạnh tranh với Mossack Fonseca, mượn tên người thân để đăng ký…
Cũng như trong các vụ « OffshoreLeaks », « SwissLeaks », các tờ báo tham gia chiến dịch chỉ đăng kết quả điều tra của các nhà báo chứ không công bố toàn văn các tài liệu có được, vì « Panama Papers » còn chứa nhiều thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại…