23.12.2016

Nguyễn Du qua Đất Cũ Triệu Đà - TS PHẠM TRỌNG CHÁNH

Nguyễn Du qua Đất Cũ Triệu Đà

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH 

                
Năm 1813, Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan  từ ngày 6-4 ( năm Quí Dậu Âm Lịch.)  đến vùng đất cũ  của Triệu Vũ Đế tức Triệu Đà. Năm 297tr TL, Triệu Đà đánh  thắng An Dương Vương sát nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải, Triệu Đà đã thống nhất các  dân tộc Bách Việt vùng Lĩnh Nam, từ lâu đời có chung  tiếng nói, phong tục : trồng lúa nước con trâu, cái cày, nón lá, ăn trầu, xâm mình, làng mạc có lũy tre làng, có đình làng, có phong tục riêng phương Nam.. Triệu Đà xưng Đế hiệu, liên minh với các Lạc Hầu, Lạc Tướng xưng Vương tự trị rộng rãi, thành lập một nước gọi Nam Việt tồn tại từ năm 207 trTL đến 111 trTL, 96 năm trải qua 5 triều vua. Đất Nam Việt bao gồm vùng Quảng Đông, Quảng Tây, một phần Vân Nam, Quý Châu và miền Bắc nước ta đến Nghệ Tĩnh, đóng đô tại Phiên Ngung nay là Quảng Châu. Triệu Đà là người đầu tiên xưng Đế hiệu độc lập với nhà Hán, quy tụ dân tộc Bách Việt một lãnh thổ rộng lớn. Dù ngày nay một phần lớn lãnh thổ đó không còn nữa, nhưng nền độc lập gần trăm năm,  nó cũng là một mốc lớn lịch sử Nam Việt, nước  Nam độc lập với phương Bắc, còn để lại những di chỉ  khảo  cổ phong phú, những ngôi mộ cổ quy mô với hàng ngàn hiện vật vàng, ngọc, đồng đá.

 
                Triệu Đà người đời Tần đến đầu thời Hán, thời đại này chưa có khái niệm dân tộc Hán,  triều Hán, Lưu Bang thành lập, phải trải qua bốn trăm năm đồng hóa các dân tộc khác biệt người Trung Hoa mới  tự nhận mình là người Hán.  Từ triều Hán khởi đầu  việc  thống nhất về chữ viết Hán tự, còn gọi là chữ Nho cho các việc quan, ‘ quan thoại ‘ vì vùng này sang vùng khác, tiếng nói phát âm khác biệt không hiểu nhau. Tiếng Quảng Đông, Hải Nam, Tiều Châu, Phúc Kiến, Bắc Kinh.. thời Triệu Đà, Trung Hoa có hơn hàng trăm  tiếng nói dân tộc khác biệt. Chữ Nho xuất phát có lẽ từ vùng nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Nhật Bản gọi chữ Nho là Ngô tự, khi nước Việt bị Sở diệt, một bộ phận dân cư Việt của Câu Tiễn  đã di cư sang Nhật Bản. Cũng như các dân tộc thời chưa có chữ viết, người Việt Nam dùng chữ Nho,  tiếng Hán Việt trong việc quan, đình, chùa, dần dà để phiên âm những tên người, tên đất những phát âm không có trong chữ Hán, mới hình thành chữ Nôm.. Nền học vấn nước ta từ thời Sĩ Nhiếp được tôn là ‘Nam Bang học tổ’, cho đến năm 1918, là năm cuối cùng bỏ kỳ thi Hương, suốt hai ngàn năm  đều dùng chữ Hán, cả một kho tàng văn hóa Việt Nam các sáng tác đều dùng chữ Nho, chữ Nôm chỉ là phần phụ thuộc.. Giao Châu, Luy Lâu ( Bắc Ninh) thời Tam Quốc loạn lạc  là một nơi thanh bình, chùa chiền san sát, giới sĩ phu Trung Hoa sang tị nạn, nhà sư Tây Trúc dừng chân,  nơi đây trở thành  nơi tập trung việc  dịch Kinh Phật và nghề làm giấy và in kinh.

Phương  nam biết làm giấy trước trong khi tại Sơn Tây quê hương đạo Khổng  còn chép Tứ Thư, Ngũ Kinh trên thẻ tre, thanh sử.  Các sứ thần nước ta ngày xưa, khi tiếp xúc, hay xướng họa thơ  với các quan Trung Hoa, Triều Tiên, Lưu Cầu Nhật Bản  phải dùng bút đàm, hay qua người thông dịch. Thi hào Nguyễn Du từng có ba năm đi giang hồ Trung Hoa (1787-1790)  nói được thông thạo, đó là nguyên nhân Nguyễn Du, tri huyện Thường Tín,  được đề cử tiếp  sứ nhà Thanh, Tề Bồ Sâm năm 1803 sang phong vương vua Gia Long  và làm Chánh Sứ năm 1813. Cụ Phan Bội Châu đầu thế kỷ 20 khi tiếp xúc với các nhân sĩ Trung Hoa, Nhật Bản thường dùng bút đàm.
 
                 Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Thất Hùng, bảy nước lớn vừa được Tần đánh chiếm năm 221 TCN, sự phản kháng chống đối các nước khác tiếng nói,  còn dữ dội, những trận chiến đẫm máu : tướng Bạch Khởi giết 400 ngàn hàng binh nước Triệu, hay Hạng Vũ giết 200 ngàn hàng binh nhà Tần trên một địa bàn  lãnh thổ dân số khoảng 20 triệu người, thì thật là kinh hoàng, chưa mờ phai trong ký ức thời ấy. Do đó không thể lấy nguồn gốc dân tộc Hán áp đặt lên một nhân vật có trước đời Hán. Việc Triệu Đà thành lập một quốc gia có chung một dân tộc Bách Việt có nhiều nhóm, chung tiếng nói, phong tục, không có nghĩa là người Hán cai trị Bách Việt.  Triệu Đà, có thuyết dựa trên thần phả  làng Đồng Xâm chép ông có tên Nguyễn Cẩn vốn dòng dõi vua Hùng,  lấy vợ  Việt  làm hoàng hậu Trình thị Lan Nương, người làng Đồng Xâm, tỉnh  Thái Bình, ông đồng hóa với phong tục Việt, xưng mình là người  Nam Di ,  sách sử Trung Hoa chép  ông là người  quê quán ở Chân Định, Hà Bắc. Làng Đường Xâm, hay Đồng Xâm tỉnh Thái Bình hiện có đền thờ Triệu Đà, từng  có tên  Chân Định, là nơi  xuất phát nghề làm vàng bạc nổi tiếng nước ta. Thợ vàng bạc đi khắp nước Nam Bắc xưa và nay, qua cả Lào, Cam Bốt qua cả Pháp, Mỹ.. nhiều người  gốc từ làng này. Có lẽ nó có một mối quan hệ truyền thống từ đời Triệu Đà, qua những hiện vật vàng bạc rất phong phú trong các mộ cổ nhà Triệu ?.

                Ngày xưa, người Việt Nam gọi tên người Trung Hoa tùy theo triều đại : Người Tống, người Minh Hương.. Người Ngô do nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngô của Ngô Phù Sai bị Việt Vương  Câu Tiễn diệt và sát nhập, trái ngô là trái bắp do  sứ thần họ Lương đời Lê mang về từ Trung Hoa. (Chẳng phải Ngô mà chẳng phải  ta . Thơ  truyền khẩu). Người  Trung Hoa tại Việt Nam cũng chỉ xưng mình là người Hẹ (Hắc Ka - Hải Nam), người Tiều (Triều Châu), người Quảng Đông, người Phúc Kiến.. Người Tàu  chỉ mới xuất hiện đầu thế kỷ 20 do chiến tranh Trung Nhật hàng triệu người đi tàu vượt biển sang các nước Đông Nam Á. Trước đó  có chữ giặc Tàu Ô,  cướp biển đi tàu mang cờ đen.
 
                 Nước Nam Việt có nhiều phong tục đẹp, sách Phong Thổ Ký  chép : Trong buổi sơ giao, hai bên làm lễ kết nghĩa thường có lời thề : Anh cỡi xe, tôi đội nón, khi gặp nhau sẽ xuống xe vái chào tôi. Anh cầm ô, tôi cỡi ngựa, khi gặp nhau sẽ xuống ngựa chào anh. Vạn sự biến đổi khôn lường, chớ vì cỡi xe mà khinh kẻ đội nón. Đó là tình xe nón nước Việt. Thơ  Nguyễn Du bài Chí Hiên tặng, chép trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương  có câu : Xe nón tình kia mãi mãi còn. Triệu Đà theo phong tục tốt đẹp nước Việt, có lẽ đã coi thường Lưu Bang, anh đình trưởng sáng lập ra nhà Hán có thái độ vũ phu chưa biết lễ phép là gì : giật  mũ nón một Nho sĩ và đứng đái tồ tồ  lên trên : Ta cầm gươm, ngồi lưng ngựa mà được cả thiên hạ, ta há cần đến bọn  Nho sĩ. Phải đợi đến mưu sĩ Trần Bình nhắc nhỡ : Bệ hạ ngồi lưng ngựa mà được cả thiên hạ, nhưng bệ hạ ngồi lưng ngựa mà trị nước được sao ? Lưu Bang mới tỉnh ngộ. Khi  sứ nhà Hán Lục Giả đi ngoại giao mà chỉ dở trò  hăm dọa : Lưu Bang sẽ nổi giận hủy hoại cả mồ mã, tổ tiên, giết hại hết thân thích Triệu Đà ở Chân Định. Triệu Đà đành tạm khuất phục vì biết anh chàng Lưu Bang vũ phu này từng  nghi lễ uống huyết ăn thề  trịnh trọng, thề thốt ‘ sông cạn núi mòn’  với các công thần hứa ban thưởng phong hầu, đất đai  truyền cho con cháu đời đời, thế mà sau đó lại phản bội giết hầu hết các công thần, như trường hợp Hàn Tín, khi lên thành công lên ngôi, tịch thâu hết đất đai phong hầu, tài sản, còn giết cả ba họ và xẻ thịt cho chó ăn. Triệu Đà hậm hực nói với Lục Giả : Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không ta chẳng kém gì Hán Đế.
 
                Triệu Đà là một vị vua sáng suốt, anh minh, được nhân dân kính phục. Vùng Quảng Châu đời Đường, hơn bảy trăm năm sau, còn kể chuyện hồn  Triệu Đà nhập vào đồng cốt ban lời phán truyền, xử kiện. Triệu Đà trở thành thần, thành  Thành Hoàng nhiều nơi từ vùng Quảng Tây, Quảng Đông  đến miền Bắc nước ta, một danh sĩ đã làm bài thơ dài ca ngợi Triệu Đà như ca ngợi vua Thuấn. Người Nam Việt gọi chim Mông Đồng và vua loài chim Việt và ví Triệu Đà với loài chim quý đó. Ngày nay đi thăm vùng Quảng Tây ta còn thấy khắp nơi  hình ảnh các loài chim  vật tổ chim Mông Đồng  từng  được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, nhiều nơi có tượng Triệu Đà.  

Sau Lạc Long Quân, Triệu Đà là người thứ hai ‘sống mãi trong sự nghiệp  chúng ta ‘. Lạc Long Quân thủ lĩnh lập quốc : có công đánh Mộc tinh, Hồ tinh, Thủy quái, chặt được một cây to, bắt được một con cáo khôn ngoan, giết được một con cá sấu to lớn.. được nhân dân nhớ ơn, khi có việc nguy khốn thường cầu khẩn :  ‘Bố ơi về đây giúp con’. Hiện tượng một thủ lãnh bộ tộc trở thành thần thánh phổ biến có mặt trong tất cả các nền văn minh : Từ Ai Cập, thủ lãnh lập quốc thành con Thần Mặt Trời , con Thần Ré. Akhénaton  thiết lập tín ngưỡng Độc Thần Giáo đầu tiên của nhân loại chỉ thờ một Thần Mặt Trời.. Yahvé thủ lãnh huyền thoại  bộ tộc Do Thái, do ảnh hưởng đồng thời của Độc Thần Giáo Ai Cập,  trở thành Đức Chúa Trời.  Nghiêu Thuấn và Thiên mệnh của Trung Hoa . Thái Dương Thần Nữ của Triều đình Nhật Bản, vua là con  Thần Mặt trời các dân tộc  da đỏ Nam Mỹ.  Hồng Tú Toàn theo Đạo Thiên Chúa  thời Nhà Thanh đánh chiếm nửa nước Tàu, lập Thái Bình Thiên Quốc xưng mình là em Jésus. Đức Chúa Trời sinh ra hai anh em Jésus và Hồng Tú Toàn.
 
                Một thủ lãnh chính trị cai trị thu phục lòng dân không do nguồn gốc chủng tộc. Hồ Quý Ly xưng mình là dòng dõi Ngu Thuấn, đặt tên nước là Đại Ngu  (Nghiêu). Cái  chúa Nguyễn cai trị phương Nam, số người Việt từ Thanh Hóa  đi theo chỉ Nguyễn Hoàng  khoảng 5 000 người, người Việt vùng  Thuận Hóa lúc đó không hơn trăm ngàn người. Gần 250 năm sông Gianh, Lũy Thầy làm biên giới, không  có chuyện người Việt Nam « Nam tiến » hung hăng, tàn ác  diệt chủng 10 triệu người Chiêm rồi tràn qua chiếm nước. Cũng không có chuyện nước Việt bị chia hai  thời Trịnh Nguyễn, với một mảnh đất mới nhỏ bé phía Nam Hoành Sơn, phần còn lại chưa thuộc về Việt Nam. Ngày nay cũng không tìm thấy tại miền Trung một dấu vết gì một cuộc diệt chủng : những hố xương, hay địa danh mang tên những  cuộc tàn sát...  Các  chúa Nguyễn với  đạo đức Phật Giáo đã thu phục lòng dân theo đạo Phật các dân tộc khác biệt : Việt, Chiêm, Miên  nên được tôn sùng là Sãi Vương, Hiền Vương.. Chiêm Thành trước đó là một vương quốc Phật Giáo, vua Lý Thánh Tông từng rước về nhà sư Thảo Đường. Bình Định , Huế là những trung tâm Phật Giáo lớn từ Đông  Dương, Mỹ Sơn, Thập Tháp.. từ Vương Quốc Chiêm Thành vẫn tiếp tục lan toả, truyền thống  các nhà sư xuất phát từ nơi này vẫn đi khắp nơi truyền đạo,  do đó người theo đạo Phật  gọi người Chiêm  theo đạo Hồi là dân Hời. Đồng Hới là Động Hời nơi tụ tập người Chiêm theo đạo Hồi. Đó là lý do một nước tương đương dân số Đại Việt ngày nay chỉ con 60 ngàn dân Hời. Do đó cần viết lại trang lịch sử ”Nam Tiến” để thế hệ ngày sau nhìn rõ sự thật  tổ tiên người Việt Nam không tàn ác, hiếu chiến diệt chủng một dân tộc, và cần thiết phải vinh danh nền văn hóa Chăm  trong đất nước Việt Nam.
 
                Không nên lấy khái niệm quốc tịch, dân tộc, quốc gia ngày nay áp dụng vào lịch sử ngày xưa. Thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những tay du thuyết đi từ nước này sang nước khác, vị vua nào dùng thì phong tước, họ phục vụ làm đến Đại Thần,  Tể Tướng không  có chuyện  hỏi quốc tịch. Có những tướng lãnh bỏ nước này sang nước khác làm tướng, khi thời cơ đến tay thì họ phất cờ xưng vương, xưng đế,  thất bại thì thành giặc. Có những thương nhân đi từ nước này sang nước kia buôn bán, có người buôn ngọc và  buôn cả vua như Lữ Bất Vi, cha huyết thống của Tần Thủy Hoàng.  Có những nhà sư  Tây Trúc từ núi cao, xuống núi đi dọc theo sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Hồng, sông Cửu Long truyền đạo. Nước ta có An Tiêm, Yết Kiêu, Dã Tượng, Hà Ô Lâu, nhà sư  Phật Quang, nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Mạc Cửu, Trần Thắng, Dương Ngạn Địch.. chẳng ai thắc mắc hỏi ông đó quốc tịch gì ?
 
                 Các sử gia vùng Trung Nguyên Hoa Hạ, gọi dân tộc Bách Việt ‘trăm trứng trăm con’ này là Nam Di, luôn luôn kháng cự, dùng du kích nhiều lần  đánh bại quân, đội nhà Tần, nhà Hán. Cho đến ngày nay vùng tự trị dân tộc Choáng còn gọi là Tày, Nông, Nùng là dân tộc thiểu số đông dân nhất Trung Hoa 18 triệu người vẫn giữ bản sắc dân tộc, không chịu đồng hóa, họ có chữ Nôm, nói tiếng Choang, 42 % dân số không biết chữ Hán. 

Các sử gia Việt Nam từ Lê Văn Hưu  đều công nhận nhà Triệu là một triều đại nước ta trừ Ngô Thời Sĩ và gần đây Đào Duy Anh. Nói đến Triệu Đà chúng ta không quên chuyện Trọng Thủy, Mỵ Châu, chuyện thành Cổ Loa của vua An Dương Vương. Chiếc nỏ thần thời  An Dương Vương, ngày nay tìm thấy có lẽ  là bộ cơ khí đúc bằng đồng hàng loạt, gắn vào nỏ gỗ, cung tên dàn sẵn, chỉ cần bật cò  là hàng loạt tên tung bay. Những khảo cổ ngày nay tìm được những mộ cổ Triệu Văn Đế, phong phú với  hàng ngàn hiện vật vàng, ngọc, đồng, sắt, đồ gốm, sứ,  ấn vàng xưng đế hiệu, áo  chôn nhà vua bằng  2291 mảnh ngọc kết dính lại bằng  tơ đỏ (ti lũ ngọc y), nhiều sản phẩm đi từ Ba Tư, Iran, Phi Châu đến cả thuốc men, thực phẩm, tơ lụa. Nhà Triệu nước Nam Việt thời đại hưng thịnh có buôn bán với các nước Tây, Á, Phi Châu. Có một nền độc lập với Nhà Hán.  Dân tộc Nam Việt có một nền văn minh, tiếng nói, riêng biệt. Từ nguồn gốc vị vua đến triều đại gây nhiều tranh cải. Nhà Nguyên dân du mục  Mông Cổ đánh nhà Tống cai trị Trung Hoa gần trăm năm, nhà Thanh dân tộc Mãn Châu đánh bại nhà Minh cai trị Trung Hoa 268 năm  thế thì triều Nguyên, Thanh : Trung Hoa là một nước thuộc địa, bị trị hay triều Nguyên, Thanh là những triều đại thuộc lịch sử Trung Hoa ?  Thời Xuân Thu Chiến Quốc : Việt Vương Câu Tiễn, trang sử đó  liên quan đến lịch sử nước ta hay thuộc về ngoại sử. Ông Đào Duy Anh cho rằng khi nước Việt bị Sở diệt một bộ phận người Việt đã chạy  sang Giao Châu. Hai Bà Trưng đánh hạ 65 thành ở Lĩnh Nam, phần lớn các thành đó trì vùng Quảng Đông, Quảng Tây, khi tuẩn tiết được lập đền thờ cúng tại Phiên Ngung, Quảng Châu.
 
                Sử Trung Hoa cũng chỉ công nhận Nam Việt thuộc nhà Hán từ đời Hán Vũ Đế , năm 111 vua Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đánh nhà Triệu lấy nước Nam Việt rồi cải  là Giao Chỉ Bộ, chia làm 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ. Năm 1802 vua Gia Long sai Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức đi sứ, xin  công nhận tên nước ta là Nam Việt, nhưng nhà Thanh không chịu, cải tên thành Việt Nam.
                
                Nguyễn Du đã hiểu rõ nỗi lòng Triệu Đà, một thủ lãnh chính trị khôn ngoan,  khi viết : Nước Sở, nước Tần hai nước cường bạo nối nhau diệt vong. Ông cứ ung dung nhún nhuờng ngồi làm bá chủ phương nam. Tùy thích có thể xưng hoàng đế. Vui điều thiện, chịu khuất với anh nhà nho. Nguyễn Du chê cả sứ thần Lục Giả, là anh nhà nho  tầm thường chỉ mở lời hăm doạ. Triệu Đà nhún nhường vì không muốn người thân thích bị máu đổ xương rơi, nhân dân Nam Việt phải chịu cảnh chiến tranh.   Đài cao trăm thước ngoài Linh Biểu đã đổ. Ngôi mộ cổ nghìn năm ở Phiên Ngung còn một nấm. Khá thương đời nay đời khác thay đổi nhau. Không bằng được một lão già Man Di.

ĐẤT CŨ TRIỆU ĐÀ
Tần Sở bạo cường cũng nát tan,
Ung dung  khiêm tốn  giữ trời Nam.
Ngôi  cao  hoàng đế xưng tùy thích,
Tiếp đãi nhà nho biết nhịn nhường..
Đài cao Lĩnh Biểu ngoài kia đổ,
Mộ cũ Phiên Ngung một nấm còn,
Thương biết bao nhiêu triều đại đổ,
Không bằng được cảnh Lão Già Man.
Bản dịch Nhất Uyên
 
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

 TRIệU VŨ ĐẾ CỐ CANH
Bạo Sở cường Tần tương kế tru,
Ung dung ấp tốn bá nam tu.
Tự ngu tận khả xưng hoàng đế,
Lạc thiện hoàn năng khuất thụ nhu.
Bách xích cao đài khuynh Lĩnh Biểu,
Thiên niên cổ mộ một Phiên Ngu.
Khả liên thể đại tương canh diệt,
Bất cập man di nhất lão phu.
 
                Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược Nxb  Sống Mới , chương IV. Nhà Triệu  chép : Triệu Vũ Vương (207-137 tr TL) Năm 207 Triệu Đà đánh được An Dương Vương rồi sát nhập nước Âu Lạc váo quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua tức là Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung gần thành Quảng Châu ngày nay.

                Trong khi Triệu Vũ Vương gầy dựng cơ nghiệp ở Nam Việt thì  vùng Trung Nguyên.  Lưu Bang trừ được nhà Tần, diệt được Sở Bá Vương Hạng Võ, thống nhất thiên hạ lên ngôi Hoàng đế tức vua Cao Tổ nhà Hán. Vua Cao Tổ  thấy Triệu Vũ Vương độc lập phương nam, bèn sai Lục Giả sang phong vương cho Vũ Vương năm thứ 12 nhà Triệu và năm thứ 11 nhà Hán.

                “Triệu Đà là người kiêu căng không có ý thần phục nhà Hán. Lục Giả vào đến nơi yết kiến Vũ Vương; Vũ  Vương ngồi xếp bằng tròn không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói rằng : Nhà vua người nước Tàu, mồ mã thân thích  ở cả châu Chân Định. Nay Hán Đế đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần không làm lễ  thụ phong . Hán Đế tất tức giận phá hũy mồ mã, giết hại thân thích nhà vua, rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nào ? Vũ Vương nghe lời  ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ rồi cười mà nói rằng: Tiếc ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta chẳng kém gì Hán Đế.”
 
                Triệu Đà sai sứ đi cống vua Hán những sản vật phương Nam: trầm, hương, kỳ nam, tốc hương, ngà voi, sừng tê giác, lụa là, vải bô,  sa nhơn (amomes) đậu khấu (cardamomes), cau khô, hai con công, và  trăm  con cà cuống(bélostoma indica vitalis). Giai thoại kể chuyện về con cà cuống Triệu Đà sai  sứ đi cống nhà Hán.

                Cà cuống là một giống như con  gián nước ở ruộng nước vỏ cứng tiết ra chất cay, phương nam rất quý khi làm bánh thêm vào một giọt cho có hương vị.  Vì chưa có tên nên sứ thần ghi trong sớ là con quế đố, con sâu quế, vì có chất cay của quế (Nam Việt  Đà nhân xưng quế đố). Nhưng chẳng may trong triều Hán có kẻ biết bảo đây là con sâu nước (thủy đố) sống trong ruộng nước, không phải là con quế đố. Vua Hán mới phê trong tờ sớ: Thử nãi Đà chi cuống dã, anh hùng vị tất bất khi nhân. (Như Triệu Đà mà còn nói dối thì dù là anh hùng cũng còn dám khinh vua thay) . Hai chữ Đà cuống (Đà nói dối) trở thành cà cuống.
 
                Cống sứ là một thông lệ các triều đại Trung Hoa đặt ra để thoả mãn lòng kiêu căng của nước lớn, chứng tỏ nước nhỏ thần phục mình, tránh vận động chi phí binh đao, có đánh được cũng không chắc giữ vững được lâu dài. Nước nhỏ cũng có lợi nhận phong vương nhưng được yên ổn, không chiến tranh. Khi bị nước khác đánh có thể nhờ nước lớn bảo vệ giúp binh, nhưng có mối nguy là có khi  giúp binh rồi binh đó ở mãi không về thì mất nước. Khi tiếp đón sứ thần, triều đình Trung Hoa  phải cử một vị tướng đứng ra tổ chức việc tiếp sứ, các địa phương hàng trăm lính tráng hộ vệ để tránh cướp bóc qua các nơi có cổng chào bàn hương án.  Nơi hoang vắng phải tổ chức dựng  các trại láng để sứ đoàn dừng chân, nơi có làng mạc thì cung đình, lữ quán,  cung phụng ăn uống cả năm trời suốt hành trình, lại thêm đàn hát ca múa, ngâm thơ vịnh cảnh, , khi trở về vua Trung Hoa tặng lại quà cho vua , cho các quan. Chi phí các cuộc tiếp rước này có khi lỗ nặng, tặng một chi mười, so với phẩm vật đi cống như trường hợp năm 1790 vua Càn Long tiếp phái đoàn đi sứ 148 người với vua Quang Trung giả.
                “Năm 183 tr TL vua Cao Tổ nhà Hán mất rồi, bà Lữ Hậu lâm triều tranh quyền Huệ Đế, rồi lại nghe lời dèm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng bạc, đồ sắt và những đồ điền khí cho người  Nam Việt. Vũ Vương lấy làm tức giận, lại ngờ cho Trường Sa Vương xui Lữ Hậu làm như vậy bèn tự lập làm Nam Việt Hoàng đế, rồi cử binh mã sang đánh quận Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.

Năm 181 tr TL, Hán Triều sai tướng đem quân đánh Nam Việt. Quân nhà Hán chịu không được phong thổ phương Nam, nhiều người phải bệnh tật, bởi vậy phải thua chạy về Bắc. Từ đó thanh thế Triệu Vũ Đế lừng lẫy, đi đâu dùng xe ngựa theo nghi vệ Hoàng Đế như vua nhà Hán .”

                Đến khi Lữ Hậu mất, Hán Văn Đế lên ngôi, lại sai Lục Giả đưa thư sang khuyên Vũ Đế về thần phục nhà Hán.  Thư rằng :

                “ Trẫm là con trắc thất vua Cao Đế, phụng mệnh ra trị nước Đại, vì non sông cách trở, thẹn mình ph&t lậu, cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua.

                Từ khi đức Cao Đế xa bỏ quần thần, đức Huệ Đế qua đời, bà Cao Hậu lâm triều, không may bị bệnh, để cho họ Lữ chuyên quyền, toan đem con họ khác để nối vì đức Huệ Đế. May nhờ tông miếu linh thiêng, các công thần ra sức dẹp kẻ tiếm nghịch.

                Trẫm vì các vương hầu cùng bách quan cố ép, cho nên phải lên ngôi Hoàng Đế. Mới rối trẫm nghe nhà vua có đưa thư cho Long Lư Hầu, nhắn tin và xin anh em họ hàng ở quận Chân Định và xin bãi binh ở quận Trường Sa.

                Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua, thì đã bảo tướng quân Bác Dương Hầu bãi binh về, còn anh em họ hàng nhà vua ở Chân Định thìtrẫm đã cho người thăm nom, lại sửa sang phần mộ nhà vua, thật là tử tế.

                Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn đem quân quấy nhiễu ngoài biên, quân Trường Sa thật khổ, mà Nam Quận lại còn khổ hơn. Làm như thêế, nước nhà vua có chắc lợi được một  mình không ? Tất là tướng tá quân sĩ chết nhiều, làm cho người vợ góa chồng, người con mồ côi bố, cha mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy.

                Vả lại đất nhà vua không lấy làm to, được của nhà vua không đủ làm giàu. Vậy từ phía nam núi Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lmấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế quốc mà không sai sứ giao thông, thế chẳng hóa ra ganh nhau ư ? Ganh nhau mà không nhường, thì người nhân không thèm làm.

                Trẫm nay xin nhà vua gác bỏ điều cũ, từ rày trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm khuyên nhà vua nên nghe, chứ làm chi nhiều sự cướp bóc tai hại.”
 
                Triệu Vũ Vương xem thư lời lẽ tử tế, thật là có nhân từ, vì thế nên Triệu Vũ phải chịu phục và đáp thư lại rằng :

                “Nam Di Đại Trưởng Lão Phu Thần, Đà muội tử bái bái, dâng thgư lên Hoàng Đế bệ hạ.  Lão phu là kẻ cố lại nước Việt, Khi Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, tình nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi lão phu. Đến khi Cao Hậu lâm triều, lại phân biệt ra Trung Hoa, ngoại di, hạ lệnh cấm không được bán cho Nam Việt những đồ vàng sắt và điền khí. Còn ngựa trâu, dê thì chỉ bán  cho giống đực chứ không bán cho  giống cái.

                Lão phu ở phương xa mà không có vật cúng tế thì phải tội, vì thế có sai Nội Sử Phan, Trung Úy Cao, và Ngự Sử Bình ba lượt dâng thư sang thượng quốc tạ quá đều không trở về cả.

                Lão phu lại phong văn rằng : nhà Hán đem hủy hoại cả phần mộ lão phu cùng giết cả anh em tông tộc lão phu, cho nên có bàn riêng với chúng rằng : nay trong đã không vẻ vang với nhà Hán, ngoài lại không có gì hơn được nước Ngô, vậy có xưng Đế hiệu: mà chẳng qua tự đế nước mình, không dám hại gì đến thiên hạ.

                Cao Hậu nghe  thấy thế, lấy làm tức giận, đem tước bỏ sổ Nam Việt đi, không cho thông sứ, lão phu trộm nghĩ rằng : hẵn vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên lão phu có đem binh đánh.

                Lão phu ở đất Việt đã 49 năm nay, bây giờ đã có cháu rồi, nhưng mà sớm khuya trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, là chỉ vì cớ không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ hạ đoái thương, cho phục lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão phu nhớ ơn, dẫu chết xương cũng không nát.

                Vậy xin cải hiệu từ đây, và xin có cống phẩm phụng hiến Hoàng Đế bệ hạ.

                Từ khi Triệu Vũ Vương chịu bỏ Đế hiệu, Nam Bắc lại giao thông hòa hiếu.  Bề ngoài nước Nam Việt nhận phong vương nhà Hán, nhưng trong nước vẫn giữ đế hiệu, để giữ  ngôi cao hơn các  bộ tộc Việt, các tù trưởng  xưng vương. Năm 137 tr TL Triệu Vũ Vương mất  thọ 121 tuổi làm vua được  hơn 70 năm.( Có sách chép ông thọ chỉ 91 tuổi.)

                Triệu Vũ Vương truyền ngôi lại cho cháu đích tôn tên là Hồ tức Triệu Văn Vương (137-125 trTL) trị vì được 12 năm. Triệu Văn Vương vốn là người tầm thường, tính khí nhu  nhược không được như Triệu Vũ Vương, khi mới lên làm vua được hai năm, vua Mân Việt (tỉnh Phúc Kiến) đem quân sang đánh phá chổ biên thùy nước Nam Việt. Triệu Văn Vương không dám đem binh mã chống cự mà sai sứ sang cầu cứu triều Hán. Vua Hán sai Vương Khôi và Hàn An Quốc đi đánh Mân Việt. Quân Mân Việt thấy quân Hán đến nơi, nên bắt Quốc vương giết đi đem đầu nộp nhà Hán. Mân Việt đã bình rồi. vua Hán sai Trang Trợ sang chiêu dụ Triệu Văn Vương sang chầu, nhưng đình thần xin đừng đi bèn sai Thái Tử Anh Tề đi thay. Anh Tề ở bên triều Hán mười năm, đến khi Triệu Văn Vương mất mới về nối ngôi. 

Thái Tử Anh Tề làm vua tức Triệu Minh Vương (125-113 tTL), trị vì 12 năm.  Anh Tề  khi làm con tin ở Hán có lấy vợ là Cù Thị, khi lên làm vua lập Cù Thị làm Hoàng Hậu và con làm Thái Tử. Triệu Minh Vương mất, Thái Tử Hưng lên làm vua tức Triệu Ai Vương trị vì được một năm. Nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quí sang dụ Nam Việt về chầu. Nguyên Thiếu Quí trước là tình nhân Cù Thị, đến khi sang Nam Việt gặp nhau tư thông với nhau và dỗ dành Ai Vương đem nước Nam Việt dâng nhà Hán.

                Tể Tướng Lữ Gia  biết rõ tình ý khuyên ngăn không được, truyền hịch và đem quân giết sứ nhà Hán, Cù Thị và Ai Vương. Tôn Kiến Đức con trưởng mẹ người Nam Việt lên làm vua tức Triệu Dương Vương, được  một năm, vua Vũ Đế nhà Hán sai Phục Ba tướng Quân, Lộ Bác Đức Mã Viện đem năm đạo quân sang đánh Nam Việt. Lữ Gia chống cự không lại đem vua bỏ chạy, đều bị bắt giết. Năm 111 tr TL nước Nam bị người Tàu chiếm lấy cải là Giao Chỉ bộ chia làm chín quận đặt quan cai trị.
 
Từ năm 111 tr TL đến 932 sau TL, nước ta  bị Bắc Thuộc 1050 năm,  trải qua nhiều thời đại : Hán(Tây Hán(202TCN -8 SCN) Đông Hán (25-220), Tam Quốc (220-265), Tấn(265-420), Nam Bắc Triều (420-588), nhà Tùy(589-617), nhà Đường(618-907), thời Ngũ Quý (907-959), nước ta qua các cuộc  cuộc khởi nghĩa dành được độc lập một thời gian ngắn: Trưng Vương(40-43),  Bà Triệu (248). Lý Nam Đế, Lý Phật Tử lập nên nhà Tiền Lý (544-602) đặt tên nước Vạn Xuân, Mai Hắc Đế (722), Phùng Hưng(791), Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ (906-923), Dương Diên Nghệ và Kiều Công Tiển (931-938)  cho đến năm 938 Ngô Quyền  phá quân Nam Hán, giết thái tử Hoằng Thao nước ta mới dành được độc lập hoàn toàn.

                Thời Tam Quốc, Tôn Quyền cho cho người tìm mộ nhà Triệu, và đã tìm  ra được mộ Anh Tề và lấy được nhiều vật quý. Mộ Triệu Đà cho đến nay vẫn chưa tìm được.

                Tháng 8 năm 1980, tại gò Tượng Cương ở Quảng Châu, nhân việc đào đất xây chung cư đã tìm ra được mộ Triệu Văn Đế, cháu nội  kế vị Triệu Đà với chiếc ấn vàng ‘Văn Đế Hành Tỉ’ và hàng ngàn hiện vật quý trong mộ táng, xác ướp được mặc chiếc áo bằng ngọc từng miếng vuông kết dây vàng. Các di vật triều đại nhà Triệu  Nam Việt có mang sang triễn lãm tại Paris.
 
                Nhà Triệu là triều đại  tập họp các dân tộc Bách Việt đầu tiên việc kế thừa truyền cho con cháu. Trước đó nước ta các  vua Hùng kế thừa bằng các cuộc thi : thi nấu ăn như sự tích bánh dày bánh chưng, thi dâng lễ vật như chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, thi đấu vật.. hai chữ Hùng Vương chứng tỏ là người  hùng mạnh đời này truyền cho người hùng mạnh khác, quý tộc nước Sở cũng mang họ Hùng, hùng là con gấu, các tù trưởng các bộ lạc da đỏ Châu Mỹ thường xưng mình là Gấu Đen, Gấu Đỏ, Gấu Vằn.... di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương tìm được các đồ gốm, đất nung, trống đồng.. tổ chức xã hội chỉ dừng lại như các thôn bản Mường, thời Hùng Vương chỉ là một liên minh vài chục bản Mường,  vài chục ngàn dân, không tìm thấy một ngôi mộ cổ nào có hiện vật quan trọng và phong phú do nền văn minh chỉ sản xuất ra những dụng cụ bằng tre nứa . Cây đàn Thạch Cầm bằng đá là  vật hiếm hoi tìm thấy. Các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ cho thấy những ngồi nhà rông,  du khách ngày nay có thể còn thấy tại Indonésia, có cả bộ tộc xưng mình là con cháu Hai Bà Trưng đến từ Lạc Việt. Những người mặc áo lông chim, giả gạo, thuyền độc mộc  có thể tìm thấy ngàynay  tại Mã Lai. Nghiên cứu về khảo cổ, ngôn ngữ, lịch sử  Đông Nam Á còn sẽ mở cho ta những cánh cửa quan trọng về một vùng rộng lớn có chung nghề trồng lúa nước, từ  Indonésia, Miến Điện, Cam Bốt lên đến Quảng Đông, Quảng Tây. Các dân tộc gần gủi với nhau một dòng sông Cửu Long, có cùng phong tục ăn trầu, xâm mình, thờ cá ông. . Có lẽ phải tìm đến Angkor tiếp nối vương quốc Phù Nam, để tìm thấy đây là một Hy Lạp của vùng Đông Nam Á .Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15 kinh đô Angkor với những công trình xây dựng nguy nga thếp vàng bạc đá quý trên các đền tháp to lớn, thành phố  có dân số khoảng một triệu dân, một New York đương thời. Ngôn ngữ Việt Nam được xếp vào ngữ hệ Môn- Khmer. Môn là một dân tộc  có nền văn minh sáng chói từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 10 tại Miến Điện. Gia phả các vua Hùng viết đời Lê Thánh Tôn có lẽ chỉ là một tưởng tượng cao hứng của một nho sĩ, mười tám đời vua không thể trị vì  trên hai ngàn năm. Không thấy Việt Nam  tìm thấy gì   những di chỉ khảo cổ Phố Hiến, thành phố đầu tiên do Chữ Đồng Tử và Tiên Dung Công Chúa thành lập và là người đầu tiên du nhập Phật Giáo vào Việt Nam.
 
                Trước đời Lý các vua  Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đều truyền cho người hùng mạnh. Phải đến  Lý Công Uẩn nước ta mới lại  truyền  ngôi vua  cho con cháu. Di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long xác định một một nhà nước tổ chức quy cũ, một thời kỳ mới.  Các di chỉ khảo cổ cho thấy nhà Triệu tại Quảng Châu  ngàn năm trước đó đã có một tổ chức xã hội khá cao vá quy cũ. Có giao thương buôn bán với các nước Ba Tư (Iran), Ấn Độ, Phi Châu. Nghề vàng bạc, đá quý tơ lụa điêu khắc tinh xảo.. Trước sự bành trướng của nhà Hán, vùng Quảng Đông, Quảng Tây là những lãnh thổ dân tộc Bách Việt bị  đồng hóa. Nước ta không có sách sử ghi chép nhiều những sự kiện trước thời nhà Lý. Việc tìm kiếm những tư liệu về các dân tộc vùng Bách Việt, về nước ta thời Bắc Thuộc:  Tam Quốc Tôn Quyền cai trị, thời nhà Đường, nhà Tùy cai trị trong sách sử Trung Hoa Đông Nam Á  là những việc cần thiết để hiểu hơn một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:

Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược quyển I. Sống mới tái bản 1978 tại California.
Trần Gia Ninh. Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán Hóa Bách Việt. site Nghiên cứu lịch sử.
Mạch Anh Hào Trường trình Hội Nghị Khảo Cổ Đông Nam Á từ 9 -đến 13-2-1995 tại Hương Cảng.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Văn Học 1995.
Hương Giang Thái Văn Kiểm. Việt Nam gấm hoa; Làng Văn Canada 1997. Bài Nguyễn Du đi sứ Trung Hoa.

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Paris, 19-12-2016