“Trong lúc quan tâm đến chính trị Mỹ là một
điều đúng và vận dụng chính sách đối ngoại của một cường quốc để thúc đẩy tiến
trình dân chủ hóa là cần thiết, trọng tâm của mọi người Việt quan tâm vẫn là phải
xây dựng cho được lực thay đổi từ nơi chính Việt Nam. “
TT Trump và "chính sách một Trung Hoa"
Trần Trung Đạo
Một quan điểm có tính cách đối ngoại hết sức quan trọng
và ảnh hưởng đối với chính trị Á Châu trong đó có Việt Nam, được Donald Trump
đưa ra ngay cả khi chưa chính thức nhậm chức tổng thống là phê bình “chính sách
Một Trung Hoa” (One China Policy) tồn tại từ 1979 đến nay.
Nhắc lại, đầu tháng 12, 2016, Donald Trump đã vượt
qua thông lệ của các tổng thống tiền nhiệm khi nhận điện thoại của bà Tsai
Ing-wen, Tổng thống Cộng Hòa Đài Loan. Lần đầu tiên trong 38 năm, hai lãnh đạo
Mỹ và Đài Loan chính thức trao đổi bằng điện thoại với nhau.
Theo các nguồn tin từ hai chính phủ, buổi điện đàm
là một cố ý và đã được sắp xếp trước. Các cố vấn bảo thủ chung quanh Trump có cảm
tình với Đài Loan như Edward J. Feulner và Reince Priebus muốn dùng đó như là
cơ hội để cho Trung Cộng thấy lập trường cứng rắn của chính quyền Trump. Reince
Priebus, Tham mưu trưởng của TT Trump, thăm viếng Đài Loan nhiều lần và được
David Lee, Bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan, ca ngợi như là “người bạn tốt” của
Đài Loan.
Trong một buổi phỏng vấn sau đó, TT Trump phát biểu
rằng ông không thấy cần thiết phải bị “ràng buộc” bởi “Chính sách Một Trung Hoa”
trừ phi Trung Cộng phải có những nhượng bộ thích hợp về mậu dịch giữa hai nước.
Ông không tuyên bố chính thức từ bỏ và cũng không chính thức công nhận.
Ngày 3 tháng 12, 2016, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng gởi
một phàn nàn đến Mỹ về cuộc điện đàm giữa Donald Trump và TT Đài Loan và cho rằng
điện đàm đã thay đổi chính sách của Mỹ từ năm 1979 nhìn nhận Đài Loan là một phần
của Trung cộng. Trung Cộng cho rằng “Chính sách Một Trung Hoa” không thể thay đổi
và không thể được đem ra mặc cả.
Sau phản bác giới hạn đó, Trung Cộng im lặng chờ đợi
phản ứng của TT Trump. TT Trump cũng im lặng. Các nhà phân tích cho rằng TT
Trump trì hoãn việc gọi Tập Cận Bình để bộ tham mưu có thời gian nghiên cứu và
đánh giá mức ảnh hưởng của việc chấp nhận hay không chấp nhận “chính sách Một
Trung Quốc”. Một số nguồn tin khác cho rằng họ Tập từ chối nhận điện thoại cho
đến khi nào TT Trump công nhận “Chính sách Một Trung Hoa”. Dù sao, tối ngày 9
tháng 2, 2017, TT Trump gọi Tập Cận Bình và qua đó tuyên bố với họ Tập, chấp nhận
“Chính sách Một Trung Hoa”.
Vài nhà phân tích cho rằng TT Trump vừa để Tập Cận
Bình “chơi tay trên”. Jane Perlezfeb trên New York Times sáng
10 tháng 2 cho rằng “việc đổi ý về lời hứa sẽ xem lại định chế của Đài
Loan, TT Trump có thể vừa tránh được một cuộc đương đầu trực tiếp với đối thủ mạnh
nhất của Mỹ. Tuy nhiên làm vậy, TT Trump sẽ trao cho Trung Cộng một chiến thắng
và làm yếu đi hình ảnh của ông ta như là một người đàm phán cứng rắn và đáng sợ
đối với họ Tập.”
Trong suốt thời kỳ vận động bầu cử, Donald Trump đứng
trên quan điểm chống Trung Cộng triệt để và gần như trong mọi lãnh vực. Trump tố
cáo Trung Cộng vận dụng chính sách tiền tệ có lợi một chiều, tức chiều xuất cảng
hàng hóa Trung Cộng; tố cáo Trung Cộng xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển
Đông; tố cáo Trung Cộng dung dưỡng Bắc Hàn đe dọa an ninh thế giới.
TT Trump không chỉ tố cáo thôi nhưng còn hứa sẽ sử dụng
các biện pháp cứng rắn để trả đũa Trung Cộng, trong đó có tăng thuế nhập cảng
lên đến 45 phần trăm. Tất cả những điều TT Trump tố cáo Trung Cộng đều đúng.
Không chỉ TT Trump thấy ra điều đó mà cả các tổng thống trước Trump cũng thấy.
Nhưng biết đúng, thấy rõ là một việc còn thay đổi được hay không là việc
khác.
Về mặt đối nội cũng như đối ngoại “Chính sách Một
Trung Hoa” là một hiện trạng (status quo) sinh tử đối với Trung Cộng.
Sự quan trọng của ‘status quo’
Trong chính trị
học, khái niệm ‘status quo’ vô cùng quan trọng. Như người viết đã trình bày
trong bài Tập Cận Bình chủ trương độc chiếm Biển Đông, ‘status quo’ chỉ tình trạng của các điều kiện thực tế
trước khi có sự thay đổi. Khái niệm này được áp dụng trong hầu hết các lãnh vực.
Các bên tranh chấp không thể truy tìm nguyên nhân ngược dòng lịch sử nhiều khi
dài cả ngàn năm nên có khuynh hướng chấp nhận một ‘status quo’ và xem đó như là
một giới hạn mà nếu bị vượt qua sẽ tạo nên nhiều bất trắc.
Đọc lại lịch sử
Thế chiến Thứ Hai sẽ thấy mục đích của Hitler trong giai đoạn trước ngày 1
tháng 9, 1939 không phải để phát động chiến tranh thế giới ngay nhưng để từng
giai đoạn thiết lập các ‘status quo’. Hitler thiết lập ‘status quo’ thứ nhất
sau khi thanh toán Áo không tốn một viên đạn. Hitler dựng ‘status quo’ thứ hai
sau khi chiếm Tiệp Khắc cũng rất nhẹ nhàng. Hitler bắt tay với Stalin để đặt một
‘status quo’ khác rộng hơn bằng việc chia Đông Âu và Baltics với Stalin.
Nhiều nhà chính
trị tiên đoán tương lai của một quốc gia dựa trên các điều kiện kinh tế chính
trị quân sự đang diễn ra. Tuy nhiên như lịch sử đã chứng minh, khi phải quyết định,
phần lớn các lãnh tụ dù độc tài hay chân chính đều nhìn về quá khứ. Lý do, quá
khứ đã được chứng nghiệm giúp cho họ yên tâm và xem đó nguồn bảo đảm cho quyết
định của họ. Những bài học quá khứ, vì thế, vô cùng quan trọng. Việc Hitler quyết
định tấn công Ba Lan trước là bài học kinh nghiệm quý giá cho những ai quan tâm
đến viễn ảnh Việt Nam. Ba Lan là ‘status quo’ mà Hitler muốn thiết lập nhưng
cũng là điểm vỡ làm bùng nổ chiến tranh. Việt Nam rồi sẽ ra sao?
Thật ngạc nhiên
đến sửng sốt khi so sánh trường hợp Ba Lan trong Thế chiến Thứ Hai với những khả
năng có thể xảy ra tại vùng Đông Nam Á, bởi vì chính sách của Tập Cận Bình đối
với Đông Nam Á hiện nay không khác gì chính sách mà Hitler đã áp dụng tại Châu
Âu trước năm 1939.
Lợi dụng chính
sách đối ngoại tập trung chống khủng bố và chiến tranh vùng Vịnh của các tổng
thống Mỹ sau biến cố 11 tháng Chín 2001, các lãnh tụ Trung Cộng từng bước thiết
lập các ‘status quo’ trên Biển Đông.
Sự quan trọng của “Chính sách Một Trung Quốc” đối với Trung Cộng
- “Chính
Sách Một Trung Hoa” là một ‘status quo’ chiến lược đối với Trung Cộng. Nếu
thay đổi hiện trạng tức trở lại tình trạng hai nước Trung Quốc như trước 1979
cũng có nghĩa vấn đề Eo Biển Đài Loan sẽ được đem ra thảo luận và các ‘status
quo’ khác mà họ Tập đang thiết lập trên Biển Đông cũng sẽ không còn giá trị. Lịch
sử quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Cộng cho thấy vấn đề Đài Loan gắn liền với
sự tồn tại của chế độ CS tại Trung Hoa lục địa.
- Cộng
Hòa Đài Loan cũng có riêng “Nguyên tắc Một Trung Hoa” (One China Principle).
Đừng lầm lẫn giữa “Chính sách Một Trung Hoa” và “Nguyên tắc Một Trung Hoa“.
“Nguyên tắc Một Trung Hoa” trong quan điểm Đài Loan là một Trung Hoa chính
danh, cộng hòa được dựng nên như kết quả của Cách mạng Tân Hợi 1911 và là một
Trung Hoa theo tinh thần của Hiến Pháp 1947 được công bố tại Nam Kinh. Quốc kỳ
ba màu xanh, trắng, đỏ của Đài Loan hiện nay là quốc kỳ của toàn Trung Hoa ra đời
ngày 30 tháng 6, 1924. Tôn Dật Tiên là một trong hai người phác họa quốc kỳ và
được quy định như là biểu tượng của toàn Trung Hoa trong hiến pháp 1947.
- Sự
thay đổi về vị trí chính trị của Đài Loan, ngoài ra, sẽ tác động trực tiếp đến
tính chính danh của đảng CS. Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố: “Hình
ảnh một Trung Hoa hiện đại không phải được tạo ra bởi nhà Thanh hay bởi các
lãnh chúa quân phiệt, và cũng chẳng phải do Tưởng Giới Thạch hay con trai của
ông ta. Chính là do Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thay đổi hình ảnh của Trung Hoa”.
Năm 1995, TT
Bill Clinton đáp lại việc Trung Cộng thử hỏa tiển liên lục địa và cũng để thăm
dò quyết tâm của Trung Cộng khi ra lịnh hàng không mẫu hạm Nimitz và đoàn hộ tống
tiến vào Eo Biển Đài Loan, vùng biển mà trước đó Mỹ xem như thuộc Trung Cộng.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của Trung Cộng năm 2017 khác xa với năm 1995. Ngoại
trưởng Mỹ Rex W. Tillerson có mặt trước buổi điện đàm giữa TT Trump và Tập, và
cũng là người phân tích cho TT Trump thấy những rủi ro có thể xảy ra trong quan
hệ giữa hai nước.
TT
Trump chạm vào “Chính sách Một Trung Hoa” tức chạm vào mạch sống của đảng CS
Trung Hoa, và do đó, giới cầm quyền Trung Cộng không thể nào khoan nhượng. Nếu
TT Trump, thay vì chủ trương xét lại ‘status quo’ Đài Loan, bắt đầu bằng tranh
chấp Biển Đông, xung đột Thái Bình Dương hay bất bình đẳng trong mậu dịch có lẽ
thích hợp hơn và dễ làm khó Trung Cộng hơn.
Shi Yinhong,
giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Renmin, Bắc Kinh, cho rằng “Trump thua Tập trận đầu tiên và ông ta sẽ được
xem như là một con cọp giấy.” Ý kiến của Shi Yinhong ngông cuồng, khoác lác
nhưng phản ảnh quan điểm chung của đa số dân chúng bị tẩy não bằng hệ thống
tuyên truyền Đại Hán tại Trung Cộng.
Nhận xét của TT
Trump về “Chính sách Một Trung Hoa” hồi đầu tháng 12 năm ngoái cho thấy ông vội
vã, thiếu kinh nghiệm trong bang giao quốc tế và hiểu ít về lịch sử đầy hận
thù, nhỏ nhen, đố kỵ và phân hóa của Trung Hoa nhưng kết luận TT Trump là “con
cọp giấy” cho thấy Shi Yinhong dù là giáo sư bang giao quốc tế cũng không biết
nhiều về chính trị thế giới và cũng chỉ là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền CS.
Shi Yinhong quên
rằng Mao Trạch Đông tuyên bố một cách hằn học với phóng viên Anna Louise Strong
“Đế quốc Mỹ là con cọp giấy” năm 1956 sau khi đã chôn trên 400 ngàn thanh niên
Trung Hoa trong đó có con trai của y trên dải đất hẹp ở Triều Tiên, và sau đó
chính y cũng trả lời với Khrushchev ngày 10 tháng 2, 1959 “Trung Hoa không muốn
đương đầu quân sự với Mỹ” . Do đó, câu nói đó của Mao cần phải hiểu ngược lại.
Niềm hy vọng của người Việt
Người Việt hải
ngoại và cả trong nước trong thời gian qua đã dành khá nhiều bút mực, lời ăn tiếng
nói cho chính trị Mỹ, cụ thể là về TT Donald Trump.
Phần
lớn của những tranh luận trong dư luận người Việt hải ngoại tập trung vào chính
sách đối ngoại của TT Trump nhiều hơn là đối nội. Điều đó phát xuất từ tấm lòng và nỗi lo cho tương lai
Việt Nam, bởi vì họ hy vọng chính sách của TT Trump sẽ tác động hay ít ra ảnh
hưởng đến chính trị Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Không ít người
Việt hy vọng rằng chủ trương bành trướng Biển Đông của giới cầm quyền Trung Cộng
từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình gần như không gặp phải sự chống
đối quyết liệt nào, nhưng lần này sẽ phải gặp phải lực đối đầu rất mạnh và cụ
thể. Tuy nhiên, đừng quên rằng nước Mỹ hôm nay vẫn là nước Mỹ với tất cả những
thuận lợi và khó khăn của buổi trưa ngày 20 tháng Giêng 2017. Chính sách của TT
Trump dù có khác với chính sách của tổng thống Barack Obama cũng phải cần rất
nhiều thời gian và tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Dù tranh luận
hay quan tâm đến chính trị Mỹ, cũng xin đừng quên trong giờ phút này, hàng triệu
đồng bào Việt Nam vẫn còn đang chịu đựng thảm họa Formosa, hàng trăm tù nhân
lương tâm vẫn còn bị giam giữ trong các trại tù. Xin đừng quên thảm họa
Formosa, xin đừng quên Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
và các bạn tù của họ.
Trong lúc quan
tâm đến chính trị Mỹ là một điều đúng và vận dụng chính sách đối ngoại của một
cường quốc để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa là cần thiết, trọng tâm của mọi người Việt quan tâm vẫn là phải xây dựng
cho được lực thay đổi từ nơi chính Việt Nam.
Đa số nếu không
muốn nói là hầu hết trong hơn một trăm ngàn người dân Miến bao gồm sư sãi, sinh
viên, nội trợ, nông dân, trí thức xuống đường chống chế độ độc tài Ne Win tại
Miến tháng 8, 1988 có thể không biết tên tổng thống Mỹ là gì nói chi đến chính
sách đối ngoại hay đối nội của ông ta.
Cuộc vận động
dân chủ tại Miến bắt đầu trong cô đơn, âm thầm nhưng dẫn đến thành công nhờ vào
nội lực dân tộc Miến chứ không phải bàn tay cứu vớt của lãnh đạo nước ngoài.
Việt Nam rồi cũng thế. Không có một George W. Bush,
Barack Obama hay hôm nay Donald Trump nào đến để trao chìa khóa mở cánh cửa tự
do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Chiếc chìa khóa đó phải được đúc bằng hy sinh
và xương máu Việt Nam.
Trần Trung Đạo