03.03.2017

Ô nhiễm ở biển phía Bắc miền Trung: Trống kèn lộn ngược

Ô nhiễm ở biển phía Bắc miền Trung: Trống kèn lộn ngược
Bờ biển khu vực Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi dải nước đỏ giạt vào. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Bộ Tài nguyên – Môi trường của nhà nước Việt Nam vừa khẳng định, tảo Noctiluca scintillans tạo ra những dải nước màu đỏ ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).

Từ giữa Tháng Hai đến nay, những dải nước màu đỏ bắt đầu xuất hiện tại nhiều khu vực khác nhau ở vùng biển phía Bắc miền Trung. Đầu tiên là khu vực bờ biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó tới lượt ngư dân nhiều xã ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế phát giác những dải nước đỏ tương tự tại vùng biển Chân Mây – Lăng Cô. Đến cuối tháng vừa qua thì những dải nước đỏ xuất hiện trong vịnh Đà Nẵng,…


Từ Tháng Tư năm ngoái, cá từng chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung khiến cả ngư dân, diêm dân, nông dân, các doanh nghiệp thương mại và giới kiếm sống qua dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, vận tải,…) suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, điêu đứng nên lần này, những dải nước đỏ khiến dân chúng hoang mang, họ sợ thảm họa do biển ô nhiễm tái diễn.

Khoảng một tuần sau khi các dải nước đỏ xuất hiện tại vùng biển Vũng Áng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố, kết quả phân tích cho thấy, sở dĩ biển có các dải nước màu đỏ là vì nước biển bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ do sinh hoạt của con người thải ra.

Ngay sau đó, ông Lê Huy Bá, một chuyên gia về độc học môi trường, làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ – Quản lý Môi trường, lên tiếng phản bác. Ông Bá khẳng định, ô nhiễm bởi các chất hữu cơ thường có màu đen hay xanh đen, không bao giờ có màu đỏ. Đỏ thường là màu tạo thành từ oxid sắt. Ông Bá cho biết có rất nhiều nguyên nhân khiến nước sông, biển bị đỏ, ví dụ đỏ do sắt trong đất nhiệt đới. Nước có màu đỏ còn do chất thải công nghiệp. Ông Bá nói thêm là không chỉ ông mà nhiều nhà khoa học khác muốn biết chi tiết kết quả xét nghiệm nước biển.

Sau phân tích của ông Bá, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế giải thích, những dải nước màu đỏ xuất hiện ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô là do một loại tảo biển cứ đến mùa Xuân là đổi thành màu hồng và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Loại tảo này vô hại cho cả con người lẫn môi trường. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa minh định như thế thì ngư dân nhiều xã ở huyện Phú Lộc cấp báo, các dải nước đỏ đã vào đến bờ và đi theo chúng là xác rất nhiều sinh vật biển như cá nhồng, cá đuôi thuyền, sứa biển. Một số ngư dân khẳng định, móng tay của họ bắt đầu có nấm sau khi tiếp xúc với nước biển.

Giống như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính quyền thành phố Đà Nẵng tuyên bố đã kiểm tra và xác định, những dải nước đỏ lững lờ trong khu vực vịnh Đà Nẵng là… trứng ruốc (một loại tôm rất nhỏ). Sở dĩ năm nay khu vực vịnh Đà Nẵng có nhiều dải nước màu đỏ là vì trứng ruốc… dày bất thường. Nghe xong, ngư dân thêm hoang mang hơn vì xưa nay, trứng ruốc chỉ có màu xanh.

Nay, tới lượt Bộ Tài nguyên – Môi trường của chính phủ Việt Nam lên tiếng. Theo đó, kết quả phân tích các mẫu được lấy từ những dải nước đỏ ở vùng biển Vũng Áng cho thấy mật độ tảo Noctiluca scintillans – loại tảo tạo ra hiện tượng “thủy triều đỏ” rất cao. Tuy loại tảo này không phát tiết độc tố sinh học nhưng với mật độ cao, chúng có khả năng tích tụ Amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, khiến oxy trong nước cạn kiệt.

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường thì hàm lượng Amonia trong các mẫu nước biển đã thu từ Vũng Ánh, vượt mức cho phép từ 50 lần đến 250 lần. Đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường nói thêm, sự xuất hiện của những dải nước đỏ ở vùng biển Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng do tảo Noctiluca scintillans.

Đối với kết luận dải nước đỏ là do… trứng ruốc của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường bảo rằng chưa có căn cứ cụ thể để kết luận.

Ở đầy cần nói thêm là theo nhiều chuyên gia, hiện tượng “thủy triều đỏ” khiến các loại hải sản chết hàng loạt thường chỉ xảy ra vào tháng 8, tháng 9 hàng năm! Bây giờ chỉ mới là Tháng Ba. (G.Đ)

Người Việt