Chúng ta đã mất Biển Đông chưa ?
Thụy
My (RFI)
(Reuters)
« Chúng ta đã bị mất Biển Đông hay chưa ? ». Đó
là tựa đề bài viết của giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á,
ông Gregory B.Poling, trên trang web
của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 11/04/2017.
Theo chuyên gia Poling, Trung cộng đang ngày càng có
nhiều quyền lực trên Biển Đông, nhờ vào các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích
quân sự lẫn dân sự tại quần đảo Trường Sa, và việc nâng cấp các thiết trí quân
sự ở Hoàng Sa. Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ « quyền lịch sử » rộng
rãi nhưng lại được định nghĩa một cách mơ hồ của mình, về « đường lưỡi
bò » chín đoạn, vốn vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó tân chính quyền Mỹ vẫn chưa có chiến lược
rõ ràng về Biển Đông, để lại những dấu hỏi lớn về sự cam kết của Washington trong
khu vực. Và ngoại trừ Hà Nội, các nước Đông Nam Á khác có yêu sách chủ quyền tại
Biển Đông, trước những diễn biến gần đây đã có những phản ứng khác nhau – từ
thái độ chấp nhận thua cuộc ở Manila, đến ý định nhắm mắt cho qua của Jakarta
và Kuala Lumpur.
Mặc dù trong chín tháng vừa qua Trung cộng không leo
thang mạnh mẽ lắm, nhưng chưa bao giờ cán cân ở Biển Đông nghiêng hẳn về Bắc
Kinh như lúc này, với chiến lược bậc thầy của Trung Nam Hải. Tình hình này khiến
các nhà phân tích phải tự hỏi, liệu Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm đã
thua trận trong cuộc chiến đấu hay không. Phải chăng bây giờ là lúc Mỹ ra đi, bỏ
lại các nước Đông Nam Á phải tự chống chọi, trong cuộc chiến không cân sức với Trung
cộng ?
Biển Đông chưa được quan
tâm đúng mức
Một lý do chính cho sự yếu kém thấy rõ của Mỹ và các
nước khác trong khu vực, là đa số người Mỹ vẫn chưa hiểu được tại sao
Washington phải quan tâm đến Biển Đông. Ngay cả trong chính phủ, câu trả lời
cũng bất nhất giữa các cơ quan với nhau, và trong nội bộ từng cơ quan. Làm thế
nào Hoa Kỳ và các đối tác có thể theo đuổi một chiến lược dẫn đến thành công,
hoặc thừa nhận thất bại, nếu họ không thể đồng ý với nhau về những gì được coi
là chiến thắng ?
Chính quyền Obama đã duy trì một danh sách khá logic
về các lợi ích của Mỹ tại Biển Đông : bảo vệ trật tự dựa trên cơ sở luật pháp,
duy trì an ninh khu vực (trong đó có sự an toàn của các đồng minh Mỹ), và tự do
hàng hải. Tiếc rằng cũng như nhiều chính sách châu Á khác, đội ngũ của ông
Obama chứng tỏ có tầm nhìn chiến lược mạnh mẽ, nhưng trong việc giải thích và
áp dụng thì lại yếu ớt. Cũng giống như khái niệm xoay trục được định nghĩa qua
các sáng kiến an ninh, mặc dù đã tốn rất nhiều thời gian cho các nỗ lực kinh tế,
ngoại giao và văn hóa xã hội, cuộc tranh luận về Biển Đông vẫn bị đè nặng bởi
lý giải sai lầm rằng đây là sự ganh đua giữa Hoa Kỳ và Trung cộng về quân sự.
Tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề song
phương Mỹ-Trung, và không thể giải quyết bằng cách mặc cả giữa Washington và Bắc
Kinh. Biển Đông cũng không phải chủ yếu là sự đối đầu quân sự, và như vậy không
thể có giải pháp quân sự.
Điều này không có nghĩa là quân đội Trung cộng không
nhìn thấy một mệnh lệnh chiến lược mạnh mẽ trong tranh chấp Biển Đông, hay năng
lực bành trướng của Trung cộng đang mở rộng từ các đảo nhân tạo, sẽ không gây
khó khăn cho cuộc chiến đấu của Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột tiềm năng. Đó là
những nhân tố góp phần trong tranh chấp, cũng như việc tranh giành tài nguyên,
tuyến đường hàng hải chiến lược và nhiều vấn đề khác. Nhưng đây không phải là gốc
rễ của tranh chấp Biển Đông, cũng không là lợi ích cơ bản của Hoa Kỳ và các nước
bạn.
Như chuyên gia Bill
Hayton đã lập luận một cách đầy thuyết phục, tranh
chấp Biển Đông thực chất là sự ganh đua của các chủ nghĩa dân tộc. Đặc
biệt là luận điệu về các quyền của Trung cộng, đang thách thức mọi sự kiện
lịch sử, luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước láng giềng. Bắc Kinh cho là
mình có quyền và quyết tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi phương tiện cần thiết. Việc
này đã trực tiếp đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ, mà lợi ích này vượt xa lên trên khả
năng tự do hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông.
Đó chính là một hệ thống quốc tế rộng rãi – gọi là « trật
tự dựa trên luật pháp » vẫn thường được chính quyền Obama nêu ra.
Trong đó các Nhà nước đều bình đẳng với nhau theo các quy định và tiêu chuẩn đã
cùng thỏa thuận ; đàm phán cũng như thủ tục trọng tài thay thế cho cưỡng bức và
vũ lực - được coi là phương cách giải quyết tranh chấp.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các
luật lệ theo tập quán quốc tế làm chỗ dựa cho công ước, là những thành phần chủ
yếu của hệ thống này. Tất cả đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi những hành vi nhằm
xác quyết chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông. Các quốc gia khác sẽ nhanh
chóng nhận ra rằng họ bị bất lợi khi nghiêm túc tôn trọng UNCLOS, trong khi Trung
cộng bất chấp.
Hậu quả : Biển Đông sắp mất
Tiếc thay, trật tự dựa trên cơ sở luật pháp thì trừu
tượng, không giúp bán được bao. Sự yểm trợ quân sự của
Hoa Kỳ và các cường quốc bậc trung khác như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ hết sức quan trọng
để giúp các nước Đông Nam Á không bị Trung cộng đè bẹp.
Hoa Kỳ phải đóng vai trò chủ đạo để răn đe thái độ
hiếu chiến và các hành động leo thang quan trọng khác của Trung cộng - như đã từng
lên tiếng cảnh cáo ý định xây dựng trên bãi cạn Scarborough mùa xuân vừa rồi.
Các quốc gia đối tác cần tìm cách tăng cường năng lực cho Hải quân và tuần
duyên các nước Đông Nam Á, để họ có thể bảo vệ vùng biển tranh chấp, vốn đang
phải đối mặt với áp lực chưa bao giờ tăng cao đến thế của Trung cộng. Nhưng những
nỗ lực an ninh này nhằm cải thiện tình hình tại chỗ, chứ chưa phải là hồi kết.
« Chiến thắng » tối hậu trên Biển Đông cho Hoa Kỳ và
các đối tác là thuyết phục được Trung cộng điều chỉnh những yêu sách của mình
cho phù hợp với luật pháp quốc tế, và bình đẳng với các nước láng giềng. Đó là
một thử thách khổng lồ, đòi hỏi phải có một chiến dịch
ngoại giao và luật pháp tập trung vào việc vạch trần tính bất hợp pháp của các
yêu sách Trung cộng, khiến Bắc Kinh phải mang tai tiếng.
Quan trọng nhất là phải có những cam kết
dài hạn.
Việc vạch mặt chỉ tên và tố cáo để Trung cộng tỏ ra khiêm tốn hơn, có thể phải
mất cả một thập niên. Trung cộng không phải là miễn nhiễm trước áp lực quốc tế
hay trước cái giá phải trả cho việc trở thành một kẻ ở ngoài vòng pháp luật,
nhưng sức kháng cự của họ rất lớn.
Hoa Kỳ và Phi Luật Tân muốn tập hợp một liên minh quốc
tế cho nỗ lực này. Trước hôm Manila chiến thắng ở Tòa án Trọng tài Thường trực
La Haye tháng 7/2016, một số đáng kể các quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Trung
cộng tuân thủ phán quyết của tòa. Nhưng liên minh này đã tan rã sau khi tổng thống
Rodrigo Duterte quyết định từ bỏ việc sử dụng áp lực quốc tế, với hy vọng Bắc
Kinh sẽ đáp ứng một cách hòa hoãn hơn.
Quyết định của ông Duterte chủ yếu do quan điểm tư
tưởng của ông, nhưng được biện minh là do Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ Phi Luật Tân
chống lại Trung cộng. Đây là một vết thương tự gây ra, có thể tránh được nếu
chính quyền Obama nói rõ là hiệp ước quân sự hỗ tương giữa hai nước có thể áp dụng,
để hỗ trợ cho quân đội và tàu chiến của Phi Luật Tân trong vùng biển tranh chấp.
Trong khi được Duterte chìa ra cành ô liu và chính
quyền Trump lo tập trung vào những hồ sơ khác, Trung cộng tiếp tục củng cố các
lợi ích của mình. Nhờ có các hải cảng và cơ sở hạ tầng đi kèm, số lượng tàu Trung
cộng tăng lên đáng kể tại khu vực nửa phía nam của đường 9 đoạn. Trong khi đội
quân tiên phong này liên tục lấn chiếm vùng biển của các nước láng giềng, Trung
cộng tăng cường hơn bao giờ hết khả năng can thiệp, để ngăn trở các nước Đông
Nam Á sử dụng vùng biển và đáy đại dương mà luật pháp quốc tế bảo đảm cho họ.
Nếu không có gì thay đổi, Trung cộng trên
thực tế sẽ kiểm soát toàn bộ vùng biển, vùng trời và tài nguyên của Biển Đông. Hải
quân Hoa Kỳ có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động ở vùng biển tranh chấp, làm
ngơ trước những hành vi quấy nhiễu của đối tác Trung cộng, nhưng sẽ không dễ chịu
chút nào cho các nước Đông Nam Á cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Việt Nam có
thể tiếp tục phản đối thực tế mới này, nhưng những nước khác có cơ phải thích ứng
với thực trạng tại chỗ. Hậu quả là hệ thống quốc tế và trật tự khu vực châu Á sẽ
thường xuyên bị thay đổi theo hướng gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích của Mỹ.
Thế nên, phải chăng Hoa Kỳ
và các nước bạn đã bị mất Biển Đông ? Câu trả lời là chưa. Nhưng họ đang đánh mất,
và mất một cách nhanh chóng.
Để thay đổi tình hình, trước tiên Washington cần phải
nhìn nhận tầm quan trọng của hồ sơ này. Chính quyền Trump cần có chính sách rõ
ràng và mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trật tự dựa trên luật
pháp tại Biển Đông. Thứ đến, chính phủ Hoa Kỳ cần nắm lấy cơ hội, khi chính quyền
Duterte nhận ra rằng Bắc Kinh không nhượng bộ như họ vẫn hy vọng - có lẽ qua lệnh
cấm đánh cá trong khu vực, kể cả ở bãi cạn Scarborough kể từ ngày 1/5 của Trung
cộng.
Để đặt nền móng
cho việc này, chính quyền ông Trump phải làm một việc từ lâu được chờ đợi : nói
rõ rằng theo hiệp ước hỗ tương giữa hai nước, Mỹ sẽ yểm trợ lực lượng Phi Luật
Tân tại Biển Đông, vì vùng biển này thuộc Thái Bình Dương, theo điều V của hiệp
ước. Như vậy công việc khó khăn là tái lập lực lượng quốc tế đối phó với yêu
sách của Trung cộng mới có thể khởi đầu.