16.06.2017

Giá trị văn hoá, xã hội Việt Nam đang ở đâu?

„Khi giá trị xã hội và niềm tin xã hội đã bị suy giảm, thì vô cảm đương nhiên sẽ xuất hiện và tồn tại. Không những thế, nó đã và đang dần dần hiện hữu, len lỏi ngày một sâu hơn vào ý thức giá trị cuộc sống của con người.“

Giá trị văn hoá, xã hội Việt Nam đang ở đâu?
Phố thư pháp bên ngoài Văn Miếu, thành phố Hà Nội vào ngày 8 tháng 2 năm 2013.  AFP photo

Trong buổi giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra nhận định về thực trạng giá trị văn hoá, đạo đức xã hội ngày nay ở Việt Nam đang có biểu hiện mai một và chiều hướng đi xuống.


Nhận xét và ý kiến của các nhà xã hội học, nghiên cứu văn hoá như thế nào?

Đã dự báo từ lâu!

Lịch sử xã hội đã chứng minh Việt Nam trải qua hàng nghìn năm với những giá trị văn hoá, xã hội biến đổi và phát triển theo từng thời kỳ. Dưới ảnh hưởng của mỗi nền văn hoá, nhân cách, đạo đức, niềm tin, thái độ, hệ thống các giá trị… ở mỗi con người được hình thành và phát triển. Nhân cách, đạo đức, lối sống đó được chính tư lệnh ngành hiện nay ở Hà Nội lên tiếng cho rằng nó đang có biểu hiện mai một. Theo bộ trưởng văn hóa-thể thao- du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thì trong thời kỳ mới, các giá trị đạo đức chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí chưa được hình thành đúng với tiêu chí của con người mới, thuộc một thời kỳ mới.

Nhận thức này được Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho rằng “tuy đúng, nhưng chậm quá!”. Đó là chậm về thời gian, chậm về tốc độ phát triển và hình thành một ý thức hệ, một quãng thời gian mà theo ông phải là cách đây khoảng mấy chục năm trước.

Nếu mà tính ra thì nó bắt đầu từ cải cách ruộng đất cơ. Nó đã làm hư hỏng mối quan hệ truyền thống. Người ta không coi trọng những giá trị đạo đức thiêng liêng, cái tình cảm của con người, cái lòng trung tín, sự hiếu thảo…Những cái như thế, ngày xưa đã xây dựng, gầy dựng được, nhưng sau này đến Cách mạng thì nó làm hỏng đi rất nhiều.

Những ‘cái hỏng’ ấy theo ông là những suy đồi đạo đức làm băng hoại các giá trị truyền thống. Ông nhìn thấy trong xã hội hiện tại, quan hệ người với người đã bị hư hỏng đi rất nhiều.

Thực tế cho thấy, mỗi một ngày, qua báo chí hoặc mạng xã hội, rất nhiều những câu chuyện xảy ra liên quan trực tiếp đến hành vi, ứng xử giữa người với người. Những câu chuyện, những mảnh đời, những mất mát, những trọng án… mà khi đưa ra xã hội, dư luận chỉ có thể đặt ra câu hỏi “Tại sao lại như vậy?”

Kinh tế thị trường?

Khi Bộ trưởng văn hoá thể thao và du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra lý giải là do sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thì Giáo sư Nguyễn Khắc Mai phản biện cho rằng không hoàn toàn như thế.

“Người ta đổ thừa cho kinh tế thị trường, nhưng không phải đâu. Có một phần nào, nhưng không phải. Vì nhiều xã hội kinh tế thị trường và con người vẫn sống với nhau rất tốt đẹp.”

Không đưa ra những phân tích dựa trên yếu tố kinh tế thị trường, nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng nguyên nhân là do con người đã không thực hiện được đúng những giá trị do chính con người đặt ra.

“Có thể là những cái mà người ta nói ra, là phải có lòng nhân ái chẳng hạn, cần phải công bằng chẳng hạn, nhưng đấy là những điều người ta nói ra có vẻ là 1 thứ được người ta cho là có giá trị và được tôn trọng, nhưng trên thực tế thì người ta lại không hành xử theo điều người ta đưa ra. Nhiều khi những ứng xử trong xã hội cũng không theo cái người ta tưởng là được xã hội, như công bằng, nhân ái.”

Phân tích sâu xa hơn, bà Quỳnh Hương cho rằng do những lợi ích khác nhau, và có những giá trị khác nhau, gây ra những xung đột không chỉ về mặt lợi ích kinh tế mà còn về mặt giá trị của từng cá nhân hoặc từng nhóm xã hội.

Những giá trị khác nhau đấy dẫn đến sự lựa chọn không đồng nhất, khiến cho nhóm xã hội này ảnh hưởng không tốt đến nhóm xã hội khác. Theo bà Quỳnh Hương, khi bản chất của những giá trị và lợi ích hình thành nên đặc thù riêng của từng nhóm xã hội hoặc từng cá nhân, thì đó là nguyên nhân của những xung đột về giá trị xã hội mà ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói đến.

Biến đổi

Văn hoá của một dân tộc, một xã hội sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Từ đó, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng giá trị xã hội cũng sẽ biến đổi và luôn luôn biến đổi.

“Biến đổi là đương nhiên và cần thiết. Vì chúng ta không biến đổi, đứng ì ra thì có nghĩa là chúng ta đã suy thoái rồi. Mà biến đổi ấy thì nó thể hiện luôn ra trong lòng xã hội ấy, mỗi cá nhân cũng biến đổi. Giá trị của xã hội cũng biến đổi theo.”

Ngày nay, trên những bài báo hoặc bài viết cá nhân đăng tải trên mạng xã hội, có một từ ngữ rất thường được dùng để ám chỉ về cách hành xử con người trong xã hội hiện tại, đó là từ “vô cảm”. Ví dụ như: “Hãy thờ ơ, hãy vô cảm đi, rồi một ngày điều này sẽ xảy đến với bạn.”

Chính Bộ văn hoá cũng đã đưa ra những hiện tượng vô cảm, bàng quang, thờ ơ trước nỗi đau do gặp hoạn nạn đang tạo nên những bức xúc và lo lắng.
Khi giá trị xã hội và niềm tin xã hội đã bị suy giảm, thì vô cảm đương nhiên sẽ xuất hiện và tồn tại. Không những thế, nó đã và đang dần dần hiện hữu, len lỏi ngày một sâu hơn vào ý thức giá trị cuộc sống của con người.

Ý thức này, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, đã thấy quá rõ.

Rất nhiều dấu hiệu để thấy sự tin cậy lẫn nhau đã mất đi nhiều lắm. Chúng tôi gọi là quan hệ người với người hư hỏng đi rất nhiều. Nó có vấn đề văn hoá xuống cấp, chân lý không được tôn trọng, sự thật không được tôn trọng, những tuyên truyền láo khoét đã quá dài quá lâu, làm cho con người quen với thói dối trá, lùa bịp. Đấy là 1 sự thật đau lòng.”

Ông nói thêm rằng, sự vô cảm này, ngày xưa, thế hệ của ông hoàn toàn không tồn tại.

Ngày nay, trên những trang mạng xã hội, thỉnh thoảng, người ta vẫn nhìn thấy những chia sẻ ngắn của một ai đó, kể lại khi đang chạy xe trên đường, thấy một người không quen biết té ngã, nhưng không dám dừng lại cứu giúp vì sợ những câu chuyện dàn cảnh cướp giựt được đăng tải mỗi ngày trên báo chí.

Giá trị văn hoá truyền thống

Cũng chính Bộ văn hoá đã đề cập vấn đề này với ngụ ý “đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang suy giảm. Tính cộng đồng “tối lửa tắt đèn có nhau” bị rạn nứt.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng nguyên nhân là do xã hội đã quá đề cao giá trị giai cấp, một giá trị nhất thời, mà không coi trọng giá trị văn hoá truyền thống.

Nhấn mạnh giá trị văn hoá truyền thống ở đây không phải là lễ nghĩ phong kiến của thời ‘trọng nam khinh nữ’ hoặc ‘quân tử thần tử, thần bất tử bất trung’. Ông chia sẻ những điều mà ông cho rằng đó là quy luật muôn đời, như “Thương người như thể thương thân”, hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

Đó là những quy luật, những giá trị mà theo ông, nó đã được xây dựng và có giá trị tốt đẹp qua mọi thời kỳ phát triển của con người, và rộng hơn là xã hội.


Cát Linh (RFA)