26.10.2017

Bộ Công An Việt Nam trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng



Bộ Công An Việt Nam trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng



Quốc Hội Việt Nam nhóm họp tại Hà Nội

Bộ Công An Việt Nam vừa trình Quốc hội Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cảnh báo rằng từ năm 2001 đến nay cơ quan này đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.
Truyền thông trong nước cho biết ông Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công An hôm 25/10 đã trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng.

Báo VietnamNet dẫn lời ông Lâm cho biết, từ năm 2001 đến nay, bộ này phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Ông chỉ ra rằng các hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế...
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng “việc xây dựng dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.”
Bộ Công an trình dự án luật theo đó phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật.
Ngoài ra dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với thông tin ‘Tuyệt mật’ là 30 năm; ‘Tối mật’ 20 năm; và ‘Mật’ 10 năm. Thời hạn này có thể được kéo dài “nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.”
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt phát biểu trước Quốc hội rằng bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm, hoặc không nên xác định thời hạn giải mật.
Cũng trong ngày 25/10, Bộ trưởng Công an còn trình dự thảo luật An ninh mạng, nhằm chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”
Bộ này cho rằng thông qua không gian mạng, các đối tượng chống phá liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh.
Báo VietnamNet vào tháng 8 dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nói chỉ trong hơn 1 năm, Bộ này đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng.
Báo Pháp Luật cho biết vào tháng 11/2015, ông Phạm Thanh Trung, nguyên cán bộ Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM, bị tòa xử phạt ba năm tù giam về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, do đã tiết lộ thông tin về “công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam,” và gửi ảnh chụp “Thông báo số 5” kèm theo hướng dẫn cách thức rải truyền đơn, đặt chất nổ trong ngày TP.HCM tổ chức mít-tinh lễ 30/4 đến tài khoản Facebook của Việt Tân.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự Luật An ninh mạng sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 13/11; và sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 22/11 và 23/11.