VN: Vì sao chưa 'nhất thể hóa' các chức cao nhất?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 18 được mô tả là thí điểm mô hình tổ chức bộ máy mới và kiêm nhiệm một số chức danh để "tinh gọn đầu mối".
Việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan sẽ được thí điểm ở cấp tỉnh, cấp huyện theo đó trưởng ban dân vận sẽ đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân. Ở cấp huyện xã, bí thư cấp ủy sẽ kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân những nơi đủ điều kiện.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với BBC hôm 27/10, nhà quan sát chính trị Quang Hữu Minh từ TP Hồ Chí Minh nói rằng nên nhất thể hoá chức danh lên cấp Trung ương, kể các các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước và Tổng bí thư.
Trước hết, ông nói về những nội dung chính của văn kiện mới được ký này:
Quang Hữu Minh: Có hai nội dung mấu chốt và một phần phụ thêm của Nghị quyết 18 về tinh giản và sắp xếp bộ máy. Một là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hai là hội nhập quốc tế. Và thứ ba là một phần nhỏ phụ thêm, nhằm tiết giảm chi phí, tiền lương chi trả cho thể chế.
BBC: Theo nội dung của Nghị quyết 18, bước đầu chỉ áp dụng ở cấp phường xã, sau đó là tiến tới các cấp cao hơn, theo ông việc áp dụng từng bước vậy là nên hay không nên?
Quang Hữu Minh: Theo tôi là nên nhất thể hoá lên cấp Trung ương kể các các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng bí thư.
Đó là vì thứ nhất, theo xu thế hội nhập quốc tế thì phải có một người chịu trách nhiệm cho cả quốc gia.
Thứ hai, sắp xếp lên tới cấp Trung ương sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ngân sách. Tôi tới các cơ quan cấp xã, huyện hiện nay thì có ấn tượng là họ phục vụ cũng đã tốt lên, chỉ có ở cấp tỉnh và Trung ương thì còn nhiều chồng chéo.
Đó là góc nhìn của tôi, còn vấn đề thực tế thì như ở Quảng Ninh, trước đây Bí Thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã nhất thể hoá mô hình chính quyền địa phương ở Quảng Ninh lên tới cấp tỉnh. Và rõ ràng tỉnh Quảng Ninh đã phát triển nhanh hơn các tỉnh khác, cũng như là đạt được nhiều thanh tựu hơn.
Thứ ba, việc nhất thể hoá này đưa tới việc phân cấp phân quyền được cụ thể hơn, dân biết được người nào là người chịu trách nhiệm cao nhất, do vậy nên làm luôn ở tầm quốc gia. Vì Đảng lãnh đạo nên Đảng phải chịu trách nhiệm. Mà Đảng là ai? Phải có cá nhân trong Đảng chịu trách nhiệm về các vấn đề của Đảng, vì thế nhất thể hoá cả bí thư, tổng bí thư và chủ tịch là cần thiết.
BBC: Ở cấp dưới như huyện, xã thì có cả những cán bộ lãnh đạo không phải là Đảng viên, liệu khi nhất thể hoá có xảy ra việc các Đảng viên sẽ đảm nhận chức vụ của những người không phải đảng viên hoặc ngược lại không?
Quang Hữu Minh: Tinh thần là sáp nhập chính quyền vào Đảng, chứ không phải Đảng vào chính quyền. Có nghĩa Bí thư kiêm Chủ tịch, chứ không phải Chủ tịch kiêm Bí thư. Phải hiểu rằng trong cuộc sáp nhập này, những người có Đảng tịch sẽ được ưu tiên hơn người ngoài Đảng. Tinh thần là chú trọng "hồng hơn là chuyên".
BBC: Hiến pháp của Việt Nam thì ghi là Đảng lãnh đạo, vậy đây có phải là một bước cụ thể hoá hơn nữa vai trò của Đảng như ghi trong Hiến pháp không?
Quang Hữu Minh: Tôi nhìn theo một góc độ khác. Trong diễn biến hội quốc tế cũng như xu hướng phát triển dân chủ của Việt Nam, trước đây Đảng lãnh đạo như theo Điều 4 Hiến pháp, nhưng dần dần chính phủ đã có sự độc lập tương đối của họ. Trong Đảng gọi là "chuyển hoá và đổi mới".
Dần dần, các cơ quan Đảng giảm bớt ảnh hướng tới cơ quan Chính phủ. Sự tranh chấp về đường lối giữa khối Đảng và khối Chính phủ, chúng ta đã thấy rất rõ trong hai khoá X và XI vừa qua.
Bây giờ Đảng thực hiện việc sáp nhập chính quyền (có nghĩa là Chính phủ) vào Đảng để giảm bớt xu hướng chính quyền hoá Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng theo quy luật vận động khách quan, thì dần dần bộ phận được sáp nhập vào cũng sẽ tuân thủ theo luật chơi của dân chủ và quốc tế, tự họ lại bị phân hoá tư duy. Lúc đó sẽ lại hình thành một bộ phận "Chính phủ-Đảng" ở trong Đảng. Về mặt lý luận thì hơi rắc rối, những việc sáp nhập này không giải quyết được vấn đề đó.
Việc sáp nhập này về mặt chính trị là tốt cho đất nước, nhưng về mặt Đảng thì chưa chắc đã tốt cho Đảng. Chính phủ trước cũng là từ trong Đảng mà ra, thì dù bây giờ Đảng sáp nhập lại chính phủ đó vào Đảng thì rồi cũng sẽ lại có sự phân hoá.
Đây là thách thức về lý luận mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nói có những vấn đề còn phải nghiên cứu, những vấn đề còn chưa rõ thì chưa thực hiện. Những vấn đề chưa rõ đó chính là tôi đã nêu ra ở trên.
BBC:Nếu việc nhất thể hoá diễn ra ở cấp Trung ương, khi cả hai bên đều là Đảng viên thì những người giữ chức bí thư có được ưu tiên hơn những người giữ chức ở bên chính quyền, hay có sự khác biệt nào không?
Quang Hữu Minh: Theo phân cấp quyền lực chính trị thì ở địa phương, bí thư luôn cao hơn chủ tịch. Sáp nhập như vậy thì ông bí thư sẽ kéo ghế chủ tịch lại phía mình, cũng có những trường hợp chủ tịch sẽ ngồi luôn cả ghế bí thư nhưng rất hiếm.
Ở cấp Trung ương thì khác, nó là vấn đề đường lối. Trong bối cảnh địa chính trị là Việt Nam đang phải 'đu dây' giữa Mỹ và Trung Quốc, thì sự ảnh hưởng của về đường lối của Mỹ hay Trung Quốc vào Việt Nam sẽ quyết định đến việc nhất thể hoá chức danh tổng bí thư kiêm chủ tịch nước của Việt Nam chứ không như vấn đề địa phương nữa.
Trung Quốc cũng thận trọng vì trong sự ảnh hưởng đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc tới Đảng Cộng sản Việt Nam, họ lo ngại rằng nếu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước của Việt Nam mà ngả theo Mỹ thì đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có chính sách thân Mỹ. Như vậy sẽ bất lợi cho chính sách của Trung Quốc.
Mỹ cũng mong muốn nhất thể hoá để tập quyền. Đường lối mà Mỹ đang thúc đẩy ở Việt Nam là chuyển hoá Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy tập quyền sẽ dễ để chuyển hoá hơn so với tản quyền.
Do sự mâu thuẫn đường lối giữa hai đại cường nên Đảng Cộng sản Việt Nam phải dò dẫm, thận trọng. Trung Quốc muốn giảm rủi ro trong chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam còn Mỹ thì muốn tăng hiệu quả.
Nói thẳng ra thì Trung Quốc chưa muốn Việt Nam nhất thể hoá như họ, còn Mỹ thì muốn càng nhanh càng tốt.
Nhất thể hoá để có người đối thoại và chịu trách nhiệm. Cách làm việc của Mỹ là phải có người chịu trách nhiệm. Nếu Việt Nam nhất thể hoá được Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thì Tổng thống Mỹ biết mình cần nói chuyện với ai, ai là người quyết được.
Vậy ở cấp Trung ương nó là vấn đề giằng co đường lối, còn ở địa phương thì nó là hiệu lực và tinh giảm bộ máy, phải nhìn dưới góc độ đó thì mới hiểu được toàn văn của Nghị quyết 18.
BBC: Theo cơ cấu chính trị Việt Nam thì một người không có toàn quyền quyết định các vấn đề vĩ mô của đất nước mà còn phải thông qua Bộ Chính trị. Nếu việc nhất thể hoá ở Trung ương xảy ra thì vai trò của Bộ Chính trị có còn lớn như trước?
Quang Hữu Minh: Nhất thể hoá như vậy thì Bộ Chính trị vẫn có thể quyết được những vấn đề còn hiệu lực ở chính sách vĩ mô, đó là việc bỏ phiếu.
Tôi nghĩ cơ chế Bộ Chính trị vẫn còn hiệu quả trong việc sát nhập mới, tuy nhiên Bộ Chính trị sẽ đóng vai trò là tham mưu và giúp việc cho Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước chứ họ không còn nhiều quyền lực như bây giờ nữa. Nhưng Đảng vấn duy trì cơ chế Bộ Chính trị vì đó là cơ chế dân chủ trong Đảng cần thiết.
Chính các Đảng viên cũng cần cơ chế dân chủ trong Đảng. Thí dụ như cựu giám đốc Sở Tư Pháp Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Thôn đã từng có một lá thư phê bình Nghị quyết 244 của Bộ Chính trị về vấn đề mất dân chủ trong Đảng. Hay mới đây nhất là bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai phản biện lại kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Đó chính là nhu cầu duy trì dân chỉ trong Đảng. Nội bộ Đảng có khi còn cần dân chủ hơn nhân dân chúng tôi. Thế nên cơ chế Bộ Chính trị vẫn duy trì. Quyền lực tối cao của Bộ Chính trị vẫn có, nhưng quyền lực cá nhân của mỗi Uỷ viên sẽ bị giảm đi.
Còn một việc nữa, đó là việc các đoàn thể phụ thuộc Đảng tới đây sẽ được giải quyết thế nào? Đưa ra dân thì chưa có luật về hội, mà giữ lại cho Đảng thì không có tiền nuôi. Nhưng nếu không làm thì nhân dân không tin là Đảng muốn thực sự tinh gọn bộ máy để giảm chi phí quốc gia. Đây là điều đang còn vướng mắc.
Ông Quang Hữu Minh, còn được biết tới là blogger Nguyễn An Dân, làm việc trong lĩnh vực tư vấn chính trị ở Việt Nam, quí vị có thể tham khảo một số tọa đàm của BBC mà ông đã tham gia, hoặc bài vở mà mà ông đã gửi cho BBC Việt ngữ tại đây hay tại đây. Trên đây là quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn của BBC.