Big Tech – ‘Giống loài quái dị’ đang điều khiển chúng ta
Những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống (Conservatives) đang bối rối trong cách nhìn nhận về những đại công ty công nghệ (Big Tech), những tổ chức mà giờ đây đã trở nên đầy quyền lực trong nhiều lĩnh vực của đời sống chúng ta.
Thuật ngữ “Giống loài quái dị” được bà Jane Jacobs, một trong những nhà trí thức lớn của đại chúng trong nửa cuối thế kỷ 20, đã đặt ra trong cuốn sách bán chạy nhất của bà có tựa đề “Các hệ thống sinh tồn” (Systems of Survival), là thích hợp để mô tả về những gì mà các Big Tech đã trở thành.
Bà Jacobs định cư ở Toronto sau khi rời khỏi Hoa Kỳ thời Chiến tranh Việt Nam, đã mô tả hai nền tảng đạo đức lớn cho xã hội—một nền tảng dựa trên “sự giám hộ”, và nền tảng còn lại dựa trên các “hoạt động thương mại”. Mỗi nền tảng đều có những đặc điểm riêng biệt, như cách bà gọi là “hội chứng đạo đức”, và đều được luật pháp bảo vệ.
Những người thực thi việc giám hộ—bao gồm các chính trị gia cũng như lực lượng cảnh sát nhà nước và tư nhân, tòa án, tổ chức phi chính phủ, giáo sĩ và hầu hết các nhân viên chính phủ—có xu hướng tránh đầu cơ, muốn có ảnh hưởng rộng rãi, sẵn sàng lừa dối để hoàn thành nhiệm vụ và sử dụng vũ lực.
Những đặc tính này khởi tác dụng trong việc bảo vệ xã hội, và hoàn toàn khác với những đặc tính chi phối đạo đức thương mại, ví dụ như tránh dùng vũ lực, tự nguyện thỏa thuận, cạnh tranh và luận bàn quan điểm vì lợi ích của công việc.
Khi những “hội chứng đạo đức” này được tuân thủ nghiêm ngặt, tức là khi những người thực thi việc giám hộ tập trung vào việc bảo vệ xã hội và các doanh nghiệp thương mại tập trung vào tạo ra lợi nhuận, thì xã hội hoạt động tốt đẹp. Nhưng khi những người giám hộ “lấn sân” sang hoạt động thương mại, hoặc ngược lại, thì điều này có nghĩa là họ tạo ra những giống loài mang trên mình đặc tính của cả hai.
Hậu quả gây ra có thể sẽ rất khủng khiếp.
Bà Jacobs đã chỉ ra những ví dụ về “Giống loài quái dị” – cùng lúc thực hiện việc giám hộ lẫn kinh doanh thương mại, chẳng hạn như các băng đảng Mafia làm ăn kinh doanh trong khi đặt ra luật lệ cai trị trong các vùng lãnh thổ họ kiểm soát; các sĩ quan cảnh sát lạm dụng quyền lực bằng cách ăn hối lộ; và các hãng kinh doanh giành được sự độc quyền thương mại nhờ thông đồng với các quan chức chính phủ. Bà Jacobs đã không bàn luận về các Big Tech. Bà xuất bản cuốn sách “Những hệ thống sinh tồn” vào năm 1992, trước khi Big Tech được cấp quyền miễn trừ truy tố, điều này giúp đưa Big Tech lên vị trí thống trị. Nhưng Big Tech là hiện thân của mọi thứ mà bà Jacobs coi là nhân tố tàn phá xã hội.
Thay vì tập trung vào hoạt động thương mại của mình, Big Tech đã trở thành một nhân tố chính trị, đảm nhận các chức năng của chính phủ và hoạt động như những người giám hộ.
Trong một video bị rò rỉ về cuộc họp của Google diễn ra ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016, các nhà lãnh đạo của công ty, từ những người đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin trở xuống, dường như đều đồng thuận chống lại phong trào dân túy và các cử tri của ông Trump, những người bị họ coi là “cực đoan.” Ông Brin đã đặt ra câu hỏi về việc làm cách nào Google có thể bảo đảm “chất lượng quản trị và ra quyết định tốt hơn.” Giám đốc điều hành Sundar Pichai hứa rằng Google sẽ phát triển học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo để vô hiệu hóa những gì họ coi là “thông tin sai lệch” được “những cử tri ít thông tin” chia sẻ.
Google đã thực hiện tốt lời thề của mình như đã được đề cập ở vô số phương tiện thông tin đại chúng, trong số đó có một cuộc điều tra lớn của Wall Street Journal cho thấy Google đưa các trang web theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống vào danh sách đen.
Tương tự, Facebook cũng hoạt động như một cánh tay của Đảng Dân Chủ bằng cách kiểm duyệt các thông tin có thể bất lợi cho Đảng Dân Chủ. Họ quyết định trước cuộc bầu cử năm 2020 về việc “thực hiện chiến dịch bỏ phiếu theo hình thức ghi danh lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ—với mục tiêu giúp hơn 4 triệu người ghi danh bỏ phiếu.” Không có gì ngạc nhiên khi chiến dịch này được kích hoạt để lấy phiếu bầu cho Đảng Dân Chủ.
Các nỗ lực kiểm duyệt của Twitter mở rộng đến mức đưa cả tờ nhật báo lâu đời nhất của Hoa Kỳ là New York Post vào danh sách đen để che giấu bằng chứng cáo buộc tham nhũng của gia đình ông Biden trước công chúng. Và khi những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống chuyển sang dùng Parler để thoát khỏi sự kiểm duyệt của các Big Tech thì Apple, Google và Amazon đã hiệp lực hành động để đóng cửa Parler.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Big Tech hoạt động như những cơ quan tuyên truyền cho cánh tả, thực thi nghị trình nhân danh “đúng đắn về chính trị”, họ xóa bỏ văn hóa và chính trị bản sắc, đồng thời tạo ra sự thỏa hiệp giữa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của công chúng. Big Tech đã trở nên quan trọng trong xã hội với tư cách là những người giám hộ hơn là với tư cách doanh nghiệp thương mại. Họ trở thành trọng tài cho tính liêm chính của cuộc bầu cử bằng cách quyết định các cử tri có thể xem thông tin nào và khi nào mới được xem.
Nhìn nhận những đại công ty công nghệ đơn giản chỉ là những các yếu tố trong thị trường tự do chỉ bởi vì chúng vốn được hình thành với tư cách là một tổ chức thương mại, thì đây là một sự nhầm lẫn mù quáng có chủ ý.
Những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống không phải lúc nào cũng bị nhầm lẫn như vậy. Sau khi cuốn sách “Những hệ thống sinh tồn” được xuất bản khoảng một thế hệ trước, những phân tích trong tác phẩm đó đã được những người mẫu mực theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống đón nhận nhiệt tình. Một bài bình luận trên tạp chí Forbes của một học giả Viện Cato đã kết luận rằng “bản chất của chính sách công hiệu quả là giữ cho hai hội chứng càng tách biệt với nhau càng tốt”. Một bài bình luận của tạp chí Reason đã đồng ý rằng “việc cố gắng kết hợp hai hội chứng, hoặc áp dụng chúng vào các hoạt động không phù hợp sẽ tạo ra sự sụp đổ thể chế, xã hội và đạo đức.”
Những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống ngày nay cần phải thoát ra khỏi mớ bòng bong này từ trong nhận thức và nhìn nhận những Big Tech này thực chất là: những giống loài quái dị cần phải được quản thúc nếu tất cả chúng ta muốn được hưởng các quyền tự do mà chúng ta đã từng cho là đương nhiên phải có.
Lawrence Solomon là nhà bình luận, và là giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người Tiêu dùng có trụ sở tại Toronto, do bà Jane Jacobs thành lập.
Quý độc giả vui lòng đón đọc trong số báo tiếp theo Phần 2 – “Làm thế nào để thay đổi các Big Tech”.