Ông Phạm Minh Chính: Lãnh đạo công an và Đảng lên làm thủ tướng
Quốc hội Việt Nam hôm 5/4 xác nhận việc ông Phạm Minh Chính trở thành tân thủ tướng.
Ông Phạm Minh Chính, ứng viên duy nhất được đề cử cho vị trí đứng đầu chính phủ, đã nhận được hơn 96% phiếu bầu.
Ông thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, người trước đó đã tuyên thệ trở thành tân Chủ tịch nước.
Xác nhận này cũng đánh dấu việc hoàn tất các vị trí trong dàn lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cho thời gian năm năm tới.
Tuy nhiên, về mặt hình thức thì đây mới chỉ là trình tự diễn ra tại Quốc hội khóa 14, vốn chuẩn bị mãn nhiệm. Do đó, việc bầu lại và tuyên thệ lại, theo dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng Năm tới, sau kỳ bầu cử quốc hội khóa mới, với kết quả đã được xác định từ trước.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Chính thề trung thành tuyệt đối với nhà nước và nhân dân.
Ông nói việc được bầu vào vị trí thủ tướng vừa là niềm vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao đối với bản thân ông.
Ông Phạm Minh Chính, sinh ngày 10/12/1958, quê Thanh Hóa, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.
Từ 2/2016 tới nay, ông giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Dày dạn trong ngành tình báo
Trước đó, ông từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ thấp đến cao trong ngành tình báo của Bộ Công an, trong đó có chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, chuyên trách mảng tình báo kinh tế - khoa học, công nghệ và môi trường.
Từ Bộ Công an, ông có một thời gian sang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, từ 1991 đến 1994.
Đây là giai đoạn sau khi chế độ cộng sản ở nước chủ nhà và khu vực Đông Âu tan rã, điều ban lãnh đạo Việt Nam cho đến nay vẫn cho là biến cố họ phải rút kinh nghiệm để bảo vệ chế độ.
Trong thời gian này, ông được thăng bậc, từ cán bộ lên Bí thư thứ ba, rồi Bí thư thứ hai của Sứ quán.
Sau đó, ông tiếp tục công tác tại Bộ Công an, với chức vụ cao nhất ông từng nắm ở Bộ này là thứ trưởng phụ trách lĩnh vực hậu cần - kỹ thuật, tài chính, khoa học, công nghệ, môi trường, từ cuối 2010 đến cuối 2011.
Lãnh đạo Quảng Ninh
Trước khi nắm vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, từ 2011 đến 2015.
Trong thời gian này, ông được biết đến với vai trò chính trong việc thúc đẩy việc xây dựng một trong ba Đặc Khu Kinh Tế và việc thông qua dự luật liên quan, điều sau này đã bị gác lại sau làn sóng biểu tình bài Trung Quốc mạnh mẽ của người dân trên toàn quốc hồi 2018.
Ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Việt Nam chưa từng giữ vị trí phó thủ tướng, kể từ thời "Đổi Mới" đến nay.
Hồi trung tuần tháng Giêng, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam từ Úc, nói với BBC rằng ông thấy ông Phạm Minh Chính "phù hợp với ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng".
Lý do, theo giáo sư Thayer, là bởi ông Chính dày dạn kinh nghiệm về công tác Đảng và trong ngành an ninh, hơn là trong mảng điều hành kinh tế:
"Ông Phạm Minh Chính đứng hàng thứ chín trong Bộ Chính trị, hai nấc trên ông Vương Đình Huệ, người đứng thứ mười một."
"Ông Chính có bề dày cả trong bộ máy đảng lẫn trong ngành an ninh. Ông là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh."
"Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Bộ Công an về hậu cần, kỹ thuật, tình báo và là Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng. Kinh nghiệm này hẳn sẽ phù hợp với ông trong ghế chủ tịch nước thay vì ghế thủ tướng."
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của BBC hồi cuối 1/2021, PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nhận xét rằng ông Phạm Minh Chính là người "có kinh nghiệm thực tế ở địa phương" qua thời gian công tác tại Quảng Ninh.
"Tỉnh Quảng Ninh vốn là tỉnh có mức thấp về mức cạnh tranh, nhưng sau khi ông Chính về làm lãnh đạo thì tỉnh đã có bước tiến vượt bậc và là một trong những tỉnh hàng đầu," TS Vũ Minh Khương nói.
"Cho đến nay, Quảng Ninh vẫn là một trong những điểm sáng về cải cách do có người lãnh đạo chọn đúng hướng đi. Có thể nói, ông Chính là người có tầm tư duy chiến lược và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đạt hiệu quả."
Trước khi ông Phạm Minh Chính tuyên thệ lên làm thủ tướng, hai vị trí khác trong dàn "Tứ Trụ" cũng đã được xác nhận và hoàn tất thủ tục nhậm chức, gồm ông Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước.
Vị trí được cho là nắm quyền tối cao trong hệ thống chính trị Việt Nam, chức tổng bí thư Đảng Cộng sản, tiếp tục do ông Nguyễn Phú Trọng nắm, sau kết quả bầu chọn trong kỳ Đại hội 13 của Đảng, hồi cuối tháng 1/2021.