18.06.2015

Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Liệt Nữ Yên Báy tại Little Saigon

(nhân tưởng niệm ngày tang Yên Báy, 13 vị anh hùng chống Pháp của Việt Nam Quốc Dân Đảng )
(và bài viết "Tưởng niệm Ngày Tang Yên Báy của Nguyễn Quý Đại)


Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Liệt Nữ Yên Báy tại Little Saigon





TƯỞNG NIỆM NGÀY TANG YÊN BÁI 17.6.1930

Cuối thế kỷ thứ 19 thực dân Pháp đô hộ Việt Nam từ năm (1884). Quân dân, sĩ phu Việt Nam liên tiếp nổi lên nhiều phong trào chống giặc giành chủ quyền. Các cuộc khởi nghĩa Văn Thân, Cần Vương đều thất bại nhưng không dập tắt được lòng yêu nước của người Việt Nam. Ðầu thế kỷ 20, các phong trào cách mạng rút được kinh nghiệm thất bại của hai phong trào trên nên thay đổi chiến thuật. Phong trào Ðông Du (1905-1908) của Phan Bội Châu (1867-†1940) được Tăng Bạt Hổ (1858-†1906) giúp đưa du học sinh sang Nhật Bản, nhằm đào tạo giới trẻ khi tốt nghiệp về canh tân đất nước, Phan Bội Châu chủ trương theo chế độ quân chủ, đồng thời nhờ Nhật giúp để đánh Tây..

Phong trào Duy Tân (1905-1908) Phan Châu Trinh chủ trương Khai Trí Dân Tộc, Tân Văn Hóa đề cao thuyết Dân Quyền, khuyến khích phát triển nông, thương nghiệp cổ động học chữ Quốc ngữ. Phong trào được phát động mạnh tại Quảng Nam và được lan rộng trên toàn quốc. Tại Hà Nội trường Ðông Kinh Nghĩa Thục được thành lập từ (1907-1908), các phong trào hoạt động chủ trương bất bạo động hoặc bạo động đều với mục đích cứu nước. Nhưng bị thực dân Pháp theo dõi và đàn áp, bắt các nhà cách mạng đày ra Côn đảo hay kết án tử hình. (hình ở San José)

Thực dân Pháp đặt ách thống trị tàn bạo tại Việt Nam, nhưng không thể tiêu diệt được lòng yêu nước của toàn dân Việt Nam tiếp tục chống Pháp để thoát khỏi vòng nô lệ. Noi gương các bậc tiền nhân từng bỏ xương máu giành lại độc lập suốt thời gian gần một ngàn năm bị Bắc Thuộc.

Cuộc khởi nghĩa ở Huế năm 1916 của Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương của Trần Cao Vân (1866-†1916) và Thái Phiên (1882-†1916) đời vua Duy Tân (1907-1916). Cuộc nổi dậy của Phan Xích Long ở Sài Gòn năm 1913, ở Thái Nguyên do Trịnh Văn Cấn (?-†1918) và Lương Ngọc Quyến (1890-†1917).

Chủ xướng Nam Ðồng Thư xã, năm 1926 Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) cùng nhau thành lập Nam Ðồng Thi Xã (NÐTX), lúc đầu chủ trương in sách viết về các nhà cánh mạng như Tôn Dật Tiên, Gandhi một thời gian bị cấm sách bị tịch thu, nhưng các nhân vật trong NÐTX tiếp tục hoạt động và vận động lập một đảng cách mạng. Cuối năm 1927 Hồ Văn Mịch (?-†1932) Nguyễn Thái Học (1901-†1930) gia nhập vào NÐTX chi bộ đầu tiên được thành lập. Nguyễn Thái Học được bầu làm chi bộ trưởng, tên là chi bộ Nam Ðồng Thư Xã. Hoạt động khắp nơi được nhiều người tham gia, số người gia nhập nhiều, cần mở rộng tổ chức. Nhân dịp lễ Giáng sinh thành phố Hà Nội náo nhiệt người vui chơi. Pháp khó kiểm soát tổ chức Ðại Hội Việt Nam Quốc Dân Ðảng, các đảng viên được triệu tập vào lúc 20 giờ ngày 25-12-1927 tại nhà ông Lê Thành Vị, làng Thể Giao, Hà Nội. Nhưng giữa buổi họp bị báo động có mật thám theo dõi, đại hội tạm thời giải tán và bí mật di chuyển đến chỗ khác và tái hội lại lúc 2 giờ 30 sáng ngày 26-12 ngay tại trụ sở Nam Ðồng Thư Xã. Ðại hội quyết định thành lập một Ðảng cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng

 Mục đích và tôn chỉ của đảng là làm cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên một nước Việt Nam Ðộc Lập Cộng Hòa, đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ đặc biệt các lân quốc Lào và Cao Miên“  (Hoàng Ðào sđd tr.33)

Hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Ðảng giống như cách thức của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng mỗi chi bộ 19 người, đại biểu chi bộ họp thành tỉnh bộ, đại biểu tỉnh bộ họp thành Kỳ bộ Tờ báo Hồn Cách Mạng phát hành hạn chế và bí mật đến năm 1929 ngưng hẳn. VNQDÐ tổ chức đại hội bầu ban chấp hành tổng bộ nhiệm kỳ 2 ngày 1-7-1928 tại nhà Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm Hà nội vì theo điều lệ sáu tháng bầu một lần. (Phạm Văn Sơn sđd tr.149.).

Nguyễn Thái Học tái đắc cử Nguyễn Thế Nghiệp và Ðặng Ðình Ðiển không giữ chức vụ trong ban chấp hành lo nhiệm vụ khác (Nguyễn Thế Nghiệp vào Sàigon xuất bản tạp chí Revue Economique hoạt động liên lạc và phát triển VNQDÐ. Ðặng Ðình Ðiển vào Huế tháng 10-1928 liên lạc với Phan Bội Châu thời gian nầy được an trí tại Huế. Mời Phan Bội Châu giữ chức „Chủ tịch Danh dự VNQDГ Cụ Phan nhận lời hổ trợ tinh thần nầy chứng tỏ ông đồng ý với đường lối hoạt động của VNQDÐ chủ trương giải phóng dân tộc ra khỏi nô lệ. Trong vòng vài năm VNQDÐ. Phát triển mạnh mẽ khắp Bắc-Nam-Trung. Theo tài liệu của sở mật thám Pháp viết VNQDÐ thành lập được 120 chi bộ và hơn 1500 Ðảng viên (có thể do sự phát triển nhiều đảng viên, không kiểm soát được hoạt động các đảng viên, thiếu huấn luyện học tập, nên một số ít người  phản đảng làm tay sai cho thực dân).

Đại hội toàn quốc lần thứ 3 ngày 09-12-1928 lần nầy bầu ra ba cơ quan độc lập: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Nguyễn Khắc Nhu làm chủ tịch và phó chủ tịch lập pháp. Nguyễn Thế Nghiệp và Lê Xuân Hy làm chủ tịch và phó chủ tịch hành pháp, ban tư pháp chưa được bầu. Sau khi đại hội kết thúc quyết định mở rộng hoạt động về ngoại giao liên lạc để kết hợp với các đảng cách mạng khác, được sự đoàn kết gây sức mạnh hơn, gởi người sang Trung Hoa Nhật Bản hoạt động.

Các chi bộ tại Sài Gòn có Ðỗ Xuân Viên, Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Phương Thảo, Võ Công Tôn, Nguyễn Hiền Lương, Cao Hữu Tạo, Phạm Xuân Việt, Hà Thuận Hồng và các chi bộ tại miền Ðông và miền Tây Nam Kỳ, trong đó có nhiều người được võ trang vũ khí. Tại Bắc Kỳ sinh hoạt kín đáo phát triển đảng viên. Tên trùm René Bazin tổ chức mộ phu, đi làm nô lệ bị bóc lột và hành hạ rất tàn nhẩn. Bazin mướn bồi bút làm thơ để dụ dân quê đi làm đồn điền cao su

 Bà con ơi! Bà con ơi!
 Cao su sống thật là nhàn
Vào đây có xóm có làng hẳn hoi...                        
 Nhà tôn nhà ngói lại nhà lầu
 Tất cả mọi thứ nhu cầu
 Chủ nhân bán rẻ ai mà chẳng ham
 Tội chi ôm lấy xóm làng
 Mau mau một chuyến vào Nam xem nào! “

Nhiều người bị lường gạt gây thêm lòng phẩn nộ, trước trình trạng nầy đảng viên VNQDÐ cử Nguyễn Văn Viên trình bày lại ý kiến yêu cầu xử tử tên Bazin, với các nhà lãnh đạo Tổng đảng bộ. Nguyễn Thái Học không đồng ý nếu giết Bazin, thực dân Pháp truy lùng tất cả các đảng viên và tổ chức sẽ tan rã (rút kinh nghiệm trong phong trào xin xâu kháng thuế năm 1908 tại Trung Kỳ và vụ đầu độc quân đội Pháp tại Hà Nội Pháp bắt bỏ tù và tử hình).

Nguyễn Thái Học yêu cầu các đảng viên bình tĩnh chờ đợi cơ hội lật đổ chính quyền trước, lúc đó bắt Bazin tử hình không muộn. Trong khi đó Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội rải truyền đơn chống việc buôn bán nô lệ của Bazin, để cạnh tranh hoạt động gây niềm tin phát triển đảng viên. Nguyễn Văn Viên nóng lòng dù đề nghị với Tổng bộ bị từ chối, nhưng ông ta tự ý cùng Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Ðức Lung (Ký Cao) theo dõi Réne Bazin. Vào 20 giờ tối ngày 30 tết tức 09.2.1929 Réne Bazin ở số 110 phố Huế, chợ Hôm Hà Nội. Nguyễn Văn Viên ra lệnh Nguyễn Ðức Lung đến trao cho Bazin phong thư, trong đựng bản án tử hình, ngoài bì đề tên hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Lân tiến đến bắn hai phát súng kết liểu tên trùm buôn bán phu thợ (Hoàng Ðào sđd tr.55-56)

Bazin bị ám sát sau đó thực dân và tay sai truy lùng các đảng Cách Mạng Việt Nam. Máu của đảng viên VNQDÐ đổ ra, bước đường cùng phải phản công chống thực dân. Ngày 17.2.1929 sở mật thám Pháp được các người chỉ điểm bắt khoảng 227 đảng viên VNQDÐ. Hội đồng đề hình quyết xét xử công khai lần đầu ngày 2.7.1929; 149 người được thả còn 78 người phải ra tòa bị kết án tử hình, bị đày ra Côn đảo hay các ngục tù ở thượng du Bắc Việt.

Tổng bộ Nguyễn Thái Học thoát được và sau đó ra lệnh thanh trừng các phần tử phản bội làm tay sai cho Pháp như: Nguyễn Văn Kinh, Phạm Thành Dương, Nguyễn Văn Ngọc. Theo điều lệ mới về tổ chức cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng là „Tổng Bộ Chiến Tranh.“ Chương trình hành động trở nên gấp rút, phải tổng khởi nghĩa trong thời gian tới, ra lệnh cấp tốc chế tạo thêm vũ khí, tạc đạn, bom. Nhưng thiếu chuyên viên chế tạo, bất cẩn gây tại nạn phát nổ, mục tiêu bị bại lộ theo thống kê của Pháp từ cuối tháng 10.1929 đến 01.1930 khám phá được 70 địa điểm chôn dấu vũ khí quân nhu trên các tỉnh ở phía Bắc.

Ngày 26-01-1930 tại Võng La một cuộc đại hội bí mật triệu tập khoảng 20 đại biểu tham dự Ðảng trưởng Nguyễn Thái Học tuyên báo: người ta bảo cần phải đứng trước ở chỗ không thua, nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng liệu chúng ta hãy hoãn để tổ chức lại rồi mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được! Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước chúng ta không thành công thì thành nhân có gì mà ngần ngại. (Hoàng Ðào sđd 68-70)

Cuộc họp sôi nổi nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Nguyễn Khắc Nhu đứng dậy nói bằng giọng đanh thép: Hiện tình đang khẩn trương lắm.Tôi thấy bọn thực dân và bọn Việt gian đang đẩy chúng ta đến thế chân tường rồi. Chúng ta chỉ còn chọn lấy hai tư thế hoặc ngồi trong bóng tối chờ chúng đến còng tay tống vào Hỏa Lò, đày ra Côn Lôn hoặc vùng lên đánh chúng để cướp lấy thời cơ. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Nguyễn Thái Học là phải đánh phải đánh (Nguyễn Thái Học tác giả Lê Minh Quốc sđd tr 81)

MNTH Ðại hội được đa số đồng ý tổng khởi nghĩa, bàn thảo kế hoạch thực hiện ở Hưng Yên, Lâm Thao, Phú Thọ và Yên Bái. Những tỉnh trung du do Nguyễn khắc Nhu chỉ huy, Các tỉnh đồng bằng Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Ðáp Cầu, Phả Lại do Nguyễn Thái Học chỉ huy. Riêng Sơn Tây do Phó Ðức Chính phụ trách, tại Hà Nội do Ðặng Trần Nghiệp tức Ký Con phụ trách đoàn quân cảm tử cầm chân quân Pháp. Ngày khởi nghĩa được chọn là tối mồng 09.02 rạng ngày10.02.1930 tức mồng một Tết âm lịch. Tấn công Yên Bái do Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang) Nguyễn Nhật Thân, Ngô hải Hoằng (Cai Hoằng) chỉ huy và hai nữ đồng chí Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang tiếp tế vũ khí. Số đảng viên tham chiến khoảng 300 người. Giết được đại úy Jourdain trung úy Robert bốn trung sĩ Pháp. Ðến sáng máy bay Pháp tham chiến nén bom nên phải rút lui để bảo tồn lực lượng.

Chuẩn bị đánh Sơn Tây sau khi thất bại ở Yên Bái, Phó Ðức Chính trốn về Sơn Tây cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi ngày 13.02.1930 họp nhau tại nhà Quản Trạng bị lộ mục tiêu Pháp tấn công bắt tất cả. Tấn công Hưng Hóa và Lâm Thao do Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy, lúc 1 giờ sáng 11.02.1930, nhưng Pháp được báo động trước không thể tấn công đồn Hưng Hóa, đổi sang đánh phủ Lâm Thao, quân Pháp được tiếp viện, Nguyễn Khắc Nhu bị thương tự sát bị thương nặng chưa chết bị bắt sau đó tự tử lần thứ 2 chết trong nhà tù Hưng Hóa.

Tại Hà Nội không có cuộc tấn công nào, nhưng Ðặng Trần Nghiệp (Ký con) và số đảng viên cắt đường dây điện thoại, ném bom vào một số cơ sở Pháp. Ngày 16.02 Pháp cho phi cơ tới ném 57 trái bom tiêu hủy làng Cổ An. Ngoài ra Pháp mở các cuộc hành quân đốt phá các làng mạc nghi ngờ có sự hoạt động của Việt Nam QDÐ. Cuộc tổng khởi nghĩa tạm chấn dứt. Trong dân gian truyền tụng bài thơ, cho rằng đó là sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

 Kìa kìa gió thổi lá rung cây
 Rung Bắc rung Nam rung tới Tây
 Tan tác kiến kiều an đất nước
 Xác xơ cổ thụ sạch am cây
 Lâm giang nổi gió mù thao cát
 Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy
 Một ngựa một yên ai sùng bái
 Nhắn tin nhà vĩnh bảo cho hay

Thực dân và tay sai truy lùng, nhiều đảng viên khuyên Nguyễn Thái Học nên ra nước ngoài một thời gian, làm ngoại giao có lợi cho Ðảng để có ngày phục hưng lại phong trào, nhưng Nguyễn Thái Học đã nói :

Anh hùng tự cổ nan vi phụ
Hào kiệt hà nhân cánh cổ gia

Ðể xúc tiến việc cải tổ và xây dựng lại đảng tại làng Thôn Trụ, huyện Lương Tài từ ngày 14 đến 19.02.1930. Sau khi bế mạc hội nghị, các đồng chí đề nghị Nguyễn Thái Học đi về bằng đường thủy, có hộ tống an toàn hơn nhưng công việc gấp đi đường thủy chậm. Anh đi đường bộ ngày 20.02.1930. cùng người cận vệ giỏi vỏ nghệ tên là Sư Trạch quê Hải Dương, đi ngang Chí Linh qua lãnh vực đồn điền Cổ Vịt của tên thực dân Klieber. Chẳng may bị phát giác đối đầu với bọn tuần phu Nguyễn Thái Học bị bắn ở chân không thể chạy thoát, bị bắt đưa đến tòa sứ tỉnh Hải Dương để nhận dạng sau đó đưa về giam ở Hỏa Lò Hà Nội.

Các phiên tòa của Hội đồng Ðề hình xét xử liên tục. Khoảng 1000 đảng viên VNQDÐ bị bắt và kết án 35 tử hình; 145 khổ sai chung thân, 20 năm tù cấm cố. Ngoài ra còn số người đã hy sinh qua các cuộc tấn công, và bị tra tấn chết trong tù hoặc tự tử. Ngày 24.03.1930 Hội đồng Ðề hình tuyên án thêm 39 tử hình, 33 khổ sai chung thân, 9 khổ sai 20 năm, 5 người bị đi đày.
Máu của đảng viên VNQDÐ đổ ra cho Tự Do Ðộc Lập Việt Nam. Làm sáng ngời tuổi trẻ Việt Nam lúc bấy giờ dù trưởng thành trong chế độ, nhưng không bao giờ chịu sống dưới kiếp nô lệ. Nguyễn Thái Học nhận tất cả trách nhiệm qua cuộc khởi nghĩa xin tha mạng cho những người khác. Chấp nhận bản án tử hình và viết thư gởi cho Hạ viện Pháp nêu những quan điểm của người công dân yêu nước Việt Nam:

Người Pháp không hề có thực lòng với người Việt, và tôi chẳng giúp ích được gì cho Tổ Quốc tôi, đồng bào, dân tộc tôi cả, trừ khi là đuổi người Pháp ra khỏi nước tôi. Bởi vậy năm 1927, tôi bắt đầu tổ chức một Ðảng Cách Mạng, lấy tên là VNQDÐ, mục đích là đánh đổ và lập nên chính phủ Cộng Hòa Việt Nam, gồm những người thật lòng tha thiết đến hạnh phúc của quần chúng. 

Bản án trên được hội đồng đề hình cho Tổng thống Pháp Gaston Doumergue giảm án tử hình từ 39 người bị kết án như đã đề nghị; 26 người ra khổ sai chung thân, chỉ còn lại 13 người y án tử hình. Chiều ngày 16.06.1930 mười ba tử tù được rời hỏa lò Hà Nội chuyển lên Yên Bái, Nguyễn Thái Học vừa đi vừa nói: Chúng tôi đi trả nợ nước đây. Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi kính chào các anh ở lại.

Trên đường đi Nguyễn Thái Học vui vẽ không lo sợ trước máy chém đang chờ Anh vẫn ngâm bài thơ Pháp văn nói lên lòng yêu nước, chết cho Tổ quốc đó là số phận đẹp đẽ nhất..

    Mourir pour sa patrie
    C’ est le sort le plus beau
    Le plus digne  d’ envie...

 Lúc 5 giờ sáng 17.06.1930 cùng với 12 đồng chí lên đoạn đầu đài .Nguyễn Thái Học người thứ 13, bị chém đều hô Việt nam Vạn tuế! Quan tài của 13 Anh Hùng nầy mai táng dưới chân đồi, bên cạnh đền thờ Trần Quán, cách ga Yên Bái độ một km. Ngày hôm sau 18.06.1930 tại ngã ba Bồ Ðề, chỗ rẽ vào làng Phù Tang người vợ của Nguyễn Thái Học chị Nguyễn Thị Giang(?-1930) về thăm thân mẫu Nguyễn Thái Học xong, làm bài thơ trước khi dùng súng lục tự sát, trong lúc chị mang thai được mấy tháng, chị không muốn giặc Pháp bắt làm nhục, người chị ruột là Nguyễn thị Bắc cũng hy sinh cao cả, không khác gì hai Bà Trưng để lại nét son hào hùng của nữ nhi nước Việt. Nguyễn thị Giang lưu lại bài thơ tuyệt mạng

Thân không giúp ích cho đời
Thù không trã được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh    
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết bao?
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây
Dẫu rằng chút phận thơ ngây.
Số đồng chí đã có ngày ghi tên
Chết chi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình.
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ
Cực lòng lỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa xót xa
Thế ru? Ðời thế ru mà?
Ðời mà ai biết, người mà ai hay.   

Cuộc tổng nổi dậy của VNQDÐ thất bại bị đàn áp tàn bạo hàng trăm người giết, hàng ngàn người bị tù đày, Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên đoạn đầu đài, nhưng vụ án Yên Bái khơi động lòng yêu nước, đốt sáng ngọn lửa đấu tranh của toàn dân Việt Nam trên khắp nẻo đường đất nước. Rất làm tiếc sinh hoạt của VNQDÐ không đoàn kết, trước 1975 tại miền Nam chia quá nhiều hệ phái! nhiều nhóm lợi dụng VNQDĐ để mưu cầu quyền lợi các nhân, xôi thịt đón gió… Bỏ nước ra đi 40 năm qua, VNQDĐ cũng tiếp tục bị phân hóa trầm trọng, những đảng viên lão thành đã ra đi về bên kia thế giới! vấn đề Đảng Tôn, Đảng Tử chỉ theo  lý thuyết ai là người có uy tín để lãnh đạo? Trong quốc nội chỉ có độc đảng là đảng CSVN.

Tưởng niệm ngày tang Yên Bái 19.6 hàng năm là ngày lễ chung cho toàn dân trong và ngoài nước. Chúng ta cùng đốt nén nhang để tưởng niệm 13 liệt sĩ  Yên Bái và anh hùng vô danh đã hy sinh vì Đại Nghiã Dân Tộc, chống giặc bảo vệ quê hương. Ngày nay bọn giặc Tàu chiếm biên giới (Bản giốc), Hoàng Sa Trường Sa biển đảo của Việt Nam, toàn dân phải đoàn kết thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm, chống độc tài bán nước. Xin đừng thờ ơ với hiện tình đất nước, đừng để những người tham gia biểu tình chống Tàu cô đơn bị đàn áp, đánh đập bỏ tù…bị lãng quên!

Nguyễn Quý Đại

13 Liệt Sĩ: Nguyễn Thái Học, Bùi Tử Tuần, Bùi văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn Sứ, Bùi văn Cửu, Nguyễn Nhu Liên, Phó Ðức Chính
    Tài liệu Tham Khảo: hình trên internet
    -Những ngày chưa quên của Ðoàn Thêm và Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim)
    -Bộ Quân sử QLNVCH
    -Những kỳ án trong lịch sử tác giả Trần Gia Phụng NxB Non nước Toronto
    -Việt Nam quôc Dân Ðảng tác giả Hoàng văn Ðào NxB Sàigon
    -Nguyễn Thái Học tác giả lê Minh quốc NxB Văn Nghệ