Ngày 24.11
Tòa trọng tài thường trực The Hague (PCA) bắt đầu phiên điều trần đầu tiên về
những khiếu nại của Phi Luật Tân trước tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung cộng
tại biển Đông.
Quốc kỳ Phi Luật Tân bay trên boong
tàu Sierra Madre của hải quân Phi – Ảnh: Reuters
Theo Guardian, Phi Luật Tân kiện bác bỏ đòi hỏi chủ
quyền “đường lưỡi bò” vô lý của Trung cộng trên biển Đông – khu vực Bắc Kinh đã
và đang xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo và các đường băng, đồn trú quân sự
phi pháp.
Tháng trước Hoa Kỳ đã làm nóng dư luận về vấn đề liên
quan khi đưa tàu khu trục USS tuần tra trong khu vực bán kính 12 hải lý xung
quanh hai đảo nhân tạo do Trung cộng bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Phía Trung cộng phản ứng gay gắt và cáo buộc Mỹ đã gây “những hành động khiêu
khích”.
Bắc Kinh tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của
Tòa trọng tài thường trực The Hague do Liên Hợp Quốc lập ra để giải quyết những
tranh chấp lãnh hải sau khi Phi Luật Tân khởi kiện Trung cộng.
Trung cộng tuyên bố “Họ sẽ không chấp nhận cũng như
không tham gia phiên tòa do phía Phi Luật Tân đơn phương khởi xướng”.
Tuy nhiên hồi tháng 10 Tòa trọng tài thường trực khẳng
định: “Cả Phi
Luật Tân và Trung Hoa lục địa đều là các bên tham gia công ước LHQ về luật biển
và phải tuân thủ những điều khoản quy định của công ước này trong việc giải
quyết những bất đồng”.
Tòa trọng tài thường trực The Hague cũng khẳng định
việc Trung cộng không chịu tham gia phiên tòa này cũng sẽ không ảnh hưởng tới
tính hợp pháp của nó và việc Phi Luật Tân đơn phương khởi xướng phiên tòa này
cũng không ảnh hưởng gì tới các quy trình giải quyết những tranh chấp của công
ước.
Phiên điều trần tại Tòa trọng tài thường trực The
Hague dự kiến kéo dài một tuần, bắt đầu từ hôm nay 24-11. Mặc dù phiên tòa
không mở rộng cho công luận nhưng các đại diện của Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam,
Thái Lan và Nhật Bản đều được phép tham dự.