25.11.2015

Tin tổng hợp về Trung cộng và biển Đông

Tin tổng hợp về Trung cộng và biển Đông 

Tại Thượng đỉnh Đông Á, Trung cộng bị chỉ trích về Biển Đông

Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Park Geun Hye và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại thượng đỉnh ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung cộng và Đại Hàn).AFP PHOTO / MOHD RASFAN

Theo trang mạng báo Japan News ngày 24.11.2015, tại Thượng đỉnh Đông Á vừa diễn ra Kuala Lumpur ngày 22/11, nhiều nước trên quan điểm bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải đã lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Trung cộng bồi đắp xây đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông.


Trước làn sóng chỉ trích của các nước, Trung cộng biện minh rằng việc cải tạo đảo của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Theo ghi nhận của The Japan News, lãnh đạo nhiều nước kêu gọi các bên liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông hãy kiềm chế, không có những hành động có thể làm căng thẳng leo thang.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Thủ tướng Nga Medvedev và lãnh đạo một số nước được cho là có quan hệ chặt chẽ với Hoa lục như Lào và Cam Bốt đã không đề cập đến hồ sơ Biển Đông.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường, trong phát biểu tại hội nghị, đã lặp lại rằng « không có vấn đề tự do hàng hải hay hàng không ở trên Biển Đông » và việc xây dựng các cơ sở trên các đảo nhân tạo là « cần thiết để bảo vệ tự do lưu thông hàng hải và xử lý các tai họa trên biển».

«Đề nghị năm điểm » của Trung cộng đưa ra về Biển Đông và kêu gọi các nước bên ngoài khu vực không nên can dự vào, để không gây thêm căng thẳng. Tuy nhiên, không có nước nào chấp nhận các đề xuất của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh đến « ba nguyên tắc của Luật biển », theo đó các nước phải tránh sử dụng vũ lực hay áp chế để giải quyết tranh chấp.

The Japan News dẫn nguồn tin tham dự hội nghị cho biết, để soạn thảo tuyên bố chung của Thượng đỉnh, hai đoàn Mỹ và Trung cộng đã tranh cãi nhau rất gay gắt về nội dung ghi trong văn kiện.

Hoa Kỳ muốn ghi vào tuyên bố chung nội dung « phi quân sự hóa » Biển Đông nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc triển khai các cơ sở quân sự trên các đảo mà họ đã bồi đắp. Phía Trung Quốc đã kiên quyết phản đối dùng từ « phi quân sự hóa ».

Bị Phi Luật Tân kiện ra tòa án quốc tế, Bắc Kinh gia tăng sức ép chia rẽ nội bộ ASEAN và nhiều lần thành công loại Biển Đông ra khỏi các chương trình nghị sự hội nghị khu vực, với sự góp sức của một số thành viên. 

Trung cộng gởi tàu vận tải lớn đến Hoàng Sa

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.  hoangsa.org

Theo báo mạng Hong Kong Free Press, hải quân Trung cộng vừa được trang bị một tàu vận tải quân sự mang số hiệu GY820. Như tên gọi, tàu yểm trợ này trực thuộc quân khu Quảng Châu, có chiều dài 90 mét, trọng tải 2.700 tấn. Tàu này đã được đưa vào hoạt động từ ngày 23.11.2015. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh gia tăng củng cố những vùng đảo đã chiếm được tại Biển Đông, duy trì một lực lượng thường trú, bố trí đơn vị tiền phương ở các đảo khác trong vùng tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á.

Nhiệm vụ của GY820 là vận chuyển tiếp liệu cho căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm, mà Trung cộng đặt tên là Vĩnh Hưng, sau khi đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tháng Giêng năm 1974.

Năm 2012, sau khi đánh chiếm thêm một số đảo của Việt Nam và của Phi Luật Tân trong quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đặt tên khu vực Biển Đông này là Tam Sa. Trung cộng cũng liên tục xây dựng, củng cố căn cứ quân sự, hải cảng và phi trường để khống chế toàn bộ Biển Đông mà Tập Cận Bình gọi là « thuộc chủ quyền từ thời Cổ đại và không thể tranh cãi của Trung Quốc ». Theo báo cáo chính thức của Trung cộng , "cư dân" của huyện Tam Sa hiện nay là 1.443 người.

Biển Đông : Trung cộng lại bác bỏ thẩm quyền của tòa án quốc tế

Bắc Kinh vào ngày 24.11.2015, lại tái khẳng định lập trường « không chấp nhận » phán xét của tòa án quốc về tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố bác bỏ này được đưa ra vào lúc Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) chuẩn bị tiếp tục nghe điều trần về vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng từ hôm nay cho đến cuối tháng.

Nhân buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, một lần nữa đã lập lại : « Quan điểm của chúng tôi rất rõ : Không tham gia hay chấp thuận việc phán xét này »

Trung cộng tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á, từ Việt Nam, Phi Luật Tân cho đến Mã Lai, Brunei. Vấn đề là Bắc Kinh luôn luôn duy trì thái độ mập mờ về các yêu sách chủ quyền rộng khắp của họ.

Trước các hành động càng lúc càng hung bạo của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển đảo, Manila đã yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye phán xét về cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung cộng cũng đã ký kết.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã tẩy chay tiến trình tranh tụng, với lập luận là Tòa án Trọng tài không có thẩm quyền trên hồ sơ Biển Đông, điều đã bị định chế tư pháp quốc tế bác bỏ trong một phán quyết gần đây, khi tiếp tục xúc tiến các cuộc điều trần về đơn Phi Luật Tân kiện Trung cộng.
Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye sẽ mở một cuộc điều trần mới từ ngày 24.11 đến ngày 30.11, để tiếp tục nghe lập luận các bên liên quan trong vụ Philipines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.


Tin tổng hợp