31.05.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 31.05.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 31.05.2016)

'Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh trong tranh chấp Biển Đông' 

Cựu Thủ tướng Tân Gia Ba Goh Chok Tong.

Tờ Nikkei Asian Review hôm nay dẫn lời cựu Thủ tướng Tân Gia Ba Goh Chok Tong nói sự trỗi dậy của Trung cộng đang làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Á và điều đó thể hiện rõ nhất tại Biển Đông.

Lên tiếng trong một bài phát biểu hôm nay, 30/5 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 22 về Tương lai Châu Á diễn ra ở Tokyo, ông Goh Chok Tong nói các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nước tranh giành lãnh hải, nhưng theo lời ông, không thể nào giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ bằng lập luận "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh".


Hội nghị bàn về tương lai của Châu Á, do tờ Nikkei tổ chức, sẽ kéo dài tới ngày 31.05.
Ông Goh - từng làm thủ Tướng Tân Gia Ba trong 14 năm, còn đề cập tới các công trình lấp biển xây đảo quy mô do Trung cộng thực hiện tại Biển Đông, kể cả xây phi đạo, bến cảng, và bố trí các khí tài quân sự. Ông cảnh báo rằng “hậu quả cuối cùng có thể là một Biển Đông bị quân sự hoá nhiều hơn”.

Nhà lãnh đạo lão thành của Tân Gia Ba khuyến cáo rằng ranh giới giữa các chính sách đối nội và đối ngoại đã bị lu mờ, và cho rằng khích động chủ nghĩa dân tộc có thể tăng khả năng xung đột trên Biển Đông. Ông khẳng định nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gọi tắt là UNCLOS.

Về bức tranh toàn cảnh, ông Goh nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong tương lai có thể trông thấy được. Nhưng giữa lúc Trung cộng đang tăng tầm ảnh hưởng và trở nên tự tin hơn, các nước “sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh.”
Ông Goh nói sự cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng không một nước nào muốn phải chọn ngả về bất cứ bên nào.

Ông kết luận rằng ổn định khu vực tại Á Châu sẽ tuỳ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói khu vực này đủ rộng lớn để tất cả các cường quốc lớn đều có thể sống chung, kể cả Nhật Bản, và do đó tất cả các bên liên hệ nên sống chung hoà bình và giải quyết các vấn đề một cách xây dựng, và đừng để cho căng thẳng leo thang.

Trung cộng chưa gì đã tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của toà án quốc tế, làm dấy lên lo sợ về nguy cơ sẽ có đụng độ giữa máy bay Trung cộng và Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ do những tính toán sai lầm, và bất chấp phán quyết của toà án La Haye, Trung cộng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thêm trên các đảo và bãi đá trên tuyến hàng hải thương mại quốc tế quan trọng ở khu vực để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này.

Theo Nikkei Asian Review, Ibtimes. (VOA)

Việt-Hoa : Quan hệ thăng trầm giữa hai đối thủ

Bản đồ đường 9 đoạn, theo đó Trung cộng đòig chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Những yêu sách chủ quyền và hành động bồi đắp từ hai năm nay của Trung cộng trong quần đảo Hoàng Sa đã kích động thêm mối quan hệ đã rất căng thẳng giữa hai đối thủ lịch sử. Đây là nhận định của đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Hà Nội, trong bài phân tích : « Căng thẳng lại bùng lên giữa Việt Nam và Trung cộng », được đăng trên phụ trang « Địa-Chính trị ».

Tác giả bài báo đánh giá, giữa hai quốc gia láng giềng này là một quá khứ đan xen giữa chiến tranh và hòa bình, có một nền lịch sử được bồi đắp từ mối quan hệ gần gũi về mặt văn hóa và hiểu rõ nhau. Nhưng mối quan hệ này cũng được đánh dấu bằng những nghi ngờ và thù hận.

Sự kiện Tổng công ty Dầu khí Trung cộng CNOOC đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng biển có tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 05/2014 là một bước ngoặt cho mối quan hệ đã đầy căng thẳng, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Nguyễn Ngọc Trường, hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Phát Triển Quan Hệ Quốc Tế.

Trả lời phóng viên Le Monde, ông Trần Trường Thủy, giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho biết : « Việt Nam có ba ưu tiên. Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tiếp theo là duy trì một môi trường hòa bình và cuối cùng là khai thác các nguồn tài nguyên ». Ngoài ra, ông cũng khẳng định : « Từ thời nhà Nguyễn (được thành lập năm 1802), nhiều đại sự được vua cử đến nắm bắt thực địa. Họ đã cho xây dựng đền chùa và dựng các cột mốc với hàng chữ : Đây thuộc chủ quyền Việt Nam ! Dân chài thường xuyên đến đây cư ngụ vài tháng mỗi năm, từ tháng Tư đến tháng Tám ».

Thậm chí, giai đoạn thuộc địa Pháp cũng được nhắc đến để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các hòn đảo này. Theo tiến sĩ Trần Công Trục, « Hòa ước Giáp Thân 1884 được ký kết giữa triều đình Huế và người Pháp còn quy định rằng nước Pháp đảm bảo chủ quyền của Việt Nam, trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ».

Sau đó, trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, người Pháp đã cho xây dựng các ngọn hải đăng, một trạm phát sóng và một trạm khí tượng. Những bằng chứng bổ sung này cho phép khẳng định chủ quyền chính đáng của Hà Nội đối với các hòn đảo này.

Thế nhưng, từ năm 1974, Việt Nam bị mất quyền kiểm soát tại quần đảo Hoàng Sa, lúc đó thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam, sau cuộc tấn công của một biệt đội hải quân Trung cộng. Năm 1988, hải quân Việt Nam và Trung cộng một lần nữa lại đối đầu nhau trong trận hải chiến đẫm máu tại Trường Sa. Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát 21 đảo nhỏ tại Trường Sa, trong đó có khoảng 10 hòn đảo có dân và quân sinh sống.

Phía Việt Nam thiết lập một chiến lược giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên nhiều mặt. Theo giám đốc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, « Trước hết, phải sử dụng nỗ lực ngoại giao, tiếp theo là phản đối một cách ôn hòa nhằm giải thích cách thức Trung cộng vi phạm luật lệ quốc tế và cuối cùng là các yếu tố quân sự và quốc tế, như hiện đại hóa không quân và hải quân cũng như là hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm hình thành một mặt trận chung để đảm bảo quyền tự do lưu thông hàng hải ». Ông nói thêm : « Chắc chắn là chúng tôi sẽ không lấy lại được Hoàng Sa ».

Biển Đông : Bắc Kinh bành trướng ngoài khơi

Vẫn trên phụ trang « Địa-Chính trị », một đặc phái viên khác của Le Monde đã đến đảo Pag-Asa (còn gọi là đảo Thị Tứ), mà tác giả bài báo viết là thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân. Từ đây, nhà báo của Le Monde chứng kiến việc « Bắc Kinh đang bành trướng ngoài khơi Biển Đông ».

Đảo Pag-Asa (đảo « Hy vọng » theo tiếng Phi Luật Tân) thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều tiền đồn của Việt Nam và Mã Lai. Đài Loan cũng chiếm hòn đảo Ba Bình (Itu Aba), nằm cách phía nam đảo Pag-Asa chừng 1.500 km. Ngược lại, Trung cộng không hề sở hữu một hòn đảo nào có thể sử dụng được trong quần đảo Trường Sa. Tính đến nay, Bắc Kinh mới chỉ có một hàng không mẫu hạm và còn chưa được đưa vào hoạt động thật sự.

Thế nhưng, Biển Đông là một kho báu trong mắt người Trung cộng. Vùng biển này có thể nuôi sống quốc gia đông dân nhất hành tinh. Ngoài ra, còn phải kể đến lượng tài nguyên khổng lồ, được ước tính tương đương với 11 tỉ thùng dầu thô, cùng với lượng khí tự nhiên. Một nửa trữ lượng tài nguyên này có thể nằm dưới khu vực Reed Bank (gồm Reed Tablemount và Southern Reefs), chỉ cách đảo Palawan của Phi Luật Tân khoảng 260 km, có nghĩa là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Năm 2009, Trung cộng trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ "chín đoạn" (còn gọi là bản đồ "Đường lưỡi bò") chiếm tới 90% vùng Biển Đông. Ba năm sau, tháng 04/2012, lực lượng hải cảnh của Phi Luật Tân phát hiện 8 tầu đánh cá của Trung cộng hoạt động trong bãi cạn Scarborough, nằm cách cảng Trung cộng nơi họ neo đậu đến 870 km, trong khi chỉ cách đảo lớn nhất của Phi Luật Tân có 240 km. Trong khi hải cảnh Phi Luật Tân chuẩn bị bắt giữ các tầu đánh cá trái phép thì họ bị chính hải cảnh Trung cộng ngăn chặn do Trung cộng đang kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Manila nhận thấy lực lượng quân sự của họ quá thiếu thốn. Từ một nửa thế kỷ nay, Phi Luật Tân không mua chiến đấu cơ và vì nhiều chiếc hoạt động không hiệu quả, nên họ đã phải đặt hàng khẩn cấp 12 chiếc từ Hàn Quốc, trong đó hai chiếc đầu tiên đã được giao vào tháng 11/2015.

Sau khi đóng cửa các căn cứ quân sự mà Phi Luật Tân cho Mỹ mượn để oanh kích Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, vào tháng 03/2016, Manila đã chấp nhận mở cửa trở lại 5 căn cứ cho quân đội Hoa Kỳ. Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ dường như chưa thuyết phục được thị trưởng hòn đảo Pag-Asa. Ông tự hỏi : « Liệu Hoa Kỳ có dám gây xung đột với Trung cộng chỉ vì một hòn đảo rộng 37 héc ta hay không ? »

Thu Hằng (RFI)


Lào ngả về Trung cộng trong tranh chấp Biển Đông

Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith.

Thủ Tướng Lào kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông, và như vậy là ủng hộ lập trường bấy lâu nay của Trung cộng về vấn đề này.
Báo Nikkei của Nhật Bản hôm 29/5 tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi vừa kể trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy.
Tờ báo nói rằng khi đưa ra lời kêu gọi ấy, ông Thongloun “rõ ràng muốn nhắm đến Phi Luật Tân và Việt Nam”, hai nước đối đầu mạnh mẽ nhất trước yêu sách của Trung cộng đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, và trong nhiều trường hợp, vi phạm khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước này.
Asia Nikkei Review dẫn lời ông Thongloun nói :“Trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ dồn mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại tích cực giữa các nước liên quan.” Ông nói Lào sẽ kêu gọi các nước tự chế, đừng đưa ra thêm bất cứ hành động nào có thể làm tăng thêm căng thẳng.
Mới đây Trung cộng đã tăng cường các nỗ lực để chiêu dụ nhiều nước nhỏ ở Châu Á và Châu Phi ngả theo quan điểm của họ về cuộc tranh chấp Biển Đông. Với mục đích đó, Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình về mặt kinh tế.
Ngoài Lào, Campuchia và Senegal mới đây cũng lên tiếng hậu thuẫn hướng giải quyết tranh chấp của Bắc Kinh, kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tuyên bố chủ quyền mà thôi.
10 nước ASEAN cũng chia rẽ về vấn đề có nên công bố một bản tuyên bố chung hay không. Tân Gia Ba ủng hộ đề nghị đó, trong khi nhiều nước, trong đó có Campuchia, chống đối đề nghị này.
Campuchia và Lào có quan hệ kinh tế rất mật thiết với Trung cộng.
Theo Nikkei, Thanh Nien. (VOA)
Việt Nam vẫn cân nhắc khả năng kiện Trung cộng

Không ảnh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa Trung cộng với các nước trong khu vực.U.S. Navy/Handout via Reuters/File
Quốc tế và đặc biệt là các nước Đông Nam Á đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng về bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Phán quyết này sẽ được đưa ra trong những tuần tới, trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng cùng với nhịp độ Trung cộng bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các đảo tranh chấp.
Là quốc gia bị xâm lấn chủ quyền nhiều nhất, Việt Nam hiện vẫn đang cân nhắc khả năng kiện Trung cộng ra trước tòa án quốc tế, mặc dù đã chuẩn bị hồ sơ. Nhưng nếu kiện Trung cộng thì Việt Nam phải kiện như thế nào? Đây đã là một trong những chủ đề thảo luận tại cuộc hội thảo quốc tế ở Đại học Yale, bang Connectinut, Mỹ trong 2 ngày 6 và 7/05 vừa qua. Tham gia hội thảo này có nhiều học giả hàng đầu về Biển Đông từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Canada… Trong số các tham dự viên của hội thảo có tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Yale.

Trung cộng 'cực kỳ bất mãn' đối với tuyên bố của G7 về Biển Đông
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Trung cộng cho biết họ hết sức bất mãn đối với một tuyên bố của các nhà lãnh đạo của khối G7 về vấn đề Biển Đông, nơi căng thẳng mỗi lúc một tăng vì những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh nói “Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật tổ chức xuyên tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng tình thế khẩn trương, không có lợi cho sự ổn định tình hình Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của một diễn đàn về quản lý kinh tế của các nước phát triển. Trung cộng hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”
Các vị nguyên thủ của 7 nước giàu nhất thế giới cùng với các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu tại Nhật Bản, ngày 26/5/2016.

Trước đó trong ngày thứ Sáu, các nhà lãnh đạo G7 đưa ra thông cáo chung, trong đó có đoạn nói rằng “Chúng tôi rất quan tâm về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.”

Tuyên bố của Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada cũng khẳng định “
Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền.
Trong cuộc họp báo chung sau đó, ông Abe nói rằng các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông “phải theo đúng luật pháp quốc tế”, và rằng không thể khẳng định chủ quyền bằng việc “đe dọa” các nước khác, hay “đơn phương thay đổi nguyên trạng” ở vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Obama cho biết rằng Hoa Kỳ và Nhật “mong muốn đạt được giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp”, và việc xử lý “hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung cộng”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm nay nói rằng nhóm G7 cần phải có “quan điểm cứng rắn và rõ ràng” về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung cộng.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron khuyến cáo Bắc Kinh nên tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Phi Luật Tân.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho biết Hà Nội và Tokyo chia sẻ quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông gần đây, nhất là những hành động bồi đáp, xây đảo qui mô lớn. Đôi bên cũng lập lại lời kêu gọi các bên liên quan không có hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hoá Biển Đông.
VOA