nguyenvubinh
Bài 1:
Bối cảnh ra đời các tổ chức xã hội dân sự và sự khác biệt với
các tổ chức xã hội dân sự thông thường
Hiện nay ở Việt Nam, có một số tổ
chức của người dân tự nguyện lập ra và hoạt động không chịu sự quản lý của nhà
cầm quyền Việt Nam. Chúng ta vẫn thường gọi đó là các tổ chức xã hội dân sự
(XHDS). Những tổ chức này chưa được nhà cầm quyền Việt Nam công nhận và chưa có
trụ sở, phần lớn hoạt động trên không gian mạng, và một số hoạt động trập trung
thường bị an ninh đánh phá.
Chúng ta có thể nhận thấy, có rất nhiều tổ chức như
vậy đã ra đời và hoạt động, từ khoảng 5 năm trở lại đây: FC NO-U, Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger VN,
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Bầu Bí Tương Thân, Văn Đoàn độc lập, Hội nhà báo
độc lập,...đến các tổ chức thiện nguyện như Cứu Lấy Dân oan, Cứu Trợ Dân Oan....sự
ra đời và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự là một bước tiến lớn của
phong trào dân chủ Việt Nam.
Bối cảnh ra đời của các tổ chức XHDS
Giai đoạn năm năm, từ cao trào
dân chủ 2006 đến năm 2011, là thời gian khủng bố trắng đối với các tổ chức đảng
phái và tổ chức chính trị được thành lập và hoạt động giai đoạn 2005-2006. Sự
hoạt động của các tổ chức, đảng phái được thành lập khi đó đã kéo dài thêm một
thời gian nữa, nhưng giảm dần cường độ và hầu như không còn ảnh hưởng tới phong
trào dân chủ và đời sống chính trị Việt Nam. Đó là các tổ chức đảng phái như đảng
Dân Chủ (do cụ Hoàng Minh Chính phục hoạt), đảng Thăng Tiến Việt Nam, các tổ chức
như Công Đoàn Độc lập, Trung Tâm Nhân Quyền...tuy nhiên, có những tổ chức có
tính chất mở, như Khối 8406 vẫn ít nhiều duy trì được hoạt động. Với các tổ chức
chính trị,và có tính chất chính trị, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp và xóa sổ
thẳng tay. Trong bối cảnh đó, việc tìm một hình thức kết hợp nhẹ nhàng, với những
mục tiêu có tính chất dân sinh, xã hội là một con đường của phong trào dân chủ
Việt Nam.
Thời gian từ cuối năm 2007 trở
đi, ở Việt Nam đã xuất hiện sự phản kháng đối với sự o ép, vi phạm và xâm
lấn lãnh hải, lãnh thổ của Trung cộng, đã diễn ra các cuộc biểu tình của người
dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Sau đó, sự o ép, xâm lấn lãnh thổ lãnh hải không giảm
mà còn ngày càng gia tăng, chính vì vậy các cuộc biểu tình, phản đối của người
dân càng diễn ra với mật độ dày, và sôi động hơn. Ban đầu, các hoạt động biểu
tình chưa bị nhà cầm quyền đàn áp nhiều, nhưng càng về sau, nhà cầm quyền càng
đàn áp người dân biểu lộ sự phản kháng, phẫn nộ với Trung cộng nhiều hơn và khốc
liệt hơn. Trong bối cảnh đó, những người Việt Nam yêu nước, những người phản đối
các hành động xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Trung cộng đối với Việt Nam đã tập
hợp nhau lại thành một nhóm có tên gọi FC No-U, mục tiêu phản đối đường lưỡi bò
của Trung cộng, bằng nhiều hoạt động trong đó có hoạt động thường xuyên là tổ
chức giao lưu đá bóng vào các buổi chiều chủ nhật hàng tuần. Như vậy, xuất phát từ những hoạt động dân sinh, yêu nước, phản đối Trung
cộng bảo vệ chủ quyền biển đảo, người dân đã lập ra những nhóm, hội tự nguyện của
mình mà không cần xin phép nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng ta cũng cần đề cập tới một
phương diện lớn của đời sống xã hội, đó là sự bùng nổ của hệ thống Internet, nhất
là mạng xã hội facebooks đã xé tan bức màn bưng bít, đưa thông tin, đưa sự thật
đến với người dân, thúc đẩy nhận thức của hàng triệu người dân. Từ những nhận
thức đó, bao hàm cả những hiểu biết về quyền con người, quyền công dân, rất nhiều
người dân đã đứng lên đòi quyền lợi, tham gia vào trào lưu tiến bộ của xã hội
và đất nước.Trong các hoạt động của mình, giới hạn bởi các mục tiêu dân sinh, họ
đã tìm tới nhau để lập ra các hội, nhóm, chia sẻ hiểu biết, chia sẻ tình yêu
thương và giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người dân. Đó chính là những bối cảnh ra
đời của các tổ chức XHDS Việt Nam trong thời gian qua.
Sự khác biệt của các tổ chức XHDS ở Việt Nam
và tổ chức XHDS thông thường
Chúng ta đều biết rằng, trong
các xã hội dân chủ tiến bộ người dân được tự do có quyền lập các hội, nhóm mà
không cần xin phép, chỉ cần thông báo cho chính quyền của họ. Các tổ chức XHDS ở
các nước dân chủ là những tổ chức tự nguyện của người dân được lập ra để chia sẻ,
giúp đỡ lẫn nhau giữa những người có cùng hoàn cảnh, hoặc các tổ chức thiện
nguyện để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn. Cũng có trường hợp, các tổ
chức XHDS ở các nước dân chủ là tập hợp của những người gặp phải bất công, do sự
khiếm khuyết về pháp luật, hoặc những tình huống đặc biệt trong cuộc sống, ví dụ
như tổ chức của những người lính Mỹ ở Irak bị nhiễm chất độc hóa học, vv...
Tóm lại, ở các xã hội dân chủ, nơi quyền con người, tự do được bảo đảm, các
tổ chức XHDS chỉ đơn thuần là tổ chức của những người dân bên ngoài các cơ quan
nhà nước, để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng các
tổ chức XHDS ở Việt Nam, ngoài
một phương diện hoạt động giống như các tổ chức XHDS thông thường, chia sẻ giúp
đỡ lẫn nhau giữa các thành viên thì có sự khác
biệt rất lớn với các tổ chức XHDS thông thường.
Khác biệt lớn nhất, dễ nhận thấy
nhất, đó là các tổ chức XHDS Việt Nam đã xuất hiện, ra đời trong lòng một chế độ
độc tài toàn trị cộng sản. Đó là nơi đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và kiểm
soát mọi hoạt động của người dân. Nhà cầm quyền ở đó còn lập ra các tổ chức,
đoàn thể để theo dõi, giám sát người dân. Nhà cầm quyền cộng sản nói chung, và
cộng sản Việt Nam nói riêng không chấp nhận cho bất kỳ một tổ chức đoàn thể nào
của người dân, đồng thời không muốn người dân yêu thương, chia sẻ giúp đỡ lẫn
nhau. Như vậy, sự khác biệt về môi trường hoạt động
của các tổ chức XHDS ở Việt Nam là điều dễ nhận thấy nhất.
Chính vì không chấp nhận và cho
phép các tổ chức tự nguyện của người dân xuất hiện và hoạt động, nên nhà cầm
quyền Việt Nam đã ra sức đánh phá các tổ chức XHDS được thành lập và hoạt động
thời gian qua. Họ đánh phá bằng nhiều cách và nhiều thủ đoạn, nhưng các tổ chức
đó vẫn đứng vững và phát triển. Trở thành mục tiêu
đánh phá của nhà cầm quyền cũng là một khác biệt lớn với các tổ chức XHDS
thông thường./.
Hà Nội, ngày 13/9/2016
N.V.B
Bài 2:
Tính chất đặc thù, quy mô và các loại hình tổ chức XHDS
Tính chất đặc thù của các tổ chức XHDS ở Việt
Nam
Trong bài viết trước, chúng ta
đã đề cập tới sự khác biệt giữa tổ chức XHDS ở Việt Nam và các tổ chức XHDS
thông thường, tức là ở các nước có thể chế dân chủ. Nhưng chúng ta chưa nêu được
hết tính chất đặc thù của các tổ chức XHDS ở Việt Nam. Tính chất đặc thù của
các tổ chức XHDS ở Việt Nam được thể hiện trên những phương diện sau.
- Hầu
như tất cả các hoạt động của các tổ chức XHDS ở Việt nam đều nhằm, hoặc có tính
chất phản kháng lại đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Những hoạt động của
các tổ chức XHDS có tính chất chính trị như Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân
Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, vv...có những hoạt động nhằm bảo vệ quyền con
người, chia sẻ hiểu biết về quyền con người, về tự do và dân chủ thì sự phản
kháng lại nhà cầm quyền là điều đương nhiên. Nhưng những tổ chức như FC NO-U,
tuy là phản đối Trung cộng, nhưng xét đến cùng cũng chính là phản đối lại nhà cầm
quyền Việt Nam, vì muốn duy trì độc tài toàn trị mà đảng cộng sản Việt Nam đã hợp
tác toàn diện với Trung cộng và luôn nhân nhượng, yếu hèn về chủ quyền biển đảo,
là nguyên nhân cho việc Trung cộng chèn ép và xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải...sau
đó lại ra tay đàn áp những người lên tiếng, biểu tình vì chủ quyền biển đảo.
Tương tự như vậy, là các tổ chức thiện nguyện, những tổ chức giúp đỡ dân oan, nạn
nhân của nhà cầm quyền Việt Nam, trong hoàn cảnh nhà cầm quyền Việt Nam tối kỵ
người dân yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, xét đến cùng, các tổ chức
XHDS ở Việt Nam đều có tính chất phản kháng lại nhà cầm quyền Việt Nam.
- Các hoạt động của
các tổ chức XHDSVN, trong phạm vi nào đó, chính là một hình thức kết hợp của những
người đấu tranh dân chủ Việt Nam. Điều này không khó để
nhận ra, bởi hầu hết những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đều nằm trong một
hoặc một vài tổ chức XHDS nào đó. Sau những cố gắng, thử nghiệm kết hợp với
hình thức cao nhất về chính trị, đó là đảng phái, hoặc các tổ chức có tính chất
chính trị nhưng chưa thành công, những người đấu tranh dân chủ đã tìm ra con đường
kết hợp thông qua các tổ chức XHDS hiện nay. Tuy không trực diện và hiệu quả
như các tổ chức chính trị chính thống, nhưng các tổ chức XHDS ít nhiều vẫn có
không gian cho những người đấu tranh hoạt động và giao lưu.
- Các tổ
chức XHDS ở Việt Nam cũng là nơi học hỏi, thực hành các hoạt động kết hợp, làm
việc chung giữa các cá nhân đấu tranh. Một hạn chế lớn của các cá
nhân và phong trào dân chủ Việt Nam đó là khả năng làm
việc chung vô cùng yếu kém. Họ chưa được đào tạo và chưa hề trải nghiệm,
chưa có kinh nghiệm trong vấn đề kết hợp, làm việc chung mà đây lại là vấn đề
vô cùng quan trọng. Đi xa hơn nữa, đó còn là sự kết hợp, liên minh làm việc
chung giữa các tổ chức XHDS với nhau. Chính vì vậy, giai đoạn làm việc trong
các tổ chức XHDS này vô cùng quan trọng, cần thiết đối với các cá nhân và tổ chức
của phong trào dân chủ.
- Một tính chất đặc thù nữa, hầu như chưa có tổ chức XHDS nào ở Việt Nam có trụ sở hoạt động,
tất cả đều được sinh hoạt, và giao lưu trên không gian mạng, không gian ảo,
hệ thống Internet và mạng xã hội facebooks. Nhà cầm quyền Việt nam không thể cấm
được các hoạt động trên không gian mạng, mặc dù vẫn ra sức đánh phá. Các tổ chức
XHDS họp bàn, phân công phân nhiệm, bầu cử, đại hội hầu như đều diễn ra trên
không gian mạng. Đó cũng là một nét rất đặc trưng.
Quy mô và các loại hình tổ chức XHDS
Các tổ chức XHDS ở Việt Nam có
quy mô rất đa dạng, phong phú. Có tổ chức chỉ có 2-3 người, nhưng có tổ chức
theo thống kê số lượng tham gia vòng ngoài, tức là phạm vi rộng nhất của tổ chức
lên tới hơn 2000 người (Hội AEDC). Nhưng quy mô trung bình của các tổ chức
thường là từ 20-50 người và có thêm các cộng tác viên. Về hình thức tổ chức, có
những tổ chức rất lỏng lẻo, nhưng có những tổ chức lại có kết cấu rất chặt chẽ.
Có tổ chức việc tham gia, thậm chí hoạt động rất đơn giản, nhưng cũng có tổ chức
việc tham gia được kiểm soát rất chặt chẽ. Một vấn đề nữa là vấn đề đóng mở của
các hội, nhóm. Có hội nhóm có tính chất nghề nghiệp, ví dụ như Hội Giáo chức
Chu Văn An, chỉ kết nạp những giáo viên. Có nhưng hội nhóm chỉ có một số lượng
người nhất định là tham gia được, ví dụ như Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm. Nhưng phần
lớn các hội là hội mở, tức là số lượng người tham gia đa thành phần và không hạn
chế số lượng.
Trong số hơn 20 tổ chức XHDS đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, có thể phân chia
thành các loại hình hội, nhóm phụ thuộc vào tính chất hoạt động của các tổ chức
đó.
+ Các tổ chức XHDS có
tính chất chính trị bao gồm: Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em
Dân Chủ, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Lao Động Việt,
Phụ Nữ Nhân Quyền...đây là những tổ chức công khai đấu tranh cho quyền con người,
cho tự do của người dân, và cũng đấu tranh cho một thể chế dân chủ của Việt nam
trong tương lai.
+ Các tổ
chức XHDS có tính chất nghề nghiệp: Văn Đoàn Độc Lập, Hội Nhà Báo Độc Lập,
Hội Giáo Chức Chu Văn An...các hội nhóm này đều hoạt động dựa trên tính chất
ngành nghề, cũng như đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền Việt Nam dựa theo
tính chất ngành nghề của họ.
+ Các tổ
chức XHDS có tính chất thiện nguyện: Hội Bầu Bí Tương Thân, trước đây có
nhóm Cứu Lấy dân Oan, sau chia tách thành hai nhóm (Vì Ngày Mai Tươi Sáng và
nhóm Mai infor). Ngoài ra còn một số nhóm như Cứu trợ dân oan, nhóm Hoàng Thái
Hồng...đây là những nhóm thiện nguyện, quy mô không lớn và chủ yếu thực hiện việc
làm cầu nối giúp đỡ những tù nhân lương tâm, dân oan và người dân có hoàn cảnh
khó khăn, khổ sở.
+ Các tổ
chức XHDS là kết quả của những phản kháng trực tiếp: nhóm FC NO-U, nhóm
Vì Hà Nội Xanh, vv...những nhóm này xuất phát từ sự phản kháng về một sự kiện
nào đó, kết hợp với nhau để lập thành một hội, nhóm.
+ Các
nhóm Dân Oan: Dân Oan Dương Nội, Dân Oan Ba Miền...đây là những nhóm mà
người tham gia là nạn nhân trực tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam. Những người
này bị mất đất, mất nhà, đền bù không thỏa đáng, hoặc những người gia
đình vướng vòng lao lý một cách bất công, oan khiên. Các nhóm dân oan có hai
nguồn gốc hợp thành, cùng một địa phương và cùng một vụ việc (Dân Oan Dương Nội),
những người không cùng địa phương, không cùng vụ việc, tập hợp nhau tại những
nơi khiếu kiện của nhà cầm quyền Việt Nam (Dân oan Ba Miền)./.
Hà Nội, ngày 15/9/2016
N.V.B
Bài 3
Những chặng đường đã qua
Trong thời gian gần 5 năm qua, tính từ khi xuất hiện tổ chức XHDS đầu
tiên của người dân ở Việt Nam, các tổ chức XHDS đã có nhiều đóng góp cho phong
trào dân chủ và công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam. Để có được những thành tựu,
đóng góp cho phong trào dân chủ, các tổ chức XHDS đã chủ động vượt qua nhiều
khó khăn và thách thức, kiên trì hoạt động trong một môi trường đàn áp hàng
ngày, hàng giờ của nhà cầm quyền Việt Nam.
Có thể nói rằng, cùng với những cá
nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước thuộc phong trào dân chủ, các tổ chức
XHDS đã tham gia vào việc nâng cao dân trí cho rất nhiều người dân. Bằng các hoạt
động đưa thông tin sự thật, công khai hóa hoạt động của các cơ quan, đoàn thể,
cá nhân trong hệ thống đảng và nhà nước của chế độ cộng sản Việt Nam; phản biện
các quan điểm, lý lẽ và hành động bất minh của nhà cầm quyền Việt Nam trong tất
cả các lĩnh vực, các tổ chức XHDS xứng đáng là hạt nhân của phong trào dân chủ
Việt Nam trong việc mở rộng và nâng cao dân trí. Để hiểu được tại sao các tổ chức
XHDS đã đạt được những thành tựu đó, chúng ta đi vào tìm hiểu toàn diện về vai
trò, vị trí, đặc điểm và hoạt động của các tổ chức XHDS trong thời gian qua.
Trước
hết, các tổ chức XHDS ở Việt Nam là một hình thức kết hợp của những người đấu
tranh dân chủ, là đơn vị tổ chức của phong trào dân chủ, là chủ thể hoạt động của
phong trào dân chủ trong nước. Ở hai bài viết trước (về các tổ chức XHDS),
chúng ta đã lý giải, một trong những nguyên nhân của sự ra đời các tổ chức XHDS
là việc phong trào dân chủ gặp khó khăn trong việc kết hợp thành những tổ chức
chính trị giai đoạn trước đó. Chính vì vậy, việc kết hợp thành các tổ chức XHDS
là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, đấu tranh cam go trong
nước. Như vậy, bản thân các thành viên của các tổ chức XHDS hầu hết đều là những
người đấu tranh dân chủ, cả mới và cũ. Một sự tập hợp của những con người dấn
thân tham gia đấu tranh dân chủ chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả gấp nhiều lần so với
việc hoạt động đơn lẻ của từng cá nhân.
Mặc dù còn ở dạng sơ khai và rất nhiều
hạn chế, nhưng các tổ chức XHDS cũng đã nêu ra được các mục tiêu, mục đích,
phương pháp làm việc, phân công phân nhiệm và phối hợp giữa các thành viên. Từ
những sự phối kết hợp như vậy, hiệu quả công việc đã được nâng lên rất nhiều.
Những người hoạt động trong phong trào dân chủ hầu hết đều nằm trong một hoặc một
số tổ chức XHDS nào đó, chính vì vậy, có thể nói, các tổ chức XHDS chính là các
đơn vị tổ chức của phong trào dân chủ. Đồng thời, những phong trào chung, có sự
đóng góp tham gia của tất cả các tổ chức, cũng như các hoạt động của từng cá
nhân, tổ chức đều gắn liền với các tổ chức XHDS. Điều này đồng nghĩa với việc,
các tổ chức XHDS ở Việt Nam hiện nay chính là chủ thể hoạt động của phong trào
dân chủ trong nước.
Các
tổ chức XHDS đã thực hiện tương đối thành công vai trò kết nối phong trào dân
chủ với người dân. Việc kết nối phong trào dân chủ với người dân có thể thực hiện
trên hai phương diện, mạng xã hội và đời thực. Đối với mạng xã hội, việc tương
tác giữa các tổ chức XHDS khi thực hiện các chương trình, kế hoạch đều nhắm tới
việc thông tin sự thật, công khai hóa các hoạt động bất minh của nhà cầm quyền,
phản biện quan điểm tuyên truyền dối trá, mị dân...những tương tác, kết nối như
vậy dần dần thu hút và lôi kéo được rất nhiều người quan tâm tới tình đất nước,
tình hình phong trào dân chủ và dân chủ hóa đất nước. Từ những người quan tâm tới
tình hình đất nước, đã xuất hiện thêm nhiều người trực tiếp tham gia vào hoạt động,
vào phong trào dân chủ. Có thể nói, thành tựu lớn nhất của phong trào dân chủ
trong vòng 5-7 năm trở lại đây là đã mở rộng, nâng cao dân trí, thu hút được rất
nhiều người quan tâm, ủng hộ và tham gia vào phong trào dân chủ dưới nhiều hình
thức.
Mặt khác, các hoạt động ngoài đời thực của các tổ chức XHDS cũng nhắm tới
người dân, từ những hoạt động đơn giản, nhẹ nhàng, tới các hoạt động đấu tranh
quả cảm, ví dụ như phát bóng bay nhân quyền, cứu trợ dân oan, xuống đường bảo vệ
chủ quyền biển đảo, bảo vệ cây xanh và môi trường...những hoạt động đó đã kết nối
người dân với phong trào dân chủ, thu hút, động viên được nhiều người mới tham
gia vào phong trào dân chủ, hoặc quan tâm tới các hoạt động của các tổ chức
XHDS và phong trào dân chủ.
Các
tổ chức XHDS còn là địa chỉ, là đầu mối kết nối với các tổ chức đấu tranh, đồng
bào hải ngoại, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Mối liên hệ giữa
phong trào dân chủ trong nước, thông qua đại diện các tổ chức XHDS diễn ra trên
nhiều phương diện và dưới nhiều khía cạnh. Đó là việc bảo vệ các quyền con người
cho người dân, cho những người, những thành viên đấu tranh dân chủ, thành viên
các tổ chức XHDS; đó là liên kết để tố cáo lên án những vi phạm nhân quyền, những
sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam; đó cũng là sự phối hợp trong ngoài cho
các hoạt động mở rộng, nâng cao dân trí.
Ngoài ra, các tổ chức XHDS cũng là đầu
mối để đón nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng bào hải ngoại và các tổ chức quốc tế,
các tổ chức phi chính phủ. Việc hoạt động của các tổ chức XHDS luôn cần các nguồn
tài chính, cũng như một phần cuộc sống của người đấu tranh luôn bị o ép, rất
khó khăn và cần sự giúp đỡ. Chính vì vậy, các tổ chức XHDS còn có thêm vai trò
đầu mối cho sự giúp đỡ, hiệu quả hơn nhiều khi chỉ có những cá nhân như trước
kia. Với một số tổ chức thiện nguyện, như Vì Ngày Mai Tươi Sáng, Mai Infor,
nhóm Hồng Thái Hoàng...vai trò này càng nổi bật.
Cuối
cùng, không thể không nhắc tới, vai trò của tổ chức XHDS ở Việt Nam là môi trường
để tập dượt, ngoài kinh nghiệm làm việc tập thể, làm việc chung, còn làm cơ sở
cho các tổ chức và hoạt động đảng phái, chính trị sau này. Không ít thì nhiều,
các tổ chức XHDS chắc chắn sẽ có vai trò trong sân khấu chính trị Việt Nam sau
này, đồng thời, như chúng ta đã phân tích, vì chưa thể lập được các tổ chức
chính trị mà một số người, và cả phong trào dân chủ đã phải lập các tổ chức
XHDS. Chính vì vậy, có thể coi đó là các tổ chức tiền thân của các tổ chức
chính trị sau này, mặc dù không phải tất cả các tổ chức XHDS đều có mong muốn
và ý định như vậy. Ý thức được việc này, các tổ chức XHDS cũng cần chuyên nghiệp
hóa tổ chức cũng như hoạt động của mình, để chuẩn bị sẵn các phương án và kịch
bản khi chế độ cộng sản kết thúc trong tương lai gần tới đây./.
Hà Nội, ngày 25/9/2016
nguyenvubinh
Bài 4:
Những khó khăn và thách thức
Các tổ chức XHD ở Việt Nam trong
nửa thập kỷ qua đã phát triển, lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên,
nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của các tổ chức vẫn ít nhiều mang
tính tự phát, hoạt động chưa chuyên nghiệp và chưa phát huy hết được hết tiềm
năng của các thành viên. Có ba khó khăn
lớn mà các tổ chức XHDS phải đối mặt, làm hạn chế rất nhiều hiệu quả hoạt động.
Một là, sự đánh phá, đàn áp
hàng ngày, hàng giờ của nhà cầm quyền Việt Nam;
Hai là, khó khăn về tài
chính để duy trì, hoạt động và phát triển tổ chức;
Cuối cùng, kiến thức, kỹ
năng cũng như tính chuyên nghiệp của các thành viên trong tổ chức còn rất nhiều
hạn chế.
Nhận thức được những khó khăn này, chúng ta cần xây
dựng các tổ chức XHDS theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời chủ động phát triển tổ
chức chuẩn bị cho tương lai hậu cộng sản sau này.
Nâng
cao tính chuyên nghiệp là yêu cầu đầu tiên đối với tất cả các tổ chức XHDS ở Việt
Nam. Chúng ta đều biết, các tổ chức hoạt động càng chuyên nghiệp thì hiệu
quả càng cao và ngược lại. Sự chuyên nghiệp về tổ chức có nghĩa là như thế nào?
Đó là phải xây dựng được nguyên tắc, thể lệ hoạt động, xây dựng được quy trình
và cơ chế hoạt động đồng thời chuẩn bị, bồi dưỡng được đội ngũ lãnh đạo kế cận.
Đây là vấn đề rất khó khăn trong môi trường ở Việt nam bởi tuyệt đại đa số
không được đào tạo và không hề có kinh nghiệm trong vấn đề này. Nếu chỉ dừng lại
ở hoạt động dân sự đơn thuần, thì tính chuyên nghiệp mặc dù cũng được đặt ra
nhưng không cấp thiết và sát sao như một tổ chức tiền thân cho tổ chức chính trị.
Với mỗi một tổ chức XHDS, nếu có mục tiêu chuyển đổi thành tổ chức chính trị
thì yêu cầu chuyên nghiệp hóa tổ chức là điều kiện bắt buộc. Để làm được điều
này, chỉ có bản thân những người trong tổ chức, lãnh đạo và thành viên cần
nghiên cứu, bàn bạc để xây dựng các quy chế tổ chức, quy trình và cơ chế hoạt động
phù hợp với mục tiêu của tổ chức, với năng lực của các thành viên và hoàn cảnh
hiện tại. Một tổ chức được xây dựng thành công là một tổ chức vẫn duy trì được
hoạt động khi một thành viên, thậm chí cả ban lãnh đạo đột ngột từ bỏ nhiệm vụ
do bị bắt hoặc vì lý do nào đó. Mặt khác, các thành viên trong ban lãnh đạo được
bầu chọn một cách dân chủ, công khai và công bằng chứ không phải là tổ chức tự
xưng. Hiện nay, đã có một vài tổ chức XHDS ở Việt Nam đã và đang thực hiện được
việc này.
Hiệu
năng hoạt động của tổ chức, được xác định trên hai tiêu chí, hiệu quả hoạt động
và phát triển tổ chức. Hiệu quả hoạt động của tổ chức mang tính định
tính, nó phụ thuộc vào việc xác định những mục tiêu thiết thực, phù hợp với
năng lực của tổ chức và các thành viên, đồng thời được tổ chức thực hiện một
cách khoa học với một quyết tâm cao. Trên thực tế, rất khó đánh giá được chính
xác các hoạt động hiện nay của các tổ chức XHDS bởi vì một đặc trưng là sự lan
tỏa của hệ thống mạng xã hội rộng lớn, khó ai có thể thống kê hoặc định lượng
được. Vấn đề phát triển tổ chức hiện nay cũng đang là thách thức lớn với các hội,
nhóm. Việc phát triển tổ chức có tiêu chí định lượng rõ ràng, dễ kiểm soát mặc
dù vẫn còn phương diện phát triển chiều sâu, chất lượng nhân sự của tổ chức. Nếu
chỉ căn cứ vào định lượng, thì việc phát triển tổ chức của các tổ chức XHDS ở
Việt Nam còn nhiều yếu kém. Mới chỉ có một vài tổ chức thực sự phát triển
được nhân sự đều đặn theo thời gian. Phần lớn các tổ chức số lượng nhân sự ít
thay đổi, hoặc tăng lên không đáng kể. Điều quan trọng nhất, việc phát triển
nhân sự trong nhân dân, trong số những người mới chỉ quan tâm hoặc có cảm tình
với phong trào dân chủ còn rất hạn chế. Ngoài lý do cơ bản, việc tham gia vào
phong trào dân chủ là một sự dấn thân, sự hy sinh và nguy hiểm thì sức hút của
các hoạt động, công tác phát triển nhân sự của các tổ chức XHDS chưa thực sự
thành công. Đây là vấn đề quan trọng mà các tổ chức XHDS cần khắc phục trong thời
gian sắp tới.
Trên thực tế, có hai vấn đề thực
sự là thách thức đối với hoạt động và sự phát triển của các tổ chức XHDS. Đó là
vấn đề tổ chức, cách thức tổ chức, hoạt động và vấn đề
tài chính. Vấn đề tổ chức đã đề cập ở trên, nói cô đọng lại, là khả năng
xây dựng tổ chức đang là vấn đề khó khăn đối với các tổ chức XHDS. Vấn đề tài
chính cũng là một thách thức rất lớn đối với các hội, nhóm. Chúng ta biết rằng,
một phần hạn chế không nhỏ trong hoạt động của các tổ chức hiện tại là do hạn
chế về nguồn lực tài chính. Những người đấu tranh dân chủ, những thành viên của
tổ chức XHDS phần lớn là những người đấu tranh, họ bị o ép đủ đường, bị triệt hạ
nguồn sống (ngoại trừ một số ít đỡ, hoặc không bị như vậy), chính vì vậy, ngoài
việc đấu tranh, họ cần phải để một phần tâm trí để mưu sinh. Nếu như có nguồn
tài chính từ các hội nhóm, để những thành viên kết hợp việc đấu tranh và mưu
sinh thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng lên rất nhiều. Nhưng đây lại là vấn đề rất
khó khăn của các hội, nhóm. Chỉ có một số rất ít, vô cùng ít thực hiện được việc
kết hợp đấu tranh và mưu sinh của các thành viên. Một số nhỏ tổ chức khác, nguồn
tài chính dành cho các thành viên chỉ có tính chất động viên, tượng trưng. Nên
chăng các tổ chức, đảng phái ở hải ngoại tìm cách liên kết, kết hợp, đỡ đầu dưới
hình thức kết nghĩa, một tổ chức dân sự trong nước với một tổ chức hoặc đảng
phái ở hải ngoại để giải quyết vấn đề tài chính và bảo vệ các thành viên cho tổ
chức dân sự trong nước. Nếu có một chủ trương như vậy, thực hiện và kêu gọi sự ủng
hộ công khai (ở hải ngoại), tôi tin rằng sẽ ít nhiều thành công trong vấn đề
kêu gọi nguồn tài chính cho các tổ chức XHDS./.
Hà Nội, ngày 28/9/2016
N.V.B