“Còn bao nhiêu thứ tồi tệ mà tầng lớp cha mẹ
cam chịu trong sự an phận, nhận thức sai lầm sẽ được truyền tai và giáo dục cho
con cháu tiếp theo ? Và bọn trẻ đến khi
nào thì biết được thế giới văn minh họ nhìn mình ra sao để biết xấu hổ mà lớn
lên?”
KHI NÀO MỚI VĂN MINH
Chúng ta còn lâu
nữa mới tiếp cận đến văn minh, khi mà bố mẹ chúng ta, thày cô giáo, cả những
người có học, những người làm luật, làm việc với nước ngoài, còn dạy bọn trẻ là
biểu tình là phạm pháp, là không được phép, là chống đối, hoặc doạ nạt với giọng
coi thường bọn chúng rằng, việc đó không phải của con, mà là của nhà nước hoặc
chính quyền.
Họ dạy chúng một
tâm thức không những nô lệ mà còn sai trái, lệch lạc. Nhận thức sai sẽ dẫn đến
việc lập pháp sai, và dẫn đến những hành vi lệch chuẩn so với văn minh thế giới.
Điều nguy hiểm
hơn cả là những người giáo dục và làm luật, dạy luật, họ mà còn nói với bọn trẻ
những điều ngu ngốc và theo tâm trí hạn hẹp, nô lệ của mình thì bọn trẻ lại tiếp
tục tồn tại trong một trạng thái nô lệ và đi làm thuê tiếp theo.
Giáo dục này
không dạy bọn chúng nghĩ lớn và làm nên những điều mới mẻ và đúng đắn. Chúng được
mặc cả và dụ dỗ bằng vật chất hay sự ổn định vị trí nào đó. Chúng chịu rất nhiều
lời giáo huấn và chịu đựng cũng quá nhiều nỗi sợ hãi, từ mọi người, ở khắp nơi.
Sợ hãi chèn ép rồi thì chẳng thể nào sống đàng hoàng và làm được điều gì to tát
cả.
Sinh
viên Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Miến Điện và tôi không tính đến các nước phương Tây vì họ đã quá
văn minh so với mặt bằng chung của thế giới, họ luôn lên tiếng để phản đối một
điều gì đó mà đi ngược lại lợi ích của họ, của xã hội, vì họ là một thành phần
sống của xã hội đó thì khi xã hội đó bị bất công chắc hẳn họ không thể nằm
ngoài thứ đó được – họ đang hành động như một lẽ bình
thường nhất, bằng một quyền căn bản nhất nhưng tối cao nhất của một con người
bình thường nhất, theo Hiến pháp. Họ lên tiếng biểu đạt chính kiến, là một quyền
hiến định cao cả nhất của một công dân và cũng là cách hành xử cuối cùng nếu mọi
cách khác đã đều trở nên vô tác dụng. Họ qua 18 tuổi là đã trở thành một
người trưởng thành đúng nghĩa, đi bầu cử, làm chuyện chính trị, đòi hỏi các quyết
sách, họ trưởng thành hơn cả những ông bố bà mẹ 50-60 tuổi ở đất nước này vì đã
quen sống trong nỗi sợ hãi và cam chịu.
Còn
chúng ta chờ mong và định giao phó gì cho bọn trẻ ở nước này?
Mà kết quả của
cam chịu là bị cai trị bởi những kẻ ngu và lãnh hậu quả tồi tệ của những hành động
cai trị ấy. Nếu ngược lại, họ đã có thể sống tốt hơn và được tôn trọng, được
làm người đúng mức và cả con cháu họ sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn trong tương
lai.
Những người giàu
mà chưa văn minh, khi làm ăn bất chấp và cư xử còn thể hiện nền văn minh lúa nước.
Chỉ lo kiếm tiền, không lo cống hiến và thúc đẩy xã hội tốt hơn. Chính họ đang
tàn phá sự công bằng xã hội nhanh hơn và khủng khiếp hơn. Như những hãng làm ăn
lớn đã lộ ra những chiêu trò, hành động bất chấp tính mạng con người mà kiếm lợi,
vậy họ có văn minh hay không?
Luật pháp chắc
chắn sẽ tạo ra đạo đức và sự văn minh của con người, nếu được áp dụng nghiêm
minh và công bằng qua một cơ chế hữu hiệu. Còn nếu ngược lại, đạo đức sẽ phá huỷ
các quy phạm pháp luật và biến xã hội trở nên lệch lạc bại hoại một cách nhanh
nhất và khủng khiếp nhất.
Còn
bao nhiêu thứ tồi tệ mà tầng lớp cha mẹ cam chịu trong sự an phận, nhận thức
sai lầm sẽ được truyền tai và giáo dục cho con cháu tiếp theo? Và bọn trẻ đến khi
nào thì biết được thế giới văn minh họ nhìn mình ra sao để biết xấu hổ mà lớn
lên?
Chúng ta bé nhỏ
chỉ vì chúng ta đã chấp nhận cúi đầu cho kẻ khác lớn hơn. Chúng ta cam chịu cho
những người khác dẫn đường và dạy bảo, nên chúng ta mãi là những con cừu bị buộc
dây thừng sống theo những mong muốn và nhu cầu lợi ích của người khác. Họ không
có tiếng nói trong xã hội mà đang chứa họ và tương lai thuộc về họ.
Họ cô đơn và thấp
hèn, lạc lõng trong thế giới của và thuộc về chính họ. Thì khi nào mới có văn
minh?
————–
Hình phụ họa:
Ảnh
1: Biển người ở Seoul tối 06.11.2016, yêu cầu Tổng thống đương thời của nước
này từ chức và chịu điều tra độc lập do có nghi ngờ dính líu đến tham nhũng của
một người khác, mặc dù cha bà là cố Tổng thống Park Chung Hee – người đã có
công lớn đưa đất nước xứ Kim Chi từ nghèo đói trở nên rực rỡ như ngày nay,
nhưng không được xem xét theo kiểu “lý lịch và thành tích”.
Ảnh
2: Biển người của các bạn trẻ Hồng Kông năm 2014 trong phong trào Dù Vàng phản
đối sự im lặng của chính quyền sở tại trước sự can thiệp của Bắc Kinh vào nền
chính trị nước này.