27.11.2015

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông (26.11.2015)

Vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông : Anh muốn làm « quan sát viên trung lập ».
Đức Tâm RFI
Một tàu treo cờ Phi Luật Tân ở Biển Đông, khu vực Trường Sa, ngày 29.03.2015. Reuters

Theo báo The Guardian, số ra ngày 25.11.2015, Bộ Ngoại giao Anh Quốc, vào ngày 23.11 đã chính thức đề nghị được tham gia vụ Phi Luật Tân kiện các đòi hỏi lãnh thổ của Trung cộng ở Biển Đông, với tư cách « quan sát biên trung lập ».Đề nghị này làm cho Phi Luật Tân lo ngại và gây nghi ngờ là Luân Đôn chịu sức ép của Bắc Kinh.


Theo giải thích của Luân Đôn, mặc dù Anh không có lợi ích lãnh thổ gì ở vùng biển này, nhưng việc đề nghị được tham gia phiên tòa là một hành động thông thường trong các vụ kiện tụng liên quan đến hàng hải quốc tế.
Thế nhưng, thời điểm mà Anh Quốc đưa ra đề nghị này ngay lập tức đã làm dấy lên những nghi ngờ là có thể Bắc Kinh đã kêu gọi Luân Đôn tham gia nhiều hơn vào hồ sơ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á.

Trong hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đầu năm 2013, Phi Luật Tân đã kiện Trung cộng trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử. Trong thời gian qua, Tòa đã nhiều lần tổ chức các cuộc điều trần để Manila trình bầy quan điểm và lập luận của mình.

Vào lúc Anh chính thức xin quy chế « quan sát viên trung lập », thì Hoa Kỳ lại từ chối quy chế này vì không có dính líu đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Không rõ là Bộ Ngoại giao Anh có tham dự, theo dõi toàn bộ quá trình xét xử hay không. Cho đến nay, Luân Đôn không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông khu vực này.

Theo bình luận của báo The Guardian, động thái của Bộ Ngoại giao Anh Quốc làm cho Phi Luật Tân ngạc nhiên và làm xuất hiện giả thuyết là Luân Đôn phối hợp hành động với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, sau chuyến thăm Anh Quốc vào tháng trước của Chủ tịch Trung Hoa cộng sản Tập Cận Bình.

Phiên xử Biển Đông: Anh bị Trung cộng 'giật dây'?

Anh Quốc đã chính thức yêu cầu là “nhà quan sát trung lập” trong vụ xử Phi Luật Tân kiện Trung cộng về đường chín đoạn tại phiên tòa ở The Hague.
Bộ Ngoại giao Anh nói động thái ngoại giao này là can dự thông thường đối với sự vụ hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, thời điểm Bộ Ngoại giao Anh quan tâm tới tranh chấp lãnh thổ Trường Sa cho thấy có khả năng bị Trung cộng chi phối, theo báo The Guardian tại Anh.

Thời điểm đưa ra yêu cầu này có thể xem là Bắc Kinh đề nghị London tham gia với tư cách bên trung gian trong bối cảnh có căng thẳng về quân sự giữa Trung Quốc, Phi Luật Tân, các nước châu Á và thậm chí cả Hoa Kỳ.
"Động thái của Anh khiến Phi Luật Tân ngạc nhiên, tạo đồn đoán tằng việc London tham gia là có sự phối hợp với Bắc Kinh sau chuyến thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng trước," bài của báo này bình luận.

Anh bấy lâu nay nay không thể hiện lập trường đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại các đảo và bãi đá tại Biển Đông.

Ngày 24.11, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, đã bắt đầu phiên đầu tiên sau khi thụ lý đơn của Phi Luật Tân kiện Trung cộng về yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Phiên điều trần kín dự kiến kéo dài đến 30.11 với sự tham gia của các quan sát viên từ Nhật Bản, Tân Gia Ba, Úc, Nam Dương, Thái Lan và Việt Nam.
Báo The Guardian nói họ tin là Hoa Kỳ đã khước từ yêu cầu của Anh đề nghị được quan sát phiên xử vì Anh không có dính líu gì tới chủ quyền lãnh thổ tại khu vực này.

Hiện chưa rõ Bộ Ngoại giao Anh định quan sát toàn bộ phiên xử hay không.
Hồi tháng Tám năm nay Ngoại trưởng Anh kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông nhưng không chỉ trích Trung cộng.

Ông Philip Hammond nói rằng Anh quan tâm rất nhiều tới sự ổn định tại Biển Đông và không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền.
"Chúng tôi muốn việc tuyên bố chủ quyền được giải quyết bằng các biện pháp thông qua luật lệ chứ không phải sức mạnh, theo cách phù hợp với ổn định và hòa bình lâu dài cho khu vực, tự do đi lại trên biển và trên không, và phù hợp với luật pháp quốc tế," ông Hammond nói trước cử tọa là sinh viên tại Bắc Kinh.

Hồi giữa năm 2014, Bộ Ngoại giao Anh tiết lộ đã nói chuyện với Trung cộng để nêu quan ngại về việc Trung cộng hạ đặt giàn khoan HD-981 trên Biển Đông.

Quốc vụ Khanh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Hugo Swire khi đó ra tuyên bố nói việc hạ đặt giàn khoan ở “vùng biển tranh chấp” đã dẫn tới “căng thẳng gia tăng” trên biển và rằng Anh đã “nêu vấn đề với chính phủ Trung cộng ở cấp bộ”.

Trong chuyến thăm Anh hồi đầu năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với Thủ tướng David Cameron rằng Việt Nam muốn tăng cường hợp tác với Anh trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Việt Nam cử đoàn dự phiên tòa Phi Luật Tân kiện Trung cộng
Tin RFA
Trong cuộc họp báo chiều nay ở Hà Nội, phát ngôn viên Lê Hải Bình của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết chính phủ Việt Nam cử đoàn quan sát viên theo dõi phiên xử của Tòa Trọng Tài Thường Trực ở The Hague, Hà Lan, trong thời gian tòa xét xử đơn kiện của Philippines cáo buộc đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung cộng là bất hợp pháp, không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ông Bình cũng nhắc lại lập trường của Việt Nam là theo đuổi và giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Trung cộng đưa tầu hậu cần lớn nhất đến Hoàng Sa, ông Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam theo dõi sát những hành động mà phía Trung cộng đang làm, nhắc lại trách nhiệm của chính phủ là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cũng liên quan đến Biển Đông, một quan chức cao cấp của hải quân Indonesia mới lên tiếng cảnh báo tình hình an ninh ở khu vực này đang ở trong tình trạng rất xấu.

Theo lời Đô Đốc Ari Soedewo, mặc dù không phải là quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng Indonesia phải đề cao cảnh giác để đừng bị lôi kéo vào những cuộc xung đột, hay bị tác động bất ngờ từ tình trạng căng thẳng đang xảy ra tại Biển Đông.

Biển Đông : Manila bác bỏ chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh ở tòa quốc tế
Trọng Nghĩa BBC
Dân Phi Luật Tân biểu tình trước toà lãnh sự Trung cộng tại Makati, Manila - REUTERS /Ezra Acayan

Trong ngày khai mạc phiên điều trần mới tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Phi Luật Tân kiện Trung cộng về yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, đại diện Manila vào hôm qua, 24/11/2015 đã bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông. Các luật sư của Phi cho rằng Trung cộng không thể chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử và bản đồ cổ để đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Theo báo Singapore The Straits Times, trong một bức thư gửi từ La Haye, bà Abigail Valte, phó phát ngôn viên của Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino cho biết là ông Paul Reichler, một luật sư của phía Philippines, đã lý luận rằng cái mà Trung cộng cho là chủ quyền lịch sử của họ tại Biển Đông « không hề tồn tại » căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trung cộng đã đánh dấu « chủ quyền » lịch sử của họ bằng một đường chín đoạn từ đảo Hải Nam tỏa xuống tận Nam Dương, thâu tóm gần như toàn bộ diện tích 3,5 triệu km2 của Biển Đông, bất chấp sự kiện là có vùng biển xa lục địa Hoa lục  đến 1.611km nhưng lại sát cạnh Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Một luật sư khác đại diện cho Phi Luật Tân, ông Andrew Loewenstein, đã cho rằng kể cả khi có chủ quyền trên các vùng biển đảo họ yêu sách, Trung cộng đã « không đáp ứng được các điều kiện về việc xác lập (tuyên bố chủ quyền) ».

Theo luật sư Loewenstein, Trung cộng đã không hành xử « quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài » tại vùng Biển Đông. Ông đã trình ra 8 tấm bản đồ, trong đó có một tấm có từ thời nhà Minh, cho thấy là vùng nằm bên trong đường chín đoạn của Trungcộng chưa bao giờ được ghi nhận là lãnh thổ Trung Hoa.

Phiên điều trần lần này tại La Haye sẽ kéo dài cho đến thứ hai 30/11. Dù không mở ra cho công chúng, nhưng các quan sát viên đến từ Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Úc được vào dự khán.