Bài thơ khai bút cuối cùng của Vũ Hoàng Chương
Viên
Linh
1- Nhà thơ Vũ Hoàng Chương
từ trần tại Sài Gòn lúc 11 giờ sáng ngày 6 tháng 9, 1976, nhằm ngày 13 tháng 8
năm Bính Thìn, năm ngày sau khi được thả khỏi nhà tù Cộng Sản. Trước đó hàng
năm, mỗi Nguyên Đán (sáng sớm ngày mồng 1), ông thường có một bài thơ khai bút;
mùa Xuân Bính Thìn 1976 miền Nam đã nằm trong gông cùm chế độ mới, chắc chắn
thơ khai bút của ông, dù có làm, cũng không còn được đăng lên báo Xuân nữa. Cho
nên bài thơ khai bút đăng trên tạp chí Nhà Văn Xuân Ất Mão, tháng 2, 1975, chắc
chắn là bài thơ khai bút đăng báo xuân cuối cùng của ông.
Bút tự Hán Nôm
của nhà thơ Vũ Hoàng Chương khi làm bài thơ Khai Xuân Thạch Vấn, 2, 1975, Sài
Gòn. Bài thơ báo điểm “cố quốc vàng rơi phấn rụng,” và “chàng say nằm chuyện
trò với đá.” (Hình: Viên Linh cung cấp)
Cách đây nửa năm, một người Mỹ tới thuê căn chung cư
Christian Home trên đường Bolsa, phía sau quán Song Long. Từ khu sân sau của
chung cư, người ta có thể nhìn thấy tòa soạn nguyệt san Khởi Hành, phía sau đường
Dillow, Westminster. Người đó là ông Robert-Richard Jones III, cựu nhân viên
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cho tới những ngày cuối cùng, tháng 4, 1975.
Từ khi là láng giềng của chúng tôi, mỗi khi dùng xe đi về, thấy tôi, ông thường
bước tới khung cổng rất rộng, khung sắt lưới sắt, dưới có bánh xe, ngăn khu sân
chung cư với bên ngoài, trò chuyện dăm câu... Ông chính là vị “sponsor” mang
nhiều dân tị nạn Việt Nam về Minnesota, ông kể với tôi, như kịch tác gia Vũ Khắc
Khoan, cựu Đại Tá Vũ Quang, nguyên cục trưởng Tâm Lý Chiến, người do khẩu lệnh
đã mang tôi từ Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương về làm thư ký tòa soạn Nhật báo Tiền
Tuyến. Trước khi dọn đi vài ngày, từ khoảng sân sau đó ông Jones III cầm hai tờ
tạp chí Việt ngữ đã cũ, hơi sờn mép, cho người viết bài này xem, và cho mượn
hai ngày, để sao chụp nếu muốn, vì tới ngày thứ ba ông sẽ dọn khỏi nơi đó. Bài
khai bút vào mùa Xuân cuối cùng của báo chí văn học miền Nam của Vũ Hoàng
Chương đã đăng trong tờ báo ông cho mượn. Đó là bài “Khai Xuân hỏi đá” dưới
đây:
Khai Xuân Thạch Vấn
Tường vân mãn tọa nguyệt bôi minh
Hy chúc Xuân khai dạ bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hà thanh!
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn,
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình!
Đồi ngọa, dữ sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?
Hy chúc Xuân khai dạ bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hà thanh!
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn,
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình!
Đồi ngọa, dữ sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?
Thi sĩ tự chuyển ra lục bát như sau:
Đá Mở Lời Xuân
Bạn đầy mây, chén đầy trăng,
Xuân vào đêm, giữa lòng băng nở quỳnh.
Liễu tơ đào gấm như tranh,
Dâu Tần biếc, cỏ Yên xanh, một trời.
Quê xưa phấn rụng vàng rơi
Có nghe vách đá vang lời hỏi duyên:
Say nằm trước ngõ là tiên,
Hoặc say nằm cát ngoài biên mới hào?
Xuân vào đêm, giữa lòng băng nở quỳnh.
Liễu tơ đào gấm như tranh,
Dâu Tần biếc, cỏ Yên xanh, một trời.
Quê xưa phấn rụng vàng rơi
Có nghe vách đá vang lời hỏi duyên:
Say nằm trước ngõ là tiên,
Hoặc say nằm cát ngoài biên mới hào?
(Vũ Hoàng Chương, trên thềm Ất Mão, 1975)
Đọc đi đọc lại bài thơ, từ nguyên tác chữ Hán tới phiên âm và bản chuyển dịch, dù không mê tín, người đọc vẫn có thể tự hỏi: “Bài thơ có phải là điềm tù ngục chăng? Có linh tính mẫn cảm đến từ trời đất, từ tiền sinh dị kiếp nào chăng? Sao lại Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn? (Quê xưa phấn rụng vàng rơi). Và sao lại lấy nhan đề bài khai bút là Khai Xuân Thạch Vấn: Vào Xuân Hỏi Đá hay Khai bút ngày Xuân hỏi đá? Hỏi tường đá? Và sao đang say ở nhà lại so sánh với cảnh say trên đất cát chiến địa: Sa trường túy ngọa? Thi sĩ nhiều khi trở thành tiên tri, là như thế.
Bút tự chữ quốc ngữ của Vũ Hoàng Chương
trong bài thơ Khai Bút Nhâm Tý, 1972. (Hình: Viên Linh cung cấp)
2- Nhiều người thường xua đuổi loài quạ mỗi khi nghe
tiếng chúng trên đầu, cho rằng đó là loài chim mang đến tai ương, tang tóc. Thật
ra làm sao những cánh chim ấy có thể gây ra bất cứ sự việc gì: Chúng là loài
chim ăn thịt, dù thịt sống hay thịt đang chuyển mùi tử khí, chúng “nghe” thấy
chết chóc trước con người, và kêu lên trước con người. Quạ là loài chim bay là
là trên những con đường lớn của thành phố mỗi sáng tinh sương, chúng giúp con
người đi nhặt xác chết các loài chuột bọ bị xe cán, hay bị loài người vứt trên
đường lộ, bãi hoang, trong đêm hôm trước. Quạ là thứ phu quét đường dọn vệ sinh
cho dân thành phố. Chúng cất tiếng kêu vì mùi tử khí đã phảng phất ở đó rồi, chứ
không phải vì chúng kêu nên mới có người chết. Người viết bài này từng đọc một
bài diễn từ khai mạc nhân dịp kỷ niệm Khởi Hành qua năm thứ ba, ca ngợi loài quạ.
Thi sĩ không phải quạ, nhưng thi sĩ chân chính, nhà nòi, cũng có thể là một
loài linh điểu nào đó đã cụt cánh, sống chung với loài người mà thôi, để kêu
lên thường xuyên bằng vần điệu, qua vần điệu, rằng nghe ra đã có mùi tử khí
quanh đây. Nhà hiền triết Plato biết như thế, nên không ưa thi sĩ. Giáo điều,
phát xít, cộng sản biết như thế, nên không ưa thi sĩ, và nhà thơ Vũ Hoàng
Chương thì họ càng muốn triệt hạ.
Sau khi ông từ trần vài năm, có giai thoại kể rằng
vài tháng sau tháng 4.75, nại cớ quen biết cũ, Chế Lan Viên tới thăm thi bá miền
Nam, và gợi ý rằng họ Vũ sẽ không gặp rắc rối gì, ngoài ra còn có thể được biệt
đãi, nếu có thái độ thích hợp, thể hiện qua một tài liệu mà họ Chế đưa cho ông;
đó là tập “Thơ của Hồ Chủ Tịch.” Nghĩa là tác giả Điêu Tàn gợi ý cho người bạn
xa xưa hãy viết một bài ca ngợi “thơ Bác!”
Ít ngày sau Chế Lan Viên trở lại thăm, và hỏi về tập
thơ ấy. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương như chợt nhớ ra, nghiêng người, lật một mảng
chiếu mà ông đang ngồi, rút tập “thơ của Bác” mà ông lót dưới chiếu để ngồi,
đưa trả tác giả Điêu Tàn.
Bài Thạch Vấn làm năm 1975, bài sau đây chắc chắn
chưa từng được đăng báo trong nước:
Đề Tranh Gà Lợn
Sáng chưa sáng hẳn, tối sao đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh?
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Thôi hãy im đi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh?
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Thôi hãy im đi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
(Vũ Hoàng Chương, Gác Bút, năm Thìn 1976)
Vũ Hoàng Chương (1916-1976). (Hình: Viên
Linh cung cấp)
Thái độ của nhà thơ về chế độ, về con người của chê độ ấy thật quá rõ. “Đừng om sòm, đừng ủn ỉn nữa lũ gà lợn kia, thôi hãy im đi. Nghe ta ngâm thơ đây.” (Ông thường tự nhận mình là Thi Vương, hay là Rồng.) Chuyện sau đó chúng ta đã biết: Vũ Hoàng Chương là nhà thơ đầu tiên của miền Nam chết vì tù đày Cộng Sản, tháng 9, 1976.
Ghi chú:
Trong Từ Điển Văn Học, bộ mới, do Thế Giới Hà Nội xuất
bản tháng 10, 2004, “Công trình biên soạn của 106 giáo sư, tiến sĩ,” có đoạn viết
về nhà thơ Vũ Hoàng Chương như sau: “...bắt chước Lý Bạch hát ‘bài ca cuồng’”...
“nhưng cũng có những bài có phần bốc đồng, thiếu chín chắn về mặt chính trị...”
(trang 2025). Võ Phiến, trong bộ tạp văn Văn Học Miền Nam, Thơ, đã viết về họ
Vũ từ trang 3178 tới trang 3195, bằng một giọng văn đùa rỡn, chế giễu, (mặc dù
ông nói không dám), phần lớn dựa vào ý của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam
và của Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại in từ thời '40 về VHC bằng những tiếng
như sau: “Vừa ló mặt ra với đời, ông đã già tức khắc.” “nhiều lúc giọng già cóc
cách,” “Giọng già cóc cách thế nào không rõ. Nhưng xem cái ý nghĩ của ông thì
thấy già rành rành. Nếu ý đã già, giọng cũng già (cóc cách) nữa thì đích thị
già trọn vẹn rồi, còn gì nữa? Vũ Hoàng Chương không những già, lại còn xưa.”
“Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không
ngao ngán, VHC đều có thể xưa.” (trang 3180) Đại khái toàn những giọng phán bừa
phứa kiểu quan ngự sử văn đàn như thế. Người viết bài này muốn lưu ý bạn đọc là
với sách cộng sản in trong nước, (hay sách viết ở ngoài nước lại chê miền Nam )
người đọc cần nhận định và đánh giá lại bằng suy nghiệm riêng của mình, hầu
tránh bị dẫn dắt có hậu ý. Từ Điển Văn Học còn không dám viết đến cái chết của
VHC, dù một dòng; lại còn “phê bình” nhà thơ “thiếu chín chắn về chính trị.”
Tuy thế, phần viết về tác giả Thơ Say trong cuốn từ điển do Hà Nội xuất bản lại
tử tế hơn phần viết về VHC trong bộ Văn Học Miền Nam, Thơ, in tại Hải Ngoại.”
1-Xem Chiêu Niệm Văn Chương I, Vũ Hoàng Chương, Lịch
sử Thơ, Viên Linh xuất bản, Hoa Kỳ, 2000.
2-Xem Khởi Hành 141, tháng 7, 2008.
3-Số tạp chí cuối cùng của văn học miền Nam là tờ Thời
Tập số 23 ra ngày 15 tháng 4, 1975.
4-Plato (427-347), triết gia Hy Lạp, người đầu tiên
dược coi là phê binh gia thi ca của nhân loại. Những kẻ độc tài, trong tư tưởng
chính trị hay tôn giáo, thường theo gót Plato ngược đãi thi sĩ, từ thánh
Augustine tới phát xít hay cộng sản. Khi thi sĩ nhìn thấy ánh sáng phía chân trời
là ánh sáng của hoàng hôn, thì những kẻ độc đoán lại vui mừng ca ngợi bình minh
đang tới. Và khi Vũ Hoàng Chương nhìn thấy cảnh mình nằm hỏi đá nhà lao, thì
đám côn quang ở Sài Gòn sửa soạn giương cờ đỏ ca ngợi ngày giải phóng. Bằng những
lời đường mật, Plato ca ngợi thi sĩ, nhưng đế lưu đày thi sĩ. Ông ta viết: “Nor shall any one [thi sĩ] dare to sing a song which has
not been approved by the judgment of the guardians of the laws, not even if his
strain be sweeter than the songs of Thamyras and Orpheus.” (Plato, Laws) Trích
lại từ A short history of Literary Critism của V. Hall, Jr.
5-Năm 1986, Chế Lan Viên có
tập thơ xuất bản nhan đề “Ta gửi cho mình,” có những câu thơ như “Mỗi tấc đất
miền Nam đều là đất Bác Hồ” (trang 52) và có một số câu diễn tả cái đói ở miền
Trung, mơ về miền Bắc sung túc như ... thật: “Ăn sạch hết rau rừng rau đắng Trường
Sơn - Đêm đói bụng nằm mơ về đất Bắc - Trung châu Trung châu lúa vàng tít tắp -
Đi khắp mọi nhà đều được mời cơm.” (Nhớ được mời cơm, trang 8). [12, 2008]