10.02.2017

Một cuộc hành trình - Thảo Nguyên & Huy Văn

Một cuộc hành trình

Thảo Nguyên & Huy Văn


Ông là một trong số những người được dưỡng dục trong chuỗi hoàng hôn của nền văn học Hán-Nho trước khi phong trào truyền bá chữ Quốc Ngữ chính thức đăng quang ở thập niên 40 của thế kỷ trước. Trong buổi giao thời của văn hóa Đông-Tây và trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước bị sâu xé bởi thực dân Pháp và Việt Minh Cộng sản, người trai trẻ họ Trần quyết định ly hương để tự lập thân, mặc dù đã được một gia đình địa chủ trong thôn nhận làm dưỡng tử, cưu mang từ tấm bé và đã có ý định chọn vợ cho ông. Cho dù chỉ với hai bàn tay trắng nhưng ý chí và mục tiêu của ông đã rất kiên định: phải bằng mọi cách thoát ly khỏi vùng Việt Minh kiểm soát vì không thể chấp nhận và không thể nhìn cảnh bọn vô thần đang hiện nguyên hình là những tên sát nhân cuồng tín núp dưới danh nghĩa kháng Pháp để thu quyền và gom lợi về cho bọn chúng.

Ông nhập ngũ ngày 1/2/1954 khi có lệnh động viên và sau 3 tháng huấn luyện cộng với 2 tháng thành lập đơn vị, Tiểu Đoàn khinh quân 724, một đơn vị tinh nhuệ và cũng là tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt (Comandos) sau này, ra đời tại tỉnh Quảng Yên (sau sát nhập với tỉnh Hải Ninh để trở thành tỉnh Quảng Ninh). Lúc đó trận Điện Biện Phủ đã vào giai đoạn tàn cuộc, nên toàn bộ đơn vị được đoàn phi cơ C47 Không vận từ sân bay Hải Phòng, vượt vĩ tuyến 17 và hạ cánh tại Tuy Hòa - Phú Yên sau 2 giờ bay. 

Tiểu Đoàn Khinh Quân 724 sau đó được sát nhập vào Sư Đoàn 2 Tân Lập do Đại Tá Tôn Thất Đính làm Tư Lệnh. Năm 1963 ông theo học khóa Hạ Sĩ Quan Trừ Bị tại Đồng Đế - Nha Trang. Đến lúc này thì gia đình ông đã càng ngày càng thêm nhân khẩu và người vợ hiền thục rất đảm đang - một người con gái cũng đã thật can đảm khi yêu ông và thành thân với ông cho dù lúc đó mối mai và họ đàng trai chính là cấp chỉ huy trong đơn vị của ông - đã là một nội tướng đúng nghĩa khi giúp ông quán xuyến gia đình về mọi mặt cho dù đã phải theo ông từ hết trại gia binh này đến trại gia binh khác. Ngay từ khi cháu gái đầu lòng cất tiếng gọi “Ba” là ông đã nhận biết “thiên chức thiêng liêng” của mình về cả hai phương diện Nợ Nước và Tình Nhà, hiểu theo nghĩa muốn bảo vệ cho gia đình thì phải chống lại sự xâm lăng từ phương Bắc. Vì vậy, ông luôn kiên nhẫn chờ đợi một ngày có cơ hội thi thố khả năng của một người có khiếu lãnh đạo chỉ huy nhưng phải ẩn nhẫn chờ thời chỉ vì lý do: Hán học của ông tuy uyên thâm nhưng đã lỗi thời, còn khả năng Tây học thì không đủ để giúp thâu ngắn thời gian thăng cấp!

Năm 1966, Liên Đoàn 1 BĐQ được thành lập. Ông thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 39 BĐQ, lúc đó đang đồn trú tại Miếu Bông, thuộc ngoại ô của thành phố Đà Nẵng. Đời lính tác chiến luôn rày đây mai đó, nhưng ông không hề xao lãng bổn phận đối với gia đình. Kín đáo và ân cần với vợ. Nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình phụ tử đối với con cái. Không thường xuyên có mặt tại nhà nhưng trong những lần về phép hay dưỡng quân tại hậu cứ, là toàn bộ thời gian đều được ông dành tối đa cho vợ con. Tình nhà vẫn luôn nồng ấm, còn Nợ nước thì vẫn còn phải trả, trả suốt đời! Vết thương và miểng đạn pháo trong ngực là lời nhắc nhở thường xuyên về một món nợ đối với Tổ quốc nói chung và đồng đội nói riêng. Những người cùng ông đứng trong hàng quân từ thuở còn trong Tiểu Đoàn Khinh Quân 714 đã lần lượt đi vào thiên cổ hoặc giã từ vũ khí vì thương tật, còn ông thì nhờ Trời, “… còn thở là còn chiến đấu”! Rồi cũng đến lúc nghiệp nhà binh của ông tiến dần đến một hướng mới, nơi đó có một con đường: con đường vun đắp tài thao lược và năng khiếu chỉ huy đã tiềm ẩn trong con người ông bấy lâu nay. Sau khi góp phần tái chiếm cố đô Huế, ông được đưa đi học khóa Sĩ Quan Đặc Biệt ở Trường Bộ Binh Thủ Đức giữa năm 1968. Qua năm sau, ông về trình diện Tiểu Đoàn 37 BĐQ với chiếc lon Chuẩn úy mới tinh trên ve áo. Không lâu sau đó, Liên Đoàn 1 BĐQ về đồn trú tại thôn Phú Lộc, thuộc xã Hòa Minh, còn gia đình ông thì dọn về trong khu phát triển đô thị thuộc xã Hòa Mỹ gần ngả ba Huế, không quá xa hậu cứ Tiểu Đoàn và cũng là một hình thức tự lực cánh sinh để nhường một chỗ trong trại gia binh cho đồng đội nào cần một mái nhà hơn mình. Những năm kế tiếp là chuỗi ngày chinh chiến ngược xuôi, là những thăng trầm và gắn bó với đơn vị và đồng đội. Đây cũng là khoảng thời gian ông đưa hai chữ “thiên chức” vào hiện thực của chiến tranh khi phát huy khả năng tác chiến thật hiệu quả và cung cách chỉ huy đầy tính nhân bản của mình. Nắm Trung đội chưa bao lâu, trong cuộc hành quân Dương Sơn 3/70 trong vùng Quế Sơn, Trung đội của ông đã tiêu diệt hoàn toàn bộ chỉ huy của một đơn vị Cộng sản cấp tỉnh và bắt sống tên bí thư Tỉnh ủy của tỉnh Quảng Tín cùng tịch thu được một số tài liệu tối mật. 

Tin chiến thắng bay về tận Bộ Tổng Tham Mưu. Nhận lời mời của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I, đích thân Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH bay ra Bộ Chỉ Huy Hành Quân của LĐ 1BĐQ tại thị xã Tam Kỳ, Tỉnh lỵ của Quảng Tín để nhận tài liệu và dự lễ khao quân, tưởng thưởng đặc cách cho các chiến sĩ hữu công. Chiếc lon Thiếu úy của ông được hai vị Tướng ấy - mỗi người một bên - đồng loạt gắn lên cổ áo của ông trong ngày hôm đó.

Ông tham gia tất cả những trận đánh để đời của QLVNCH nói chung và Binh chủng BĐQ nói riêng tại Quân Khu I trong những năm dầu sôi lửa bỏng nhứt của cuộc chiến. Từ Mậu Thân 1968, hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 trên chiến trường hạ Lào, trận tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng tại Quảng Trị năm 1972 (khi đơn vị lần lượt tăng phái cho Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến), trận Sa Huỳnh tháng 2/1973, một trận đánh hào hùng và tốc chiến khi Liên Đoàn 1 BĐQ hành quân từ Mộ Đức tiến về Sa Huỳnh, thuộc Đức Phổ, Quận cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi để đánh bật quân Cộng sản Bắc Việt ra khỏi nơi này ngay trong những ngày Hiệp Định Ba Lê bắt đầu có hiệu lực (ngày 27/1/1973), cho tới những đụng độ không kém phần khốc liệt trong Mộ Đức, Suối Đá - Tam Kỳ, Nông Sơn - Đức Dục của những năm 1974-1975, ông đều hoàn tất nhiệm vụ được giao phó một cách xuất sắc. Từ Chuẩn úy (1969) lên Đại úy (tháng 2/ 1973) chỉ mất không đến 4 năm đủ nói lên khả năng tác chiến của ông trong mọi hoàn cảnh và tình huống. Ông đối xử với thuộc cấp trong tinh thần rất… chi binh nếu không muốn nói là như Cha với Con nếu xét về mặt tuổi tác. Riêng trong tinh thần Huynh Đệ Chi Binh, ông luôn luôn nhắc nhở, hướng dẫn, nâng đỡ đàn em và chia xẻ kinh nghiệm chiến trường mỗi khi có dịp: “Sơ xuất hay lầm lỗi trong Quân Trường có thể được sửa đổi, còn quyết định sai lầm ngoài chiến trường thì phải trả giá bằng máu hay sinh mạng của chính mình và đồng đội. Vì thế, các anh phải hết sức thận trọng…” Bề ngoài thì ông có phong cách rất võ biền, nhưng bên trong là một trái tim mẫn cảm. Nhắc tới ông và những kỷ niệm thời xuôi ngược khắp vùng trách nhiệm hành quân của đơn vị, một khinh binh kiêm âm thoại viên đã có lời mộc mạc nhưng rất mực thân kính như sau:

Nhờ anh chuyển tiếp lời thăm hỏi đến Papa Vương Vũ, Bố ơi, khi nào không còn hơi thở thì chúng em mới quên papa. Có bao giờ papa gọi chúng em là mầy tao đâu, dù lửa sôi, sanh tử cận kề, cũng một mực anh và tôi, mẫu mực sống chúng em sao quên được, Sa huỳnh, Quế Sơn, Khe thay, Duy xuyên, Điện bàn, Đức dục, Phong thử ngày nào vẫn còn đó há dễ gì quên, vẫn còn dang dở cầu chúc ơn trên phù hộ bố an khang tráng kiện. Hẹn gặp lại. Kính chào bố. Nguyễn Phong.”

Thêm câu nói khác của Thượng sĩ Lê Văn Trữ, một Chiến sĩ xuất sắc trong trận Sa Huỳnh, người đã góp phần giúp ông nhận thêm một bông mai đặc cách chỉ sau khi đảm nhiệm chức vụ đại đội trưởng có 9 tháng: “… Bố Vương lo cho anh em hết mình. Rất thẳng thắn và… chịu chơi!”

Mối liên hệ thầy trò và tình nghĩa chi binh đó được biểu hiện thật đậm nét khi - trong ngày lui binh từ Xã Đức Tân về Kỳ An - ông đạp trúng mìn của địch và bị trọng thương khi còn cách Quốc lộ cả 2 cây số. Gãy chân, mất máu, đuối sức và đang phải vừa cầm chân địch vùa tháo lui, ngần ấy thứ có thể chôn vùi tên tuổi của bất cứ một Đại đội trưởng nào khác. Nhưng với con Cọp “già” dạn dày trên chiến trường có tên hiệu là Vương Vũ thì mặc dù đang chịu đau đớn thể xác, ông vẫn cố gắng chỉ huy anh em khi được các đàn em thận cận của mình thay nhau cõng, vác suốt con đường máu từ Đức Trạch ra Kỳ An, rồi từ Kỳ An ra tới Quốc lộ 1. Ông chỉ bỏ lại anh em khi được tải thương cấp tốc về Đà Nẵng. Hôm đó là ngày 22/3/1975. Ngày hôm sau, Cọp già của TĐ 37 BĐQ đành phải chấp nhận cho Bác sĩ cưa chân hai lần để bảo toàn mạng sống vì máu bị nhiễm trùng và đã lan đến quá gối.

Những ngày sau đó, Đà Nẵng rối loạn trong cơn hấp hối. Quân và Dân của thủ phủ vùng 1 tìm cách ra khơi bằng mọi phương tiện. Nhưng đã quá muộn. Địch dùng đại pháo từ trên sườn đèo Hải Vân bắn chận trên cửa biển. Ngoài một số ghe, thuyền nhỏ bé liều mạng vượt sóng ra khơi để được tàu Hải Quân tiếp vớt, số còn lại đành thúc thủ vì xà lan khẳm người, tàu kéo chậm chạp, sông Hàn dày đặc tàu bè lớn, nhỏ. Thương vong quá lớn nên sau khi chuyển được một ít chuyến thì Hải Quân bỏ cuộc. Những người tập trung dọc theo đôi bờ sông Hàn, tại bến Hải Quân Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, trên bến tàu Trình Minh Thế hay tại bãi Thanh Khê, đều bị bỏ lại từ sau nửa đêm của ngày 28/3/1975. Tổng Y Viện Duy Tân di tản, Đà Nẵng hỗn loạn rồi thay đổi chủ. Ông may mắn được các bà Sơ làm việc tại Bệnh viện Việt-Đức nhận vào săn sóc và càng may mắn hơn là vào giờ phút rối rắm đến cùng cực đó, ông lại được một đồng đội thân tín quyết chí ở lại săn sóc cho ông thay vì anh này có thể đường hoàng về Nha Trang xum họp với gia đình. “Em không thể bỏ Đại úy trong hoàn cảnh này được” Người Quân nhân tên Diệp đó đã nói như vậy khi ông bảo anh ấy hãy lo tìm cách trở về với gia đình. Chỉ sau khi thấy sức khỏe của vị Đại đội trưởng đã tương đối ổn định và khi cô con gái đầu lòng của ông - một Sinh viên đang theo học khóa Cán Sự Điều Dưỡng - từ Huế trở về để tình nguyện phụ giúp vào việc chữa trị cho ông cùng với những bệnh nhân gốc lính khác, thì Diệp mới từ giã ông để tìm về với gia đình anh tại Nha Trang.

Ông mất một chân nhưng không mất tinh thần trước cuồng lưu đỏ đang phủ chụp lên Đà Nẵng cho dù khi ra khỏi bệnh viện thì ngôi nhà trong Hòa Mỹ đã bị đám “ủy ban quân quản” tịch thu. Trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng của cuộc đổi đời, tìm một ngôi nhà khác không khó khăn nhưng vừa có chỗ ở thì tuy không bị đưa đi cải tạo tập trung, ông cũng bị chính quyền địa phương bắt đi học tập tại chỗ, đi mít tinh, thậm chí đi lao động liên miên mặc dù vết thương chưa kịp kéo da non. 


Những năm kế tiếp là cả một sự trần thân của kẻ sĩ sa cơ, một chiến sĩ bại trận và cũng như hầu hết những con dân của miền Nam khác, ông âm thầm sống bên lề thời cuộc với niềm vui duy nhứt là là chiếc máy Radio transistor để nghe tin tức trên hai đài VOA và BBC Luân Đôn. Mọi thứ thông tin khác từ phía “Cách mạng” ông chẳng màng tới. Cho đến năm 1979, khi chúng bắt buộc cả nhà đi kinh tế mới trên Ban Mê Thuột thì ông biết đã đến lúc phải lìa bỏ Đà Nẵng. Nhà mất nhưng người còn, mặc dù phải tạm chia lìa bằng cách để cho cô con gái kế ở lại giữ căn nhà làm gốc để có nơi quay về nếu lỡ phải trở lại Đà Nẵng. Một năm vật vã với rừng thiêng nước độc ở buôn Thung đã làm ông và gia đình tưởng chừng như đã rơi vào tuyệt lộ vì phải tự đào đất đắp nền nhà, tự đào giếng để có nguồn nước sạch, tự xoay sở hay cắn răng chịu đựng mọi thứ bệnh trên đời bởi nhà nước chỉ cấp phát đất cho dân rồi thôi, cứ thế mà mạnh ai nấy sinh tồn. Hành động trả thù thô bạo đã nói lên dã tâm trả thù một cách kín đáo nhưng hèn hạ đàng sau những mỹ từ như: giãn dân, kinh tế mới hay lao động khẩn hoang của phe thắng cuộc. Trong lúc gần như tuyệt vọng thì ông bắt được liên lạc với bạn bè kiêm đồng đội cũ ở Sàigòn, ông lập tức một mình đi tìm gặp họ để thăm dò đường đi nước bước rồi sau đó mới đưa cả gia đình từ Buôn Thung về Sài gòn. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của bạn bè và cũng nhờ các “quan” địa phương đã bắt đầu biết… ăn hối lộ nên ông và cả nhà cũng đã chạy được một tờ hộ khẩu và một nơi tạm trú cho cả gia đình trong một khu phố trên đường Trương Minh Giảng.

Từ ngay sau ngày bị nhuộm đỏ bởi Cộng sản, trong miền Nam đã dậy lên một hành động phản kháng rất ôn hòa: vượt biên! Rộn ràng nhứt là lúc có phong trào ra đi bán chính thức khởi đầu từ sau vụ đánh tư sản mại bản và trục xuất người Hoa của chính quyền Trung ương năm 1978. Do đó, ngay khi vừa có nơi ăn chốn ở ổn định là ông quyết định cho gia đình tìm cách xuống ghe ra khơi. Từ 1981 cho đến 1989 gia đình ông tung hết số tiền dành dụm, chắt chiu vào việc đi tìm tự do thay vì suốt đời chịu đựng sống với chế độ phi nhân trong nước. Trời xanh không phụ lòng người! Sau nhiều lần thất bại trong việc ra khơi cũng như sau mấy lần ông bị Công an thẩm vấn tại số 8 Phan Đăng Lưu về việc giấy tờ và Chứng Minh Nhân Dân do đâu mà được cấp phát, cả nhà đều lần lượt tới Mã Lai, Nam Dương rồi Palawan (Phi Luật Tân) sau 5 chuyến vượt biển thành công (và vô số lần thất bại).

Nếu Hổ của thi hào Thế Lữ “Gặm mối căm hờn trong cũi sắt” thì Cọp lìa đàn của Binh Chủng Biệt Đông Quân QLVNCH cũng ưu tư và trăn trở không kém về mối hận ly hương khi phải sống kiếp lưu vong. Mặc dù gia đình yên ổn sum vầy, con cái thành đạt nơi đất khách quê người là niềm tự hào thật sâu lắng trong lòng ông, nhưng bên cạnh đó là nỗi buồn cứ mỗi ngày một đè nặng lên ký ức. Ông nhớ quê xưa, nhớ kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ cả những buồn vui, khó nhọc của gia đình mình qua hơn 15 năm lây lất sống trong ngục tù bao la của cộng sản. Ông thầm cảm ơn người vợ đã chia xẻ gian lao, khổ ải, ngọt bùi qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống. 


Người vợ Lính qua mọi thời kỳ đều như thế: nhẫn nhục, trung trinh, cáng đáng một cách khéo léo để cùng chồng xây dựng mái ấm gia đình cho dù phải chuyển dời hết trại gia binh này tới trại gia binh khác. Mãnh hổ một thời xông pha lửa đạn bây giờ là một lão niên với chiếc chân giả và mảnh đạn còn nằm trong phổi. Dấu ấn binh đao vẫn hiển hiện ngay trên thân thể đã bước qua tuổi thượng thọ nên những lúc trái gió, trở mùa là ông lại phải chiến đấu với cơn đau thể xác như đã từng làm hơn 41 năm qua. Thể chất dù đã héo hon nhưng tinh thần thì không chút suy suyển. Ông hãnh diện vì đã phụng sự cho tổ quốc và càng không quên bất cứ trận đánh nào mình đã tham dự cho dù một bên tai đã hoàn toàn bất khiển dụng và trí tuệ đôi lúc đã bềnh bồng trôi vào cõi vô minh. Không quên quá khứ của thời chinh chiến cũng có nghĩa là ông luôn mang ơn những tử sĩ đã hy sinh trong thời lửa đạn, đặc biệt là đồng đội và chiến hữu ngay trong đơn vị của ông ngày xưa. 

Thân ở xứ người mà lòng vẫn hướng về quê nhà, nơi những người thân quen của ông, nhứt là những đồng đội và chiến hữu kém may mắn vẫn còn đang lây lất sống. Những đóng góp khiêm nhường vào quỹ tương trợ của riêng Liên Đoàn 1 BĐQ mà ông phục vụ là một cách trả ơn những người đã hy sinh để ông được sống và cũng là sự chia xẻ của một Thương Phế Binh với một Thương Phế Binh bất hạnh hơn mình nơi quê nhà. Đó cũng là hạnh phúc ấm lòng vì mỗi khi nghĩ lại, ông thấy mình vẫn sung sướng hơn họ về mọi mặt. Trên đoạn cuối của hành trình về nguồn, có một lão niên hằng ngày thường ngồi tựa lan can, hoặc nơi băng ghế trong công viên, ngay mé nước, để ngắm vùng vịnh êm đềm trước chung cư của mình tại vùng Quincy (ngoại ô Boston- MA) và mơ về Đất Mẹ cách nửa vòng quay trái đất. Trong trung tâm sinh hoạt của người già tại thành phố Boston - Massachussets có một thương binh ngoài bát thập tuy đôi lúc có lãng đãng trong cõi nhớ, quên nhưng nếu có ai hỏi về đơn vị cũ, chiến trường xưa thì họ sẽ thấy lại hình ảnh của một thanh niên đầy nhiệt huyết qua câu chuyện kể về Màu Cờ và Sắc Áo mà ông đã từng phục vụ. Người đó là ông: Đại úy Trần Văn Vương, Đại Đội Trưởng ĐĐ 3/TĐ37/LĐ12 Biệt Động Quân, một Chiến sĩ xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thuở xưa!

Thảo Nguyên & Huy Văn