29.06.2017

Vụ nhà báo Duy Phong viết về Yên Bái

"Suy cho cùng, vị thế của một nhà báo trong hệ thống hơn 18000 người viết báo trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam nghe ra có nhiều vấn đề đáng buồn hơn là đáng tự hào."

Vụ nhà báo Duy Phong viết về Yên Bái
Công an ngăn cản nhà báo chụp hình bên ngoài Tòa án Nhân dân TPHCM tại phiên xử Giáo sư Phạm Minh Hoàng hôm 10/8/2011.  AFP photo

Ngày 22 tháng 6 năm 2017, nhà báo Lê Duy Phong, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam bị công an tỉnh Yên Bái bắt giữ tại một nhà hàng với cáo buộc ông Phong tống tiền một doanh nghiệp. Ông Phong là người đã phanh phui vụ biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, ông này là em ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Việc ông Phong bị bắt đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau và mối hoài nghi ông Phong bị gài thế đang là luồng dư luận mạnh nhất hiện nay.


Nhà báo nói gì?

Nhà báo Trương Duy Nhất là nhà báo độc lập, chủ trang blog Một Góc Nhìn Khác, chia sẻ: “Ông Lê Duy Phong đó, sao mình biết được vì tình trạng nhà báo tống tiền hàng loạt, quá phổ biến ấy mà. Mà về chính quyền thì ai rõ ràng ai cũng phải đặt dấu hỏi vì ông này đang điều tra hai vụ án lớn dính đến quan chức. Mà sao nếu nhận hối lộ thì bên kia đưa seri tiền lên rồi khởi tố thì sao không khởi tố tội nhận hối lộ mà khởi tố vụ lạm dụng quyền hạn. Vì nếu khởi tố tội nhận hối lộ sẽ phải khởi tố người đi hối lộ, vậy nó lòi ra hết thì sao. Chứ ông Phong làm gì mà lạm dụng quyền hạn, vậy nên người ta đặt ra dấu hỏi, chứ thực sự làm sao mình dám khẳng định thế nào đâu.”

Nhà báo này chia sẻ thêm rằng khả năng ông Phong bị gài thế là rất cao, bởi có những tín hiệu cho thấy điều đó, từ việc loan khống số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu đồng trong khi thực tế chỉ có 50 triệu đồng trên bàn nhậu, lúc này ông Phong đã ở trạng thái say rượu là một vấn đề mờ ám.
Và một khi số tiền từ 50 triệu đồng lên 250 triệu động thì mức độ hình phạt sẽ khác nhau hoàn toàn, sự vụ đang bị bóp méo từ chỗ đút lót, hối lộ nhà báo sang chỗ nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Và nếu thực sự ông Phong tống tiền doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã đưa tiền cho ông Phong phải trưng ra đầy đủ các bằng chứng họ bị tống tiền. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống cũng như việc đã gài thế nhà báo như thế nào. Nhưng một khi công an không điều tra một cách nghiêm túc thì cũng khó mà minh oan cho ông Phong được.

Hiện tại, Công an tỉnh Yên Bái khẳng định, ông Phong đã lợi dụng hoạt động báo chí để “cưỡng đoạt tài sản” và vì vậy đã tạm giữ ông Phong để điều tra thêm. Bởi ông Phong chính là tác giả hai loạt bài điều tra trên báo Giáo Dục Việt Nam khiến dư luận rúng động. Loạt bài đầu tiên đề đề cập đến tư dinh của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, bí thư tỉnh Yên Bái. Tư dinh này là một quần thể kiến trúc với các biệt thự có nhiều kiểu khác nhau, vườn hoa, hồ nước, sân chơi thể thao...

Ngoài những nghi vấn về khả năng tài chính khổng lồ của một giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường có thể có để xây dựng biệt phủ, một vấn đề khác đáng chú ý hơn là loạt bài của ông Phong đã đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng trong khi các thủ tục này phải đòi hỏi thời gian rất lâu và đất ruộng, đất rừng theo qui định của luật nhà đất Việt Nam hiện hành là không được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đất xây dựng nếu đó không phải là công trình mang tính phúc lợi xã hội.

Đương nhiên là nhà của ông Quý, giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường là công trình tư nhân, không có bất kỳ chút lợi lộc nào cho cộng đồng, nếu không muốn nói nó đã lấy mất đi nhiều phần rừng và ruộng của toàn dân.
Loạt bài thứ hai của ông Phong đề cập đến tư dinh của ông Đặng Trần Chiêu, giám đốc Công An tỉnh Yên Bái. Trong đó, quy mô và giá trị của dinh ông Chiêu còn lớn hơn dinh ông Quý. Tầm vóc thuộc hàng lớn nhất tỉnh Yên Bái, thậm chí vượt cả các công thự vốn rất bề thế ở tỉnh này.

Nhà báo chân chính ở đâu?

Một nhà báo không muốn nêu tên, chia sẻ: “Cái này khó nói lắm vì người họ phục vụ đâu phải là độc giả. Bởi vì người nuôi sống họ là nhà nước và doanh nghiệp mà họ hù dọa được. Nói tóm lại là họ tồn tại dựa vào nhà nước và quảng cáo. Thành ra họ coi độc giả đâu được gram nào. Một nhà báo chân chính phải coi quyền lợi độc giả là trên hết, sự thật là trên hết vì độc giả là người nuôi mình. Như luật sư coi thân chủ là thượng đế thì nhà báo phải coi độc giả là thượng đế, phải phục vụ cho độc giả, đơn giản vậy thôi.”

Câu chuyện về nhà báo Lê Duy Phong gặp nạn khi nhậu cũng là một câu chuyện đáng bàn. Mà ở đây, có hai khía cạnh cần nhắc đến, đó là nguồn sống của nhà báo và vấn đề nhà báo quan tâm nằm ở đâu?

Ở khía cạnh nguồn sống của nhà báo phục vụ nhà nước, vị này nói rằng sẽ rất khó để tìm ra một nhà báo thực sự quan tâm đến độc giả và đối tượng viết, hay nói cách khác là quan tâm đến sự thật. Bởi nguồn sống của phóng viên nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước, họ phải phục vụ nhà nước. Bên cạnh đó, họ phải phục vụ các doanh nghiệp để lấy nguồn tiền từ quảng cáo và từ một số yếu tố mang tính chất quà cáp, biếu xén, bánh ít trao đi bánh qui trả lại.

Và ngay cả vấn đề nổi cộm mà một nhà báo lớn đề cập cũng có vấn đề nốt. Bởi hầu hết các bài viết phanh phui tài sản của các quan chức đều nằm trên lộ trình đánh đấm của các phe phái. Một nhà báo không có chỗ tựa lưng về mặt quyền lực nhà nước sẽ không bao giờ dám viết bài đụng đến quan chức nhà nước, và một tờ báo không có sự ủng hộ của phe phái chính trị thì sẽ không bao giờ dám cả gan đăng tải những bài viết đụng chạm đến giới quan chức.

Nếu có chăng, thì việc này thuộc về các tờ báo quốc tế và hải ngoại, họ không có quyền lợi liên đới trong việc phanh phui. Nhưng rất tiếc là không dễ gì có cơ hội cho một phóng viên hải ngoại hay quốc tế tham gia điều tra thông tin để viết bài dưới cơ chế nhà nước hiện tại.

Việc nhà báo Lê Duy Phong đã mạnh dạn phanh phui vụ hai biệt phủ của Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường và Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái là một sự dũng cảm. Tờ Giáo Dục Việt Nam đăng tải loạt bài của anh Phong cũng là một sự dũng cảm.

Nhưng sự dũng cảm này chỉ có giá trị một khi anh Phong không nhận hối lộ từ doanh nghiệp và anh Phong bị vu khống. Cũng như sự dũng cảm của báo Giáo Dục Việt Nam chỉ có giá trị khi sau lưng nó không có thế lực chính trị hay phe phái nào ủng hộ nhằm đánh úp đối phương. Suy cho cùng, vị thế của một nhà báo trong hệ thống hơn 18000 người viết báo trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam nghe ra có nhiều vấn đề đáng buồn hơn là đáng tự hào.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam (RFA)