17.12.2014

Làm sao để khống chế (hoặc tác động) các hoạt động SV VN tại nước ngoài - Trọng Hiền

Làm sao để khống chế (hoặc tác động) các hoạt động SV VN tại nước ngoài

Trọng Hiền


Mình đã kết thúc đời SV thứ ba của mình ở Úc. Mấy năm gần đây do cơ duyên nên mình tiếp xúc khá nhiều với các hoạt động của SV VN tại Melbourne này nên ngộ ra vài điều khá lý thú. Một trong số đó là việc mình nhận ra các cách mà người ta đang dùng để tác động các phong trào SV VN tại nước ngoài. Chung quy lại là do sự non nớt, thiếu kiến thức và kinh nghiệm của rất nhiều SV trẻ tại nước ngoài mới tạo điều kiện cho sự khống chế (hoặc tác động) vô lý đó. Bài viết này là để các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về vấn đề này và hy vọng nó giúp cho một vài bạn trẻ để các em tỉnh táo và can đảm hơn khi tham gia vào các hoạt động SV VN tại nước ngoài. Chủ đề note này là: các cách mà người ta thường dùng để khống chế (hay tác động) phong trào SV VN tại nước ngoài.


1/ Cài đảng viên vào trong các hội sinh viên VN tại các trường, thành phố
Thường các Hội SV VN tại các trường, thành phố là các tổ chức dân sự, ai muốn tham gia thì vào chơi, một cách tự nguyện. Mỗi năm có một buổi họp tổng kết để bầu ra ban điều hành mới, người nào đến tham dự buổi họp ấy sẽ bầu ra ngẫu nhiên BCH mới. Cái bầu này khá cảm tính, vì có khi người bầu chả biết ứng cử viên như thế nào, năng lực ra sao. Có thể là thấy bạn A đẹp trai, đẹp gái, nói chuyện có duyên thì bầu, hay thấy bạn B có vẻ kênh kiệu, láu cá thì gạch tên. Hoặc bầu cho bạn bè mình, người mình quen...

Thiệt ra đây chỉ là sân chơi và có tính chất trong sáng và đa phần các bạn SV vào đây đều vô tự, trong sáng và nhiệt huyết.

Nhưng bên trong mỗi trường ở nước ngoài luôn có một chi bộ đảng dành cho đảng viên VN tại trường này. Trên cấp chi bộ trường có thể là chi bộ cấp thành phố. Các chi bộ đăng này họp định kỳ vài tháng hoặc một tháng một lần... Rất dễ dàng để họ cử một hay nhiều đảng viên đăng ký vào trong ban điều hành của Hội SV VN trong trường mỗi nhiệm kỳ. Để chắc chắn người của mình (đảng viên) có chân trong Hội SV, họ cử đảng viên tham gia buổi bầu cử ấy và dồn phiếu cho gà nhà. Không đạt mới lạ, hè hè.

2/ An ninh đội danh sinh viên rải đầy các trường
Có nhiều an ninh vào học ở các trường y hệt như sinh viên. Họ có mặt ở tất cả các khóa học, đại học, thạc sỹ hoặc kể cả tiến sỹ. Đặc điểm nhận dạng an ninh chìm: họ học rất nhiều khóa, từ master, đến học nghề, đến học PhD và thời gian học rất lâu (rất nhiều năm). Nếu chúng ta thấy ai đó học trường kỳ trong các trường đại học mà không thấy họ tốt nghiệp thì nhiều khả năng họ là an ninh chìm. Thành phần này du học dĩ nhiên chỉ là cái vỏ của họ.

Cũng có một thành phần khác, các cán bộ đảng viên đi du học bằng tiền nhà nước (học bổng 322, học bổng 165, học bổng 300, học bổng 500, học bổng các tỉnh). Họ không phải là an ninh chính thống, nhưng hoạt động như một nữa an ninh, cũng xem xét dò la các hoạt động SV và thấy gì bất thường thì báo cáo chi bộ, báo cáo cấp trên.

Thật ra an ninh có việc của an ninh, chả có việc gì phải ngại hay lo sợ họ nếu ta đường hoàng chính chính làm việc, hì hì.

3/ Các quyết định, nghị quyết thông tư từ Việt Nam
Vài năm gần đây có các nghị quyết, thông tư của các vụ đại học gì gì đó gửi cho các hội SV VN tại các trường liên quan việc chấn chỉnh và lưu tâm hoạt động SV VN để giữ nó trong "khuôn khổ". Dĩ nhiên, nó chỉ dùng để hù dọa các em SV trẻ, non nớt, thiếu kinh nghiệm. Bởi vì về mặt quản lý, du học sinh độc lập với bất kỳ tổ chức giáo dục nào ở VN, kể cả Bộ GD VN. Du học sinh VN chỉ có thể bị quản lý hành chính với trường học ở Úc mà họ đăng ký học (ở các thủ tục đăng ký, kết thúc khóa học, giấy tờ để xin visa) và dĩ nhiên không ai có thể tác động đến các trường đại học này ở Úc đến việc học của du học sinh, trừ phi du học sinh đó vi phạm pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên rất nhiều em SV VN non nớt, vẫn còn mang tâm lý sợ sệt như thời ở VN mà không biết điều này, do đó các em dễ bị các nghị quyết thông tư kia hù dọa, lung lạc tinh thần.

4/ Đại sứ quán VN tại các nước
Về mặt trách nhiệm, ĐSQ VN tại các nước chỉ là nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho kiều bào, người nước ngoài là chính (các hoạt động xin visa VN, đề nghị cấp passport mới cho người Việt tại nước ngoài). Ngoài các dịch vụ này (có trả tiền, quan hệ dân sự đồng đẳng giữa người bán - người mua), ĐSQ VN tại các nước không có thẩm quyền hay tư cách gì về mặt quản lý với người Việt tại nước ngoài (trừ đảng viên, sẽ nói ở dưới). Quyền sinh sống và làm việc tại Úc chẳng hạn là do chính phủ Úc cấp qua hình thức visa. Tuy nhiên ĐSQ VN là đầu mối, cấp ủy đảng cao nhất cho tất cả đảng viên VN đang sinh sống tại nước đó (nhiều du học sinh VN không biết điều này). Nếu thấy một phong trào hay một hội SV VN nào bắt đầu lớn mạnh, Đại SQ VN có thể sẽ tác động và điều khiển ngầm qua sự hiện diện qua các đảng viên chân rết có mặt trong hội nhóm đó.

5/ Sự tiếm danh, sự ngộ nhận về tên của các Hội SV VN
Cái này là do sự ngộ nhận của nhiều người Việt về các tổ chức dân sự. Sự tiếm danh của các tổ chức dân sự giả mạo đã hiện diện quá lâu ở VN khiến nhiều người Việt dù đã ra nước ngoài vẫn còn u mê và bị lừa. Ví dụ: cái gọi là Hội SV VN tại trường A không có nghĩa nó là đại diện cho tất cả các SV VN tại trường A đó. Hội SV VN tại thành phố B không có nghĩa là đại diện cho toàn bộ SV VN tại thành phố B đó. Lãnh đạo của tổ chức SV VN đó không là lãnh đạo của SV VN. Ở nước ngoài không ai là lãnh đạo của ai (trừ khi bạn tham gia tổ chức, chính trị cụ thể nào đó, như đảng viên chẳng hạn). Sự ngộ nhận, sự tiếm danh này cũng khiến nhiều du học sinh không mạnh dạn, sợ và dễ bị ngộp với mấy cái tên của tổ chúc đó. Sự ngộ nhận này cũng gây ra (hoặc xuất phát từ) bệnh hình thức, thích danh xưng, danh hiệu của nhiều du học sinh. Mình cũng gặp không ít người đã từng tham gia vào các hội nhóm này dùng danh xưng, danh hiệu trong các tổ chức này ra để lòe thiên hạ và những người nhẹ dạ, hè hè.

Kết lại, các SV VN tại nước ngoài cần mạnh dạn và biết quyền của mình, sự tự do của mình và bảo vệ sân chơi của mình để nó được trong sáng, lành mạnh và vô tư. Ở nước ngoài, các bạn có quyền và hoàn toàn có khả năng để ngăn không cho bất kỳ ai, tổ chức chính trị nào, can thiệp vào chuyện của mình. Các bạn cũng có quyền không tham gia, hay tẩy chay các tổ chức đó nếu thấy chúng có vấn đề. Ngoài ra các bạn cũng biết vị trí mình ở đâu, quyền lợi - trách nhiệm, được và mất khi tham gia vào các tổ chức SV dân sự này và tránh không huyễn hoặc, đề cao bản thân mình thái quá khi tham gia vào các sân chơi đó.